BÁO CÁO
KẾT
QUẢ KIỂM TRA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI
DÂM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2012 TẠI TỈNH ĐIỆN BIÊN
Thực hiện Kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
theo Công văn số 3277/VPCP-KGVX ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Văn phòng Chính
phủ. Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương
Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc
gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm làm Trưởng đoàn
kiểm tra công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
tại tỉnh Điện Biên. Tham gia Đoàn có đại diện: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công An,
Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và Cục Phòng chống
tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Từ ngày 12/7 - 13/7/2012
Đoàn đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma
túy, mại dâm tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và kiểm tra thực tế tại cơ sở,
các đồng chí Bí thư, Phó Bí Thư tỉnh ủy và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã
dành thời gian tham dự. Kết quả kiểm tra như sau:
I. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ CÔNG TÁC TẠI ĐỊA PHƯƠNG
1. Công tác chỉ đạo của
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai các văn bản của Bộ Chính
trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành về công tác phòng chống
HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cụ thể là:
- Tỉnh Ủy ban hành Chỉ thị số
44-CT/TU ngày 9/8/2010 về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS,
phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; tổ
chức sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TW ngày 26/3/2008 của Bộ chính trị
về tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới;
- Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ
thị số 18/CT-UBND ngày 14/12/2011 về tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy
trong địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện Đề án phòng,
chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên
địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;
chỉ đạo việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn
ma túy, mại dâm các cấp từ tỉnh đến xã phường thị trấn; xây dựng, ban hành Kế
hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và kiểm soát ma
túy đến năm 2020 và định hướng 2030, Kế hoạch hàng năm về phòng chống HIV/AIDS
phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng triển khai
khác. Qua đó đã huy động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các
tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS và
phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
2. Kết
quả cụ thể trên các lĩnh vực công tác
2.1. Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại
dâm
Các ban ngành, các cấp trong toàn
tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai dưới nhiều hình thức, nội dung
phong phú.
- Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ
chức các buổi giao lưu, biểu diễn văn hóa văn nghệ có nội dung tuyên truyền về
phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến các thôn bản
vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân;
- Sở Thông tin - Truyền thông xây
dựng các panô, băng rôn, áp phích tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, phòng,
chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại các khu vui chơi giải trí, các trục đường lớn;
- Đài phát thanh, Đài truyền hình
tỉnh, Báo Điện Biên Phủ đều có các chuyên mục đăng tải kịp thời các chủ trương
của Đảng, nhà nước, những mô hình hiệu quả, những tấm gương điển hình về công
tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm;
- Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các
trường học trong tỉnh tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy trong nhà trường,
tổ chức cho học sinh, giáo viên ký cam kết không vi phạm quy định của nhà nước
về phòng chống ma túy;
- Các đoàn thể quần chúng như Đoàn
thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh … từ
tỉnh, huyện đến các xã, phường đều xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền
về phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
2.2. Phòng chống HIV/AIDS
+ Công tác giáo dục truyền thông
chuyển đổi hành vi cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao được chú trọng và
triển khai tới vùng sâu, vùng xa: thông qua đội ngũ các tuyên truyền viên đồng
đẳng, cộng tác viên, y tá thôn bản của 96/112 xã, phường thị trấn tiếp cận
truyền thông cho 44.127 lượt người nghiện chích ma túy; duy trì 02 nhóm tự lực,
03 nhóm hoa Hướng Dương và 08 câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS thu hút 212 phụ
nữ nhiễm HIV tham gia.
+ Công tác can thiệp giảm hại, dự
phòng lây nhiễm HIV được triển khai tại 100% số xã, phường, thị trấn có người
nhiễm HIV huy động 111 tuyên truyền viên đồng đẳng và 667 cộng tác viên, y tá
thôn bản tham gia; tiếp cận 3.240 người nghiện chích ma
túy bằng 64% số người nghiện có hồ sơ quản lý tại cộng đồng. Phân phát 855.350
bơm kim tiêm sạch, 54.285 bao cao su và thu về 553.121 bơm kim tiêm bẩn. Tổ
chức 04 điểm điều trị cho 896 người nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
+ Công tác chăm sóc điều trị
HIV/AIDS: tổ chức điều trị ARV cho 1.219 người (bằng 74% Kế hoạch năm) trong đó
1.159 người lớn và 60 trẻ em, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng
Cotrimoxazol cho 792 người và điều trị phơi nhiễm HIV cho 15 cán bộ bị phơi
nhiễm HIV nghề nghiệp.
+ Công tác dự phòng lây truyền HIV từ
mẹ sang con: tổ chức tháng hành động về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
do Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phát động; tổ chức tư vấn xét nghiệm
HIV cho 952 phụ nữ mang thai, phát hiện 7 trường hợp dương
tính, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 20 trường hợp.
+ Công tác giám sát phát hiện HIV:
triển khai xét nghiệm 2429 mẫu, phát hiện 472 trường hợp
dương tính với HIV.
