ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5764/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 14 tháng 12 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGẬP NƯỚC GIAI
ĐOẠN 2018 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày
06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt định hướng phát triển thoát nước
đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP
ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ Chương trình hành động số
17-CTrHĐ/TU ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy
thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ
X về Chương trình giảm nước giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 6261/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực
hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình Giảm ngập
nước giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 5305/QĐ-UBND
ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về chuyển giao một số
chức năng, nhiệm vụ từ Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh qua Sở Xây dựng
thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Kết luận số 363-KL/TU ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới cơ chế
lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong thực hiện các Chương trình đột phá thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng
tại công văn số 14724/SXD-PTĐT ngày 27 tháng 11 năm 2018 về ban hành Kế hoạch tổ
chức thực hiện Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2018 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức
thực hiện Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2018 - 2020.
Điều 2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố
căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch
cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám
đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ (HN và Tp HCM);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố;
- Thành viên Ủy ban nhân dân thành phố;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố;
- Các Đoàn thể thành phố;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng CV, P.THKH; TTCB;
- Lưu (VT-ĐT (02b))
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Vĩnh Tuyến
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGẬP NƯỚC GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5764/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
Triển khai Chương trình hành động số
17-CTrHĐ/TU ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy Thành
phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về
Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 6261/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về Ban hành kế hoạch thực
hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về
Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020; Ủy ban nhân dân thành phố
xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2018
- 2020, như sau:
I. MỤC ĐÍCH - YÊU
CẦU
1. MỤC ĐÍCH
1.1 Rà
soát, đánh giá lại cách tổ chức thực hiện trong thời gian qua, đổi mới cách
làm; định kỳ xác định và rà soát các danh mục công việc phải hoàn thành theo kế
hoạch năm, 6 tháng, quý.
1.2 Rà
soát, cân đối nguồn vốn cho chương trình đột phá; tạo điều kiện thuận lợi nhất
đẩy mạnh xã hội hóa kêu gọi đầu tư các dự án; phát huy vai trò trách nhiệm của
nhân dân tham gia và cơ quan nhà nước phải đảm bảo trật tự, kỷ cương pháp luật
trong quá trình thực hiện chương trình đột phá.
1.3 Tăng
cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện
nhằm tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong các hoạt động, triển khai thực hiện
Chương trình Giảm ngập nước trên địa bàn thành phố.
2. YÊU CẦU
2.1 Các sở,
ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện, liên quan nêu cao tinh thần chủ động,
phối hợp, quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức
thực hiện nhiệm vụ.
2.2 Giám
đốc các sở, ban, ngành liên quan phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, nắm sát
tình hình, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp khả thi để tháo gỡ
vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
II. MỤC TIÊU CHUNG
VÀ CHỈ TIÊU THỰC HIỆN
Mục
tiêu chung
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục
tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra của Chương trình Giảm ngập ngập nước giai
đoạn 2016 - 2020 (Chương trình hành động số 17-CTrHĐ/TU
ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh).
Chỉ tiêu đến năm 2020
Giải quyết 15/37 tuyến đường ngập nước
do mưa (hiện đã giải quyết 22/37 tuyến), 28/179 tuyến hẻm (hiện đã giải quyết
151/179 tuyến) và 05/09 tuyến đường ngập nước do triều (hiện đã giải quyết
04/09 tuyến); Hoàn thành 02 nhà máy xử lý nước thải (Bình Hưng giai đoạn 2 nâng
công suất lên 469.000m3/ngày và Nhiêu Lộc Thị Nghè công suất
480.000m3/ngày), triển khai xây dựng 04 nhà máy xử lý nước thải Tây
Sài Gòn, Bình Tân, Tân Hóa Lò Gốm và Bắc Sài Gòn 1 (hiện đã hoàn thành Nhà máy
Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000m3/ngày).
