ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 55/KH-UBND
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 04
năm 2013
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH HỆ THỐNG CỬA HÀNG KINH DOANH
XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2015
Thực hiện Quyết định 2757/QĐ-UBND
ngày 20/6/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt
Quy hoạch phát triển thương mại Thành phố Hà Nội đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 5059/QĐ-UBND
ngày 05/11/2012 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn
Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND
Thành phố xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Quy hoạch hệ thống cửa
hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2015, cụ thể như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU,
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Mục đích:
Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch hệ thống cửa
hàng xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm
2030 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5059/QĐ-UBND ngày
05/11/2012 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Thành phố
Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Làm cơ sở tăng cường công tác quản
lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tạo điều kiện để các doanh
nghiệp đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các cửa hàng xăng dầu phù hợp với
quy hoạch, khang trang, hiện đại.
2. Yêu cầu:
Xây dựng, phát triển hệ thống cửa
hàng xăng dầu khang trang, hiện đại, nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu tiêu dùng
xăng dầu với chất lượng, hiệu quả
cao, phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xây dựng
công trình tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành...bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh
môi trường.
3. Đối tượng và phạm vi thực hiện:
a. Đối tượng thực hiện quy hoạch: Các
sở ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện chức năng quản lý
nhà nước trong quá trình thực hiện quy hoạch hệ thống cửa
hàng xăng dầu; các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh xăng dầu và có đủ điều kiện đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động kinh
doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
b. Phạm vi thực hiện Quy hoạch: Trên
địa bàn Thành phố Hà Nội
II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN.
1. Mục tiêu:
- Số lượng cửa hàng phải xóa bỏ, giải
tỏa: 10 cửa hàng.
- Số lượng cửa hàng phải di dời theo
dự án khác: 45 cửa hàng.
- Số lượng cửa hàng phải nâng cấp, cải
tạo: 52 cửa hàng.
- Số lượng cửa hàng cần xây dựng mới
đến năm 2015: Loại I có 05 cửa hàng; Loại lI có 59 cửa hàng; Loại III có 129 cửa
hàng.
Số lượng cửa hàng, tên cửa hàng thuộc
diện giải tỏa, di dời, nâng cấp, cải tạo; số lượng và quy
mô (loại cửa hàng xây dựng mới) ở từng địa bàn quận, huyện, thị xã được thể hiện
tại các Phụ lục 2, 3, 4, 5 Báo cáo Quy hoạch hệ thống Cửa hàng xăng dầu trên địa
bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND Thành phố
phê duyệt.
2. Giải pháp thực hiện:
2.1. Đối với những
cửa hàng thuộc diện giải tỏa, di dời, nâng cấp, cải tạo:
a. Cửa hàng thuộc diện giải tỏa (phụ
lục 2: 10 cửa hàng) phải tiến hành giải tỏa chậm nhất đến ngày 30/12/2014.
b. Cửa hàng phải di dời theo các dự
án khác (phụ lục 3: 45 cửa hàng): các cửa hàng này được cấp giấy chứng nhận đủ
điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định hiện hành. Đồng thời sẽ chấm dứt hoạt
động khi các dự án liên quan đến địa điểm kinh doanh của cửa hàng triển khai thực hiện.
c. Cửa hàng thuộc diện nâng cấp, cải
tạo (Phụ lục 4): Phải tiến hành nâng cấp, cải tạo bảo đảm yêu cầu phòng chống cháy nổ và vệ
sinh môi trường bảo đảm văn minh thương mại, đo lường, chất lượng xong trước
ngày 30/12/2014. Chỉ được hoạt động sau khi đã tiến hành cải tạo, nâng cấp và
được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
2.2. Đối với cửa
hàng xăng dầu xây dựng mới:
Căn cứ vào Quy hoạch hệ thống cửa
hàng xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm
2030 đã được UBND Thành phố phê duyệt
tại Quyết định số 5059/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 và kế hoạch
sử dụng đất 5 năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Định kỳ
6 tháng, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xác
định các vị trí dự án đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu gửi các sở, ngành tham
gia ý kiến, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt, công bố
trên các phương tiện thông tin đại chúng để kêu gọi đầu tư. (Các
bước triển khai thực hiện theo quy định tại điểm Điều 16. Lập, phê duyệt và
công bố danh mục dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu
tư, ban hành kèm theo Quyết định 09/2012/QĐ-UBND ngày
21/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội).
Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cửa
hàng xăng dầu thực hiện theo quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây
dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ban hành kèm theo
Quyét định 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội, cụ thể như
sau:
a. Trường hợp xây dựng mới cửa hàng
xăng dầu có sử dụng đất theo quy hoạch phải lựa chọn nhà đầu tư.
Thực hiện theo Điều 18. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Chương III. Một số
quy định đối với dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước - ban hành
kèm theo Quyết định 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/05/2012 của UBND Thành phố Hà Nội.
b. Trường hợp xây mới cửa hàng xăng dầu
trên đất do doanh nghiệp đã được giao, thuê hoặc sử dụng hợp pháp theo pháp luật
đất đai, phù hợp với quy hoạch xăng dầu đã được Thành phố phê duyệt.
Nhà đầu tư lập hồ sơ trình chỉ định
nhà đầu tư gửi UBND Thành phố, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch
& Đầu tư và các sở, ngành liên quan gồm: Văn bản đề nghị chỉ định, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh, đề xuất kinh tế kỹ thuật dự án, báo cáo năng lực tài chính, các tài liệu
liên quan về đất đai, quy hoạch (quy định tại Điều 19. Chỉ định nhà đầu tư -
ban hành kèm theo Quyết định 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/05/2012 của UBND Thành phố Hà Nội).
Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ
trì cùng Sở Kế hoạch & Đầu tư và sở, ngành liên quan, kiểm tra hồ sơ trình
UBND Thành phố phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư dự
án.
c. Trường hợp các cửa hàng kinh doanh
xăng dầu phải giải tỏa, di dời để thực hiện các dự án khác.
Đối với doanh nghiệp có cửa hàng kinh
doanh xăng dầu phải giải tỏa, di dời để thực hiện các dự
án khác, nếu có nhu cầu tiếp tục kinh doanh, phải tham gia đấu thầu lựa chọn
nhà đầu tư xây dựng mới cửa hàng xăng dầu tại địa điểm đã được quy hoạch nhưng
được cộng điểm ưu tiên về kinh nghiệm kinh doanh, năng lực quản lý, về số lượng các cửa hàng doanh nghiệp phải giải tỏa.
Trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện như quy định tại điểm
a mục 2.2 nêu trên.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương:
- Có trách nhiệm công bố công khai danh
mục cửa hàng phải giải tỏa, di dời, cải tạo, nâng cấp, xây
mới tại các phụ lục 2, 3, 4, 5 báo cáo Tổng hợp Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hà Nội
đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và phụ lục kèm theo đã được UBND Thành phố
phê duyệt tại Quyết định số 5059/QĐ-UBND ngày 05/11/2012.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xác định các vị trí dự án đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu gửi các sở, ngành tham gia ý kiến, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình UBND Thành phố phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND Thành phố xem xét điều chỉnh
bổ sung Quy hoạch cho phù hợp.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm theo đúng định hướng quy hoạch.
- Phối hợp với các sở, ngành có liên
quan, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát việc
thực hiện giải tỏa, di dời, cải tạo, nâng cấp các cửa hàng trong danh mục đã được
phê duyệt. Tổng hợp báo cáo UBND Thành phố 6 tháng và hàng năm kết quả thực hiện
và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực
hiện.
- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện
kinh doanh xăng dầu cho các cửa hàng theo quy định hiện hành của pháp luật.
2. Sở Kế hoạch - Đầu tư:
- Là đầu mối cung cấp thông tin về thủ
tục đầu tư, cơ chế chính sách đầu tư của Thành phố để lựa
chọn nhà đầu tư và là đầu mối giải quyết các thủ tục đầu tư các dự án cửa hàng
xăng dầu trên địa bàn Thành phố theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và
xây dựng trên địa bàn Thành phố.
- Phối hợp với Sở Công Thương và các
sở ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp và công bố danh mục dự án cửa hàng xăng dầu đã được UBND Thành
phố phê duyệt thuộc diện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
3. Sở Quy hoạch - Kiến trúc:
Hướng dẫn cung cấp thông tin và quy
hoạch kiến trúc, giải quyết các thủ tục về giới thiệu địa điểm, cấp chứng chỉ
quy hoạch, giấy phép quy hoạch, thẩm định quy hoạch, quy hoạch tổng mặt bằng,
phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc cửa hàng xăng dầu.
