THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
1209/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT
QUY HOẠCH PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH ĐỐI NGOẠI ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Quyết định
số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 ban hành Quy chế quản lý nhà nước
về thông tin đối ngoại;
Căn cứ Nghị định số
187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Xét đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê
duyệt Quy hoạch phát thanh, truyền hình đối ngoại đến năm 2020 với những nội dung
chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Phát thanh, truyền
hình đối ngoại là lực lượng chủ lực để thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
Trong hoạt động phát thanh, truyền hình đối ngoại cần xác định đối tượng có
trọng tâm, trọng điểm, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong
khối ASEAN, Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, người Việt Nam ở nước ngoài, đặc
biệt là thế hệ trẻ.
2. Đầu tư có trọng tâm,
trọng điểm nguồn nhân lực và tài chính để hình thành lực lượng phát thanh, truyền
hình đối ngoại chủ lực, đa dạng và hiện đại hóa các phương thức phát thanh,
truyền hình đối ngoại.
3. Nhà nước đầu tư
trang thiết bị kỹ thuật để xây dựng kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại quốc
gia, sau đó từng bước huy động mọi nguồn lực trong xã hội để duy trì và phát
triển hoạt động các kênh này.
II. MỤC TIÊU
1. Mở rộng vùng phủ sóng
phát thanh, truyền hình ra toàn cầu. Kết hợp có hiệu quả các phương thức truyền
dẫn, phát sóng và tận dụng mọi thiết bị đầu cuối theo xu hướng hội tụ công nghệ
và dịch vụ để bảo đảm tính kinh tế, hợp lý, tiết kiệm trong đầu tư phát triển
phát thanh, truyền hình đối ngoại.
2. Xây dựng, phát triển
đội ngũ cán bộ và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác phát
thanh, truyền hình đối ngoại. Mở rộng hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hình
thức hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm đạt được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ
thông tin đối ngoại.
3. Xây dựng chương trình
phát thanh, truyền hình đối ngoại quốc gia, tiến tới hình thành 01 kênh phát
thanh và 01 kênh truyền hình đối ngoại quốc gia, trên cơ sở ưu tiên cho các
chương trình, nội dung mang tính định hướng, quảng bá về hình ảnh, đất nước và
những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới.
III.
CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN
1.
Đến năm 2015
a) Bảo đảm vùng phủ sóng
vệ tinh tới tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tại các khu vực Bắc Mỹ, châu
Âu, châu Á - Thái Bình Dương và châu Đại dương;
b) Bảo đảm các kênh chương
trình phát thanh, truyền hình đối ngoại được chuyển tải trên hệ thống truyền
dẫn, phát sóng của các nhà cung cấp phát thanh, truyền hình bản địa tại khoảng
10 - 15 quốc gia tại các khu vực trọng điểm, nhất là các nước láng giềng, các
nước lớn, các nước trong khối ASEAN, Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản;
c) Hình thành 01 kênh
phát thanh đối ngoại của quốc gia đáp ứng nhu cầu thông tin đối ngoại trong
tình hình mới, với tổng thời lượng tự sản xuất cho nhiệm vụ đối ngoại 20 giờ/ngày
và từng bước hình thành 01 kênh truyền hình đối ngoại quốc gia với thời lượng
tự sản xuất tối thiểu 8 giờ/ngày phục vụ nhiệm vụ đối ngoại, xây dựng một số
chuyên mục chương trình tiêu chuẩn độ phân giải cao (HDTV) để phù hợp với nhu
cầu người xem tại nước ngoài. Đồng thời khuyến khích các đài phát thanh, truyền
hình khác sản xuất các chương trình nhằm làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú hỗ
trợ cho các kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại quốc gia.
2.
Đến năm 2020
a) Bảo đảm vùng phủ sóng
vệ tinh toàn cầu các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại;
b) Bảo đảm các kênh chương
trình phát thanh, truyền hình đối ngoại được chuyển tải trên hệ thống truyền
dẫn, phát sóng của các nhà cung cấp phát thanh, truyền hình bản địa tại khoảng
25 - 30 quốc gia ở các địa bàn trọng điểm về thông tin đối ngoại;
c) Bảo đảm 01 kênh phát
thanh đối ngoại quốc gia với thời lượng tự sản xuất đạt 24 giờ/ngày và nâng
thời lượng tự sản xuất của chương trình truyền hình đối ngoại quốc gia VTV-World
lên 24 giờ/ngày đạt các tiêu chuẩn HDTV phục vụ nhiệm vụ đối ngoại. Đồng thời
khuyến khích các đài phát thanh, truyền hình khác sản xuất các chương trình với
chất lượng cao, nội dung phong phú, hấp dẫn hỗ trợ cho các kênh phát thanh,
truyền hình đối ngoại quốc gia.
