CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49/2000/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2000

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 49/2000/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 9 NĂM 2000 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại.

2. Ngân hàng thương mại là ngân hàng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế của Nhà nước.

3. Ngân hàng thương mại theo Nghị định này gồm ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước và nhân dân.

Điều 2. Việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động; cơ cấu tổ chức của ngân hàng thương mại thực hiện theo quy định tại Mục 1, Mục 2, Chương II Luật các Tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Chương 2:

HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

MỤC 1: HUY ĐỘNG VỐN

Điều 3.

Ngân hàng thương mại được huy động vốn dưới các hình thức sau:

1. Nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và các loại tiền gửi khác.

2. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và giấy tờ có giá khác để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

3. Vay vốn của các tổ chức tín dụng khác hoạt động tại Việt Nam và của tổ chức tín dụng nước ngoài.

4. Vay vốn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Các hình thức huy động vốn khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

MỤC 2: HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG

Điều 4. Ngân hàng thương mại được cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân dưới các hình thức cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh, cho thuê tài chính và các hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 5.

Ngân hàng thương mại được cho các tổ chức, cá nhân vay vốn dưới các hình thức:

1. Cho vay ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống.

2. Cho vay trung hạn, dài hạn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống.

Điều 6.

1. Ngân hàng thương mại chủ động tìm kiếm các dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả và có khả năng hoàn trả nợ để cho vay.

2. Ngân hàng thương mại nhà nước cho vay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp cần thiết.

3. Việc cho vay phải được lập thành hợp đồng tín dụng và theo quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay và giới hạn cho vay.

Điều 7.

1. Ngân hàng thương mại tổ chức việc xét duyệt cho vay theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa các khâu thẩm định và quyết định cho vay; kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng.

2. Ngân hàng thương mại được quyền yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án kinh doanh khả thi, khả năng tài chính của mình và của người bảo lãnh trước khi quyết định cho vay; có quyền chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng.

3. Ngân hàng thương mại có quyền xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của khách hàng vay, tài sản của người bảo lãnh trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh để thu hồi nợ theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng; khởi kiện khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng và người bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định của pháp luật.

4. Ngân hàng thương mại được miễn, giảm lãi suất cho vay, phí ngân hàng; gia hạn nợ; mua bán nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 8.

1. Ngân hàng thương mại được bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu và các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác bằng uy tín và bằng khả năng tài chính của mình đối với người nhận bảo lãnh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Mức bảo lãnh đối với một khách hàng và tổng mức bảo lãnh của một ngân hàng thương mại không được vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước quy định.

3. Ngân hàng thương mại thực hiện bảo lãnh có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 59 Luật các Tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật.

Điều 9. Chỉ các ngân hàng thương mại được phép thực hiện thanh toán quốc tế mới được thực hiện bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán và các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác mà người nhận bảo lãnh là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 10.

Ngân hàng thương mại được:

1. Chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác đối với các tổ chức, cá nhân.

2. Tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác đối với các tổ chức tín dụng khác.

Điều 11. Ngân hàng thương mại được hoạt động cho thuê tài chính nhưng phải thành lập công ty cho thuê tài chính. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính thực hiện theo Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính.

MỤC 3: DỊCH VỤ THANH TOÁN VÀ NGÂN QUỸ

Điều 12.

1. Ngân hàng thương mại phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch hoặc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố) nơi ngân hàng thương mại đặt trụ sở chính và duy trì tại đó số dư tiền gửi dự trữ bắt buộc theo quy định; được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng khác trong nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Chi nhánh của ngân hàng thương mại được mở tài khoản tiền gửi tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, nơi đặt trụ sở của chi nhánh.

3. Ngân hàng thương mại được mở tài khoản cho khách hàng trong nước và ngoài nước.

Điều 13.

Ngân hàng thương mại được:

1. Cung ứng các phương tiện thanh toán.

2. Thực hiện các dịch vụ thanh toán trong nước cho khách hàng.

3. Thực hiện dịch vụ thu hộ và chi hộ.

4. Thực hiện các dịch vụ thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

5. Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

6. Thực hiện dịch vụ thu và phát tiền mặt cho khách hàng.

7. Tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ và tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng trong nước. Việc tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

MỤC 4:CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

Điều 14.

1. Ngân hàng thương mại được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp và của các tổ chức tín dụng khác trong nước theo quy định của pháp luật. Mức góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại trong một doanh nghiệp, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại trong tất cả các doanh nghiệp không được vượt quá mức tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Việc góp vốn của ngân hàng thương mại với tổ chức tín dụng nước ngoài để thành lập tổ chức tín dụng liên doanh tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

3. Việc ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần, liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Ngân hàng thương mại được tham gia thị trường tiền tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 16. Khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, ngân hàng thương mại được trực tiếp kinh doanh hoặc thành lập công ty trực thuộc có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập bằng vốn tự có (sau đây gọi tắt là công ty trực thuộc) để kinh doanh ngoại hối và vàng trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Điều 17. Ngân hàng thương mại được quyền uỷ thác, nhận uỷ thác, làm đại lý trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kể cả việc quản lý tài sản, vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo hợp đồng uỷ thác, đại lý.

Điều 18. Ngân hàng thương mại được cung ứng dịch vụ bảo hiểm; được thành lập công ty trực thuộc hoặc liên doanh để kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Điều 19.

Ngân hàng thương mại được cung ứng các dịch vụ:

1. Tư vấn tài chính, tiền tệ cho khách hàng dưới hình thức trực tiếp tư vấn cho khách hàng hoặc thành lập công ty trực thuộc theo quy định của pháp luật.

2. Bảo quản hiện vật quý, giấy tờ có giá, cho thuê tủ két, cầm đồ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Ngân hàng thương mại không được trực tiếp kinh doanh bất động sản.

Điều 21. Ngân hàng thương mại được trực tiếp kinh doanh hoặc thành lập công ty trực thuộc để thực hiện kinh doanh khác có liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Trong quá trình hoạt động, ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định về các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định tại Mục 5, Chương III, Luật các Tổ chức tín dụng và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Chương 4:

QUẢN TRỊ, ĐIỀU HÀNH VÀ KIỂM SOÁT

MỤC 1: NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC

Điều 23. Ngân hàng thương mại nhà nước là ngân hàng thương mại do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế của Nhà nước.

Điều 24. Quản trị ngân hàng thương mại nhà nước là Hội đồng quản trị. Các chức danh Hội đồng quản trị do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có thoả thuận với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Điều 25. Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị có 5 hoặc 7 thành viên, bao gồm thành viên chuyên trách và thành viên kiêm nhiệm; thành viên kiêm nhiệm không phải là người đang giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước; số lượng thành viên Hội đồng quản trị, thành viên chuyên trách, thành viên kiêm nhiệm của từng ngân hàng thương mại do Điều lệ của ngân hàng quy định.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Trưởng Ban kiểm soát là thành viên chuyên trách.

3. Thành viên Hội đồng quản trị là những người có uy tín, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết về hoạt động ngân hàng, không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các Tổ chức tín dụng.

4. Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị không được ủy quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Chủ tịch Hội đồng quản trị không được tham gia Hội đồng quản trị hoặc tham gia điều hành tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty trực thuộc.

5. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị là 5 năm. Các thành viên của Hội đồng quản trị có thể được bổ nhiệm lại.

6. Chủ tịch Hội đồng quản trị không được đồng thời là Tổng giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 26. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị

1. Quản trị ngân hàng theo quy định của pháp luật và Nghị định này.

2. Nhận các nguồn vốn và các nguồn lực khác do Nhà nước giao.

3. Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

a) Chuẩn y sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng;

b) Thành lập công ty trực thuộc;

c) Chấp thuận việc mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa bàn trong và ngoài nước (sau đây gọi tắt là văn phòng đại diện), thành lập các đơn vị sự nghiệp của ngân hàng;

d) Chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần, liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài;

đ) Chấp thuận việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể ngân hàng và sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty trực thuộc, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng;

e) Chấp thuận những thay đổi được quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật các Tổ chức tín dụng;

g) Bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng ngân hàng;

h) Chuẩn y việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát;

i) Chấp thuận tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán các hoạt động của ngân hàng.

4. Phê duyệt phương án giao vốn và các nguồn lực khác cho các công ty trực thuộc.

5. Quyết định việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp và của các tổ chức tín dụng khác, trừ việc góp vốn, mua cổ phần, liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài.

6. Phê chuẩn phương án hoạt động kinh doanh, phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế do Tổng giám đốc đề nghị.

7. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.

8. Quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và điều hành tại trụ sở chính; cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp; quy chế viên chức, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng kỷ luật áp dụng trong ngân hàng.

9. Quy định về lãi suất, tỷ giá, tỷ lệ hoa hồng, phí, mức tiền phạt đối với khách hàng theo quy định của pháp luật.

10. Ban hành Quy chế hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, công ty trực thuộc.

11. Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

12. Ban hành quy định về tổ chức và hoạt động kiểm tra và kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật.

13. Thông qua báo cáo tài chính tổng hợp và quyết toán hàng năm của ngân hàng.

14. Ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng.

15. Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng.

