CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
70/2001/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2001
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA
CHÍNH PHỦ SỐ 70/2001/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 10 NĂM 2001 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH
LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Hôn nhân và gia
đình năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối
tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định
Nghị định này quy định chi tiết thi
hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trừ các quy định về đăng ký kết hôn,
đăng ký nuôi con nuôi, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, việc áp dụng
Luật Hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số, xác định cha, mẹ cho
con được sinh ra theo phương pháp khoa học, việc xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực hôn nhân và gia đình được quy định trong các văn bản quy phạm pháp
luật khác của Chính phủ.
Điều 2. Tư
vấn, hoà giải về hôn nhân và gia đình
1. Các cơ quan, tổ chức có trách
nhiệm thực hiện tư vấn miễn phí về hôn nhân và gia đình cho các thành viên của
mình.
Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà
nước thực hiện tư vấn miễn phí về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp
luật.
2. Các cơ quan, tổ chức có trách
nhiệm hoà giải mâu thuẫn về hôn nhân và gia đình cho các thành viên của mình, trừ
các vụ việc không được hoà giải theo quy định của pháp luật.
3. Các tổ chức chính trị - xã
hội ở cơ sở, các tổ hoà giải cơ sở có trách nhiệm hoà giải mâu thuẫn về hôn
nhân và gia đình trên địa bàn dân cư; thực hiện các biện pháp thuyết phục, giáo
dục đối với cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Điều 3. Tuổi
kết hôn
Nam đang ở tuổi hai mươi, nữ đang
ở tuổi mười tám thì đủ điều kiện về tuổi kết hôn theo quy định tại khoản 1 Điều
9 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Chương 2:
VỀ QUAN HỆ GIỮA VỢ VÀ
CHỒNG, GIỮA CHA MẸ VÀ CON
Điều 4. Việc
xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của vợ,
chồng
1. Trong trường hợp việc xác
lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung
có giá trị lớn của vợ chồng hoặc tài sản chung là nguồn sống duy nhất của gia
đình, việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến
định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng nhưng tài sản đó
đã đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức phát sinh là nguồn sống duy nhất
của gia đình mà pháp luật quy định giao dịch đó phải tuân theo hình thức nhất
định, thì sự thoả thuận của vợ chồng cũng phải tuân theo hình thức đó (lập
thành văn bản có chữ ký của vợ, chồng hoặc phải có công chứng, chứng thực...)
2. Đối với các giao dịch dân sự mà
pháp luật không có quy định phải tuân theo hình thức nhất định, nhưng giao dịch
đó có liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất
của gia đình hoặc giao dịch đó có liên quan đến việc định đoạt tài sản thuộc sở
hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng nhưng đã đưa vào sử dụng chung và hoa lợi,
lợi tức phát sinh từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình, thì việc
xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch đó cũng phải có sự thoả thuận
bằng văn bản của vợ chồng.
3. Tài sản chung có giá trị lớn của
vợ chồng nói tại khoản 1, khoản 2 Điều này được xác định căn cứ vào phần giá
trị của tài sản đó trong khối tài sản chung của vợ chồng.
4. Trong trường hợp vợ hoặc
chồng xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài
sản chung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà không có sự đồng ý của một
bên, thì bên đó có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo quy
định tại Điều 139 của Bộ luật Dân sự và hậu quả pháp lý được giải quyết theo
quy định tại Điều 146 của Bộ luật Dân sự.
Điều 5. Đăng
ký tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng
1. Các tài sản thuộc sở hữu chung
của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng theo quy
định tại khoản 2 Điều 27 của Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm: nhà ở, quyền sử
dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu.
2. Việc đăng ký các tài sản,
quyền tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng phải ghi tên của cả vợ và chồng
theo quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện kể từ ngày Nghị định này có
hiệu lực.
3. Trong trường hợp tài sản
thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày Nghị định
này có hiệu lực mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể
yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài
sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng; nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy
tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ
chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của
mình, thì có nghĩa vụ chứng minh.
4. Trong trường hợp vợ chồng ly hôn
hoặc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì bên được chia phần tài sản bằng
hiện vật đã đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng mà có ghi tên vợ và chồng có
quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu hoặc
quyền sử dụng tài sản.
5. Bộ Tư pháp phối hợp với các
Bộ, cơ quan hữu quan hướng dẫn thi hành các quy định tại Điều này.
