THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/2014/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 01 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC CÔNG KHAI CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN PHƯƠNG TIỆN, ĐIỀU KIỆN
LÀM VIỆC, CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật phòng, chống tham
nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005 (sửa đổi năm 2007 và năm 2012);
Căn cứ Luật ban hành các văn bản
pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản
nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật cán bộ, công chức số
22/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật phổ biến, giáo dục
pháp luật số 14/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
chính;
Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết
định về việc công khai chế độ, chính sách liên quan
đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với
cán bộ, công chức, viên chức,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng
và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng áp dụng:
a) Cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành,
địa phương được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ xây dựng, ban hành chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện
làm việc, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Các chế độ, chính sách trong quá
trình soạn thảo để trình cấp có thẩm quyền thông qua và các chế độ, chính sách
đã được ban hành liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức (trừ các chế độ, chính sách
thuộc danh mục bí mật nhà nước).
b) Thủ trưởng các cơ quan của Đảng Cộng
sản Việt Nam, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội,
tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề
nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị, tổ chức), doanh nghiệp nhà nước
công khai việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan
đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với
cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
2. Phạm vi công khai:
a) Các chế độ, chính sách (trong quá
trình soạn thảo chế độ, chính sách để trình cấp có thẩm quyền thông qua; chế độ,
chính sách được ban hành) liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ
đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức.
b) Việc thực hiện chế độ, chính sách
liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước
đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 2. Nguyên tắc
công khai
1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính
xác nội dung các thông tin về chế độ, chính sách và việc
thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế
độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức;
2. Việc công khai phải đảm bảo quyền
của nhân dân được biết, tham gia ý kiến để giám sát thực hiện chế độ, chính
sách thông qua những hình thức công khai quy định tại Điều 3 của Quyết định
này.
Điều 3. Hình thức
công khai
1. Việc công khai chế độ, chính sách
liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước
đối với cán bộ, công chức, viên chức của Quyết định này được thực hiện thông
qua các hình thức sau:
a) Công bố trong các kỳ họp thường
niên của cơ quan, đơn vị, tổ chức;
b) Phát hành ấn phẩm;
c) Niêm yết công khai tại trụ sở làm
việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức, khu dân cư;
d) Thông báo bằng văn bản đến các cơ
quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan;
đ) Đưa lên trang thông tin điện tử;
e) Thông báo trên
các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô,
áp-phích, tranh cổ động;
g) Các hình thức công khai khác.
2. Căn cứ vào nội dung, mục đích, thời
điểm công khai chế độ, chính sách và thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến
phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán
bộ, công chức, viên chức; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, tổ chức ở Trung ương (dưới đây gọi chung là Bộ,
cơ quan Trung ương) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hình thức
công khai đối với các nội dung thực hiện công khai theo quy định tại Điều 4, Điều
5 cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý và nhân dân, đảm bảo
hiệu quả, tiết kiệm.
Chương 2.
NHỮNG NỘI DUNG
CÔNG KHAI CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH
Điều 4. Nội dung
công khai
Các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban
nhân dân các cấp công khai chế độ, chính sách được xây dựng,
ban hành theo thẩm quyền quy định liên quan đến các nội dung:
1. Tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản
lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp
công lập, công ty nhà nước;
2. Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị
và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
3. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở
làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp;
4. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở
làm việc tại cơ quan nhà nước tại xã, phường, thị trấn.
5. Chế độ sử dụng lao động, trợ cấp
thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn,
nghiệp vụ, tay nghề, tiền lương, tiền thưởng, khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động.
6. Các chế độ, chính sách đãi ngộ
khác đối với cán bộ, công chức, viên chức (trừ các chế độ, chính sách thuộc
danh mục bí mật nhà nước).
Điều 5. Thực hiện
công khai
1. Công khai việc xây dựng chế độ,
chính sách liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 4 Quyết định này.
a) Các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy
ban nhân dân các cấp công khai nội dung dự thảo và lấy kiến đóng góp của các Bộ,
ngành, địa phương và nhân dân theo quy định của pháp luật.
b) Thời điểm công khai thực hiện ngay
sau khi nội dung dự thảo chính sách, chế độ được cấp có thẩm quyền cho phép lấy
ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân.
2. Công khai nội dung chế độ, chính
sách được cấp có thẩm quyền ban hành liên quan đến các nội dung quy định tại Điều
4 Quyết định này.
a) Các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy
ban nhân dân các cấp công khai nội dung chế độ, chính sách đã được cấp có thẩm
quyền ban hành.
b) Thời điểm công khai thực hiện ngay
sau khi chế độ, chính sách có hiệu lực thi hành.
3. Công khai việc thực hiện chế độ,
chính sách liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 4 Quyết định này.
a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ
chức, doanh nghiệp nhà nước, công khai việc thực hiện chế độ, chính sách liên
quan đến các nội dung quy định tại Điều 4 Quyết định này.
b) Thời điểm thực hiện công khai thực
hiện theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế công
khai tài chính, ngân sách của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.
Chương 3.
GIÁM SÁT VIỆC THỰC
HIỆN CÔNG KHAI
Điều 6. Nội dung
giám sát
1. Giám sát việc công khai chế độ, chính
sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng,
Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức
theo nội dung quy định tại Điều 4 Quyết định này.
2. Giám sát việc thực hiện chế độ,
chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng,
Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo nội dung quy định tại Điều 4 Quyết định này.
Điều 7. Thực
hiện việc giám sát
1. Thực hiện việc giám sát thông qua
hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra tại
các cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Trình tự, thủ tục hoạt động của Ban
Thanh tra nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trực tiếp thực hiện việc giám sát
thông qua quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm
quyền hoặc kiến nghị thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
thành viên của Mặt trận cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân.
Trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị của nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ
chức, cá nhân trong việc thực hiện giám sát của nhân dân. Trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có các trách nhiệm sau
đây:
a) Cung cấp đầy đủ, kịp thời các
thông tin cho Ban Thanh tra nhân dân;
b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức,
doanh nghiệp nhà nước, cá nhân có trách nhiệm trả lời những nội dung chất vấn của
các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tiếp nhận thông tin.
c) Việc chất vấn và trả lời chất vấn
được thực hiện theo quy chế công khai, dân chủ ở cơ sở; quy định của pháp luật
khiếu nại, tố cáo và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Xử lý vi
phạm
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp
nhà nước và cá nhân không thực hiện đúng những quy định về công khai chế độ,
chính sách và công khai thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện,
điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức,
viên chức quy định tại Quyết định này thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các cá
nhân có liên quan tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị
xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm
thi hành
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm: Chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc công khai chế
độ, chính sách và thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều
kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức,
viên chức thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương;
2. Các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy
ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc công khai chế
độ, chính sách và thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều
kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức,
viên chức của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp,
các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị và
nhân dân tham gia giám sát việc công khai chế độ, chính sách và thực hiện chế độ,
chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng,
Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức theo các quy định tại Quyết định
này.
Điều 10. Hiệu
lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2014.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị
trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|