IV. CÁC KHÂU ĐỘT PHÁ
1. Tập trung nâng cao
chất lượng và thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại trên
tất cả các nội dung chính luận, văn hóa, du lịch, xã hội, lịch sử, kinh tế, đầu
tư.
2. Phát triển và nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực và các phương tiện sản xuất nội dung vài truyền
dẫn, phát sóng phục vụ công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại.
3. Hình thành 01 kênh
phát thanh và 01 kênh truyền hình đối ngoại quốc gia theo thông lệ quốc tế để
đáp ứng nhu cầu thông tin đối ngoại trong tình hình mới, nâng cao chất lượng phát
sóng các chương trình truyền hình đối ngoại đạt tiêu chuẩn HDTV.
V. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1.
Định hướng phát triển các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại
Các chương trình phát
thanh, truyền hình đối ngoại được xác định là các chương trình phát thanh, truyền
hình công ích được Nhà nước ưu tiên đầu tư về sản xuất nội dung và truyền dẫn,
phát sóng theo đối tượng sau đây:
a) Kênh chương trình
phát thanh đối ngoại quốc gia (VOV World): Kênh chương trình phát thanh VOV5 của
Đài Tiếng nói Việt Nam;
b) Kênh chương trình
truyền hình đối ngoại quốc gia: Kênh chương trình VTV4 của Đài Truyền hình Việt
Nam, sau năm 2015 thay thế bằng VTV World;
c) Kênh chương trình
truyền hình phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: Kênh chương trình VTC10
của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC;
d) Các chương trình phát
thanh, truyền hình đối ngoại phục vụ từng đối tượng, địa bàn cụ thể: Kênh chương
trình Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam và các chương trình phát thanh, truyền
hình của các đài phát thanh, truyền hình địa phương;
đ) Một số chương trình
phát thanh và truyền hình đối ngoại khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ.
2.
Định hướng phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đối
ngoại
a) Phạm vi và phương
thức truyền dẫn, phát sóng phục vụ phát thanh đối ngoại:
- Kênh chương trình phát
thanh đối ngoại quốc gia VOV5 của Đài Tiếng nói Việt Nam:
+ Sóng AM:
Đến 2015: Phủ sóng châu
Âu, Đông Bắc Mỹ, Tây Bắc Mỹ, một phần Trung Mỹ, Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật
Bản, Trung Đông, một phần châu Phi và vùng Caribe;
Đến năm 2020: Tăng cường
sóng ngắn thuê nước ngoài để phủ sóng tại những phân còn lõm sóng như Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Đại dương và châu Phi; đầu tư tăng công suất phát sóng nhằm mở rộng
và nâng cao chất lượng phủ sóng phát thanh đối ngoại từ trong nước.
+ Sóng FM:
Ở Việt Nam: Tăng công
suất phát sóng FM đối ngoại tại Hà Nội, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh, mở
rộng vùng phủ sóng ra một số địa bàn khác như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Ninh
Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Cần Thơ, Tây Nguyên.
Ở nước ngoài: Thuê phát
sóng một số chương trình đối ngoại tại một số nước, trước mắt là Lào và Campuchia.
Cụ thể: Tại Lào, thuê phát sóng FM các chương trình tiếng Lào, tiếng Anh, tiếng
Pháp và chương trình phát thanh của Việt kiều; tại Campuchia: Thuê phát sóng FM
các chương trình tiếng Khmer, tiếng Anh, tiếng Pháp và chương trình của Việt
kiều.
+ Qua Internet:
Sử dụng hệ thống cung
cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình phục vụ thông tin đối ngoại đối với cộng
đồng người Việt Nam ở nước ngoài để chuyển tải chương trình phát thanh đối ngoại
quốc gia VOV5 và một số chương trình phát thanh khác theo quy định của Bộ Thông
tin và Truyền thông.
Phát sóng chương trình
phát thanh đối ngoại quốc gia VOV5 trên cổng thông tin điện tử của Đài Tiếng
nói Việt Nam.
