CHÍNH
PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
79/2007/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ CẤP BẢN SAO TỪ SỔ GỐC, CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH,
CHỨNG THỰC CHỮ KÝ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về thẩm quyền,
thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc; chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ
ký; giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao và chữ ký được chứng
thực; quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những
từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Bản chính” là bản
do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu tiên có giá trị pháp lý để sử dụng,
là cơ sở để đối chiếu và chứng thực bản sao;
2. “Bản sao” là bản chụp, bản in, bản đánh
máy, bản đánh máy vi tính hoặc bản viết tay có nội dung đầy đủ, chính xác như sổ
gốc hoặc bản chính;
3. “Sổ gốc” là sổ do cơ quan, tổ chức có
thẩm quyền cấp bản chính lập ra khi thực hiện việc cấp bản chính, trong đó có
ghi đầy đủ những nội dung như bản chính mà cơ quan, tổ chức đó đã cấp;
4. “Cấp bản sao từ sổ
gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản
sao. Bản sao từ sổ gốc phải có nội dung đúng với nội dung ghi trong sổ gốc;
5. “Chứng thực bản sao
từ bản chính” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của
Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính;
6. “Chứng thực chữ ký”
là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của Nghị định
này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng
thực.
Điều 3. Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản
sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực
1. Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được
chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng
thay cho bản chính trong các giao dịch.
2. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại
Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó,
là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
Điều 4. Thẩm
quyền và trách nhiệm cấp bản sao từ sổ gốc
Cơ quan, tổ chức đang quản
lý sổ gốc có thẩm quyền và trách nhiệm cấp bản sao từ sổ gốc.
Việc cấp bản sao từ sổ gốc được
thực hiện đồng thời với việc cấp bản chính hoặc sau thời điểm cấp bản chính.
Việc cấp bản sao từ sổ gốc các
giấy tờ hộ tịch được thực hiện theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP
ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Điều 5. Thẩm
quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
1. Phòng Tư pháp huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Phòng Tư pháp cấp huyện) có
thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản
chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;
b) Chứng thực chữ ký của người dịch
trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt
sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng
nước ngoài;
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng
Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 1 Điều
này và đóng dấu của Phòng Tư pháp.
2. Uỷ ban nhân dân xã,
phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách
nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ
bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt;
b) Chứng thực chữ ký trong
các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.
Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 2 Điều
này và đóng dấu của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
3. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan
lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi
là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản
chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài;
b) Chứng thực chữ ký trong các
giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài; chữ ký người dịch trong
các bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng
nước ngoài.
Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao của Cơ
quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chứng thực các việc theo thẩm quyền
và đóng dấu của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
4.
Thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chữ ký quy định tại Điều này không
phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản
sao
1. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được
cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính không được yêu cầu xuất trình
bản chính để đối chiếu. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bản sao là giả mạo thì
có quyền xác minh.
2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao
không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối
chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản
sao so với bản chính.
Điều 7. Lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực
1. Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc,
chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký phải nộp lệ phí theo quy định
của pháp luật.
2. Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử
dụng lệ phí quy định tại khoản 1 Điều này do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Chương 2:
CẤP BẢN SAO TỪ SỐ GỐC,
CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH, CHỨNG THỰC CHỮ KÝ
Mục 1. Cấp bản
sao từ sổ gốc
Điều
8. Người có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc
1. Người được cấp bản
chính.
2. Người đại diện hợp
pháp, người được uỷ quyền của người được cấp bản chính.
3. Cha, mẹ, con, vợ, chồng,
anh, chị, em ruột, người thừa kế của người được cấp bản chính trong trường hợp
người đó đã chết.
Điều 9. Thủ
tục yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc
1.
Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc có thể trực tiếp yêu cầu hoặc gửi yêu cầu của
mình đến cơ quan quản lý sổ gốc qua bưu điện.
2. Người yêu cầu cấp bản
sao từ sổ gốc phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ
tùy thân khác.
Trong trường hợp người yêu cầu cấp bản
sao từ sổ gốc là những người được quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 8 của Nghị
định này thì còn phải xuất trình thêm giấy tờ chứng minh là người có quyền yêu
cầu cấp bản sao từ sổ gốc.
Trong trường hợp yêu cầu
cấp bản sao từ sổ gốc qua bưu điện thì người yêu cầu phải gửi đầy đủ các giấy tờ
được quy định tại khoản này (bản chính hoặc bản sao có chứng thực).
Điều 10. Thủ
tục cấp bản sao từ sổ gốc
1. Cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc
xem xét, kiểm tra tính hợp pháp của việc yêu cầu cấp bản sao, đối chiếu với sổ
gốc để cấp bản sao cho người yêu cầu. Nội dung bản sao phải đúng với nội dung
đã ghi trong sổ gốc.
