ỦY BAN ATGT QUỐC
GIA - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
235/CTPH/UBATGTQG-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 08 năm 2013
|
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
TĂNG
CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG TRƯỜNG HỌC GIAI ĐOẠN 2013-2018
Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển
khai, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư
Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn
tắc giao thông” (ban hành kèm theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/03/2013 của
Chính phủ), nhằm đẩy mạnh sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ trong công tác giáo dục pháp
luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, Ủy ban An toàn giao thông
Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình phối hợp tăng cường
công tác giáo dục an toàn giao thông (ATGT) trong trường học cho học sinh, sinh
viên giai đoạn 2013-2018 với các nội dung cơ bản sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành
pháp luật, hình thành văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao
thông trong học sinh, sinh viên; góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm
pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh, sinh viên, giảm thiểu các
vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên;
2. Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình,
nội dung tài liệu giảng dạy chính khóa về pháp luật an toàn giao thông của các
cấp học để đưa vào giảng dạy tại các cấp học sau năm 2015;
3. Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
trong trường học phải thực hiện sâu, rộng, thường xuyên, hiệu quả theo chương
trình, kế hoạch cụ thể, bảo đảm sự chặt chẽ, thống nhất.
II. NỘI DUNG
1. Phổ biến, truyên truyền, giáo dục kiến thức an
toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh
viên;
2. Chỉ đạo các nhà trường phát huy vai trò, trách
nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao
thông; đẩy mạnh cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông”,
nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”;
3. Xây dựng lộ trình đưa giáo dục pháp luật về trật
tự, an toàn giao thông vào chương trình đào tạo chính khóa tại các cấp học phổ
thông từ sau năm 2015.
III. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
1. Ủy ban An toàn giao thông Quốc
gia
1.1. Thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời về tình
hình trật tự, an toàn giao thông, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
về an toàn giao thông cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo triển khai;
1.2. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn giao thông; biểu
dương, khen thưởng các tập thể, các cá nhân có thành tích cao trong công tác
giáo dục an toàn giao thông; hỗ trợ kinh phí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện
chương trình phối hợp theo từng năm;
1.3. Chỉ đạo Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tăng cường
công tác phổ biến, tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên;
tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh cuộc vận
động “Cổng trường an toàn giao thông”;
1.4. Chủ trì tổ chức thí điểm các lớp phổ biến,
giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh lớp 12 và cấp chứng
chỉ ATGT cho học sinh khi hoàn thành khóa học. Nghiên cứu, đề xuất và xây dựng
lộ trình đưa chứng chỉ về ATGT trở thành một trong các chứng nhận đủ tiêu chuẩn
và cho phép miễn thi phần lý thuyết khi dự thi để nhận giấy phép lái xe mô tô;
1.5. Phối hợp chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao
thông, thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm
quy định về trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học theo thẩm quyền
(có thông tin cho nhà trường về các học sinh, sinh viên vi phạm để kịp thời có
biện pháp giáo dục phù hợp);
1.6. Chỉ đạo các cơ quan quản lý đường thủy nội địa
phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các điều kiện
an toàn giao thông của các bến đò ngang, phương tiện thủy đưa đón học sinh,
sinh viên qua sông; xử lý nghiêm các bến đò không có giấy phép hoạt động, các
phương tiện không trang bị phao, áo phao hoặc không an toàn; tiếp tục cuộc vận
động “Người đi đò mặc áo phao”.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo
2.1. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục
kiến thức về an toàn giao thông trong trường học; triển khai chương trình giảng
dạy về an toàn giao thông tại các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên
trong tương lai có kiến thức và phương pháp giáo dục hiệu quả về an toàn giao
thông;
2.2. Rà soát và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chương
trình, nội dung tài liệu giáo dục về an toàn giao thông trong chương trình
chính khóa của các cấp học đảm bảo đủ nội dung, đủ thời lượng và phù hợp với lứa
tuổi đưa vào giảng dạy chính khóa từ sau năm 2015;
2.3. Phối hợp với Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia tổ