+ Qua vệ tinh:
Phối hợp với Đài Truyền
hình Việt Nam và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phát sóng chương trình phát
thanh đối ngoại quốc gia VOV5 trên hệ thống truyền dẫn phát sóng qua vệ tinh
các chương trình đối ngoại VTV4 (VTV World sau năm 2015), VTC10.
- Các chương trình phát
thanh của các đài phát thanh, truyền hình địa phương phục vụ công tác đối ngoại
tại chỗ:
Tăng cường phủ sóng tại
những khu vực còn lõm sóng theo quy hoạch đã được phê duyệt bằng các phương thức
AM và FM.
b) Phạm vi và phương
thức truyền dẫn, phát sóng phục vụ các chương trình truyền hình đối ngoại:
- Truyền dẫn, phát sóng
qua vệ tinh:
Đến năm 2015: Tiếp tục
phát triển kênh VTV4 (VTV World sau năm 2015), theo hướng nâng cao chất lượng
đạt tiêu chuẩn HDTV và vùng phủ sóng vệ tinh băng tần C và Ku toàn cầu. Phủ
sóng các kênh làm nhiệm vụ thông tin đối ngoại quốc gia và các kênh đối ngoại
khác trước hết tại một số khu vực: châu Á, châu Đại dương, châu Âu, Bắc Mỹ bằng
vệ tinh băng tần C và Ku.
Đến năm 2020: Phát sóng
các kênh làm nhiệm vụ thông tin đối ngoại quốc gia và các kênh làm nhiệm vụ
thông tin đối ngoại khác theo tiêu chuẩn HDTV toàn cầu bằng vệ tinh băng tần C
và Ku.
- Truyền dẫn, phát sóng
qua mạng phát thanh, truyền hình nội địa của các quốc gia và vùng lãnh thổ sau:
Đến năm 2015: Dự kiến
sẽ cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình đối ngoại tại các mạng phát thanh,
truyền hình nội địa của các quốc gia sau: Bắc Mỹ (Mỹ, Canada); châu Âu (Anh,
Đức, Pháp, Nga, Séc, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan, một số nước Bắc Âu); châu Á
(Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc); châu Úc (Úc) và một số khu vực trọng điểm
khác.
Đến năm 2020: Dự kiến
sẽ cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình tại các mạng phát thanh, truyền
hình nội địa của các quốc gia sau: Bắc Mỹ (Mỹ, Canada); châu Âu (Anh, Đức,
Pháp, Nga, Séc, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan, các nước Bắc Âu); châu Á (Campuchia,
Lào, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines,
Thái Lan); châu Đại dương (Úc, New Zeland); châu Phi (Algerie, Nam Phi) và một
số khu vực trọng điểm khác.
- Truyền dẫn, phát sóng
qua mạng Internet:
Cung cấp một số
chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm các chương trình VTV4 (VTV World sau năm 2015), VTC10, chương
trình VOV5 và các kênh chương trình phát thanh, truyền hình khác.
- Truyền dẫn, phát sóng
các chương trình truyền hình của các đài phát thanh, truyền hình địa phương
phục vụ công tác đối ngoại tại chỗ:
Tiếp tục tăng cường phủ
sóng tại những khu vực còn lõm sóng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
3.
Định hướng cải tiến và nâng cao chất lượng nội dung các kênh chương trình phát
thanh, truyền hình đối ngoại
a) Xây dựng kênh chương
trình phát thanh đối ngoại bằng tiếng nước ngoài với chất lượng ngang tầm khu
vực, nghiên cứu công nghệ phát thanh số để đáp ứng yêu cầu nghe phát thanh chất
lượng cao:
- Tiếp tục sản xuất các
chương trình phát thanh bằng 14 thứ tiếng: Việt Nam, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung
Quốc phổ thông, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Lào, Thái Lan, Khmer, Ả Rập
và Hàn Quốc;
- Các kênh chương trình
phát thanh đối ngoại tiếp tục cải tiến nội dung, thay thế một số chuyên mục
không, còn phù hợp và xây dựng một số chuyên mục mới phù hợp với tình hình và
đáp ứng nhu cầu thông tin đối ngoại.