4. Sở Xây dựng:
Hướng dẫn việc cấp phép xây dựng đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, đấu nối hạ tầng kỹ thuật
đô thị, quản lý chất lượng công trình, các thủ tục liên quan về thiết kế
cơ sở (đối với các cửa hàng xăng dầu xây dựng tại các khu đô thị).
5. Sở Giao thông - Vận tải:
Hướng dẫn, cung cấp thông tin liên
quan về quản lý công trình giao thông, các thông tin về quy hoạch, đầu tư xây dựng
giao thông có liên quan đến các vị trí xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu
trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý.
6. Sở Tài nguyên - Môi trường:
Hướng dẫn, cung cấp thông tin về quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách quản lý đất đai, thủ tục thu hồi,
giao, cho thuê đất, đánh giá tác động môi trường; Hướng dẫn và giải quyết các
thủ tục liên quan về đất đai, thủ tục giao, cho thuê đất, thẩm định, phê duyệt
báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án xây dựng cửa hàng kinh
doanh xăng dầu.
7. Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa
cháy:
- Xem xét, chấp thuận địa điểm xây dựng
công trình đối với các cửa hàng xăng dầu xây mới; trả lời về giải pháp phòng
cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở; thẩm duyệt về phòng cháy và chữa
cháy đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của các cửa
hàng xăng dầu xây mới và các cửa hàng cải tạo, nâng cấp.
- Kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy
và chữa cháy, hướng dẫn chủ đầu tư làm văn bản thông báo cam kết bảo đảm các điều
kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trước khi công trình đưa vào sử dụng.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
Hướng dẫn, cung cấp thông tin và giải
quyết các thủ tục đối với những dự án cửa hàng kinh doanh xăng dầu có liên quan
đến quản lý công trình thủy lợi, đê điều, nông nghiệp.
9. Các sở, quản lý ngành:
Công an Thành phố, Tài chính, Khoa học - Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp thông tin
và giải quyết các thủ tục theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
10. UBND các quận, huyện, thị
xã:
- Hướng dẫn cung cấp thông tin, giải
quyết các thủ tục liên quan về quy hoạch xây dựng, giải quyết các thủ tục về giới
thiệu địa điểm, cấp giấy phép xây dựng theo phân cấp quản lý của nhà nước và
UBND Thành phố, xác định nguồn gốc, hiện trạng quản lý, sử
dụng đất, thẩm duyệt phương án bồi thường; hỗ trợ, cung cấp
hồ sơ địa chính liên quan đến địa điểm đất đai xây dựng cửa
hàng kinh doanh xăng dầu.
- Chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành có liên quan cụ thể hóa kế hoạch và có phương án giải quyết
các cửa hàng thuộc diện giải tỏa, di dời. Kiểm tra, giám sát
việc thực hiện giải tỏa, di dời các cửa hàng trong danh mục đã được phê duyệt.
Lập, trình duyệt kế hoạch và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà
đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu trên địa bàn trình UBND
Thành phố phê duyệt.
- Phối hợp với Sở Công Thương, các sở
ngành có liên quan kiểm tra, giám sát về việc tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống
cửa hàng xăng dầu trên địa bàn.
- Lập đề xuất danh mục và thông tin
liên quan của các dự án cửa hàng xăng dầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định mục
2.2, khoản 2, phần II của Kế hoạch này gửi Sở Công Thương
và các Sở, Ngành có liên quan để tổ chức thực hiện.
- Phối hợp với Sở Công Thương, các sở
ngành trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh
doanh xăng dầu và hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn theo quy định của
Pháp luật và sự chỉ đạo của UBND Thành phố.
Trên đây là kế hoạch triển khai tổ chức
thực hiện Quy hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố
đến năm 2015. Quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng
mắc, các sở ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã kịp thời báo cáo.
Giao Sở Công Thương tổng hợp và đề xuất
kiến nghị để UBND Thành phố xem xét giải quyết./.
Nơi nhận:
- Đ/c CT UBND TP Nguyễn Thế Thảo (để báo cáo);
- Các đồng chí Phó Chủ tịch (để biết và chỉ đạo);
- Các Sở: Công Thương, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông
nghiệp và PTNT, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường,
Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Giao thông - Vận tải Cảnh sát PCCC, Công an
Thành phố (để thực hiện);
- UBND các quận, huyện, thị xã (để
thực hiện);
- CVP, PVP Nguyễn Danh Cơ;
- Các phòng: CT, TH, VX;
- Lưu: VT (CT).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sửu
|