Điều 27. Nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng quản trị

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị:

a) Là người chịu trách nhiệm chung mọi công việc của Hội đồng quản trị, tổ chức phân công nhiệm vụ cho các thành viên để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị quy định tại Điều 26 Nghị định này;

b) Thay mặt Hội đồng quản trị cùng Tổng giám đốc ký nhận vốn và các nguồn lực khác do Nhà nước giao cho ngân hàng;

c) Ký văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan;

d) Ký các nghị quyết, quyết định và các văn bản hoặc thông qua các văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị để thực hiện trong ngân hàng;

đ) Triệu tập, chủ trì và phân công thành viên Hội đồng quản trị chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Hội đồng quản trị;

e) Theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng quản trị giữa 2 kỳ họp Hội đồng quản trị.

2. Nhiệm vụ của các thành viên khác của Hội đồng quản trị do Chủ tịch Hội đồng quản trị phân công phù hợp với hoạt động của ngân hàng và điều kiện công việc của từng thành viên.

Điều 28. Bộ máy giúp việc Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị sử dụng bộ máy điều hành và con dấu của ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ của mình.

2. Hội đồng quản trị thành lập bộ phận giúp việc có không quá 5 cán bộ hoạt động chuyên trách. Chủ tịch Hội đồng quản trị lựa chọn, thay thế các cán bộ giúp việc của Hội đồng quản trị.

3. Hội đồng quản trị thành lập Ban kiểm soát theo quy định tại Điều 30, Điều 31 của Nghị định này.

Điều 29. Chế độ làm việc của Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể; họp thường kỳ mỗi tháng một lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Khi cần thiết, Hội đồng quản trị có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của ngân hàng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, hoặc Trưởng ban Ban kiểm soát, hoặc Tổng giám đốc, hoặc trên 50% số thành viên Hội đồng quản trị đề nghị.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì tất cả các cuộc họp của Hội đồng quản trị; trường hợp vắng mặt, Chủ tịch ủy nhiệm cho một thành viên khác trong Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì cuộc họp.

3. Các cuộc họp của Hội đồng quản trị được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt. Các tài liệu họp Hội đồng quản trị phải được gửi đến các thành viên Hội đồng quản trị và các đại biểu được mời dự họp trước ngày họp 5 ngày.

Các cuộc họp Hội đồng quản trị đều phải được ghi biên bản và được tất cả các thành viên dự họp ký tên vào biên bản

Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị phải được trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản trị biểu quyết tán thành. Trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Thành viên Hội đồng quản trị có ý kiến khác với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị thì có quyền bảo lưu ý kiến của mình và được báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trong thời gian chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền vẫn phải chấp hành nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. ý kiến bảo lưu được lập thành văn bản có chữ ký của người bảo lưu và được lưu trữ kèm theo nghị quyết và quyết định có liên quan của phiên họp.

4. Hội đồng quản trị họp để thảo luận nội dung công việc mà công việc đó có liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thì phải mời đại diện có thẩm quyền của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương liên quan dự họp; nội dung công việc có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong ngân hàng, thì phải mời đại diện Công đoàn ngành đến dự. Đại diện của cơ quan, tổ chức được mời dự họp nói trên có quyền phát biểu, nhưng không tham gia biểu quyết.

5. Nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị có tính bắt buộc thi hành đối với toàn ngân hàng.

6. Tổng giám đốc ngân hàng, Giám đốc sở giao dịch, chi nhánh, đơn vị sự nghiệp, công ty trực thuộc có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của ngân hàng theo yêu cầu của Hội đồng quản trị.

7. Các thành viên Hội đồng quản trị có trách nhiệm bảo vệ bí mật về thông tin được cung cấp.

8. Chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị, của Ban kiểm soát, kể cả tiền lương và phụ cấp cho các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và bộ phận giúp việc Hội đồng quản trị được tính vào chi phí quản lý của ngân hàng. Tổng giám đốc bảo đảm các điều kiện và phương tiện làm việc cần thiết cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Điều 30. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, chuẩn y các chức danh Ban kiểm soát

1. Trưởng Ban kiểm soát là thành viên của Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị phân công.

2. Các thành viên khác của Ban kiểm soát do Hội đồng quản trị bổ nhiệm, miễn nhiệm.

3. Việc phân công Trưởng Ban kiểm soát và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên khác trong Ban kiểm soát phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

Điều 31. Thành viên Ban kiểm soát

1. Thành viên Ban kiểm soát phải là những người có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các Tổ chức tín dụng.

2. Ban kiểm soát có số thành viên tối thiểu là 5 người và ít nhất phải có một nửa số thành viên là chuyên trách; số thành viên kiêm nhiệm phải có một thành viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính giới thiệu, một thành viên do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giới thiệu. Số lượng thành viên Ban kiểm soát do Hội đồng quản trị quyết định.

Điều 32. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát

1. Kiểm tra hoạt động tài chính của ngân hàng; giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán, hoạt động của hệ thống kiểm tra và kiểm toán nội bộ của ngân hàng.

2. Thẩm định báo cáo tài chính hàng năm của ngân hàng; kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến hoạt động tài chính của ngân hàng khi xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Hội đồng quản trị.

3. Thường xuyên thông báo với Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động tài chính.

4. Báo cáo Hội đồng quản trị về tính chính xác, trung thực, hợp pháp của việc ghi chép, lưu giữ chứng từ và lập sổ kế toán, báo cáo tài chính ngân hàng; hoạt động của hệ thống kiểm tra và kiểm toán nội bộ của ngân hàng.

5. Kiến nghị biện pháp bổ sung, sửa đổi, cải tiến hoạt động tài chính của ngân hàng theo quy định của pháp luật.

6. Được sử dụng hệ thống kiểm tra và kiểm toán nội bộ của ngân hàng để thực hiện các nhiệm vụ của mình.

7. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng.

Điều 33. Bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc theo đề nghị của Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm Kế toán trưởng theo đề nghị của Hội đồng quản trị và sau khi có thoả thuận của Bộ Tài chính.

Điều 34. Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc phải là những người không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các Tổ chức tín dụng, có trình độ chuyên môn, năng lực điều hành một tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

Điều 35.

1. Điều hành hoạt động ngân hàng là Tổng giám đốc, giúp Tổng giám đốc có một số Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Tổng giám đốc là người chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, trước pháp luật về việc điều hành hoạt động hàng ngày theo nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 36 Nghị định này.

3. Phó Tổng giám đốc là người giúp Tổng giám đốc điều hành một hoặc một số lĩnh vực hoạt động của ngân hàng theo phân công của Tổng giám đốc và chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được Tổng giám đốc phân công.

4. Kế toán trưởng giúp Tổng giám đốc chỉ đạo thực hiện công tác kế toán, thống kê của ngân hàng, có các quyền và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

5. Bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc trong quản lý và điều hành công việc.

Điều 36. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc

1. Cùng với Chủ tịch Hội đồng quản trị ký nhận vốn và các nguồn lực khác do Nhà nước giao để quản lý, sử dụng theo Điều lệ ngân hàng. Giao vốn và các nguồn lực khác cho các công ty trực thuộc.

2. Trình Hội đồng quản trị:

a) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng;

b) Thành lập công ty trực thuộc;

c) Mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp;

d) Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và điều hành tại trụ sở chính; cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp;

đ) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Giám đốc sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp theo quy định của Điều lệ ngân hàng;

e) Quy chế hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, công ty trực thuộc;

g) Phương án hoạt động kinh doanh, phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế;

h) Quyết định về lãi suất, tỷ giá, tỷ lệ hoa hồng, phí, mức tiền phạt đối với khách hàng theo quy định của pháp luật;

i) Góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp và của các tổ chức tín dụng khác;

k) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể ngân hàng và sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty trực thuộc, đơn vị sự nghiệp;

l) Những thay đổi quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật các Tổ chức tín dụng;

m) Tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán các hoạt động của ngân hàng;

n) Báo cáo tài chính tổng hợp và quyết toán hàng năm của ngân hàng;

o) Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng.

3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng và Phó các phòng hoặc ban chuyên môn, nghiệp vụ; Phó giám đốc, Trưởng phòng kế toán, Tổ trưởng tổ kiểm tra nội bộ sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp và các chức danh khác theo quy định của Điều lệ ngân hàng.

4. Tổ chức thực hiện phương án hoạt động kinh doanh, phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế khi được Hội đồng quản trị phê duyệt.

5. Điều hành và quyết định các vấn đề có liên quan đến các hoạt động kinh doanh của ngân hàng theo đúng pháp luật, Điều lệ ngân hàng và quyết định của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của ngân hàng.

6. Đại diện cho ngân hàng trong quan hệ quốc tế, tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản.

7. Được quyết định áp dụng các biện pháp vượt thẩm quyền của mình trong trường hợp khẩn cấp (thiên tai, địch họa, hoả hoạn, sự cố) và chịu trách nhiệm về những quyết định đó, sau đó phải báo cáo ngay Hội đồng quản trị, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để giải quyết tiếp.

8. Chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền đối với việc thực hiện nhiệm vụ điều hành của mình.

9. Báo cáo Hội đồng quản trị, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

10. Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ ngân hàng và quyết định của Hội đồng quản trị.

MỤC 2: NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN

Điều 37.

1. Ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước và nhân dân (gọi tắt là ngân hàng thương mại cổ phần) là ngân hàng thương mại được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, trong đó doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng nhà nước và tổ chức khác, cá nhân cùng góp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Giới hạn sở hữu cổ phần đối với một tổ chức, cá nhân và việc chuyển nhượng cổ phần thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng nhà nước đối với ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 38. Các loại cổ phần

1. Ngân hàng thương mại cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông gọi là cổ đông phổ thông.

2. Ngân hàng thương mại cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi biểu quyết. Người sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết gọi là cổ đông ưu đãi biểu quyết.