Điều 6. Chia
tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân
1. Thoả thuận chia tài sản chung
của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Hôn nhân
và gia đình phải được lập thành văn bản và ghi rõ các nội dung sau đây:
a) Lý do chia tài sản;
b) Phần tài sản chia (bao gồm
bất động sản, động sản, các quyền tài sản); trong đó cần mô tả rõ những tài sản
được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia;
c) Phần tài sản còn lại không chia,
nếu có;
d) Thời điểm có hiệu lực của
việc chia tài sản chung;
đ) Các nội dung khác, nếu có.
2. Văn bản thoả thuận chia tài
sản chung của vợ chồng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản và phải có chữ
ký của cả vợ và chồng; văn bản thoả thuận có thể có người làm chứng hoặc được
công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp
luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng
không thoả thuận được về việc chia tài sản chung, thì cả hai bên hoặc một bên
có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Điều 7. Thời
điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung
1. Trong trường hợp văn bản thoả
thuận chia tài sản chung của vợ chồng không xác định rõ thời điểm có hiệu lực
của việc chia tài sản, thì hiệu lực được tính từ ngày, tháng, năm lập văn bản.
2. Trong trường hợp văn bản thoả
thuận chia tài sản chung của vợ chồng được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu
của vợ chồng, thì hiệu lực được tính từ ngày xác định trong văn bản thoả thuận;
nếu văn bản không xác định ngày có hiệu lực đó, thì hiệu lực được tính từ ngày
văn bản đó được công chứng, chứng thực.
3. Trong trường hợp văn bản thoả
thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải công chứng, chứng thực theo quy định
của pháp luật, thì hiệu lực được tính từ ngày văn bản đó được công chứng, chứng
thực.
4. Trong trường hợp Toà án cho chia
tài sản chung theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định này, thì việc chia
tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực kể từ ngày quyết định cho chia tài sản
chung của Toà án có hiệu lực pháp luật.
Điều 8. Hậu
quả chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân
1. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ
tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ
chồng có thoả thuận khác.
Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ
phần tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung của vợ, chồng.
2. Thu nhập do lao động, hoạt
động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi
chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có
thoả thuận khác.
Điều 9. Khôi
phục chế độ tài sản chung của vợ chồng
1. Trong trường hợp vợ chồng đã chia
tài sản chung và sau đó muốn khôi phục chế độ tài sản chung, thì vợ chồng phải
thoả thuận bằng văn bản có ghi rõ các nội dung sau đây:
a) Lý do khôi phục chế độ tài
sản chung;
b) Phần tài sản thuộc sở hữu riêng
của mỗi bên;
c) Phần tài sản thuộc sở hữu chung
của vợ chồng, nếu có;
d) Thời điểm có hiệu lực của
việc khôi phục chế độ tài sản chung;
đ) Các nội dung khác, nếu có.
2. Văn bản thoả thuận phải ghi rõ
ngày, tháng, năm lập văn bản và phải có chữ ký của cả vợ và chồng; văn bản thoả
thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu
của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 10.
Thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung
1. Trong trường hợp văn bản thoả
thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng không xác định rõ thời điểm có
hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung, thì hiệu lực được tính từ ngày,
tháng, năm lập văn bản.
2. Trong trường hợp văn bản thoả
thuận chia tài sản chung của vợ chồng được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu
của vợ chồng, thì văn bản thoả thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng
cũng phải được công chứng hoặc chứng thực và việc khôi phục chế độ tài sản chung
có hiệu lực kể từ ngày xác định trong văn bản thoả thuận; nếu văn bản không xác
định ngày có hiệu lực đó, thì hiệu lực được tính từ ngày văn bản đó được công
chứng, chứng thực.
3. Trong trường hợp văn bản thoả
thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải công chứng, chứng thực theo quy định
của pháp luật, thì văn bản thoả thuận khôi phục chế độ tài sản chung cũng phải được
công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật và có hiệu lực kể từ ngày
được công chứng, chứng thực.
Điều 11.
Việc chia tài sản chung bị vô hiệu
Theo yêu cầu của những người có quyền,
lợi ích liên quan thì việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực
hiện các nghĩa vụ về tài sản sau đây bị Toà án tuyên bố là vô hiệu:
1. Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp
dưỡng người khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
3. Nghĩa vụ thanh toán khi bị Toà
án tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
4. Nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ
tài chính khác đối với Nhà nước.
5. Nghĩa vụ trả nợ cho người
khác.
6. Các nghĩa vụ khác về tài sản theo
quy định của pháp luật.
Điều 12.