2. Thời hạn cấp bản sao được thực hiện
như sau:
a) Ngay trong ngày tiếp nhận yêu
cầu;
b) Trong trường hợp yêu cầu được
gửi qua bưu điện thì chậm nhất là trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
yêu cầu (theo dấu ngày đến của bưu điện), cơ quan, tổ chức cấp bản sao phải gửi
bản sao cho người yêu cầu.
3. Người yêu cầu cấp bản sao qua bưu điện phải trả lệ phí cấp
bản sao và cước phí bưu điện cho cơ quan, tổ chức cấp bản
sao.
Mục 2. Chứng
thực bản sao từ bản chính
Điều 11. Quyền, nghĩa vụ của người yêu
cầu chứng thực bản sao từ bản chính
1. Có quyền yêu cầu bất kỳ cơ quan có thẩm
quyền chứng thực nào quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Nghị định này
thực hiện việc chứng thực, không phụ thuộc nơi cư trú của người yêu cầu chứng
thực.
2. Trong trường hợp bị từ chối chứng thực
người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng thực giải
thích rõ lý do, nếu không đồng ý với lý do đó thì có quyền khiếu nại theo quy định
của pháp luật.
3. Chịu trách nhiệm về tính chính xác và
tính hợp pháp của các giấy tờ mà họ xuất trình khi yêu cầu chứng thực.
Điều 12. Nghĩa vụ và quyền của người
thực hiện chứng thực
1. Thực hiện việc chứng thực một cách
trung thực, khách quan, chính xác; đáp ứng đủ số lượng bản sao theo yêu cầu của
người yêu cầu chứng thực.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc
chứng thực.
3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan cung cấp thông tin cần thiết cho việc xác minh tính hợp pháp của các
giấy tờ, văn bản được yêu cầu chứng thực.
4. Lập biên bản tạm giữ giấy tờ, văn bản
có dấu hiệu giả mạo; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử
lý các trường hợp sử dụng giấy tờ giả mạo.
5. Trong trường hợp từ
chối chứng thực, người thực hiện chứng thực phải giải thích rõ lý do cho người
yêu cầu chứng thực; nếu việc chứng thực không thuộc thẩm quyền của cơ quan mình
thì hướng dẫn họ đến cơ quan khác có thẩm quyền.
Điều 13. Thủ
tục chứng thực bản sao từ bản chính
1.Người yêu cầu chứng thực phải xuất
trình các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính;
b) Bản sao cần chứng thực.
2. Người thực hiện chứng thực phải kiểm
tra tính hợp pháp của bản chính, nếu phát hiện bản chính có dấu hiệu giả mạo
thì đề nghị người yêu cầu chứng thực chứng minh; nếu không chứng minh được thì
từ chối chứng thực.
3. Người thực hiện chứng thực đối chiếu bản
sao với bản chính, nếu bản sao đúng với bản chính thì chứng thực. Khi chứng thực
bản sao từ bản chính người thực hiện chứng thực phải ghi rõ “chứng thực bản sao
đúng với bản chính”, ngày, tháng, năm chứng thực, ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu
của cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
4. Trang đầu tiên của bản sao phải được
ghi rõ chữ "BẢN SAO"vào chỗ trống phía trên bên phải, nếu bản
sao có từ hai tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
Điều 14. Địa điểm chứng thực bản sao từ
bản chính
1. Việc chứng thực được thực hiện tại trụ
sở của cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Cơ quan có thẩm quyền chứng thực phải
bố trí cán bộ để tiếp nhận yêu cầu chứng thực hàng ngày. Cán bộ tiếp dân phải
đeo thẻ công chức.
2. Tại trụ sở của cơ quan có thẩm quyền
chứng thực phải niêm yết công khai lịch làm việc, thẩm quyền, thủ tục, thời
gian chứng thực và lệ phí chứng thực.
Điều 15. Thời hạn thực hiện chứng thực
bản sao từ bản chính
Việc tiếp nhận yêu cầu chứng thực
bản sao từ bản chính trong thời gian làm việc buổi sáng hoặc buổi chiều thì phải
được thực hiện chứng thực ngay trong buổi làm việc đó; trường hợp yêu cầu chứng
thực với số lượng lớn thì việc chứng thực có thể được hẹn lại để chứng thực sau
nhưng không quá 2 ngày làm việc.
Điều 16. Trường hợp không được chứng
thực bản sao từ bản chính
Người thực hiện chứng thực bản
sao từ bản chính không được thực hiện chứng thực trong các trường hợp sau đây:
1.
Bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc giả mạo;
2.
Bản chính đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc đã bị hư hỏng, cũ nát không
thể xác định rõ nội dung;
3.
Bản chính không được phép phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng
theo quy định của pháp luật;
4. Đơn, thư và các giấy tờ do cá nhân tự
lập không có chứng nhận, chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền;
5.
Các giấy tờ, văn bản khác mà pháp luật quy định không được sao.
Mục 3. Chứng
thực chữ ký
Điều 17. Thủ tục chứng thực chữ ký
1.
Cá nhân yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Chứng minh
nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác;
b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ
ký vào đó.
