HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/2012/NQ-HĐND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 10 tháng 4 năm 2012
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
VIỆC QUY HOẠCH KHAI THÁC CÁT, SỎI XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN
NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHOÁ VI , KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ NHẤT
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày
17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09
tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng
7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28
tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai
thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm
2020;
Xét Tờ trình số 1332/TTr-UBND ngày 05 tháng 4
năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch khai thác cát,
sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến
năm 2030; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh
và ý kiến thảo luận của các đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán
thành và thông qua Quy hoạch khai thác cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa
Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu
sau:
1. Mục tiêu:
a) Đánh giá hiện trạng khai thác cát, sỏi;
khảo sát, đánh giá trữ lượng cát, sỏi; dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật
liệu xây dựng theo từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó lập phương
án quy hoạch cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2030 để phục vụ cho công tác quản lý, công tác cấp giấy phép khai
thác; đảm bảo lập lại kỷ cương trong việc khai thác cát, sỏi.
b) Xây dựng các giải pháp, biện pháp quản lý quy
hoạch; đảm bảo khai thác nguồn cát, sỏi có hiệu quả; đồng thời, giảm thiểu ảnh
hưởng tác động đến cảnh quan môi trường và góp phần bảo vệ môi trường.
2. Quan điểm:
a) Không quy hoạch tại các khu vực cấm, tạm
thời cấm hoạt động khoáng sản; các khu vực có khả năng gây sạt lở và ảnh hưởng đến
cảnh quan môi trường; đưa các khu vực có trữ lượng nhỏ vào quy hoạch trong giai
đoạn ngắn (2011 - 2015), các khu vực có trữ lượng lớn vào quy hoạch trong giai đoạn
dài (2011 - 2020); đưa các khu vực cát nội đồng (có trữ lượng lớn và trong
tương lai sẽ bổ sung cho cát, sỏi lòng sông) vào quy hoạch trong giai đoạn định
hướng đến năm 2030.
b) Về phương thức khai thác: Đối với các khu
vực cát, sỏi bãi bồi hay cát nội đồng thì áp dụng khai thác bằng cơ giới; các
khu vực cát, sỏi lòng sông thì áp dụng khai thác bằng thủ công để hạn chế các
tác động gây ô nhiễm nguồn nước; thay đổi hướng dòng chảy; làm sạt lở bờ sông.
3. Quy hoạch phân
vùng khu vực thăm dò, khai thác cát, sỏi xây dựng đến năm 2020 và định hướng đến
năm 2030: (có phụ lục kèm theo)
a) Giai đoạn 2011 - 2015:
- Cát, sỏi bãi bồi: gồm 32 khu vực, tập trung
tại thành phố Huế, các thị xã Hương Thuỷ, Hương Trà và các huyện: Phong Điền,
Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới với khối lượng khai thác dự báo cát là
3.941.000m3; sỏi là 2.094.000m3.
- Cát, sỏi lòng sông gồm 05 khu vực: sông Bồ,
Ô Lâu, Tả Trạch, Truồi và Nước Ngọt với khối lượng khai thác dự báo cát là
2.417.000m3; sỏi là 204.000m3.
- Cát nội đồng: gồm 01 khu vực, tập trung tại
huyện Phú Lộc với khối lượng khai thác dự báo cát là 90.000 m3.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Cát, sỏi bãi bồi: gồm 24 khu vực, tập trung
tại thành phố Huế, thị xã Hương Thuỷ và các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú
Lộc, Nam Đông, A Lưới với khối lượng khai thác dự báo cát là 5.209.000m3; sỏi
là 1.335.000m3.
- Cát, sỏi lòng sông gồm 03 khu vực: sông Bồ,
Ô Lâu và Tả Trạch với khối lượng khai thác dự báo cát là 2.783.000m3; sỏi là
214.000m3.
c) Định hướng từ năm 2021 đến năm 2030:
- Cát nội đồng: gồm 03 khu vực, tập trung tại
huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang với khối lượng khai thác dự báo cát là
18.280.000m3.