Hạn chế quyền yêu cầu chia di sản thừa kế của vợ, chồng khi một bên chết
Việc hạn chế quyền yêu cầu chia di
sản thừa kế của vợ, chồng khi một bên chết theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của
Luật Hôn nhân và gia đình được thực hiện như sau:
1. Thời hạn chưa cho chia di sản
thừa kế theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Hôn nhân và gia đình không
quá 3 năm.
Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm
trọng đến đời sống của bên còn sống và gia đình là trường hợp nếu chia di sản
thì bên còn sống và gia đình không thể duy trì cuộc sống bình thường do không
có chỗ ở, mất tư liệu sản xuất duy nhất để tạo thu nhập hoặc vì các lý do chính
đáng khác.
2. Trong trường hợp người thừa
kế của bên vợ hoặc bên chồng mà túng thiếu, không có khả năng lao động, không
có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng, thì Toà án xem
xét, quyết định về việc cho chia di sản thừa kế trên cơ sở cân nhắc quyền lợi
của bên vợ hoặc bên chồng còn sống và quyền lợi của những người thừa kế khác.
3. Trong trường hợp Toà án chưa cho
chia di sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, thì bên còn sống chỉ có quyền sử
dụng, khai thác để hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ di sản và phải giữ gìn,
bảo quản di sản như đối với tài sản của chính mình; không được thực hiện các
giao dịch có liên quan đến việc định đoạt di sản, nếu không được sự đồng ý của
những người thừa kế khác.
Trong trường hợp bên còn sống
thực hiện các giao dịch nhằm tẩu tán, phá tán hoặc làm hư hỏng, mất mát di sản,
thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự
đó là vô hiệu và có quyền yêu cầu chia di sản; bên còn sống phải bồi thường
thiệt hại cho những người thừa kế khác theo quy định của pháp luật.
4. Những người thừa kế của bên
vợ hoặc bên chồng đã chết có quyền yêu cầu chia di sản trong trường hợp chưa
hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà bên còn sống kết hôn với người
khác.
Điều 13.
Việc nhập tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung
1. Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền
sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên
vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 32
của Luật Hôn nhân và gia đình phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ
và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp
luật.
2. Việc nhập tài sản riêng của
một bên vào khối tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa
vụ riêng của bên đó về tài sản thì vô hiệu theo quy định tại Điều 11 của Nghị
định này.
Điều 14.
Thực hiện nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ
Việc thực hiện nghĩa vụ và quyền
chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ của con quy định tại Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia
đình được thực hiện như sau:
1. Trong trường hợp gia đình có nhiều
con, thì các con thoả thuận về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ và
thoả thuận đó phải được sự đồng ý của cha mẹ; các con không trực tiếp nuôi dưỡng
cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thăm nom, chăm sóc, cấp dưỡng cho cha mẹ theo quy
định của pháp luật.
2. Trong trường hợp các con không
thoả thuận được với nhau về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ theo
quy định tại khoản 1 Điều này, thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Điều 15.
Người có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành
niên
Người thân thích của người chưa thành
niên quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm: Ông
nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh ruột, chị ruột; cụ nội, cụ ngoại; bác ruột,
chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chưa thành niên.
Chương 3:
VỀ CẤP DƯỠNG
Điều 16.
Người có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của
người được cấp dưỡng
1. Người có khả năng thực tế để thực
hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật Hôn
nhân và gia đình là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường
xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho
cuộc sống của người đó.
2. Nhu cầu thiết yếu của người được
cấp dưỡng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này được xác định căn
cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú,
bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và
các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp
dưỡng.
3. Trong trường hợp nhiều người cùng
có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người, mà trong số đó có người có khả năng thực
tế và có người không có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo
quy định tại khoản 1 Điều này, thì người có khả năng thực tế phải thực hiện nghĩa
vụ cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng theo quy định tại Điều 52 của Luật Hôn
nhân và gia đình.
Điều 17.
Thoả thuận về việc cấp dưỡng
Người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người
được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thoả thuận với nhau về việc cấp
dưỡng. Thỏa thuận về việc cấp dưỡng có thể bằng miệng hoặc lập thành văn bản, nêu
rõ ngày người có nghĩa vụ cấp dưỡng bắt đầu thực hiện nghĩa vụ, mức cấp dưỡng và
phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, các thỏa thuận khác về việc thay đổi mức
hoặc phương thức cấp dưỡng.
Điều 18.
Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng
1. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng và
người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thoả thuận về phương thức thực
hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc bằng tài sản. Nghĩa vụ cấp dưỡng được ưu
tiên thực hiện theo phương thức định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm hoặc hàng
năm.
2. Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
theo phương thức cấp dưỡng một lần quy định tại Điều 54 của Luật Hôn nhân và
gia đình được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Do người được cấp dưỡng hoặc người
giám hộ của người đó thoả thuận với người có nghĩa vụ cấp dưỡng;
b) Theo yêu cầu của người có nghĩa
vụ cấp dưỡng và được Toà án chấp nhận;
c) Theo yêu cầu của người được
cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và được Toà án chấp nhận trong trường
hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có các hành vi phá tán tài sản
hoặc cố tình trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để
thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần;
d) Theo yêu cầu của người trực tiếp
nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích từ phần tài sản được chia của bên
có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Theo yêu cầu của người có nghĩa
vụ cấp dưỡng, khoản cấp dưỡng một lần có thể được gửi tại ngân hàng hoặc được
giao cho người được cấp dưỡng, người giám hộ của người được cấp dưỡng quản lý,
trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
4. Người được giao quản lý khoản
cấp dưỡng một lần có trách nhiệm bảo quản tài sản đó như đối với tài sản của chính
mình và chỉ được trích ra để bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người được cấp
dưỡng.
Điều 19.
Cấp dưỡng bổ sung
Trong trường hợp người được cấp dưỡng
một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm
nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp dưỡng
ở mức cao hơn, thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng.
Điều 20.
Buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Trong trường hợp người có nghĩa
vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình mà không tự nguyện thực
hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thì theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy
định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình, Toà án ra quyết định buộc người
có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ
cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng thoả thuận;
nếu không thoả thuận được thì thời điểm đó được tính từ ngày ghi trong bản án,
quyết định của Toà án.
2. Trong trường hợp người có nghĩa
vụ cấp dưỡng theo quyết định của Toà án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của
mình, thì người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó có quyền yêu cầu
cơ quan thi hành án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết
định của Toà án.
3. Theo quyết định của Toà án, cơ
quan, tổ chức trả tiền lương, tiền công lao động, các thu nhập thường xuyên khác
cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng có trách nhiệm thực hiện việc khấu trừ khoản cấp
dưỡng để chuyển trả cho người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó
theo đúng mức và phương thức cấp dưỡng do người được cấp dưỡng hoặc người giám
hộ của người đó và người có nghĩa vụ cấp dưỡng thoả thuận hoặc theo mức và phương
thức cấp dưỡng do Toà án quyết định.
Chương 4:
VỀ XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON;
XÁC ĐỊNH DÂN TỘC CỦA CON NUÔI
Điều 21.
Xác định con chung của vợ chồng
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn
nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều
63 của Luật Hôn nhân và gia đình được xác định là con chung của vợ chồng.
Con sinh ra trước ngày đăng ký
kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.
2. Con sinh ra trong vòng 300 ngày,
kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử
cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai
người.
3. Trong trường hợp vợ hoặc
chồng không nhận đứa trẻ là con chung của hai người quy định tại khoản 1 và
khoản 2 Điều này, thì phải có chứng cứ và phải được Toà án xác định.
Điều 22.
Xác định dân tộc của con nuôi
Việc xác định dân tộc của con nuôi
quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Hôn nhân và gia đình được thực hiện theo
quy định sau đây:
1. Con nuôi được xác định dân
tộc theo dân tộc của cha, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc
khác nhau, thì dân tộc của người con nuôi được xác định là dân tộc của cha đẻ
hoặc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha, mẹ đẻ.
2. Trong trường hợp không xác
định được cha, mẹ đẻ của người con nuôi là ai, thì dân tộc của người con nuôi
được xác định theo dân tộc của cha, mẹ nuôi; nếu cha, mẹ nuôi thuộc hai dân tộc
khác nhau, thì dân tộc của người con nuôi được xác định theo dân tộc của cha
nuôi hoặc của mẹ nuôi theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha, mẹ nuôi; nếu
sau đó xác định được cha, mẹ đẻ, thì dân tộc của người con nuôi có thể được xác
định lại theo yêu cầu của người con nuôi đó đã thành niên, yêu cầu của cha mẹ
đẻ hoặc của cha mẹ nuôi.
Chương 5:
VỀ LY HÔN
Điều 23.
Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ, chồng
Khi ly hôn, quyền sử dụng đất mà
mỗi bên có được trước khi kết hôn do được chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, nhận
thế chấp hoặc quyền sử dụng đất mà mỗi bên được nhà nước giao, được cho thuê
trước khi kết hôn vẫn là tài sản riêng của mỗi bên; quyền sử dụng đất của bên
nào vẫn thuộc về bên đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Điều 24.