b) Xây dựng kênh truyền
hình đối ngoại bằng tiếng nước ngoài với chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu
ngày càng cao của người xem:
- Ưu tiên sản xuất các
chương trình truyền hình đối ngoại phù hợp với các khu vực có nền văn hóa khác
nhau gồm các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha;
- Phát triển các dịch
vụ phụ đề tiếng nước ngoài tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn
Quốc, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để đáp ứng nhu cầu của từng khu vực.
c) Đổi mới nội dung các
chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại theo hướng:
Chủ động, kịp thời thông
tin về thành tựu của công cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách,
pháp luật của Đảng, Nhà nước, tiềm năng phát triển và hợp tác của Việt Nam, về
đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, những giá trị vật chất và tinh thần của
dân tộc. Chú trọng giới thiệu chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực. Tăng cường thông tin về kinh tế đối
ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, du lịch, hội nhập quốc
tế của Việt Nam.
VI.
CÁC GIẢI PHÁP
1.
Giải pháp hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và pháp luật đối với các hoạt
động phát thanh, truyền hình đối ngoại
a) Xây dựng, sửa đổi
và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực báo
chí nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý và hướng dẫn về nội dung, phương pháp cho
công tác thông tin đối ngoại nói chung và công tác phát thanh, truyền hình đối
ngoại nói riêng.
b) Hoàn thiện các cơ
chế, chính sách để thống nhất chỉ đạo, phân cấp, tổ chức thực hiện và tăng cường
sự phối hợp giữa các đơn vị tham gia công tác thông tin đối ngoại phát huy được
lợi thế, sở trường của mình, đồng thời tránh được sự chồng chéo về chức năng và
nhiệm vụ, gây lãng phí về kinh phí trong khi vẫn bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm
vụ liên quan đến công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại; nghiên cứu thành
lập tổ hợp phát thanh, truyền hình đối ngoại quốc gia trên cơ sở tổ chức sắp
xếp lại các đơn vị làm công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại hiện nay.
c) Tiếp tục triển
khai chương trình nghiên cứu, khảo sát thông tin đối ngoại, làm căn cứ xây dựng
kế hoạch, chương trình phát thanh, truyền hình phù hợp với đặc điểm và nhu cầu
của các nhóm đối tượng trong và ngoài nước.
d) Hoàn thiện các cơ
chế, chính sách để từng bước chuyển từ việc giao cho các đơn vị thực hiện nhiệm
vụ phát thanh, truyền hình đối ngoại sang hình thức đặt hàng dịch vụ công của Nhà
nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc chi ngân sách cho phát
thanh, truyền hình đối ngoại.
đ) Kiện toàn tổ chức
các văn phòng đại diện thông tấn, báo chí của Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm sự
thống nhất, coi trọng tính hiệu quả, sự phối hợp ở các địa bàn trọng điểm, khu vực
và quốc gia cần ưu tiên trong hoạt động thông tin đối ngoại.
2.
Giải pháp về đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn đạt chất lượng quốc tế
Thúc đẩy số hóa và
đổi mới công nghệ từ khâu sản xuất, dựng, truyền dẫn, phát sóng phát thanh,
truyền hình đối ngoại để có chất lượng đạt chuẩn khu vực và quốc tế, tương
thích với mọi tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị nghe xem của các nước thế
giới.
3.
Giải pháp về tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đầu tư tài chính,
cơ sở vật chất cho công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại
a) Chính sách đào tạo,
bồi dưỡng nhân lực:
- Xây dựng, hoàn thiện
và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ làm công tác phát
thanh, truyền hình đối ngoại, đặc biệt là đội ngũ cán bộ của các đơn vị chủ lực
trong công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại, các phóng viên, bình luận
viên về các vấn đề trong nước và quốc tế, các chuyên gia đấu tranh phản bác các
luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch;
- Tăng cường ngân sách
cho đào tạo, bồi dưỡng, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người làm công
tác thông tin đối ngoại.