3. Chỉ có cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 3 (ba) năm kể từ ngày ngân hàng được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

4. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Điều 39.Cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông ưu đãi biểu quyết

1. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ ngân hàng quy định.

2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền:

a) Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

Điều 40

1. Quyền của cổ đông phổ thông:

a) Tham dự và biểu quyết tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông; ứng cử, đề cử thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;

b) Được nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

c) Được ưu tiên mua cổ phần mới theo quy định của Điều lệ ngân hàng;

d) Chuyển nhượng cổ phần theo quy định của Điều lệ ngân hàng;

đ) Nhận thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng theo quy định của Điều lệ ngân hàng;

e) Được ủy quyền từng lần bằng văn bản cho người khác trực tiếp tham dự Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Điều lệ ngân hàng; người được ủy quyền không được ứng cử với tư cách của chính mình;

g) Khi ngân hàng giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp vốn vào ngân hàng theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản;

h) Các quyền khác theo quy định của Điều lệ ngân hàng.

2. Cổ đông lớn đã nắm giữ cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng, có quyền:

a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;

b) Xem và nhận bản sao hoặc trích lục danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông;

c) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông;

d) Các quyền khác theo quy định của Điều lệ ngân hàng.

Điều 41. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông

1. Mua đủ cổ phần đã cam kết.

2. Chấp hành Điều lệ ngân hàng và cơ chế quản lý nội bộ của ngân hàng.

3. Chấp hành quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.

4. Chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của ngân hàng trong phạm vi số vốn đã góp vào ngân hàng.

5. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ ngân hàng.

Điều 42. Cổ đông sáng lập

1. Trong ba năm đầu kể từ ngày ngân hàng được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán; cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

2. Sau thời hạn ba năm, các hạn chế quy định tại khoản 1 Điều này đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều bãi bỏ.

Điều 43. Cổ phiếu

1. Cổ phiếu là chứng chỉ do ngân hàng thương mại cổ phần phát hành xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của ngân hàng đó. Cổ phiếu được phát hành có thể ghi tên hoặc không ghi tên. Nội dung chính của cổ phiếu theo quy định của Điều 59 Luật Doanh nghiệp.

2. Việc phát hành cổ phiếu thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Phát hành cổ phiếu ra công chúng qua thị trường chứng khoán phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

4. Việc bán cổ phần cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Đại hội đồng cổ đông

1. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của ngân hàng thương mại cổ phần.

2. Đại hội đồng cổ đông có các quyền hạn và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về:

a) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng;

b) Thảo luận và thông qua báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị, kết quả kinh doanh, quyết toán tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, chia lợi tức cổ phần và trích lập, sử dụng các quỹ theo đề nghị của Hội đồng quản trị; phương hướng, nhiệm vụ của năm tài chính mới;

c) Thảo luận và thông qua báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát;

d) Thành lập công ty trực thuộc;

đ) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể ngân hàng và công ty trực thuộc của ngân hàng;

e) Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và điều hành của ngân hàng; quy chế nhân viên, biên chế, quỹ lương, thù lao cho thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;

g) Quyết định đề án hoạt động đối ngoại;

h) Quyết định phương án xây dựng cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật;

i) Thông qua phương án góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác;

k) Phát hành cổ phiếu mới;

l) Chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập trong ba năm đầu kể từ ngày ngân hàng được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

m) Những thay đổi được quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật các Tổ chức tín dụng, trừ những thay đổi về địa điểm đặt sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, về chuyển nhượng cổ phần có ghi tên quá tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước và về Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng;

n) Quyết định giải pháp khắc phục các biến động lớn về tài chính của ngân hàng;

o) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát;

p) Xem xét sai phạm và quyết định hình thức xử lý đối với thành viên Hội đồng quản trị gây thiệt hại cho ngân hàng và các cổ đông;

q) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ ngân hàng.

3. Về thẩm quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông; danh sách cổ đông có quyền dự họp; mời họp; quyền dự họp; chương trình và nội dung họp; điều kiện, thể thức tiến hành họp; thông qua quyết định; biên bản họp; yêu cầu huỷ bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông, thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải được quy định trong Điều lệ ngân hàng.

Điều 45. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị

1. Quản trị ngân hàng theo quy định của pháp luật và Nghị định này.

2. Quyết định các vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của ngân hàng trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

3. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông về kết quả hoạt động cũng như những sai phạm trong quản lý, vi phạm điều lệ, vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng.

4. Trình Đại hội đồng cổ đông quyết định các nội dung quy định tại các điểm a,b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n, o, p, q khoản 2 Điều 44 Nghị định này.

5. Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

a) Chuẩn y sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng;

b) Thành lập công ty trực thuộc;

c) Chấp thuận việc mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, thành lập đơn vị sự nghiệp của ngân hàng;

d) Chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần, liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài;

đ) Chấp thuận việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể ngân hàng và sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty trực thuộc, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng;

e) Chấp thuận những thay đổi được quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật các Tổ chức tín dụng;

g) Phát hành cổ phiếu mới;

h) Chuẩn y việc bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị; Trưởng ban và các thành viên khác trong Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc);

i) Chấp thuận tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán các hoạt động của ngân hàng.

6. Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp và công ty trực thuộc của ngân hàng.

7. Phê duyệt phương án hoạt động kinh doanh do Tổng giám đốc (Giám đốc) đề nghị.

8. Quy định về lãi suất, tỷ giá, tỷ lệ hoa hồng, phí, mức tiền phạt đối với khách hàng theo quy định của pháp luật.

9. Trích lập và sử dụng các quỹ, chia lợi tức cổ phần theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

10. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng ngân hàng; Giám đốc sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.

11. Quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý ngoài các chức danh quy định tại khoản 10 Điều này và ghi vào Điều lệ ngân hàng.

12. Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

13. Ban hành quy định về tổ chức và hoạt động kiểm tra và kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật.

14. Ban hành Quy chế hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, công ty trực thuộc.

15. Ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng.

16. Quyết định tiền lương, tiền thưởng cho Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc).

17. Xem xét sai phạm của Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) gây thiệt hại cho ngân hàng mình và thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục.

18. Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng.

Điều 46. Thành viên Hội đồng quản trị

1. Thành viên Hội đồng quản trị là những người có uy tín, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết về hoạt động ngân hàng, không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các Tổ chức tín dụng.

2. Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị không được uỷ quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Chủ tịch Hội đồng quản trị không được tham gia Hội đồng quản trị hoặc tham gia điều hành tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty trực thuộc.

3. Hội đồng quản trị có số thành viên tối thiểu là 3 người và không vượt quá 11 người. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

4. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị từ 2 đến 5 năm, do Đại hội đồng cổ đông quyết định. Các thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại.

5. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc) theo quy định của Điều lệ ngân hàng.

6. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản trị do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Điều 47. Bộ máy giúp việc Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị sử dụng bộ máy điều hành và con dấu của ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ của mình.

2. Hội đồng quản trị có các nhân viên giúp việc chuyên trách. Hội đồng quản trị quy định số lượng và nhiệm vụ của từng nhân viên giúp việc.

Điều 48. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, chuẩn y các chức danh Hội đồng quản trị

1. Đại hội đồng cổ đông bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị với số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Tỷ lệ cụ thể, hình thức biểu quyết do Điều lệ ngân hàng quy định.

2. Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hình thức biểu quyết; tỷ lệ số phiếu chấp thuận so với tổng số phiếu biểu quyết do Điều lệ ngân hàng quy định.

3. Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

Điều 49. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, chuẩn y các chức danh Ban kiểm soát

1. Đại hội đồng cổ đông bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban kiểm soát với số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Tỷ lệ cụ thể, hình thức biểu quyết do Điều lệ ngân hàng quy định.

2. Ban kiểm soát bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng Ban kiểm soát. Hình thức biểu quyết; tỷ lệ số phiếu chấp thuận so với tổng số phiếu biểu quyết do Điều lệ ngân hàng quy định.

3. Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng ban và các thành viên trong Ban kiểm soát phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

Điều 50. Thành viên Ban kiểm soát

1. Thành viên Ban kiểm soát phải là những người có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các Tổ chức tín dụng.

2. Ban kiểm soát có số thành viên tối thiểu là 3 người và ít nhất có một nửa số thành viên là chuyên trách. Trưởng Ban kiểm soát phải là cổ đông. Số lượng thành viên Ban kiểm soát do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Điều 51. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát

1. Kiểm tra hoạt động tài chính của ngân hàng; giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán, hoạt động của hệ thống kiểm tra và kiểm toán nội bộ của ngân hàng.

2. Thẩm định báo cáo tài chính hàng năm của ngân hàng; kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến hoạt động tài chính của ngân hàng khi xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông lớn.

3. Thường xuyên thông báo với Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động; tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình các báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông.

4. Báo cáo Đại hội đồng cổ đông về tính chính xác, trung thực, hợp pháp của việc ghi chép, lưu giữ chứng từ và lập sổ kế toán, báo cáo tài chính; hoạt động của hệ thống kiểm tra và kiểm toán nội bộ của ngân hàng.