chức thí điểm các lớp phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ
cho học sinh lớp 12 và cấp chứng chỉ ATGT cho học sinh khi hoàn thành khóa học;
2.4. Chỉ đạo các trường học phối hợp với Ban đại diện
cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành
quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không
điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe và
sau khi uống rượu, bia không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao
thông;
2.5. Chỉ đạo các trường học tạo điều kiện để tổ chức
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Đội TNTP Hồ Chí Minh triển khai các phong
trào, cuộc vận động học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn
giao thông;
2.6. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép phổ biến,
giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vào các hoạt động ngoại khóa cho học
sinh, sinh viên;
2.7. Phối họp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ
chức, phát động các cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, luật Giao
thông đường thủy nội địa, luật Đường sắt, thi lái xe mô tô an toàn và các hoạt
động về văn hóa giao thông... cho học sinh, sinh viên; biên tập in ấn các tài
liệu phổ biến, tuyên truyền về giáo dục an toàn giao thông, văn hóa giao thông
phù hợp với từng cấp học và triển khai đến các cơ sở giáo dục;
2.8. Tập huấn giáo dục ATGT cho giáo viên cấp học mầm
non, tiểu học, trung học và sinh viên các trường sư phạm học các chuyên ngành
liên quan đến giảng dạy giáo dục an toàn giao thông sau khi tốt nghiệp; tổ chức
các hoạt động thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, lái xe mô tô an
toàn cho học sinh, sinh viên;
2.9. Chỉ đạo các Sở Giáo dục và đào tạo thành lập
Ban An toàn giao thông cấp sở, với nhiệm vụ tổng hợp tình hình về công tác giáo
dục an toàn giao thông của các trường trên địa bàn và hàng tháng báo cáo tình
hình về Bộ Giáo dục và Đào tạo; tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp
chuyên nghiệp có quy mô đào tạo từ 5.000 học sinh, sinh viên trở lên chỉ đạo
thành lập Ban An toàn giao thông cấp trường;
2.10. Vận động học sinh, sinh viên thực hiện các
hành vi văn hóa khi tham gia giao thông, bao gồm: tự giác chấp hành pháp luật về
an toàn giao thông; chủ động nhường đường; thân thiện với người đồng hành;
không nói tục, chửi bậy, hút thuốc lá và vứt rác bừa bãi; không điều khiển
phương tiện khi đã uống rượu, bia; hạn chế sử dụng còi; sẵn sàng giúp đỡ người
bị tai nạn giao thông; mặc áo phao khi đi đò;
2.11. Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo
chuyên đề đánh giá về công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học;
2.12. Tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền về an toàn
giao thông cho học sinh, sinh viên và ký giao ước thi đua, ký cam kết chấp hành
pháp luật về an toàn giao thông với các Sở Giáo dục và đào tạo;
2.13. Đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự,
an toàn giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với
các cơ sở giáo dục. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có
thành tích trong công tác giáo dục an toàn giao thông; xử lý nghiêm những tập
thể và cá nhân vi phạm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở Giáo dục và đào tạo, các trường đại học,
học viện, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chủ trì, phối hợp với Ban An toàn
giao thông cấp tỉnh lập kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung của Chương
trình phối hợp này. Hàng quý, Ban ATGT ở các địa phương tổ chức họp giao ban
liên ngành để trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức thực
hiện, báo cáo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Giao Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc
gia và Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) làm đầu mối thường
trực, giúp lãnh đạo hai đơn vị đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện.
3. Hàng năm, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ
Giáo dục và Đào tạo có hình thức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình phối hợp.
4. Chương trình phối hợp này được áp dụng thống nhất
trong toàn ngành Giáo dục, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và có hiệu lực kể từ ngày ký. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan chủ quản các
trường phối họp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp
này./.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Đinh La Thăng
|
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Phạm Vũ Luận
|
Nơi nhận:
- Thủ tưởng Chính phủ; các PTTg (để
b/c);
- Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Lãnh đạo Bộ GD&ĐT;
- Cơ quan thành viên UBATGTQG;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để ph/h);
- Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để th/h);
- Các Sở GD&ĐT, học viện, các trường ĐH, CĐ và TCCN (để th/h);
- Lưu VT, VPUBATGTQG, Vụ CT HSSV.
|
|