b) Chính sách huy động
vốn đầu tư:
- Ưu tiên sử dụng vốn
ngân sách nhà nước để đầu tư đổi mới và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật,
xây dựng nội dung chương trình đối ngoại, cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng
cho các cơ quan chuyên trách làm công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại,
đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho các đơn vị chủ lực. Bố trí ngân sách để triển
khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trong Phụ lục của Quy hoạch này;
- Huy động các nguồn
lực để phát triển hệ thống phát thanh, truyền hình phục vụ đối ngoại;
- Bảo đảm ngân sách để
hợp tác với các đối tác nước ngoài triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại
như: Mời phóng viên báo chí nước ngoài vào Việt Nam để đưa tin viết, bài, làm
phóng sự, làm phim giới thiệu Việt Nam ở nước ngoài, thuê khoán cộng tác viên
nước ngoài làm phát thanh viên và biên tập, hiệu đính bài vở; hợp tác với các
đài truyền hình nước ngoài để xây dựng các chương trình quảng bá hình ảnh Việt
Nam;
- Nghiên cứu xây dựng,
thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính phục vụ công tác thông tin
đối ngoại nói chung và công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại trong giai
đoạn mới.
4.
Giải pháp đa dạng các hình thức hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài nhằm
đạt được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại
a) Khuyến khích, tạo
điều kiện để các cơ quan, đơn vị, địa phương, huy động các nguồn lực của các tổ
chức và cá nhân trong và ngoài nước để phát triển một số hoạt động phát thanh, truyền
hình đối ngoại.
b) Khuyến khích việc
cung cấp, trao đổi bản quyền phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình
đối ngoại với các tổ chức trong và ngoài nước theo những nguyên tắc được thỏa thuận
nhằm đạt được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
c) Hợp tác, hỗ trợ
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lập kênh truyền hình tiếng Việt, bảo đảm
sự trao đổi nội dung thông tin, phù hợp với những định hướng của công tác thông
tin đối ngoại.
d) Có chính sách khuyến
khích, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp hiệu quả trong
công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại.
đ) Đẩy mạnh công tác
thông tin, tuyên truyền bằng tất cả các hình thức để giới thiệu, kết nối với các
đối tác nước ngoài tiếp phát các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ
đối ngoại.
e) Đẩy mạnh hợp tác với
các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, các đài, hãng phát
thanh, truyền hình quốc tế trong việc trao đổi chương trình, đào tạo chuyên gia
trong lĩnh vực sản xuất nội dung, kỹ thuật và quản lý phát thanh, truyền hình.
5.
Giải pháp về hạ tầng và dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình
Các đơn vị, doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình trong nước có
trách nhiệm:
- Phủ sóng và cung cấp
dịch vụ phát thanh, truyền hình ở địa phương nào phải dành dung lượng để truyền
tải các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại, bảo đảm trên địa
bàn có ít nhất một mạng truyền dẫn, phát sóng chuyển tải các chương trình này
phục vụ mục tiêu thông tin đối ngoại tại chỗ;
- Không khóa mã các kênh
chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại để bảo đảm tất cả thiết bị thu
hình (máy thu hình, đầu thu truyền hình, máy tính, thiết bị đi động) đều thu
được các chương trình này của các mạng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền
hình khác nhau;
- Ưu tiên dung lượng
trên các vệ tinh của Việt Nam để chuyển tải các chương trình phát thanh, truyền
hình phục vụ đối ngoại;
- Trên cơ sở nâng cao
hiệu quả sản xuất, tiếp tục có chính sách giảm giá cước các dịch vụ thuê kênh
trong nước và quốc tế bằng hoặc thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới,
để phát triển thị trường dịch vụ truyền dẫn tín hiệu nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc
trao đổi nội dung, chương trình giữa các đài phát thanh, truyền hình.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1.
Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Tổ chức triển khai
và theo dõi thực hiện quy hoạch, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của đất
nước, trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần cập nhật, điều chỉnh Quy
hoạch cho phù hợp; thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện, báo
cáo Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại.
b) Phối hợp với các Bộ:
Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ
tướng Chính phủ hoàn thiện các cơ chế, chính sách để từng bước chuyển từ việc
giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát thanh, truyền hình đối
ngoại sang hình thức đặt hàng của nhà nước.
c) Thẩm định và phê duyệt
kế hoạch cung cấp chương trình phát thanh, truyền hình của các đơn vị phù hợp
với đặt hàng của Nhà nước.
2.
Bộ Ngoại giao
a) Chủ trì theo dõi,
nghiên cứu, tổng hợp dư luận nước ngoài đánh giá về chất lượng và nội dung các chương
trình phát thanh, truyền hình đối ngoại.
b) Cung cấp thông tin
về các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương
liên quan hướng dẫn các đài phát thanh, truyền hình đưa tin về tình hình quốc
tế, tin trong nước liên quan đến đối ngoại.
c) Phối hợp với Bộ Thông
tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan giúp đỡ, hỗ trợ các đơn vị phát
thanh, truyền hình triển khai cung cấp các chương trình phát thanh, truyền hình
phục vụ đối ngoại trên địa bàn nước ngoài.