5. Kiến nghị biện pháp bổ sung, sửa đổi, cải tiến hoạt động tài chính của ngân hàng theo quy định của pháp luật.

6. Được sử dụng hệ thống kiểm tra và kiểm toán nội bộ của ngân hàng để thực hiện các nhiệm vụ của mình.

7. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng.

Điều 52. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc)

1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

Điều 53. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) phải là những người không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các Tổ chức tín dụng, có trình độ chuyên môn, năng lực điều hành một tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

Điều 54.

1. Điều hành hoạt động ngân hàng là Tổng giám đốc (Giám đốc), giúp Tổng giám đốc (Giám đốc) có một số Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng và bộ máy chuyên môn nghiệp vụ.

2. Tổng giám đốc (Giám đốc) là người chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, trước pháp luật về việc điều hành hoạt động hàng ngày của ngân hàng.

3. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) là người giúp Tổng giám đốc (Giám đốc) điều hành một hoặc một số lĩnh vực hoạt động của ngân hàng theo phân công của Tổng giám đốc (Giám đốc) và chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc (Giám đốc) và trước pháp luật về nhiệm vụ được Tổng giám đốc (Giám đốc) phân công.

4. Kế toán trưởng giúp Tổng giám đốc (Giám đốc) chỉ đạo thực hiện công tác kế toán, thống kê của ngân hàng, có các quyền và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

5. Bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) trong quản lý và điều hành công việc.

Điều 55. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc (Giám đốc)

1. Trình Hội đồng quản trị:

a) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng;

b) Thành lập công ty trực thuộc;

c) Mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp;

d) Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và điều hành tại trụ sở chính; cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng; Giám đốc sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp theo quy định của Điều lệ ngân hàng;

e) Quy chế hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, công ty trực thuộc;

g) Quyết định về lãi suất, tỷ giá, tỷ lệ hoa hồng, phí, mức tiền phạt đối với khách hàng theo quy định của pháp luật;

h) Phát hành cổ phiếu mới;

i) Phương án hoạt động kinh doanh;

k) Góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp và của tổ chức tín dụng khác;

l) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể ngân hàng và sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty trực thuộc, đơn vị sự nghiệp;

m) Những thay đổi quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật các Tổ chức tín dụng;

n) Tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán các hoạt động của ngân hàng mình;

o) Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng.

2. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh thuộc thẩm quyền bổ nhiệm được quy định trong Điều lệ ngân hàng. Tuyển dụng, kỷ luật và cho thôi việc các nhân viên ngân hàng; quyết định lương và phụ cấp đối với người lao động kể cả cán bộ quản lý thuộc quyền bổ nhiệm của Tổng giám đốc theo đúng pháp luật và quy chế do Hội đồng quản trị ban hành.

3. Tổ chức thực hiện phương án hoạt động kinh doanh khi được Hội đồng quản trị phê duyệt.

4. Điều hành và quyết định các vấn đề có liên quan đến các hoạt động kinh doanh của ngân hàng theo đúng pháp luật, Điều lệ ngân hàng và quyết định của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của ngân hàng.

5. Đại diện cho ngân hàng trong quan hệ quốc tế, tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản.

6. Được quyết định áp dụng các biện pháp vượt thẩm quyền của mình trong trường hợp khẩn cấp (thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, sự cố) và chịu trách nhiệm về những quyết định đó, sau đó phải báo cáo ngay Hội đồng quản trị, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để giải quyết tiếp.

7. Chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền đối với việc thực hiện nhiệm vụ điều hành của mình.

8. Báo cáo Hội đồng quản trị, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

9. Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ ngân hàng và quyết định của Hội đồng quản trị.

Chương 4:

HỆ THỐNG KIỂM TRA, KIỂM TOÁN NỘI BỘ; KIỂM TOÁN ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

MỤC 1: HỆ THỐNG KIỂM TRA, KIỂM TOÁN NỘI BỘ

Điều 56. Hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ

1. Ngân hàng thương mại phải lập hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ chuyên trách (gọi chung là hệ thống kiểm tra nội bộ) thuộc bộ máy điều hành của Tổng giám đốc (Giám đốc). Hệ thống kiểm tra nội bộ có từ trụ sở chính đến các sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty trực thuộc để giúp Tổng giám đốc (Giám đốc) điều hành thông suốt, an toàn và đúng pháp luật mọi hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Những người trong hệ thống kiểm tra nội bộ không kiêm nhiệm các công việc khác của ngân hàng thương mại.

2. Hệ thống kiểm tra nội bộ chuyên trách và các nhân viên làm nghiệp vụ này (nhân viên kiểm tra nội bộ) độc lập trong hoạt động đối với các bộ phận nghiệp vụ, các sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, các công ty trực thuộc và được độc lập đánh giá, kết luận, kiến nghị trong hoạt động kiểm tra, kiểm toán.

Điều 57. Nhân viên kiểm tra nội bộ

Ngoài những tiêu chuẩn chung của nhân viên ngân hàng, các nhân viên kiểm tra nội bộ phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

1. Hiểu biết pháp luật, thông thạo nghiệp vụ mà mình đảm nhận.

2. Phải có bằng đại học về ngân hàng hoặc kinh tế, kế toán tài chính.

3. Có thời gian công tác ngân hàng ít nhất là ba năm.

Điều 58. Nhiệm vụ của tổ chức kiểm tra nội bộ

1. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật, các quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định nội bộ; trực tiếp kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực tại sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty trực thuộc.

2. Kiểm toán hoạt động nghiệp vụ từng thời kỳ, từng lĩnh vực nhằm đánh giá chính xác kết quả hoạt động kinh doanh và thực trạng tài chính của ngân hàng.

3. Báo cáo kịp thời với Tổng giám đốc (Giám đốc), Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát kết quả kiểm tra, kiểm toán nội bộ và nêu những kiến nghị khắc phục khuyết điểm, tồn tại.

4. Các nhiệm vụ khác theo quy định của Điều lệ ngân hàng và của Tổng giám đốc (Giám đốc).

Điều 59. Quyền hạn của tổ chức kiểm tra nội bộ

1. Yêu cầu các bộ phận nghiệp vụ và nhân viên trực tiếp làm nghiệp vụ giải trình các công việc đã làm, đang làm, xuất trình văn bản chỉ đạo, chứng từ sổ sách ghi chép và các tài liệu có liên quan khác (khi cần thiết) trong hoạt động để phục vụ việc kiểm tra hoặc kiểm toán.

2. Đề nghị Tổng giám đốc (Giám đốc) thành lập đoàn kiểm tra, phúc tra để thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, kiểm toán định kỳ hoặc đột xuất.

3. Trưởng phòng kiểm tra tại trụ sở chính hoặc tổ trưởng tổ kiểm tra tại các sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty trực thuộc, được dự các cuộc họp do Tổng giám đốc, Giám đốc triệu tập.

4. Kiến nghị Tổng giám đốc (Giám đốc) xử lý theo thẩm quyền đối với những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và các quy định của Ngân hàng Nhà nước và của ngân hàng.

5. Các quyền khác theo quy định của Điều lệ ngân hàng, của Tổng giám đốc (Giám đốc).

MỤC 2: KIỂM TOÁN ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Điều 60. Chậm nhất là 30 ngày trước khi kết thúc năm tài chính, ngân hàng thương mại phải lựa chọn một tổ chức kiểm toán không phải là kiểm toán nội bộ để kiểm toán các hoạt động của mình. Tổ chức kiểm toán đó phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Điều 61. Việc kiểm toán các hoạt động của ngân hàng thực hiện theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, của pháp luật về kiểm toán độc lập và văn bản hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chương 5:

KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT

Điều 62. Báo cáo khó khăn về khả năng chi trả

Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả cho khách hàng của mình, ngân hàng thương mại phải báo cáo ngay với Ngân hàng Nhà nước về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng, dự kiến áp dụng để khắc phục.

Điều 63. Áp dụng kiểm soát đặc biệt

1. Ngân hàng Nhà nước đặt ngân hàng thương mại vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi ngân hàng thương mại có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.

2. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể trường hợp đặt ngân hàng thương mại vào kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

3. Trường hợp ngân hàng thương mại được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do có nguy cơ mất khả năng thanh toán thì Ngân hàng Nhà nước phải xây dựng phương án kiểm soát đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 64.

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra quyết định đặt ngân hàng thương mại vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và kết thúc kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, theo phương án kiểm soát đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với trường hợp ngân hàng thương mại có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ban kiểm soát đặc biệt; trách nhiệm của ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, thực hiện theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và văn bản hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của khách hàng, ngân hàng thương mại có thể được tổ chức tín dụng khác hoặc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt; khoản cho vay đặc biệt này sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác của ngân hàng thương mại. Việc cho vay, thu nợ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 65. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 66. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 49/2000/ND-CP

Hanoi, September 12, 2000

 

DECREE

ON ORGANIZATION AND OPERATION OF COMMERCIAL BANKS

THE GOVERNMENT

Pursuant to the Law on Organization of the Government of September 30, 1992;
Pursuant to Credit Institutions Law No.02/1997/QH10 of December 12, 1997;
At the proposal of the Governor of the State Bank of Vietnam,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Commercial banks are those allowed to conduct all banking operations and other related business activities for profit-making purpose, thus contributing to the attainment of the economic objectives set by the State.

3. Commercial banks prescribed by this Decree include State commercial banks and joint stock commercial banks of the State and the people.

