ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1026/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày
29 tháng 8 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG XÃ ĐẠT TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2012 – 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số
3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí
quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020;
Căn cứ Nghị quyết số
14/2012/NQ-HĐND ngày 20/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc Xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc
gia về y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 – 2015;
Căn cứ Quyết
định số 509/QĐ-UBND, ngày 14/4/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc
phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Y tế, Bảo vệ chăm
sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn
2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ
trình số 809/TTr-SYT ngày 16/8/2012 về việc đề nghị phê
duyệt Đề án xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh Yên
Bái, giai đoạn 2012 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế
trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 – 2015, với các nội dung chủ yếu như
sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ
sở về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị đáp ứng "Bộ tiêu chí quốc
gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020" do Bộ Y tế ban hành. Huy động được sự
tham gia của toàn thể xã hội vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND),
góp phần ngày càng nâng cao chất lượng các hoạt động CSSKND, đưa các dịch vụ y
tế đến gần dân, đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, từng
bước thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khoẻ góp phần nâng cao chất lượng
cuộc sống ngay từ tuyến đầu tiên trong hệ thống y tế.
2. Mục tiêu cụ thể
Triển khai thực hiện xây dựng xã đạt
Tiêu chí quốc gia về y tế đồng thời ở tất cả các xã, phường trên địa bàn tỉnh;
trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị,
nhân lực cho các xã đăng ký đạt chuẩn trong giai đoạn 2012- 2015; phấn đấu đến
năm 2015 có 30% số xã (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt Tiêu
chí quốc gia về y tế theo quy định của Bộ Y tế.
3. Địa điểm thực
hiện Đề án
Tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố của
tỉnh Yên Bái.
4. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp
chính quyền địa phương đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe
nhân dân; hàng năm đưa chỉ tiêu xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế vào
nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và
tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của
các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về việc xây dựng xã đạt tiêu chí quốc
gia về y tế. Củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của Ban chăm sóc sức
khỏe nhân dân cấp xã.
b) Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế
xã đảm bảo đủ số lượng, phù hợp về cơ cấu chuyên môn, đạt chuẩn về trình độ đào
tạo. Rà soát đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có, trên cơ sở đó sắp xếp,
bố trí cán bộ cho hợp lý; tuyển dụng cán bộ chuyên trách dân số cấp xã vào viên
chức trạm y tế xã; tiếp tục thực hiện chủ trương lồng ghép 2 chức danh nhân
viên y tế thôn bản với cộng tác viên dân số. Đào tạo 92 bác sỹ, 50 cán bộ y học
cổ truyền, 500 nhân viên y tế thôn bản cho tuyến xã. Nâng cao phẩm chất đạo đức,
lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các
chính sách, chế độ đối với cán bộ y tế xã.
c) Tập trung
huy động tổng hợp các nguồn vốn của các chương trình, dự án trong và ngoài nước,
nguồn vốn của Trung ương, địa phương và huy động sự đóng góp của xã hội, để đầu
tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế xã. Xây dựng mới
39 trạm; sửa chữa, nâng cấp 15 trạm y tế xã; mua sắm, bổ sung trang thiết bị 65
trạm y tế xã. Phấn đấu đến năm 2015 có 40% số trạm y tế đạt tiêu chí cơ sở vật
chất và 50% trạm y tế xã đạt tiêu chí trang thiết bị.
d) Nâng cao chất
lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu theo
quy định. Tăng cường ứng dụng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền với y học hiện
đại. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
Phát hiện sớm và báo cáo kịp thời các bệnh truyền nhiễm gây bệnh theo quy định
của Bộ Y tế, tăng cường giám sát chặt chẽ các dịch bệnh nguy hiểm, có biện pháp
đề phòng và không để có dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác
dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người tàn tật
tại cộng đồng.
đ) Tăng cường
công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho nhân dân, đa dạng hóa các
loại hình truyền thông và phù hợp với từng loại đối tượng. Chú trọng thực hiện công tác truyền thông về vệ sinh môi trường, phòng
chống dịch bệnh và các tiêu chí quốc
gia về y tế xã bằng nhiều kênh, nhiều hình thức. Đặc biệt chú ý người dân tộc
thiểu số, người dân ở vùng khó khăn, để mọi người dân nâng cao nhận thức và thực
hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Lồng ghép công tác truyền thông về
chăm sóc sức khỏe cộng đồng với việc triển khai thực hiện các phong trào
như: Làng Văn hóa, Làng sức khỏe và Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa
bàn toàn tỉnh.
5. Kinh phí và
cơ cấu nguồn vốn thực hiện Đề án
Tổng
kinh phí dự kiến thực hiện Đề án giai đoạn 2012 - 2015 là: 153.048 triệu đồng (chưa bao gồm kinh phí đào tạo
cán bộ được thực hiện lồng ghép trong Đề án Phát triển nguồn nhân lực Y tế trên
địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011- 2015). Trong đó:
- Tổ chức Atlantic Philanthropies/Hoa kỳ (AP)
tài trợ thông qua Dự án "Cải thiện hệ thống y tế cơ sở tỉnh Yên Bái"
giai đoạn I: 50.000 triệu đồng;
- Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) tài trợ thông
qua Dự án “Tăng cường hệ thống y tế” giai đoạn II: 12.588 triệu đồng;
- Ngân sách trung ương hỗ trợ đối ứng Dự án
"Cải thiện hệ thống y tế cơ sở tỉnh Yên Bái" giai đoạn I: 30.000 triệu
đồng
- Ngân sách tỉnh: 22.960 triệu đồng, gồm:
+ Đối ứng Dự án "Cải thiện hệ thống y tế cơ
sở tỉnh Yên Bái" giai đoạn I: 20.000 triệu đồng
+ Bổ sung mới để hỗ trợ thực hiện Đề án: 2.420
triệu đồng (riêng năm 2012 bố trí 80 triệu đồng cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh
kiểm tra, giám sát và đánh giá, công nhận xã đạt tiêu chí năm 2012).