2. Người yêu cầu chứng thực phải ký trước
mặt người thực hiện chứng thực.
3. Người thực hiện chứng thực phải ghi rõ
ngày, tháng, năm chứng thực; địa điểm chứng thực; số giấy tờ tuỳ thân của người
yêu cầu chứng thực, ngày cấp, nơi cấp; chữ ký trong giấy tờ, văn bản đúng là chữ
ký của người yêu cầu chứng thực; sau đó ký và ghi rõ họ, tên và đóng dấu của cơ
quan có thẩm quyền chứng thực.
Điều 18. Chứng thực chữ ký của người dịch
1. Người dịch phải là
người thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch.
2. Người dịch phải cam đoan và chịu trách
nhiệm về tính chính xác của bản dịch.
3. Việc chứng thực chữ ký của người dịch
được thực hiện theo thủ tục chứng thực chữ ký được quy định tại Điều 17 của Nghị
định này.
4. Trang đầu tiên của bản dịch phải được
ghi rõ chữ "BẢN DỊCH" vào chỗ trống phía trên bên phải. Nếu bản
dịch có từ hai trang trở lên thì phải đánh số trang theo thứ tự và phải đóng dấu
giáp lai giữa các tờ. Bản dịch phải được đính kèm với bản sao của giấy tờ cần dịch.
Điều 19. Thời
hạn chứng thực chữ ký
Việc tiếp nhận yêu cầu chứng thực
chữ ký trong thời gian làm việc buổi sáng hoặc buổi chiều thì phải được thực hiện
chứng thực ngay trong buổi làm việc đó; trường hợp cần phải xác minh làm rõ
nhân thân của người yêu cầu chứng thực thì thời hạn trên được kéo dài thêm
nhưng không được quá 3 ngày làm việc.
Chương 3:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CẤP
BẢN SAO TỪ SỔ GỐC, CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH, CHỨNG THỰC CHỮ KÝ
Điều 20. Nội dung quản lý nhà nước về
cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
1.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản
sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước
Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng
thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Ban hành hoặc trình cơ quan
nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn
tổ chức thực hiện, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm
tra, thanh tra, xử lý vi phạm về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký;
b) Tổng kết, báo cáo Chính phủ về
công tác quản lý nhà nước trong việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao
từ bản chính, chứng thực chữ ký.
3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp
với Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, tổ chức bồi dưỡng
nghiệp vụ cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ
ký của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và viên chức lãnh sự, viên chức
ngoại giao được giao thực hiện nhiệm vụ.
4. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với
Bộ Tư pháp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng
thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
5. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện việc quản
lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực
chữ ký tại địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Hướng dẫn, bồi dưỡng
nghiệp vụ cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã về việc cấp bản sao từ sổ gốc,
chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;
b) Kiểm tra, thanh tra hoạt động
cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của Uỷ
ban nhân dân cấp huyện;
c) Giải quyết khiếu nại,
tố cáo về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ
ký;
d) Tổng hợp
tình hình và thống kê số liệu về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký trong địa phương gửi Bộ Tư pháp theo định kỳ 6 tháng
và hàng năm.
6. Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản
lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực
chữ ký trong địa phương mình có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ
cho Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ
bản chính, chứng thực chữ ký ;
b) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký;
c) Tổng hợp
tình hình và thống kê số liệu về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký để báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo định kỳ 6
tháng và hàng năm.
Điều 21. Sổ cấp bản sao từ sổ gốc, chứng
thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
1. Mỗi việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng
thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
thực hiện đều phải ghi vào sổ và lưu trữ tại cơ quan đó.
2. Đối với việc chứng thực bản sao từ bản
chính thì cơ quan chứng thực phải lưu một bản sao để làm căn cứ đối chiếu khi cần
thiết. Thời hạn lưu trữ bản sao tối thiểu là 2 năm. Khi hết hạn lưu trữ, việc
tiêu huỷ bản sao được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
3. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bản
sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký phải thực hiện
các biện pháp an toàn, phòng chống cháy, nổ, ẩm ướt, mối, mọt đối với sổ sách,
giấy tờ được lưu trữ.
Điều 22. Xử lý vi phạm
1.
Trong khi thi hành nhiệm vụ, quyền hạn về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản
sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, người thực hiện nhiệm vụ do thiếu tinh thần
trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định của Nghị định này và các văn bản
quy phạm pháp luật khác thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc
truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định
của pháp luật.
2.
Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực
chữ ký có hành vi sửa chữa giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả mạo thì tuỳ mức độ vi
phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật.
3.
Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình trong bản dịch mà dịch sai gây thiệt hại
cho người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết
khiếu nại, tố cáo
Việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại,
việc tố cáo, giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc
cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký được
giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các quy định về chứng thực
bản sao, chữ ký trong Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2000 của
Chính phủ về công chứng, chứng thực.
Điều 25. Tổ
chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài
chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có
trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định
này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|