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu
quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải
pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
1.1 Nâng cao chất lượng quy hoạch,
nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng
Tập trung nghiên cứu xây dựng, thẩm định
và phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố, Đồ án điều chỉnh
quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, Đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống
thoát nước, Đồ án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết và quy hoạch cốt cao độ nền
trên cơ sở phải có tầm nhìn về Quy hoạch, trong đó có kết hợp các vấn đề về đô
thị với quy hoạch thoát nước, giải quyết ngập, các vấn đề về nông thôn với quy
hoạch thủy lợi chống ngập úng, với mục tiêu đặt ra là tập trung xử lý từ khu vực
Trung tâm Thành phố hiện hữu xuống khu vực phía Nam Thành phố; ban hành trước
năm 2020. Cụ thể:
1.1.1 Giao Sở Quy hoạch kiến trúc chủ
trì phối hợp các sở ngành quận - huyện và đơn vị tư vấn
xây dựng quy hoạch chung thành phố; trên cơ sở đó rà soát toàn bộ quy hoạch
1/2000 để điều chỉnh cốt nền cho đúng với thực tế, đảm bảo cao độ thiết kế phù
hợp với cao độ thực tế khi triển khai các dự án, hoàn thành năm 2020.
1.1.2 Giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở
Quy hoạch - Kiến trúc và các Sở, ngành, đơn vị Tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch
tổng thể thoát nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050
(trong đó, có nghiên cứu một số tiêu chuẩn kỹ thuật trong tính toán thủy văn,
thủy lực đối với hệ thống thoát nước áp dụng cho khu vực thành phố đã không còn
phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu; Rà soát lại quy hoạch xây dựng hệ thống
thu gom và nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung trên địa bàn thành phố, áp
dụng công nghệ tiên tiến xử lý nước thải; Tập trung nghiên cứu rà soát những
khu vực trũng thấp có thể tận dụng để xây dựng các hồ điều tiết giảm ngập, tăng dung tích trữ nước, tạo cảnh
quan đô thị, đặc biệt như những khu vực thuộc phía Nam thành phố, xác định khu
vực hồ điều tiết cấp Vùng, cho khu vực đô thị); hoàn thành cuối năm 2019.
Trong quá trình rà soát, tham mưu điều
chỉnh Quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố Hồ Chí Minh
đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, cần thiết có thể xem xét thuê cơ quan tư vấn
quốc tế và tổ chức một số hội thảo khoa học mời các chuyên gia trong nước và quốc
tế tham dự.
Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch thoát
nước phải giải quyết đồng bộ với việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây
dựng thành phố, quy hoạch xử lý nước thải, quy hoạch phát triển giao thông vận
tải, việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình đột phá chỉnh trang và phát
triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020.
1.1.3 Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn rà soát, báo cáo đánh giá và điều chỉnh bổ sung Quy hoạch thủy lợi chống
ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, hoàn thành đầu năm 2020.
1.1.4 Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp
Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban,
ngành, quận - huyện tổ chức quản lý chặt chẽ việc san lấp, lấn chiếm hệ thống
kênh, rạch trên địa bàn thành phố theo các quy định hiện hành, nghiêm cấm cấp
phép san lấp kênh, rạch làm thu hẹp dòng chảy; trong trường hợp bất khả kháng,
việc san lấp kênh, rạch cần phải được nghiên cứu rất kỹ khả năng thoát nước, trữ
nước cho khu vực và có giải pháp thay thế hiệu quả, bền vững.
Triển khai thực hiện nội dung theo chỉ
đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Quyết định số 4321/QĐ-UBND ngày 02 tháng
10 năm 2018 về Ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày
18 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy định về quản
lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng thuộc
địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
1.1.5 Giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng
các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị hoàn thành công tác lập, xác định mép bờ
cao quy hoạch các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố phục vụ tiêu
thoát nước trình cơ quan chức năng xem xét, công bố, hoàn thành Quý III năm
2019. Tổ chức cắm mốc và bàn giao các mốc xác định phạm vi
hành lang bảo vệ trên bờ các tuyến kênh, rạch này cho các quận - huyện quản lý,
hoàn thành trong năm 2020.