Article 2.- The granting of establishment and operation licenses; and the organizational structure of commercial banks shall comply with the provisions of Section 1, Section 2, Chapter II of the Law on Credit Institutions and the State Bank’s regulations.

Chapter II

OPERATIONS OF COMMERCIAL BANKS

Section 1. CAPITAL MOBILIZATION

Article 3.- Commercial banks are allowed to mobilize capital in the following forms:

1. Receiving money deposited by organizations, individuals and other credit institutions in forms of demand deposit, time deposit and other kinds of deposit.

2. Issuing deposit certificates, bonds and other valuable papers to mobilize capital from organizations and individuals at home and abroad after obtaining the State Bank Governor’s approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Borrowing short-term loans from the State Bank according to the provisions of Clause 1, Article 30 of the Law on the State Bank of Vietnam.

5. Other forms of capital mobilization according to the State Bank’s regulations.

Section 2. CREDIT OPERATIONS

Article 4.- Commercial banks are allowed to supply credit to organizations and individuals in forms of loans, discount of commercial bills and other valuable papers, guarantees, financial leasing and other forms specified by the State Bank.

Article 5.- Commercial banks are allowed to lend capital to organizations and individuals in the following forms:

1. Short-term loans to meet the demand of capital for production, business, service and daily life activities.

2. Medium-term and long-term loans for execution of projects for investment in development of production, business, services and life improvement.

Article 6.-

1. Commercial banks shall take initiative in seeking production and/or business projects, which are feasible, efficient and capable of repaying debts, to provide loans.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The lending must be effected in written credit contracts and in compliance with the law provisions on security for loans and lending limits.

Article 7.-

1. Commercial banks shall organize the considera-tion and approval of the lending on the principle of clearly defining and assigning responsibilities for processes of lending evaluation and decision; and inspection and supervision of the capital borrowing and use and debt repayment by customers.

2. Commercial banks are allowed to request customers to supply documents evidencing their feasible business plans, the financial capabilities of their own and of their guarantors before deciding to lend; and to terminate the lending and recover debts ahead of time upon detecting the supply of untruthful information or breaches of credit contracts by customers.

3. Commercial banks are entitled to dispose borrowers’ loan security property and guarantors’ property in the performance of guaranty obligations in order to recover debts according to the provisions of the Government’s Decree on security for loans from credit institutions; and to initiate lawsuits against customers who breach credit contracts and guarantors who fail to perform or improperly perform their guaranty obligations according to the provisions of law.

4. Commercial banks are allowed to exempt or reduce lending interest rates and/or banking charges; reschedule debts; sell and purchase debts according to the State Bank’s regulations.

Article 8.-

1. Commercial banks are allowed to guarantee loans, payments, contract performance, bids, and provide other banking guarantee forms with their prestige and financial capabilities for the guarantees according to the State Bank’s regulations.

2. The guarantee level for a customer and the total guarantee level of a commercial bank must not exceed the proportion on its own capital as prescribed by the State Bank.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 9.- Only commercial banks licensed to conduct the international payment operations shall be allowed to provide guarantees for loans, payments and other banking guarantee forms whereby the guarantees are foreign organizations and/or individuals.

Article 10.- Commercial banks are allowed to:

1. Discount commercial bills and other short-term valuable papers for organizations and individuals.

2. Rediscount commercial bills and other short-term valuable papers for other credit institutions.

Article 11.- Commercial banks are allowed to conduct financial leasing activities, provided that they establish their own financial leasing companies. The establishment, organization and operation of financial leasing companies shall comply with the Government’s Decree on organization and operation of financial leasing companies.

Section 3. PAYMENT AND TREASURY SERVICES

Article 12.-

1. Commercial banks have to open deposit accounts at the State Bank (the State Bank’s transaction bureaus or provincial/municipal branches) of the localities, where such commercial banks are headquartered, and maintain the prescribed compulsory reserve deposit balance thereat. They are entitled to open deposit accounts at other banks at home according to the State Bank’s regulations.

2. Branches of commercial banks are entitled to open deposit accounts at the State Bank’s branches in provinces and cities where such branches head offices are located.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 13.- Commercial banks are allowed to:

1. Supply payment instruments;

2. Provide domestic payment services for customers;

3. Provide services of entrusted collection and payment;

4. Provide other payment services according to the State Bank’s regulations;

5. Provide international payment services when so permitted by the State Bank.

6. Provide services of cash collection and dispensation for customers;

7. Organize the internal payment system and participate in the domestic inter-bank payment system. The participation in the international payment system must be permitted by the State Bank.

Section 4. OTHER OPERATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Commercial banks are allowed to use their charter capital and reserve funds to make capital contributions to or purchase stocks from other credit institutions at home according to the provisions of law. The level of capital contributed to or stocks purchased from one enterprise by each commercial bank, the total capital contributed to or stocks purchased from all concerned enterprises by each commercial bank must not exceed the maximum level prescribed by the State Bank.

2. The capital contribution by commercial banks to foreign credit institutions for establishment of joint-venture credit institutions in Vietnam shall comply with the Government’s regulations on organization and operation of foreign credit institutions in Vietnam.

3. Commercial banks’ capital contribution, stock purchase and/or joint venture with foreign investors must be approved in writing by the State Bank and shall be effected according to the provisions of law.

Article 15.- Commercial banks are allowed to participate in the monetary market according to the State Bank’s regulations.

Article 16.- When permitted by the State Bank, commercial banks may directly trade in foreign exchange and gold on the domestic market and international market or set up their affiliated companies that have the legal person status and conduct independent cost-accounting with their own capital (hereinafter referred to as affiliated companies for short) to do such business.

Article 17.- Commercial banks may consign, undertake consignment or act as agents in banking operation-related domains, including the management of property and investment capital of organizations and individuals at home and abroad under consignment or agency contracts.

Article 18.- Commercial banks are allowed to provide insurance services; set up affiliated companies or establish joint ventures to conduct insurance business according to the provisions of law.

Article 19.- Commercial banks are allowed to provide the following services:

1. Giving financial and monetary consultations to customers by mode of directly giving consultations to customers or setting up affiliated companies therefor according to the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 20.- Commercial banks are not allowed to directly deal in real estates.

Article 21.- Commercial banks may directly conduct or set up affiliated companies to conduct other banking operation-related business activities according to the provisions of law.

Article 22.- In the course of operation, commercial banks shall have to abide by the regulations on limitations so as to ensure the safety in their operations according to the provisions of Section 5, Chapter III of the Law on Credit Institutions and the State Bank’s regulations.

Chapter III

ADMINISTRATION, MANAGEMENT AND CONTROL

Section 1. STATE COMMERCIAL BANKS

Article 23.- State commercial banks are those established by the State, which invests capital therein and organizes the management of business activities thereof, thus contributing to the attainment of the State’s economic objectives.

Article 24.- State commercial banks are administered by their Managing Boards. The Managing Board’s posts shall be appointed and dismissed by the State Bank Governor after consulting the Government Commission for Organization and Personnel.

Article 25.- Managing Board and Managing Board members

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Managing Board Chairman, the Managing Board member who is concurrently the General Director, and the Managing Board member who is concurrently the Head of the Control Commission shall be full-time members.

3. The Managing Board members must be those having prestige, good professional ethics and knowledge of banking operations and must not be subjects specified in Article 40 of the Law on Credit Institutions.

4. The Chairman and other members of the Managing Board shall not be allowed to authorize persons who are not members of such Managing Board to perform their tasks or exercise their powers. The Managing Board Chairman must not join another Managing Board or take part in the management of other credit institutions, except for cases where such institutions are affiliated companies.

5. Term of office of the Managing Board members shall be 5 years. The Managing Board members may be re-appointed.

6. The Managing Board Chairman must not concurrently be the General Director or Deputy General Director, except otherwise provided for by law.

Article 26.- Tasks and powers of the Managing Board

1. To administer its bank according to the provisions of law and this Decree.

2. To receive capital sources and other resources assigned by the State.

3. To submit to the State Bank Governor:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The setting up of affiliated companies;

c/ The opening of transaction bureaus, branches, representatives in localities at home or abroad (hereinafter referred to as representative offices), and the establishment of public-service units of the bank, for approval;

d/ The capital contribution, stock purchase and/or joint venture with foreign investors, for approval;

e/ The division, split-up, amalgamation, merger, buy-out and/or dissolution of the bank and its transaction bureaus, branches, representative offices, affiliated companies and/or public-service units, for approval;

f/ Changes specified in Clause 1, Article 31 of the Law on Credit Institutions, for approval;

g/ The appointment and dismissal of the Managing Board’s Chairman and members, the General Director, Deputy General Director and/or Chief Accountant of the bank;

h/ The appointment and dismissal of the Head and members of the Control Commission, for approval;

i/ The independent audit organization to audit the bank’s operations, for approval.

4. To ratify the plan for allocation of capital and other resources to the affiliated companies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To approve the business operation plan and after-tax profit use plan proposed by the General Director.

7. To decide the appointment and/or dismissal of Directors of transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units.

8. To decide the organizational structure of the managerial and executive apparatus at the bank’s head office; the organizational structure of the executive apparatus of transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units; the regulation on employees, the regulation on wage payment and the regulation on commendation and discipline applicable within the bank.

9. To prescribe interest rates, exchange rates, commission rate, charges, fine levels applicable to customers according to the provisions of law.

10. To promulgate the Regulation on operation of transaction bureaus, branches, representative offices, public-service units and affiliated companies.