3.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp
với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính trong việc huy động các nguồn vốn
cho việc đầu tư phát triển phát thanh, truyền hình đối ngoại.
b) Chủ trì, phối hợp
với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch bảo đảm kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước
để đầu tư xây dựng và triển khai các chương trình, dự án theo Quy hoạch này.
c) Chủ trì, phối hợp
với Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sửa đổi,
bổ sung Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích đối với dịch vụ phát thanh, truyền
hình đối ngoại.
4.
Bộ Tài chính
a) Bảo đảm kinh phí trong
dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và thực
hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, hoạt động phát thanh, truyền hình đối
ngoại.
b) Chủ trì, phối hợp
với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính phục vụ công
tác thông tin đối ngoại nói chung và công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại
trong giai đoạn mới.
5.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ và chức năng của mình:
a) Cung cấp thông tin
cho các đài phát thanh, truyền hình về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực và địa
bàn quản lý theo quy định.
b) Chỉ đạo các đài phát
thanh, truyền hình cấp tỉnh, thành phố xây dựng các chương trình phát thanh,
truyền hình phục vụ đối ngoại tại chỗ và cung cấp bản quyền các chương trình
của mình để phục vụ công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại quốc gia.
6.
Đài Truyền hình Việt Nam
a) Căn cứ vào Quy hoạch
đã được phê duyệt, các đơn vị xây dựng kế hoạch dự trù kinh phí và triển khai hoạt
động truyền hình đối ngoại hàng năm theo quy định, để bảo đảm mục tiêu Quy hoạch.
b) Xây dựng kênh chương
trình truyền hình VTV4 (VTV World sau năm 2015), với một số chuyên mục đạt tiêu
chuẩn HDTV để phát sóng ra nước ngoài.
c) Từng bước xây dựng
kênh chương trình truyền hình đối ngoại quốc gia VTV-World trên cơ sở nâng cấp
kênh chương trình truyền hình VTV4 bằng tiếng Anh để đưa thông tin Việt Nam ra
các nước trên thế giới.
7.
Đài Tiếng nói Việt Nam
a) Căn cứ vào Quy
hoạch đã được phê duyệt, các đơn vị xây dựng kế hoạch dự trù kinh phí và triển
khai hoạt động phát thanh đối ngoại hàng năm theo quy định, để bảo đảm mục tiêu
Quy hoạch.
b) Xây dựng kênh chương
trình phát thanh đối ngoại quốc gia để đưa thông tin Việt Nam ra các nước trên thế giới.
8.
Các đài phát thanh, truyền hình và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền
dẫn, phát sóng
a) Căn cứ vào Quy
hoạch đã được phê duyệt, các đơn vị xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí và triển
khai hoạt động phát thanh, truyền hình đối ngoại hàng năm theo quy định, để bảo
đảm thực hiện các mục tiêu Quy hoạch.
b) Tăng cường đẩy
mạnh việc dùng chung cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền
hình đối ngoại.
c) Quảng bá về các chương
trình phát thanh, truyền hình đối ngoại của Việt Nam với báo chí và bạn bè quốc
tế.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng giám đốc, Giám đốc các đơn vị phát thanh,
truyền hình và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (3b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
PHỤ
LỤC
DANH MỤC CÁC NHÓM DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM QUY HOẠCH PHÁT THANH,
TRUYỀN HÌNH ĐỐI NGOẠI ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1209/QĐ-TTg
ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)
Nhóm Dự án I: “Mở rộng phủ sóng truyền hình đối ngoại qua vệ
tinh”
Mục tiêu dự án: Mở rộng
vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình đối ngoại tới các khu vực và các nước,
vùng lãnh thổ chưa được nghe xem phát thanh, truyền hình đối ngoại quốc gia
bằng phương thức truyền dẫn, phát sóng vệ tinh.
Nguồn vốn: Ngân sách
nhà nước và các nguồn lực khác.
Kinh phí dự kiến: 500
tỷ đồng.
Đơn vị thực hiện: Đài
Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền
hình Kỹ thuật số VTC và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ
truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình.