Các nội dung liên quan đến các tuyến
sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố phục vụ giao thông thủy hoặc thủy lợi sẽ
triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Quyết định
số 4321/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2018.
1.2 Triển khai quy chế, giải pháp
liên kết giữa các địa phương trong vùng để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển
khai thực hiện thống kê, đánh giá thực trạng quản lý, khai thác sử dụng và bảo
vệ tài nguyên nước, lưu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai,
hoàn thành năm 2020; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả
thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch liên vùng, thực hiện thường xuyên,
liên tục;
Chủ trì, phối hợp với Sở ban ngành, Ủy
ban nhân dân quận - huyện triển khai thực hiện các nội dung thuộc Chương trình
Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 (đây là nhiệm vụ thường xuyên).
2. Rà soát, bổ sung chính sách để
thu hút các nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo bước đột
phá đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải
2.1 Rà soát, bổ sung chính sách đủ
mạnh để thu hút các nguồn lực đầu tư thực hiện các dự án, công trình giảm ngập
2.1.1 Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư
nghiên cứu, thực hiện:
- Xây dựng cơ chế chính sách để đẩy mạnh,
thu hút mời gọi đầu tư các dự án bằng hình thức đối tác công tư.
- Ưu tiên kết hợp các dự án đa mục
tiêu, kết hợp các yếu tố trong 04 Chương trình đột phá về Đô thị về Giảm ngập
nước, Giảm ùn tắc giao thông, Chỉnh trang đô thị và Giảm ô nhiễm môi trường.
2.1.2 Giao Sở Tài nguyên và Môi trường
phối hợp các quận - huyện rà soát quỹ đất, tổ chức cắm ranh mốc tại các vị trí
dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị theo quy hoạch, hoàn thành
2019.
2.1.3 Giao Ban Quản lý dự án đầu tư
xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị nghiên cứu, tham mưu lập giá dịch
vụ thoát nước theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm
2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, trình Sở Tài chính thẩm định,
Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, hoàn thành cuối năm 2018.
2.2 Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý Nhà nước đối với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và các công trình kiểm
soát triều để quản lý ngập do biến đổi khí hậu, nước biển dâng
2.2.1 Giao Ủy ban nhân dân quận - huyện
triển khai thực hiện xử lý nghiêm, triệt để tình trạng lấn chiếm cửa xả, hầm
ga, thoát nước, rác thải xuống kênh mương, lấp bít các miệng thu nước của cống
thoát nước; Thực hiện tốt việc duy tu, nạo vét cống thoát nước; Tổ chức quản lý
mốc bờ cao, hành lang bảo vệ đối với các tuyến sông kênh rạch; Khôi phục lại
kênh, rạch bị san lấp, lấn chiếm trái phép và các dự án san lấp không phù hợp
nhằm tăng cường khả năng thoát nước và không gian trữ nước; Rà soát tháo dỡ các
công trình lấn chiếm trên kênh rạch, phục vụ nạo vét khơi thông dòng chảy của
kênh rạch thoát nước. Giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia giám sát
nội dung này.
2.2.2 Giao Sở Xây dựng:
- Khẩn trương phối hợp với Sở Tư pháp
và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn tất công tác xây dựng, tham mưu ban
hành Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
theo quy định của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính
phủ về thoát nước và xử lý nước thải, hoàn thành trong quý 1 năm 2019;
- Xây dựng quy chế phối hợp quản lý,
bảo trì, khai thác, nâng cấp và phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn
thành phố, hoàn thành trong năm 2019.
- Chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án
đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và các chủ đầu tư kiểm tra tiến độ, tiếp
tục khắc phục 22 vị trí ảnh hưởng do thi công dự án.