11. To promulgate the Regulation on operation of the Managing Board and the Control Commission.

12. To promulgate regulations on organization and activities of internal inspection and audit according to the provisions of law.

13. To adopt the annual general financial statements and final settlements of the bank.

14. To promulgate the documents concretely guiding the implementation of the State’s and the State Bank’s regulations on banking operations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 27.- Tasks of the Managing Board members

1. The Managing Board Chairman shall:

a/ Be responsible for all activities of the Managing Board, assign tasks to its members in the performance and exercise of tasks and powers of the Managing Board as specified in Article 26 of this Decree;

b/ Act on behalf of the Managing Board together with the General Director in signing the receipt of capital and other resources assigned by the State to the bank;

c/ Sign documents which are to be submitted by the Managing Board, within its competence, to the State Bank Governor and relevant bodies;

d/ Sign resolutions, decisions and documents or adopt documents under the Managing Board’s competence for implementation within the bank;

e/ Convene, preside over and assign the Managing Board’s members to prepare contents of the Managing Board’s meetings;

f/ Monitor and urge the performance of tasks by the Managing Board members during the intervals between two meetings of the Managing Board.

2. The tasks of other members of the Managing Board shall be assigned by the Managing Board Chairman suited to the bank’s operations and each member’s working conditions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Managing Board shall use the bank’s managerial apparatus and seal for performance of its tasks.

2. The Managing Board shall set up an assisting section consisting of no more than 5 full-time officials. The Managing Board Chairman shall select and replace officials assisting the Managing Board.

3. The Managing Board shall set up the Control Commission according to the provisions of Articles 30 and 31 of this Decree.

Article 29.- Working regime of the Managing Board

1. The Managing Board shall work according to the collective regime; meet once every month to consider and decide matters falling under its competence and responsibilities. When necessary, the Managing Board may hold an extraordinary meeting to solve the bank’s imperative issues proposed by the Managing Board Chairman or the Control Commission Head or the General Director or over 50% of the number of the Managing Board members.

2. The Managing Board Chairman shall convene and preside over all meetings of the Managing Board. In case of his/her absence, the Chairman shall authorize another member in the Managing Board to convene and preside over a meeting.

3. A meeting of the Managing Board shall be considered valid when at least two thirds of its members are present. All Managing Board meeting documents must be sent to the Managing Board members and delegates invited to the meeting 5 days before the meeting date.

All meetings of the Managing Board must be recorded in minutes, which shall be signed by all participating members.

Resolutions and decisions of the Managing Board must be voted for by over 50% of the total number of the Managing Board members through a show of hands. In cases where the numbers of votes for and votes against are equal, the final decision shall rest with the Managing Board Chairman’s vote.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Managing Board, when meeting to discuss matters which are related to the State management functions of ministries, branches and administrations of the provinces and cities, shall have to invite competent representatives of the concerned ministries, branches and local administrations to participate in the meeting. If the matters are related to the interests and obligations of laborers in the bank, the branch trade union’s representatives must be invited to participate in the meeting. The above-said agencies’ and organizations’ representatives invited to participate in the meeting may address such meeting but shall not participate in voting.

5. The Managing Board’s resolutions and decisions are binding on the entire bank.

6. The bank’s General Director, the Directors of transaction bureaus, branches, public-service units and/or affiliated companies shall have to adequately and promptly supply necessary information related to the bank’s operation at the Managing Board’s requests.

7. The Managing Board members shall have to protect the confidentiality of the information supplied to them.

8. Operation expenditures of the Managing Board and the Control Commission, including the wages and allowances for members of the Managing Board and the Control Commission and the Managing Board’s assisting apparatus shall be accounted into the bank’s management costs. The General Director shall ensure the necessary working conditions and facilities for the Managing Board and the Control Commission.

Article 30.- Appointment, dismissal and approval of posts of the Control Commission

1. The Head of the Control Commission shall be a member of the Managing Board and posted by the latter.

2. Other members of the Control Commission shall be appointed and dismissed by the Managing Board.

3. The posting of the Control Commission Head and the appointment and dismissal of other members of the Control Commission must be approved by the State Bank Governor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Control Commission members must be persons having professional qualifications and ethics under the State Bank’s regulations, and must not be subjects specified in Article 40 of the Law on Credit Institutions.

2. The Control Commission shall have a minimum membership of 5, of which at least a half must be full-time members. Of the part-time members, one must be recommended by the Finance Minister, another by the State Bank Governor. The number of the Control Commission members shall be decided by the Managing Board.

Article 32.- Tasks and powers of the Control Commission

1. To inspect the bank’s financial operations; to supervise the observance of the cost-accounting regime, the operation of the bank’s internal inspection and audit system.

2. To evaluate the bank’s annual financial statements; to scrutinize each specific matter related to the bank’s financial operations when it deems necessary or under the Managing Board’s decisions.

3. To regularly notify the Managing Board of the results of financial operations.

4. To report to the Managing Board on the accuracy, truthfulness and legality of the recording and keeping of vouchers and the making of accounting books and financial statements of the bank, as well as the operation of the bank’s internal inspection and audit system.

5. To propose measures to supplement, modify and/or improve the bank’s financial operations according to the provisions of law.

6. To use the bank’s internal inspection and audit system for the performance of its tasks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 33.- Appointment and dismissal of the General Director, the Deputy General Director and the Chief Accountant

The State Bank Governor shall appoint and dismiss the General Director and the Deputy General Directors at the Managing Board’s requests; appoint and dismiss the Chief Accountant at the Managing Board’s requests and after obtaining the Finance Ministry’s consent.

Article 34.- The General Director and Deputy General Directors must not be subjects specified in Article 40 of the Law on Credit Institutions, must have professional qualifications and capacities to manage a credit institution according to the State Bank’s regulations, and reside in Vietnam during their terms of office.

Article 35.-

1. The bank’s operation shall be managed by the General Director, who shall be assisted by a number of Deputy General Directors, the Chief Accountant and a professional apparatus.

2. The General Director shall be answerable to the Managing Board and held responsible before law for the management of the bank’s daily operation according to the tasks and powers prescribed in Article 36 of this Decree.

3. The Deputy General Directors shall assist the General Director in managing one or several fields of the bank’s operation under the General Director’s assignment and shall be responsible to the General Director and law for the tasks assigned by the General Director.

4. The Chief Accountant shall assist the General Director in directing the bank’s accounting and statistical work, and have the rights and duties provided for by law.

5. The professional apparatus shall have the advisory function, assisting the Managing Board and the General Director in managing and administering the works.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To sign, together with the Managing Board Chairman, the reception of capital and other resources assigned by the State for management and use according to the bank’s charter. To allocate capital and other resources to the affiliated companies.

2. To propose to the Managing Board:

a/ Amendments and/or supplements to the bank’s charter;

b/ The setting up of affiliated companies;

c/ The opening of transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units;

d/ The organizational structure of the managerial and executive apparatus at the head office; the organizational structure of the executive apparatus of the transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units;

e/ The appointment and dismissal of the Deputy General Directors, the Chief Accountant, the Directors of the transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units according to provisions of the bank’s charter;

f/ The regulations on operation of the transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units;

g/ Business operation plan and after-tax profit use plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



i/ The contribution of capital to and purchase of stocks from enterprises and other credit institutions;

j/ The division, split-up, amalgamation, merger, buy-out, dissolution of the bank and its transaction bureaus, branches, representative offices, affiliated companies and public-service units;

k/ Changes specified in Clause 1, Article 31 of the Law on Credit Institutions;

l/ Selection of independent audit organization(s) to audit the bank’s operations;

m/ Annual general financial statements and final settlements of the bank;

n/ Specific guidance on the implementation of the State’s and the State Bank’s regulations on banking operations.

3. To appoint and dismiss heads and deputy heads of professional sections or divisions, deputy directors, heads of accountancy sections, heads of internal inspection teams of transaction bureaus, branches, representative offices, public-service units and other posts as prescribed by the bank’s charter.

4. To organize the implementation of the business operation plan and after-tax profit use plan as soon as such plans are approved by the Managing Board.

5. To administer and decide on matters related to the bank’s business operations strictly according to law, the bank’s charter and the Managing Board’s decisions; to take responsibility for the bank’s business results.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. To decide on the application of measures which are beyond his/her competence in emergency cases (natural calamities, enemy sabotage, fire, unexpected incidents) and take responsibility for such decisions, then promptly report such to the Managing Board, the State Bank and other competent State bodies for further solution.

8. To submit to the inspection and supervision by the Managing Board, the Control Commission, the State Bank and other competent State bodies regarding his/her performance of the managing tasks.

9. To report to the Managing Board, the State Bank and other competent State bodies defined by law on the bank’s business operation results.

10. Other rights and duties prescribed by law, the bank’s charter and the Managing Board’s decisions.

Section 2. JOINT STOCK COMMERCIAL BANKS

Article 37.-

1. Joint stock commercial banks of the State and the people (hereinafter referred to as joint stock commercial banks) are those established in the form of joint stock companies, to which State enterprises, State credit institutions and other organizations and individuals jointly contribute capital under the State Bank’s regulations.

2. Limits of stocks owned by one organization or individual as well as the transfer of stocks shall comply with the State Bank’s regulations.

3. The contribution of capital to and purchase of stocks from joint stock commercial banks by State enterprises and State credit institutions shall comply with the State Bank’s regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Joint stock commercial banks must have common stocks. Owners of common stocks are called common stockholders.