4. Các giải pháp tổ
chức thực hiện quy hoạch:
a) Công tác quản lý nhà nước: Uỷ ban nhân dân
tỉnh công bố, công khai quy hoạch và chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý quy
hoạch theo đúng quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác
cát, sỏi và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện đầy đủ
các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi xây dựng. Thường
xuyên cập nhật số liệu, thông tin để bổ sung vào quy hoạch đã được phê duyệt
phù hợp với tình hình thực tế; có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý
trong đó chú trọng vấn đề phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý các điểm quy
hoạch có quy mô nhỏ và các điểm bồi lắng tự nhiên không cố định để tận dụng
nguồn tài nguyên cát, sỏi.
b) Bảo vệ môi trường: Kiên quyết xử lý nghiêm
những tổ chức, cá nhân khai thác trái phép không theo quy hoạch, làm ảnh hưởng đến
môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển. Ưu tiên cho các doanh nghiệp
có khả năng tài chính, có thiết bị khai thác và vận chuyển tiên tiến, phương án
khai thác và vận chuyển phù hợp, ít ảnh hưởng đến môi trường được phép khai
thác.
Trong quá trình khai thác cần chú ý đến các
yếu tố: chiều dày trung bình khai thác, độ sâu khai thác tối đa, khoảng cách từ
điểm khai tác đến bờ và các công trình, chú ý khai thác các bãi bồi kết hợp
khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế tối đa tác động xâm thực của dòng sông đối
với lòng sông và hai bên bờ.
c) Giải pháp về công nghệ, thiết bị: Đổi mới
công nghệ và thiết bị khai thác phù hợp, giảm thiểu tiếng ồn và ô nhiễm môi
trường; cải tiến công đoạn xúc, bốc, vận chuyển nhằm giữ được môi trường trong
sạch trong quá trình tổ chức khai thác, vận chuyển vật liệu phục vụ cho nhu cầu
xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.
Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới để sản
xuất và tái chế vật liệu xây dựng thay thế nguồn cát, sỏi tự nhiên.
d) Giải pháp khai thác:
- Trước khi khai thác cát, sỏi tại các sông,
chủ đầu tư phải có phương án khai thác được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong
quá trình khai thác, nếu phát hiện sự cố gây ảnh hưởng đến sạt lở bờ thì phải
dừng khai thác để phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, xử lý và chỉ được
tiếp tục khai thác khi có kết luận không ảnh hưởng đến sạt lở bờ.
- Những vị trí sông dễ bị sạt lở như trên
sông Bồ và sông Ô Lâu chỉ đưa vào khai thác tận thu cát, sỏi tại các khu vực
nhằm mục đích khơi thông dòng chảy và chỉnh trị dòng chảy khi cần thiết.
- Việc khai thác phải gắn liền với hoàn thổ
và cải tạo môi trường xung quanh tại các khu vực khai thác cát, sỏi.
đ) Giải pháp khác:
- Có biện pháp giúp đỡ cho các doanh nghiệp
có điều kiện tiếp cận với vốn vay ưu đãi để đầu tư thay đổi thiết bị khai thác,
vận chuyển nguồn tài nguyên cát, sỏi tự nhiên và tái chế vật liệu xây dựng bảo đảm
hoạt động kinh doanh có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc xây dựng phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lập quy hoạch
các bãi tập kết cát, sỏi để phục vụ cho hoạt động khai thác, kinh doanh và sử
dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh; phục vụ tốt cho công tác quản lý và
bảo vệ cảnh quan môi trường, nhất là khu vực dọc sông Hương.
Điều 2. Nghị
quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổ
chức thực hiện:
Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai thực
hiện Nghị quyết; giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân
và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết theo nhiệm
vụ quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh
Thừa Thiên Huế Khóa VI, kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất thông qua./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Thiện
|