2.2.3 Giao Sở Tài nguyên và Môi trường
chủ trì phối hợp Sở Xây dựng và các sở ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện thuê
đơn vị tư vấn đánh giá về tình hình quản lý việc khai thác nước ngầm, kết quả
thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước ngầm thời gian qua; xây dựng quy
hoạch sử dụng nước ngầm trên địa bàn thành phố, xác định nhiệm vụ, giải pháp, lộ
trình giảm dần khai thác và tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm trên địa bàn
thành phố vào năm 2020. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong
việc giảm chi phí khai thác nước ngầm, cấp phép, quản lý khai thác nước ngầm
trên địa bàn thành phố.
2.3 Tổ chức quản lý khai thác vận
hành có hiệu quả, đảm bảo năng lực thoát nước của hệ thống thoát nước hiện hữu
2.3.1 Giao các chủ sở hữu, Ủy ban
nhân dân các quận huyện thực hiện các công việc sau:
- Rà soát, xây dựng hoàn thiện quy
trình bảo trì, vận hành các công trình thoát nước: hệ thống kênh mương, cống, cống
kiểm soát triều, trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải,...; Xây dựng, cập nhật cơ sở
dữ liệu của hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý.
- Xây dựng kế hoạch duy tu nạo vét hệ
thống thoát nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đảm
bảo hiệu quả thoát nước của hệ thống hiện hữu đảm bảo chất lượng. Thống kê tình
hình ngập các tuyến đường trên địa bàn quản lý.
- Thường xuyên thống kê, cập nhật danh
mục các tuyến đường có cao trình trũng thấp cục bộ, các tuyến rạch có hành lang
dọc theo tuyến đường không có rào chắn, không đảm bảo an toàn giao thông các
tuyến cống, kênh, rạch thoát nước phục vụ công tác phân cấp quản lý.
2.3.2 Giao Ủy ban nhân dân các quận
huyện chủ trì thực hiện các công việc sau:
- Tăng cường tuần tra, thống kê, chế
tài xử lý đối với những trường hợp xâm hại hệ thống thoát nước, thi công dẫn
dòng không đảm bảo, xây dựng lấn chiếm sông, kênh, rạch phục vụ thoát nước,...
Trong trường hợp vượt thẩm quyền đề xuất, kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết.
3. Tập trung thực hiện các giải
pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập
Huy động các nguồn vốn khác ngoài
ngân sách để thực các dự án thoát nước đồng bộ theo lưu vực thoát nước như vốn
ODA, vốn xã hội hóa,... thực hiện theo hình thức PPP. Giải quyết dứt điểm những
vướng mắc trong việc giải ngân kinh phí của Dự án giải quyết chống ngập do triều
khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)
theo hình thức PPP (Hợp đồng BT).
Các giải pháp, dự án chống ngập, xử
lý nước thải phải được xem xét, quyết định đầu tư dựa trên ứng dụng công nghệ
hiện đại để đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất của thành phố.
Kết hợp chặt chẽ với các Chương trình
đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X, đặc
biệt là Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, Chương trình giảm ô nhiễm
môi trường và Chương trình Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai
đoạn 2016 - 2020.
3.1. Giải pháp ngắn hạn
3.1.1. Giao Ban Quản lý dự án đầu tư
xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, Ủy ban nhân các Quận/huyện theo phân cấp thực
hiện
- Triển khai nhanh và đưa vào sử dụng
một số dự án công trình cấp bách, đang thực hiện dở dang, các công trình chuyển
tiếp của nhiệm kỳ trước;
- Cải tạo hệ thống thoát nước, nạo
vét kênh rạch bằng nguồn vốn trung tu, ủy quyền;
- Công tác vận hành, duy tu cấp bách
được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; vận động nhân dân tham gia nạo vét,
khơi thông kênh, rạch; Rà soát, bổ sung các van ngăn triều, xây dựng bờ bao bảo
vệ các khu vực bị ảnh hưởng do triều cường trong khi các dự án lớn chưa hoàn
thành;
- Triển khai thực hiện các hạng mục
công trình cấp bách khống chế tình trạng phát sinh khu vực ngập mới và xử lý
các vị trí ảnh hưởng do thi công;
- Tổ chức nghiên cứu và đưa vào ứng dụng
công nghệ mới trong thi công các công trình thoát nước,
đê, kè; công nghệ khoan kích ngầm; lót ống; hồ điều tiết ngầm.
Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên
quan triển khai xây dựng định mức - đơn giá đối với các
công nghệ mới để có thể ứng dụng trong thời gian tới.
3.1.2. Giao Sở Tài chính bố trí đủ
nguồn vốn chi thường xuyên hàng năm để Ủy ban nhân các quận/huyện, các Chủ sở hữu
theo phân cấp đảm bảo thực hiện theo kế hoạch đề ra.
3.2. Giải pháp trung hạn và dài hạn
3.2.1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Cân đối vốn, bố trí đủ vốn cho các
dự án của Chương trình Giảm ngập nước; ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách thành phố
cho những công trình hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020; thực hiện chủ
trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này.
- Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân
thành phố, trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua quyết
định chủ trương đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với dự án sử dụng
nguồn Quỹ hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp (SCIC) chuyển nguồn Ngân sách thành
phố để có cơ sở triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020 kịp
tiến độ theo kế hoạch đề ra.
- Tổ chức rà soát các nguồn lực; xây
dựng kế hoạch cân đối các nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án, ưu tiên
huy động nguồn lực xã hội (trong nước và tư nhân nước ngoài), danh mục các dự
án cụ thể ngân sách, xã hội hóa, cụ thể:
+ Đối với nguồn vốn ngân sách: ưu
tiên công tác giải phóng mặt bằng, các công trình chuyển tiếp, các công trình cấp
bách có nguồn vốn đầu tư ít và ưu tiên các công trình xây dựng cải tạo hệ thống
thoát nước.
+ Đối với nguồn xã hội hóa: ưu tiên mời
gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, xử lý chống ngập, các hồ điều tiết và
các kênh trục.
+ Đối với nguồn vốn ODA: ưu tiên đầu
tư các dự án lớn như cải tạo, nạo vét các tuyến kênh chính, hệ thống thu gom, cống
bao của các lưu vực nước thải.
+ Đối với nguồn vốn đấu giá quyền sử
dụng đất, nguồn vốn cổ phần hóa doanh nghiệp: ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng
cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập.
- Phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư
xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đấu
thầu thực hiện 17 dự án theo danh mục Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống
ngập và xử lý nước thải (tháng 8 năm 2018) (trong đó có 04 dự án đấu thầu lựa
chọn nhà đầu tư 2019 - 2020, 05 dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 2021 - 2022,
còn lại 08 dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn 2023 - 2024) công khai,
minh bạch, sớm đưa các dự án công trình vào khai thác, sử dụng.
3.2.2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp Ủy ban nhân dân quận huyện lập
và trình phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, lập và trình phê duyệt dự
án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố cơ chế
đặc thù rút ngắn thời gian các khâu trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
và tái định cư đặc biệt là các dự án Bờ tả sông Sài Gòn, nạo vét kênh rạch và
các Nhà máy xử lý nước thải.
3.2.3. Giao Ban Quản lý dự án đầu tư
xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án theo
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
a) Quyết định 752/QĐ-TTg:
- Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước
mưa và nước thải Thành phố Hồ Chí Minh (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên) (Ngân hàng Phát triển
châu Á tài trợ): khởi công
năm 2019, hoàn thành năm 2022.
- Xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước
(Ngân sách thành phố và chuyển nguồn SCIC sang Ngân sách thành phố): đảm bảo hoàn thành 200km cống
thoát nước vào năm 2020.