Chia quyền sử dụng đất mà vợ, chồng được Nhà nước giao
Sau khi kết hôn, quyền sử dụng
đất mà cả vợ và chồng hoặc mỗi bên vợ hoặc chồng được Nhà nước giao, kể cả giao
khoán là tài sản chung của vợ chồng; khi ly hôn, việc chia quyền sử dụng đất đó
được thực hiện như sau:
1. Đối với quyền sử dụng đất nông
nghiệp để trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối:
a) Trong trường hợp cả vợ và
chồng đều có nhu cầu sử dụng đất và có điều kiện trực tiếp sử dụng, thì quyền
sử dụng đất được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được,
thì yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và
gia đình;
b) Trong trường hợp chỉ một bên có
nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất, thì người đó có quyền được tiếp tục
sử dụng toàn bộ đất đó sau khi đã thoả thuận với bên kia; nếu không thoả thuận
được thì bên sử dụng đất phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng
đất mà bên đó được hưởng theo mức do hai bên thoả thuận; nếu không thoả thuận
được, thì yêu cầu Toà án giải quyết. Trong trường hợp một bên có nhu cầu và có
điều kiện trực tiếp sử dụng đất nhưng không thể thanh toán cho bên kia phần giá
trị quyền sử dụng đất mà bên đó được hưởng, thì bên kia có quyền chuyển nhượng phần
quyền sử dụng đất của mình cho người thứ ba, trừ trường hợp các bên có thoả thuận
khác.
2. Việc chia quyền sử dụng đối
với đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở
được Nhà nước giao, đất chuyên dùng là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
được thực hiện theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Điều 25.
Chia quyền sử dụng đất mà vợ, chồng được Nhà nước cho thuê
Sau khi kết hôn, quyền sử dụng
đất mà cả vợ và chồng hoặc chỉ một bên vợ hoặc chồng được Nhà nước cho thuê là
tài sản chung của vợ chồng; khi ly hôn, việc chia quyền sử dụng đất đó được
thực hiện như sau:
1. Trong trường hợp vợ chồng đã trả
tiền thuê đất hàng năm mà khi ly hôn, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều
kiện trực tiếp sử dụng đất đó, thì việc chia quyền sử dụng đất được thực hiện
theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình; các bên phải ký lại hợp
đồng thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trong trường hợp vợ chồng đã trả
tiền thuê đất hàng năm mà khi ly hôn, nếu chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện
trực tiếp sử dụng đất, thì bên đó được tiếp tục sử dụng và phải ký lại hợp đồng
thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu hợp đồng thuê đất trước đây do
bên kia hoặc cả hai người đứng tên; nếu các bên đã đầu tư vào tài sản có trên
đất, thì phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị tài sản đã đầu tư trên
đất mà người đó được hưởng vào thời điểm chia tài sản khi ly hôn, căn cứ vào
tài sản và công sức đầu tư của bên kia, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Trong trường hợp vợ, chồng đã
trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê, thì khi ly hôn, các bên thoả thuận về việc
sử dụng đất đó và thanh toán cho nhau phần tiền thuê đất đã nộp trong thời gian
thuê đất còn lại.
Trong trường hợp một bên được
tiếp tục sử dụng toàn bộ diện tích đất, thì phải thanh toán cho bên kia một nửa
số tiền thuê đất tương ứng với thời gian thuê đất còn lại, kể từ thời điểm chia
tài sản khi ly hôn, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Nếu các bên đã đầu tư vào
tài sản có trên đất, thì bên tiếp tục thuê đất phải thanh toán cho bên kia một
phần giá trị tài sản đã đầu tư trên đất vào thời điểm chia tài sản khi ly hôn,
căn cứ vào tài sản và công sức đầu tư của bên kia, trừ trường hợp các bên có
thoả thuận khác.
Điều 26.
Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng được chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế chung,
nhận thế chấp
1. Khi ly hôn, việc chia quyền
sử dụng đất do vợ chồng được chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế chung được thực
hiện theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình.
2. Trong trường hợp vợ chồng
nhận thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba thì khi ly hôn, quyền nhận thế
chấp đất cũng thuộc khối tài sản chung của vợ chồng và được chia theo quy định
tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Điều 27.
Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng được giao chung với hộ gia đình
Trong trường hợp cả vợ và chồng có
quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, làm
muối, đất lâm nghiệp được giao chung với hộ gia đình sau khi kết hôn, thì khi
ly hôn, phần quyền sử dụng đất của vợ hoặc chồng và của con không tiếp tục sống
chung với hộ gia đình được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản 2
Điều 97 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Điều 28.
Giải quyết quyền lợi của vợ chồng khi ly hôn đối với nhà ở thuê của Nhà nước
Việc giải quyết quyền lợi của vợ
chồng khi ly hôn đối với nhà ở do vợ hoặc chồng hoặc cả vợ và chồng được thuê
của Nhà nước trước hoặc sau khi kết hôn, được thực hiện theo quy định sau đây:
1. Trong trường hợp hợp đồng thuê
nhà ở vẫn còn thời hạn, thì các bên thoả thuận về việc tiếp tục thuê nhà ở đó;
nếu các bên không thoả thuận được và cả hai bên đều có nhu cầu sử dụng, thì được
Toà án giải quyết theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Trong trường hợp vợ chồng đã nâng
cấp, sửa chữa, cải tạo nhà thuê của Nhà nước hoặc xây dựng mới trên diện tích
có nhà thuê của Nhà nước, thì khi ly hôn, việc chia quyền sử dụng nhà ở và phần
diện tích nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới do các bên thoả thuận; nếu
không thoả thuận được, thì được Toà án giải quyết theo quy định tại Điều 95 của
Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu chỉ một bên có nhu cầu sử dụng, thì bên sử dụng phải
thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền thuê nhà của Nhà nước và một phần giá
trị nhà đã nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới mà bên đó được hưởng vào
thời điểm chia tài sản khi ly hôn.
2. Trong trường hợp vợ chồng đã
được Nhà nước chuyển quyền sở hữu đối với nhà ở đó, thì việc chia nhà khi ly
hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Điều 29.
Giải quyết quyền lợi của vợ chồng khi ly hôn đối với nhà ở thuê của tư nhân
Trong trường hợp vợ chồng thuê nhà
ở của tư nhân, thì việc phân chia quyền sử dụng nhà ở đó phải bảo đảm quyền lợi
của chủ sở hữu nhà và tuân theo quy định sau đây:
1. Trong trường hợp thời hạn thuê
đang còn, thì các bên thoả thuận với nhau về phần diện tích mà mỗi bên được thuê
và làm lại hợp đồng với chủ sở hữu nhà.
2. Trong trường hợp thời hạn thuê
đang còn mà chủ sở hữu nhà chỉ đồng ý cho một bên được tiếp tục thuê nhà, thì
các bên thoả thuận về việc một bên được tiếp tục thuê.
3. Trong trường hợp nhà ở thuê đã
nâng cấp, sửa chữa cải tạo, xây dựng thêm diện tích gắn liền với nhà thuê và được
sự đồng ý của chủ sở hữu nhà, thì bên tiếp tục ở phải thanh toán cho bên kia
phần giá trị nhà đã nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, xây dựng thêm mà bên đó được hưởng
vào thời điểm chia tài sản khi ly hôn.
4. Trong trường hợp xây dựng thêm
diện tích nhà độc lập với diện tích thuê và được sự đồng ý của chủ nhà, các bên
đã thanh toán tiền sử dụng đất cho chủ nhà, thì việc chia nhà ở đó thực hiện
theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Điều 30.
Giải quyết quyền lợi của vợ chồng khi ly hôn đối với nhà ở thuộc sở hữu riêng
của một bên
1. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở
hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng đã đưa vào sử dụng chung, thì khi ly hôn,
nhà ở đó vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà, trừ trường hợp các bên có
thoả thuận khác. Bên vợ hoặc chồng sở hữu nhà có nghĩa vụ hỗ trợ cho bên kia tìm
chỗ ở mới, nếu bên kia có khó khăn và không thể tự tìm được chỗ ở mới. Bên chưa
có chỗ ở được lưu cư trong thời hạn 6 tháng để tìm chỗ ở khác.
2. Trong trường hợp nhà ở đó đã được
xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, thì chủ sở hữu nhà phải thanh toán
cho bên kia phần giá trị nhà đã xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo mà
bên đó được hưởng vào thời điểm chia tài sản khi ly hôn.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31.
Hướng dẫn thi hành
Các Bộ, cơ quan hữu quan trong phạm
vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành
Nghị định này.
Điều 32.
Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực kể từ
ngày 18 tháng 10 năm 2001.
Điều 33.
Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Phan Văn Khải
|