2. Joint stock commercial banks may have preferred voting stocks. Owners of preferred voting stocks are called preferred voting stockholders.

3. Only founding stockholders are entitled to hold preferred voting stocks. The preferred voting right of founding stockholders shall be valid for only 3 (three) years from the date the bank is granted the business registration certificate. Past that time limit, the preferred voting stocks of the founding stockholders shall be converted into common stocks.

4. Common stocks cannot be converted into preferred voting stocks.

Article 39.- Preferred voting stocks and rights of preferred voting stockholders

1. Preferred voting stocks are those having more votes than common stocks. The number of votes of one preferred voting stock shall be prescribed by the bank’s charter.

2. Stockholders who own preferred voting stocks shall have the rights:

a/ To vote on issues falling under the competence of the Stockholders’ Congress with the number of votes prescribed in Clause 1 of this Article;

b/ Other rights like common stockholders, except for cases specified in Clause 3 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 40.-

1. Rights of common stockholders:

a/ To participate in and vote on all issues falling under the competence of the Stockholders’ Congress; to stand for election and nominate members of the Managing Board and the Control Commission. Each common stock has one vote;

b/ To receive dividends at the levels decided by the Stockholders’ Congress;

c/ To be given priority in purchasing new stocks according to the bank’s charter;

d/ To transfer stocks according to the bank’s charter;

e/ To receive information on the bank’s operation situation according to the bank’s charter;

f/ To severally authorize in writing other persons to personally participate in the Stockholders’ Congress according to the provisions of the bank’s charter. The authorized persons shall not be allowed to stand for election in their own capacity;

g/ When the bank is dissolved or goes bankrupt, they shall receive part of the remaining assets in proportion to their capital amounts contributed to the bank according to the provisions of the legislation on dissolution and bankruptcy;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Major stockholders who have held stocks continuously for a period of at least 6 months shall have the rights:

a/ To nominate their representatives to the Managing Board and the Control Commission;

b/ To get access to and receive the copy or extract of the list of stockholders who have the right to participate in meetings of the Stockholders’ Congress;

c/ To request the convention of the Stockholders’ Congress;

d/ Other rights prescribed by the bank’s charter.

Article 41.- Obligations of common stockholders

1. To purchase stocks in full volume they have subscribed to.

2. To abide by the bank’s charter and internal management mechanisms.

3. To abide by the decisions of the Stockholders’ Congress and the Managing Board.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To perform other obligations as prescribed by the bank’s charter.

Article 42.- Founding stockholders

1. For the first three years after the bank is granted the business registration certificate, the founding stockholders shall have to jointly hold at least 20% of the volume of common stocks offered for sale. Common stocks of founding stockholders may be transferred to persons other than the bank’s stockholders, if it is so approved by the Stockholders’ Congress. Stockholders who intend to transfer their stocks shall not have the right to vote on the transfer of such stocks.

2. Past the said three-year time limit, the restrictions prescribed in Clause 1 of this Article on common stocks of founding stockholders shall all be lifted.

Article 43.- Shares

1. Shares are certificates issued by joint stock commercial banks to certify the ownership over one or a number of stocks of such banks. Shares may be issued in form of registered or bearer ones. The principal content of shares is prescribed in Article 59 of the Law on Enterprises.

2. The issuance of shares shall comply with the State Bank’s regulations.

3. The issuance of shares to the public through the securities market must comply with the provisions of the legislation on securities and securities market.

4. The sale of stocks to foreign organizations and individuals shall comply with the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Stockholders’ Congress is the highest decision-making body of a joint stock commercial bank.

2. The Stockholders’ Congress shall have the law-prescribed powers and tasks:

a/ To amend and supplement the bank’s charter;

b/ To discuss and adopt the Managing Board’s operation reports, the business results, financial final settlements, plans for distribution of profits, sharing of dividends and deduction for setting up and use of various funds at the Managing Board’s requests; as well as the orientations and tasks of the new fiscal year;

c/ To discuss and adopt the Control Commission’s operation reports;

d/ To set up affiliated companies;

e/ To divide, split up, amalgamate, merge, buy out, dissolve the bank and its affiliated companies;

f/ To decide the organizational structure of the managerial and executive apparatus of the bank; the regulation on staff members, staff payroll, wage fund and remuneration for members of the Managing Board and the Control Commission;

g/ To decide on plans for external activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



i/ To adopt plans for contribution of capital to and/or purchase of stocks from enterprises and/or other credit institutions;

j/ To issue new shares;

k/ To transfer common stocks of the founding stockholders within the first three years from the date the bank is granted business registration certificate;

l/ To decide on changes specified in Clause 1, Article 31 of the Law on Credit Institutions, except for changes to the location of transaction bureaus, branches, representative offices, transfer of registered stocks in excess of the rates prescribed by the State Bank as well as change of the banks General Director (Director);

m/ To decide on measures to overcome the banks major financial changes;

n/ To elect, release from office, dismiss members of the Managing Board and the Control Commission;

o/ To examine faults and violations and decide on handling measures against the Managing Boards members who have caused damage to the bank and its stockholders;

p/ Other rights and tasks as provided for by law and the banks charter.

3. The competence to convene a meeting of the Stockholders Congress; the list of stockholders allowed to participate in the meeting; the invitation of meeting participants; the right to participate in the meeting; the agenda and content of the meeting; the conditions and mode for conducting the meeting; the adoption of decisions; the meeting minutes, and the request for cancellation of decisions of the Stockholders Congress, shall all comply with the State Banks regulations and must be stipulated in the banks charter.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To administer the bank according to the provisions of law and this Decree.

2. To decide on matters related to the banks objectives and interests, except for those falling under the competence of the Stockholders Congress.

3. To be answerable to the Stockholders Congress for its operation results as well as its errors and violations in managerial activities, breaches of the charter and law, which cause damage to the bank.

4. To propose to the Stockholders Congress for decision the contents specified at Points a, b, d, e, f, g, h, i, j, l, m, n, o and p, Clause 2, Article 44 of this Decree.

5. To submit to the State Bank Governor for approval:

a/ Amendments and/or supplements to the banks charter;

b/ The setting up of affiliated companies;

c/ The opening of the banks transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units;

d/ The capital contribution, stock purchase and/or joint venture with foreign investors;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Changes specified in Clause 1, Article 31 of the Law on Credit Institutions;

g/ The issuance of new shares;

h/ The election, appointment, dismissal and/or release from office of the Chairman and other members of the Managing Board; the Head and other members of the Control Commission, the General Director (Director);

i/ The selection of independent audit organization to audit the banks operations.

6. To decide on the organizational structure of the executive apparatus of transaction bureaus, branches, representative offices, public-service units and affiliated companies.

7. To ratify business operation plans proposed by the General Director (Director).

8. To prescribe the interest rates, exchange rates, commission rates, charges and fine levels applicable to customers according to the provisions of law.

9. To deduct, set up and use funds, and divide stock dividends under the resolutions of the Stockholders Congress.

10. To appoint, dismiss and/or release from office the General Director (Director), Deputy General Directors (Deputy Directors) and the Chief Accountant of the bank; the Directors of transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



12. To promulgate the Regulation on operation of the Managing Board and the Control Commission.

13. To promulgate the regulation on organization and operation of internal inspection and audit system according to the provisions of law.

14. To promulgate the Regulation on operation of transaction bureaus, branches, representative offices, public-service units and affiliated companies.

15. To promulgate documents concretely guiding the implementation of the States and the State Banks regulations on banking operations.

16. To decide wages and rewards for the General Director (Director), Deputy General Directors (Deputy Directors).

17. To examine errors and violations committed by the General Director (Director), Deputy General Directors (Deputy Directors), which cause damage to the bank and take necessary measures to remedy such errors and violations.

18. Other rights and tasks as provided for by law and the banks charter.

Article 46.- The Managing Board members

1. The Managing Board members shall be persons with prestige, professional ethics and knowledge about banking operations and must not be the subjects specified in Article 40 of the Law on Credit Institutions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Managing Board must have a minimum membership of 3 persons, which, however, must not exceed 11 persons. The number of the Managing Board members shall be decided by the Stockholders Congress.

4. The term of office of the Managing Board members shall be between 2 and 5 years, and concretely decided by the Stockholders Congress. The Managing Board members may be re-elected.

5. The Managing Board Chairman may concurrently be the General Director (Director) according to provisions of the banks charter.

6. The tasks and powers of the Managing Board members shall be provided for by the State Bank.

Article 47.- The Managing Boards assisting apparatus

1. The Managing Board shall use the banks executive apparatus and seal for the performance of its tasks.

2. The Managing Board shall have full-time assistants. It shall prescribe the number of assistants and tasks of each assistant.

Article 48.- Election, release from office, dismissal and approval of posts of the Managing Board

1. The Stockholders Congress shall elect, relieve and dismiss the Managing Board members, with votes of stockholders representing at least 51% of the total number of votes of all stockholders present at the meeting. The specific rate and mode of voting shall be stipulated by the banks charter.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The election, release from office and dismissal of the chairman and members of the Managing Board must be approved by the State Bank Governor.

Article 49.- Election, release from office, dismissal and approval of posts of the Control Commission

1. The Stockholders Congress shall elect, relieve and dismiss the Control Commission members, with votes of stockholders representing at least 51% of the total number of votes of all stockholders present at the meeting. The specific rate and mode of voting shall be stipulated by the banks charter.

2. The Control Commission shall elect, relieve from office and/or dismiss its head. The mode of voting; the percentage of votes for on the total number of votes shall be prescribed by the banks charter.