Tiếp tục triển khai các dự án theo kế
hoạch đề ra:
- Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải và
hệ thống cống bao: 03 Nhà máy xử lý nước thải tại 03 lưu vực (Tây Sài Gòn, Bình
Tân và Tân Hóa - Lò Gốm) gom thành 01 nhà máy xử lý nước thải tại lưu vực Tây
Sài Gòn (nguồn PPP): khởi công giai đoạn 2016-2020, sẽ hoàn thành sau
năm 2020; còn 01 lưu vực Bắc Sài Gòn 1 (PPP): khởi công và hoàn thành
giai đoạn sau 2020.
- Xây dựng 02 Hồ điều tiết (nguồn
PPP): trên cơ sở nghiên cứu nghiên cứu rà soát những khu vực trũng thấp có
thể tận dụng để xây dựng hồ điều tiết giảm ngập, tăng dung tích trữ nước, tạo cảnh
quan đô thị để triển khai thực hiện, đặc biệt như những khu vực thuộc phía Nam
thành phố, triển khai trước 01 đến 02 hồ, khởi công năm 2020.
b) Quyết định số 1547/QĐ-TTg:
- Giải quyết ngập do triều có xét đến
yếu tố biến đổi khí hậu khu vực thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) (nguồn PPP - Hợp đồng BT): Hiện tại đã hoàn
thành 70% khối lượng. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc để hỗ trợ Nhà đầu tư đẩy
nhanh tiến độ thi công dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí
Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), để phục vụ kiểm soát triều
cho lưu vực 550 km2 hoàn thành năm 2019.
- Bờ tả sông Sài Gòn (Ngân sách
thành phố và chuyển nguồn SCIC sang Ngân sách thành phố): Đang thi công
hoàn thành năm 2020.
- Nạo vét cải tạo các trục tiêu thoát
nước chính: 02 dự án rạch Bà Lớn, Xóm Củi và Bà Tiếng (chuyển nguồn SCIC
sang Ngân sách thành phố): khởi công năm 2020, hoàn thành sau năm 2020; còn
lại 05 dự án đang kêu gọi PPP: khởi công và hoàn thành giai đoạn sau 2020.
- Cống kiểm soát triều sông Kinh (nguồn
PPP): khởi công và hoàn thành giai đoạn sau 2020.
3.2.4. Giao Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh triển khai thực hiện dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm (nguồn
PPP): Tập trung tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án, khởi công
năm 2020.
3.2.5. Giao Ủy ban nhân dân quận Bình
Tân đẩy nhanh triển khai thực hiện dự án Cải tạo rạch Bà Tiếng (chuyển nguồn
SCIC sang Ngân sách thành phố): khởi công năm 2020, hoàn thành sau năm 2020.
4. Tăng cường liên kết, hợp tác
khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập
nước
4.1 Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây
dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị triển khai thực hiện dự án Xây dựng năng lực quản
lý tích hợp rủi ro ngập nước đô thị (do Chính phủ Đan Mạch tài trợ bằng nguồn
vay ưu đãi), hoàn thành năm 2020; và dự án Quản lý và giám sát hệ thống thoát
nước lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, hoàn thành năm 2019.
4.2 Giao Sở Xây dựng (cơ quan thường
trực phụ trách chương trình giảm ngập nước) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với
biến đổi khí hậu), Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố
(đơn vị thực hiện) và các đơn vị có liên quan xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro
ngập lụt, hoàn thành năm 2020.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng
phần mềm cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn, hoàn thành năm 2020.
4.3 Giao Sở Khoa học và Công nghệ và
các sở ngành tiếp tục nghiên cứu, đưa vào ứng dụng các công nghệ mới trong thi
công các công trình thoát nước, nhà máy xử lý nước thải, đê, kè, sửa chữa hệ
thoát nước bằng công nghệ không đào hồ, hồ điều tiết ngầm...
Bảo đảm tính bền vững, hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận
hành, tiết kiệm quỹ đất và mỹ quan đô thị.
4.4 Phát huy vai trò công cụ thông
minh Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội thuộc Đề án “Xây dựng thành phố
Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm
2025”, kết hợp với các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hệ thống
thoát nước để mô phỏng quá trình ngập nước ở từng khu vực và toàn thành phố, dự
báo, cảnh báo sớm tình hình ngập nước trên địa bàn thành phố để thành phố triển
khai sớm các giải pháp chống ngập cơ bản, dài hạn, đồng thời người dân chủ động
thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm giảm nhẹ thiệt hại cục bộ.
5. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động
nhân dân
Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì phối hợp Sở Tài nguyên và môi trường, các sở ngành và các quận huyện phối hợp
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện trong năm
2019-2020 các nội dung sau:
5.1 Triển khai các giải pháp cụ thể để
thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh, rạch
vì thành phố sạch và giảm ngập nước” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố phối
hợp với Ủy ban nhân dân thành phố phát động, trong đó phải nêu rõ các biện pháp
chế tài để người dân hiểu và chấp hành theo quy định.
5.2 Tiếp tục tổ chức các buổi tuyên
truyền về phổ biến kiến thức, vận động nhằm giúp người dân nâng cao ý thức, chủ
động thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó góp phần giảm nhẹ thiệt hại
khi sự cố thiên tai xảy ra. Nghiên cứu, xây dựng chương trình ứng phó với biến
đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường lồng ghép vào chương trình giáo dục,
đào tạo cho học sinh các cấp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
chủ động phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức ra quân thực hiện
vệ sinh đường phố, nạo vét kênh, rạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống thoát
nước ở khu dân cư.
5.3 Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt
động bảo vệ môi trường, triển khai các chương trình liên tịch bảo vệ môi trường;
các cơ quan báo chí đề cao trách nhiệm trong công tác truyền thông; xây dựng,
phát sóng định kỳ chuyên mục “Chung tay giảm ngập đô thị”, mỗi tuần phát 01
chuyên đề vào ngày thứ bảy với thời lượng 12 phút/chuyên mục trên sóng
AM610KHz, chuyên mục “Giảm ngập nước đô thị”, phát sóng hàng ngày từ thứ Hai đến
Chủ nhật trên sóng FM 95,6MHz - Đài tiếng nói nhân dân Thành phố; xây dựng,
phát sóng trên đài truyền hình HTV9 Chương trình sống xanh.
Tiếp tục thực hiện các chương trình định
kỳ trong năm 2018. Bổ sung Chương trình chuyên đề “Cẩm
nang xanh” phát sóng trong tháng cuối năm 2018.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Giám đốc các Sở - ban - ngành, các
cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận,
huyện tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực
tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương, gắn với việc thực hiện
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 để triển khai thực hiện
có hiệu quả chương trình này; chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các
ngành, định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân
thành phố.
2. Thành lập Ban Điều hành Chương
trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố phụ trách đô thị làm Trưởng Ban, Giám đốc Sở Xây dựng là cơ quan thường
trực; có nhiệm vụ chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Kế hoạch, thường xuyên theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện;
định kỳ 06 tháng một lần có tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có vướng mắc cần thiết bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch này, các sở - ngành, địa
phương chủ động phối hợp Sở Xây dựng để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành
phố quyết định.
4. Trong quá trình thực hiện kế hoạch
này, nếu chức năng nhiệm vụ hoặc tên gọi các đơn vị có thay đổi thì cập nhật
thay đổi theo quy định mới./.
(Đính kèm:
- Phụ lục 1: Kết quả thực hiện các
tuyến ngập do mưa và kế hoạch thực hiện.
- Phụ lục 1A: Kết quả thực hiện các
tuyến ngập do do triều và kế hoạch thực hiện.
- Phụ lục 2: Danh mục các chương
trình, đề án.
- Phụ lục 3: Chương trình - hợp tác
nghiên cứu biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực.
- Phụ lục 4: Danh mục các dự án đầu
tư phát triển hệ thống thoát nước, giải quyết ngập sử dụng Ngân sách Thành phố
kèm sơ đồ Gantt.
- Phụ lục 5: Bảng tổng hợp tiến độ và
kinh phí đầu tư xây dựng Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020.)