+ Thực hiện triển khai thí điểm sáng
kiến điều trị 2.0 tại một số xã phường thuộc 4 huyện nhằm đưa dịch vụ chăm sóc
và điều trị đến gần với người dân, tăng số người được chăm sóc điều trị
HIV/AIDS.
+ Về nâng cao
năng lực hợp tác quốc tế: tranh thủ và triển khai có hiệu
quả các dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ. Đến nay đã có 5 dự án quốc tế tài
trợ với số kinh phí theo kế hoạch năm 2012 là trên 16 tỷ đồng và 6 tháng đầu
năm các dự án đã giải ngân được từ 40 - 77% kinh phí năm.
2.3. Phòng, chống tệ nạn ma túy
- Công tác đấu tranh, truy tố xét xử
tội phạm ma túy
+ Thường xuyên nắm địa bàn, tổ chức
triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy: 6 tháng đầu
năm 2012 đã triệt phá 9 tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng ma túy; phát hiện và
xử lý 367 vụ với 457 đối tượng tội phạm ma túy, thu giữ
29,2 kg Heroin, 23,9 kg thuốc phiện, 2.724 viên và 23,7 gam ma túy tổng hợp, 55 gam cần sa, 10 khẩu súng và nhiều tang vật có giá trị khác; trong
đó bóc gỡ, triệt phá nhiều đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy với số
lượng lớn, liên quan đến nhiều địa bàn trong và ngoài nước với sự tham gia của
nhiều đối tượng.
+ Điều tra, truy tố 388 vụ về tội
phạm ma túy với 506 bị cáo, xét xử 282 vụ, 368 bị cáo (đạt 72,6%); tổ chức xét
xử lưu động 16 vụ án ma túy tại nơi xảy ra tội phạm để tăng cường giáo dục, răn
đe, phòng ngừa tội phạm.
- Công tác cai nghiện và quản lý sau
cai
+ Tổ chức cai nghiện cho 700 người
nghiện ma túy trong đó cai tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội
cho 400 người (đạt 100% kế hoạch) và cai tại cộng đồng cho 300 người (đạt 27%
kế hoạch)
+ Quản lý, dạy nghề cho 30 người sau
cai nghiện. Công tác quản lý sau cai được giao cho gia đình, cơ
quan, đoàn thể giúp đỡ.
2.4. Phòng chống tệ nạn mại dâm
- Thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi
dụng để hoạt động mại dâm;
- Lập hồ sơ đưa 04 người bán dâm vào
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội;
- Xây dựng và triển khai mô hình giáo
dục, dạy nghề cho người bán dâm tại 5 xã phường trọng điểm
về tệ nạn mại dâm.
3. Kiến nghị của địa phương
Lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng, chống
AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm của tỉnh kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia một
số nội dung sau một số vấn đề sau:
- Đề nghị Ủy ban
quốc gia thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán
bộ, đặc biệt trong lĩnh vực cai nghiện ma túy.
- Tăng cường hỗ trợ nguồn lực tài
chính cho địa phương. Hiện nay 3 Trung tâm cai nghiện cấp huyện và Trung tâm
cai nghiện cấp tỉnh chưa được đầu tư hoàn thiện, cai nghiện tại gia đình và
cộng đồng rất thiếu nguồn lực để thực hiện.
II. NHẬN XÉT KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC
1. Nhận xét
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp tại địa phương triển khai
nhiều giải pháp về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
và cơ bản đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Dịch HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại
dâm bước đầu được khống chế: (số nhiễm mới HIV được phát hiện giảm 26,7% so với
cùng kỳ 2011 và số người nghiện ma túy giảm 44 người) song thực tế vẫn không
giảm do số tái nghiện và tăng mới, tình hình dịch HIV cũng như tệ nạn ma túy
còn diễn biến phức tạp, là tỉnh miền núi nhưng trọng điểm cả về ma túy và HIV.
- Về dịch HIV/AIDS: tính đến
30/6/2012 toàn tỉnh có 6.418 người nhiễm HIV trong đó 3.483 trường hợp chuyển
sang giai đoạn AIDS; 2.162 trường hợp đã tử vong; 3.747 trường hợp còn sống
quản lý được chiếm 0,74% dân số trong tỉnh, cao gấp 3 lần tỷ lệ nhiễm trong dân
số bình quân trong cả nước (tỷ lệ nhiễm HIV trên dân số bình quân trong cả nước
là 0,21%). 6 tháng đầu năm 2012 phát hiện 472 trường hợp nhiễm mới. Dịch đã
xuất hiện ở cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố và 91/112 xã, phường, thị trấn
thuộc tỉnh (chiếm 81,2% số xã có người nhiễm HIV) cao hơn 16% so với cả nước
(cả nước có 75,2% số xã có người nhiễm HIV). Tỉ lệ lây
nhiễm qua đường máu (chủ yếu là tiêm chích ma túy) tới 65,8%, qua đường tình
dục là 30,7% (chủ yếu là mại dâm) là những hình thức lây nhiễm rất khó kiểm
soát.