3. The election, release from office and dismissal of the head and members of the Control Commission must be approved by the State Bank Governor.

Article 50.- The Control Commission members

1. The Control Commission members must be persons with professional qualifications and ethics according to the State Banks regulations, and must not be the subjects specified in Article 40 of the Law on Credit Institutions.

2. The Control Commission shall have a minimum membership of 3 persons, and at least half of the number of its members must be full-time ones. The Control Commission head must be a stockholder. The number of the Control Commission members shall be decided by the Stockholders Congress.

Article 51.- Tasks and powers of the Control Commission

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To evaluate the banks annual financial statements; to examine each specific matter related to the banks financial operations when deeming it necessary or under the decisions of the Stockholders Congress or at the major stockholders requests.

3. To regularly inform the Managing Board of its operation result; to consult the Managing Board before submitting its reports, conclusions and petitions to the Stockholders Congress.

4. To report to the Stockholders Congress on the accuracy, truthfulness and legality of the recording and keeping of vouchers, and making of accounting books and financial statements; as well as the operation of the banks internal inspection and audit system.

5. To propose measures to supplement, modify and improve the banks financial operations according to the provisions of law.

6. To be entitled to use the banks inspection and audit system for the performance of its tasks.

7. Other tasks and powers provided for by law and the banks charter.

Article 52.- The appointment, release from office and dismissal of the General Director (Director)

1. The Managing Board shall appoint, relieve from office and dismiss the General Director (Director), Deputy General Directors (Deputy Directors) and the Chief Accountant.

2. The appointment, release from office and dismissal of the General Director (Director) must be approved by the State Bank Governor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 54.-

1. The banks operation shall be managed by the General Director (Director), who shall be assisted by a number of Deputy General Directors (Deputy Directors), the Chief Accountant and a professional apparatus.

2. The General Director (Director) shall be answerable to the Managing Board and held responsible before law for the management of the banks daily activities.

3. The Deputy General Directors (Deputy Directors) shall assist the General Director in managing one or several fields of the banks operation under the assignment by the General Director (Director) and shall be responsible to the General Director (Director) and the law for the tasks assigned by the General Director (Director).

4. The Chief Accountant shall assist the General Director in directing the banks accounting and statistical work, and have the rights and duties provided for by law.

5. The professional apparatus shall have the advisory function, assisting the Managing Board and the General Director (Director) in managing and administering the work.

Article 55.- Tasks and powers of the General Director (Director)

1. To propose to the Managing Board:

a/ Amendments and/or supplements to the banks charter;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The opening of transaction bureaus, branches, representative offices and/or public-service units;

d/ The organizational structure of the managerial and executive apparatus at the head office; the organizational structure of the executive apparatus of the transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units;

e/ The appointment, relieve from office and dismissal of the Deputy General Directors (Deputy Directors), the Chief Accountant, the Directors of the transaction bureaus, branches, representative offices and public-service units according to provisions of the banks charter;

f/ The Regulation on operation of the transaction bureaus, branches, representative offices, public-service units and affiliated companies;

g/ The decisions on interest rates, exchange rates, commission rates, charges, fine levels applicable to customers, according to provisions of law;

h/ The issuance of new shares;

i/ The business operation plans;

j/ The contribution of capital to and purchase of stocks from enterprises and other credit institutions;

k/ The division, split-up, amalgamation, merger, buy-out, dissolution of the bank and its transaction bureaus, branches, representative offices, affiliated companies and public-service units;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



m/ Selection of independent audit organization(s) to audit its banks operations;

n/ Specific guidance on the implementation of the States and the State Banks regulations on banking operations.

2. To appoint, relieve from office and dismiss posts under its appointing competence provided for in the banks charter. The recruitment, discipline and relieve from work the banks staff members; the decision on wages and allowances for its employees, including managerial officials under his/her appointing competence shall strictly comply with law and the regulation promulgated by the Managing Board.

3. To organize the implementation of the business operation plans as soon as such plans are approved by the Managing Board.

4. To administer and decide on matters related to the banks business operations strictly according to law, the banks charter and the Managing Boards decisions; to take responsibility for the banks business results.

5. To represent the bank in international relations, litigation, settlement of disputes, dissolution and/or bankruptcy.

6. To decide on the application of measures which are beyond his/her competence in emergency cases (natural calamities, enemy sabotage, fire, unexpected incidents) and take responsibility for such decisions, and later to promptly report such to the Managing Board, the State Bank and other competent State bodies for further solution.

7. To submit to the inspection and supervision by the Managing Board, the Control Commission, the State Bank and other competent State bodies regarding his/her performance of the managerial tasks.

8. To report to the Managing Board, the State Bank and other competent State bodies as specified by law on the banks business operation results.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

THE INTERNAL INSPECTION AND AUDIT SYSTEM; AUDIT OF COMMERCIAL BANKS

Section 1. THE INTERNAL INSPECTION AND AUDIT SYSTEM

Article 56.- The internal inspection and audit system

1. A commercial bank shall have to establish a full-time internal inspection and audit system (hereinafter referred to as the internal inspection system) belonging to the managerial apparatus of the General Director (Director). The internal inspection system shall exist at the banks head office down to its transaction bureaus, branches, representative offices and affiliated companies to assist the General Director (Director) in smoothly, safely and lawfully managing all professional operations of the bank. Personnel involved in the internal inspection system shall not concurrently undertake other work of the commercial bank.

2. The full-time internal inspection system and the personnel engaged in such professional operation (internal inspectors) shall be independent in their activities from the banks professional sections, transaction bureaus, representative offices and affiliated companies, and entitled to independently make evaluations, conclusions and petitions in their inspecting and auditing activities.

Article 57.- Internal inspectors

Besides the criteria commonly applicable to banking employees, internal inspectors must fully meet the following criteria:

1. Having legal knowledge and being expert in work they undertake.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Having worked in the banking sector for at least three years.

Article 58.- Tasks of the internal inspection organization

1. To regularly inspect the observance of law, the States regulations and the internal regulations; to directly inspect the professional operations in all domains at the transaction bureaus, branches, representative offices and affiliated companies.

2. To audit the professional operations in each period and each domain in order to accurately evaluate the business operation results and financial status of the bank.

3. To promptly report to the General Director (Director), the Managing Board and the Control Commission on the results of the internal inspection and audit, and propose measures to remedy shortcomings and problems.

4. Other tasks prescribed by the banks charter and the General Director (Director).

Article 59.- Powers of the internal inspection organization

1. To request the professional sections and staff members personally engaged in professional operations to explain work they have done or are doing, and produce directing documents, vouchers and recording books and other relevant documents (when necessary) in their operations in service of inspecting or auditing activities.

2. To request the General Director (Director) to set up an inspection or re-inspection delegation to perform regular or irregular inspection and audit tasks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To propose the General Director (Director) to handle according to his/her competence units and/or individuals that commit acts of violating laws and regulations of the State Bank and the bank.

5. Other powers as provided for by the banks charter and the General Director (Director).

Section 2. AUDIT OF COMMERCIAL BANKS

Article 60.- Within 30 days at most before the end of a fiscal year, the commercial bank shall have to select an audit organization other than the internal audit organization to audit its operations. Such an audit organization must be approved by the State Bank.

Article 61.- The audit of the banks operations shall be conducted in compliance with the provisions of the Law on Credit Institutions, the legislation on independent audit and the State Bank Governors guiding documents.

Chapter V

SPECIAL CONTROL

Article 62.- Reporting on solvency difficulties

Should any danger of losing its solvency to pay its customers appears, the commercial bank shall have to promptly report to the State Bank on its financial status, reasons therefor and remedial measures it has applied or is intended to apply.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The State Bank shall place a commercial bank under the special control when the latter is in danger of losing its paying capability or solvency.

2. The State Bank shall specify cases where it shall place commercial banks under the special control according to provisions of the Law on Credit Institutions and other relevant provisions of law.

3. In cases where a commercial bank is placed under the special control for the reason that it is in danger of losing its solvency, the State Bank shall have to work out a special control plan, then submit it to the Prime Minister for consideration and approval, and organize the implementation of the plan already approved by the Prime Minister.

Article 64.-

1. The State Bank Governor shall issue decisions to place a commercial bank under the special control and lift such special control according to provisions of the Law on Credit Institutions and special control plan already approved by the Prime Minister for cases where such commercial bank is in danger of losing solvency.

2. The tasks, powers and responsibilities of the special control commission; the responsibilities of banks placed under the special control shall comply with the provisions of the Law on Credit Institutions and guiding documents of the State Bank Governor.

3. In emergency cases, in order to ensure the capability to repay its customers deposits, a commercial bank may be provided with special loans by the State Bank or other credit institutions. Such special loans shall be repaid prior to all other debts of the commercial bank. The loan provision and debt recovery shall comply with the State Banks regulations.

Chapter VI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The State Bank Governor shall have to guide the implementation of this Decree.

Article 66.- The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government and the presidents of the Peoples Committees of the provinces and centrally-run cities shall have to implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Phan Van Khai

 

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Decree 49/2000/ND-CP organization and operation of commercial banks
Official number: 49/2000/ND-CP Legislation Type: Decree of Government
Organization: The Government Signer: Phan Van Khai
Issued Date: 12/09/2000 Effective Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Decree of Government No. 49/2000/ND-CP of September 12, 2000 on organization and operation of commercial banks

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: inf[email protected]

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status