Thời gian: 2012 -
2020.
Nhóm Dự án II: “Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh đối ngoại”
Mục tiêu dự án: Tăng
cường phủ sóng mạnh, ổn định, liên tục và chất lượng cao cho phát thanh đối ngoại
bằng sóng AM và FM chất lượng cao.
Nguồn vốn: Ngân sách
nhà nước và các nguồn lực khác.
Kinh phí dự kiến: 100
tỷ đồng.
Đơn vị thực hiện: Đài
Tiếng nói Việt Nam chủ trì, các đài phát thanh, truyền hình địa phương, các tổ
chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh,
truyền hình.
Thời gian:
2012-2020.
Nhóm Dự án III: “Phát triển mạng phát thanh, truyền hình đối
ngoại qua phương thức Internet phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở
nước ngoài”
Mục tiêu dự án: Phát
triển hệ thống mạng phát thanh, truyền hình đối ngoại qua phương thức Internet trên
toàn thế giới phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nguồn vốn: Ngân sách
nhà nước và các nguồn lực khác.
Kinh phí dự kiến: 800
tỷ đồng.
Đơn vị thực hiện: Đơn
vị được Nhà nước đặt hàng thông qua đấu thầu.
Thời gian: 2012 -
2020.
Nhóm Dự án IV “Mở rộng truyền dẫn, phát sóng phát thanh,
truyền hình đối ngoại qua mạng truyền hình cáp và số mặt đất nội địa tại nước
ngoài”
Mục tiêu dự án: Phát
triển hệ thống mạng phát thanh, truyền hình đối ngoại qua mạng phát thanh, truyền
hình nội địa tại nước ngoài đáp ứng nhu cầu thông tin đối ngoại trên thế giới.
Nguồn vốn: Ngân sách
nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp.
Kinh phí dự kiến: 190
tỷ đồng.
Đơn vị thực hiện: Đài
Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC
và các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát
thanh, truyền hình.
Thời gian: 2012 -
2020
Nhóm Dự án V: “Xây dựng kênh chương trình phát thanh, truyền
hình đối ngoại quốc gia”
Mục tiêu dự án: Xây dựng
kênh và phát triển nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại
quốc gia với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nguồn vốn: Ngân sách
nhà nước và các nguồn lực khác.
Kinh phí dự kiến: 2.500
tỷ đồng.
Đơn vị thực hiện: Đài
Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thời gian: 2012 -
2020.
Nhóm Dự án VI: “Đa dạng hóa nội dung các sản phẩm phát
thanh, truyền hình đối ngoại thông qua hình thức đặt hàng"
Mục tiêu dự án: Đa dạng
hóa nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại.
Nguồn vốn: Ngân sách
nhà nước và các nguồn lực khác.
Kinh phí dự kiến: 500
tỷ đồng trong đó 250 tỷ từ ngân sách nhà nước.
Đơn vị thực hiện: Thông
tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, các đài phát thanh, truyền
hình khác được Nhà nước đặt hàng.
Thời gian: 2012 -
2020
Nhóm Dự án VII: “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực làm công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại”
Mục tiêu dự án: Xây dựng,
hoàn thiện và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ làm
công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại.
Nguồn vốn: Ngân sách
nhà nước và các nguồn lực khác.
Kinh phí dự kiến: 100
tỷ đồng.
Đơn vị thực hiện: Đài
Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC,
các đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương.
Thời gian: 2012 -
2020.
Nhóm Dự án VIII: “Chương trình nghiên cứu, khảo sát thông
tin đối ngoại, làm căn cứ xây dựng kế hoạch, chương trình phát thanh, truyền
hình phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của các nhóm đối tượng trong và ngoài nước”
Mục tiêu dự án: Điều
tra nhằm xác định nhu cầu nghe xem phát thanh, truyền hình đối ngoại tại từng khu
vực và quốc gia trên thế giới, đánh giá tỷ lệ nghe xem phát thanh, truyền hình
đối ngoại theo các phương thức khác nhau làm cơ sở xây dựng kế hoạch, chương
trình phát thanh, truyền hình phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của các nhóm đối
tượng trong và ngoài nước.
Nguồn vốn: Ngân sách
nhà nước.
Kinh phí dự kiến: 60
tỷ đồng.
Đơn vị thực hiện: Bộ
Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao.
Thời gian: 2012 -
2020.