- Ngân sách huyện hỗ trợ hoạt động Ban chỉ đạo
huyện: 540 triệu đồng;
- Nguồn tài trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:
21.000 triệu đồng;
- Vận động tài trợ từ các nguồn xã hội hóa và lồng
ghép với các chương trình, dự án khác: 16.500 triệu đồng.
6. Tổ chức thực
hiện
a) Sở Y tế:
Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo
Đề án Xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y
tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012- 2015 của tỉnh; có trách
nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Đề án, đề xuất các giải pháp và
điều phối các hoạt động thực hiện Đề án. Chủ động phối hợp với các ngành thành
viên của Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch từng năm và tổ chức sơ kết,
tổng kết, rút kinh nghiệm.
Chủ trì thực hiện các chương
trình, dự án về nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực
cho trạm y tế xã.
Hướng dẫn UBND các huyện, thị,
thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã đạt Tiêu
chí quốc gia về y tế trên địa bàn.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hàng
năm tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch xã đạt tiêu chí quốc gia về y
tế theo “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020”. Phối hợp với Sở
Tài chính bố trí kinh phí và lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Đề án theo tiến
độ kế hoạch đề ra.
c) Sở Tài chính:
Chủ trì phối hợp với Sở Y tế cân đối,
tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện Đề án
theo tiến độ, kế hoạch; hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đảm
bảo hiệu quả.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
Chủ trì việc xây dựng và triển
khai các dự án về nước sạch và môi trường nông thôn; tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát các công trình nước sạch được xây dựng và sử dụng có hiệu quả.
Phối hợp lồng ghép Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới với Đề án xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc
gia về y tế trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên
quan, các địa phương hướng dẫn người dân sản xuất, chế biến, sử dụng và bảo quản
thực phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn nông dân bảo
quản, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật đúng quy trình; hướng dẫn quản lý, xử lý
chất thải hợp vệ sinh.
đ) Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Y tế rà soát, quy
hoạch đội ngũ cán bộ y tế xã, phường; xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng bổ
sung các chức danh còn thiếu đảm bảo cơ cấu viên chức cho trạm y tế xã theo quy
định.
e) Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì phối hợp với ngành Y tế chỉ
đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến nội dung “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020”, vai
trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong công tác chăm sóc và
bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
g) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thực hiện kế hoạch lồng ghép hoạt
động xây dựng "làng văn hóa - sức khoẻ" với thực hiện Đề án xây dựng
xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
h) Sở Giáo dục và Đào tạo:
Phối hợp với ngành Y tế triển khai
công tác y tế trường học và nha học đường; đảm bảo bố trí cán bộ, cơ sở vật chất
y tế trường học; đưa các nội dung giáo dục sức khoẻ vào chương trình học tập
cho học sinh trong trường học.
i) Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội:
Phối hợp với ngành Y tế và các ngành
liên quan triển khai việc chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng chính sách, triển
khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người tàn tật,
chương trình chăm sóc sức khoẻ trẻ em và người cao tuổi; triển khai hoạt động
khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày
15/10/2002 và Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính
phủ.
k) Sở Tài nguyên và Môi trường:
Nghiên cứu tham mưu quy hoạch, bố
trí quỹ đất cho các trạm y tế xã để
xây dựng các trạm y tế xã phù hợp
với “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020”; kiểm tra việc sử dụng
đất đúng mục đích.
l) Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến
đầu tư tỉnh:
Chủ trì phối hợp với ngành Y tế
triển khai Dự án "Cải thiện hệ thống y tế cơ sở tỉnh Yên Bái"
do Tổ chức AP tài trợ.
Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công
tác vận động các dự án nước ngoài tài trợ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân
dân ở tuyến cơ sở.
m) Bảo hiểm xã hội tỉnh:
Tổ chức triển khai thực hiện tốt
Luật Bảo hiểm y tế, mở rộng Bảo hiểm y tế tới các đối tượng tiến tới hoàn thành
mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc quản
lý, thực hiện công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
n) Uỷ ban nhân dân các huyện, thị,
thành phố:
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực
hiện Đề án; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện Đề án xây dựng xã đạt Tiêu
chí quốc gia về y tế trên địa bàn.
Chỉ đạo, kiện toàn, duy trì hoạt động
của Ban chỉ đạo Đề án xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế tỉnh Yên Bái,
giai đoạn 2012-2015 cấp huyện, xã.
Bố trí kinh phí cho hoạt động hàng
năm của Ban chỉ đạo cấp huyện.
o) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc
tỉnh và các đoàn thể thành viên:
Phối hợp đẩy mạnh cuộc vận động toàn
dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với việc thực hiện các tiêu chuẩn
của “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020”. Tuyên truyền vận động
đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt
động chăm sóc sức khoẻ, đóng góp nguồn lực để thực hiện Đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Thủ
trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và Phó CTUBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Như Điều 3 Quyết định;
- Chánh, Phó Văn phòng;
- Lưu: VT, TH, VX.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Phạm Duy Cường
|