- Về tệ nạn nghiện ma túy: đến nay
toàn tỉnh có 6.181 người nghiện chiếm 1,2% dân số trong tỉnh, cao gấp 6,8 lần
so với tỷ lệ người nghiện trong dân số bình quân trong cả nước và gấp 4,2 lần
khu vực Tây Bắc. Ngoài heroin, thuốc phiện là loại ma túy chủ yếu, đã xuất hiện
sử dụng ma túy tổng hợp ở vũ trường.
- Về công tác cai nghiện: Chất lượng
các hoạt động giáo dục, tư vấn, dạy nghề quản lý sau cai còn hạn chế dẫn đến tỷ
lệ tái nghiện cao
Nguyên nhân:
- Khách quan: Điện Biên là tỉnh miền
núi, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, có 360km đường biên giới
tiếp giáp với Lào và 40km tiếp giáp với Trung Quốc, nơi trung chuyển ma túy từ
khu vực Tam giác vàng vào nước ta; là tỉnh nghèo 93% kinh phí hoạt động nhờ vào
nguồn hỗ trợ của Trung ương. Do đó, đã gây khó khăn cho công tác phòng chống HIV/AIDS,
phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
+ Chủ quan:
* Nhận thức của Lãnh đạo các cấp
chính quyền một số địa phương và các tầng lớp nhân dân đặc
biệt vùng sâu, vùng xa chưa đầy đủ về phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn
ma túy, mại dâm;
* Sự quan tâm, đầu tư về lĩnh vực cai
nghiện ma túy và quản lý sau cai chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra: đầu tư
xây dựng Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội còn giàn trải, kéo
dài; chưa triển khai công tác quản lý sau cai nghiện; chưa chú trọng đến công
tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai; chưa có giải pháp đồng bộ trong
cai nghiện tại cộng đồng.
3. Đề
xuất, kiến nghị
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới
Tây Bắc, địa bàn hiểm trở, dân cư thưa thớt có 19 dân tộc, trong đó dân tộc
Thái là 38%, Mông 34,8%, kinh 18,4%, hộ nghèo chiếm 43,7%, hàng hóa sản xuất
chậm phát triển, chưa phát huy hết tiềm năng về đất đai, du lịch... để có thể
thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống mại dâm, ma túy, HIV/AIDS. Đoàn công
tác kiến nghị như sau:
+ Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ
chức triển khai tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma
túy, mại dâm với các hình thức, nội dung phù hợp với đặc
điểm văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân, đặc biệt đồng bào dân tộc ở vùng
sâu, vùng xa, chỉ đạo triệt phá cây thuốc phiện...
- Chỉ đạo rà soát, phân loại người
nghiện ma túy trên cơ sở đó xây dựng và triển khai kế hoạch cai nghiện, quản lý
sau cai nghiện và điều trị Methadone phù hợp;
- Chỉ đạo việc hoàn thiện đồng bộ các
hạng mục theo dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động
xã hội tạo điều kiện cho Trung tâm quản lý, chữa trị cho học viên;
- Có kế hoạch tổ chức dạy nghề, tạo
việc làm cho người sau cai từ các chương trình việc làm, xóa đói giảm nghèo,
cai nghiện ma túy và huy động xã hội tham gia giúp họ ổn định cuộc sống hội
nhập cộng đồng, giảm tái nghiện;
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch nhằm
mở rộng và duy trì, đảm bảo tính bền vững của các dự án do quốc tế tài trợ khi
các dự án kết thúc. Đánh giá những khó khăn, thách thức trong việc mở rộng thêm
các điểm điều trị Methadone.
+ Đối với Chính phủ:
- Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan
nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ kinh phí cho phòng,
chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đối với các tỉnh trọng
điểm, kinh tế khó khăn; đặc biệt là các tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ đồng
bào dân tộc chiếm đa số
Kiến nghị với các Bộ, ngành
Bộ Kế hoạch - Đầu tư:
- Tham mưu cho Chính phủ, hàng năm
sớm phân bổ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia tạo điều kiện cho địa
phương duy trì đảm bảo tính liên tục của các hoạt động;
- Phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2
theo Dự án đã được phê duyệt.
- Bộ Y tế: sớm ban hành hướng dẫn xác
định nghiện và điều trị nghiện ma túy tổng hợp; tập huấn phác đồ cắt cơn giải
độc cho cán bộ y tế cấp xã
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội: hỗ trợ địa phương nâng cao chất lượng cai nghiện tại cộng đồng thông qua
thí điểm thực hiện mô hình hiệu quả; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán
bộ làm công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là các bộ Trung tâm cai nghiện của
tỉnh.
Nơi nhận:
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (Vụ
KG-VX);
- Các Bộ: Y tế (Cục PC HIV/AIDS), Công an (C56 và C47), Quốc phòng (Bộ
đội Biên phòng), Tài chính (Vụ I), Kế hoạch và Đầu tư (Vụ
LĐ-VX);
- UBND tỉnh Điện Biên;
- Lưu VT, Cục PCTNXH (5bản)
|
BỘ TRƯỞNG
Phạm Thị Hải Chuyền
|