THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 410-TTg |
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP
Ngày 20 tháng 4 năm 1995 Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Toà án Hành chính. Việc thành lập và chuẩn bị các điều kiện cho Toà án Hành chính hoạt động là rất cấp bách. Trước mắt, cần đào tạo, bồi dưỡng gấp trên 1000 người làm Thẩm phán Toà án Hành chính để các Toà án Hành chính có thể hoạt động được ngay sau khi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ hành chính được thông qua.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các yêu cầu và nhiệm vụ dưới đây:
1. Khẩn trương xây dựng Tiêu chuẩn Thẩm phán Toà án Hành chính trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính các cấp.
Các tiêu chuẩn lựa chọn người để đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính phải được xác định rõ ràng, cụ thể, chú trọng cả năng lực và phẩm chất.
Đối tượng được lựa chọn để đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính là những người đang công tác trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước, chính quyền các cấp, có kinh nghiệm về quản lý hành chính, có trình độ nhất định về pháp luật và một số sinh viên tốt nghiệp Đại học Luật loại khá, giỏi, có phẩm chất, đạo đức tốt.
Giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì cùng với Bộ Tư pháp, Thanh tra Nhà nước phối hợp với Toà án nhân dân tối cao:
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính hàng năm, trước mắt là kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính năm 1995.
- Xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh Thẩm phán Toà án Hành chính các cấp; tiêu chuẩn tuyển chọn các đối tượng để đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính.
- Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn các đối tượng để đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính và tổ chức việc tuyển chọn theo đúng các tiêu chuẩn đã xác định.
- Phân công học viên sau khi kết thúc các khoá đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính.
2. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính phải bao gồm các nội dung thiết yếu về pháp luật, quản lý hành chính, tài phán hành chính gắn với thực tiễn của nước ta và có tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.
Việc biên soạn các giáo trình, bài giảng phải bảo đảm nội dung thiết thực, phù hợp với từng loại đối tượng học viên.
Đội ngũ giảng viên, kể cả giảng viên kiêm chức, phải được tuyển chọn từ những người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn công tác tại các cơ quan hành chính và có khả năng giảng dạy tốt để tham gia đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính.
Giao học viện Hành chính Quốc gia chủ trì cùng với Bộ Tư pháp, Thanh tra Nhà nước phối hợp với Toà án nhân dân tối cao:
- Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Biên soạn giáo trình, bài giảng, chuẩn bị giảng viên và các điều kiện, phương tiện phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính.
- Tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính, bảo đảm chỉ tiêu số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
- Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo sự hướng dẫn của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm lựa chọn cán bộ của địa phương để đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính, bảo đảm chỉ tiêu số lượng được phân bổ, đúng đối tượng và các tiêu chuẩn quy định.
3. Ngân sách thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán Toà án Hành chính lấy từ nguồn ngân sách đào tạo lại đối với cán bộ quản lý và công chức Nhà nước.
Giao Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh nguồn ngân sách Nhà nước năm 1995, chuẩn bị kế hoạch ngân sách năm 1995 và những năm tiếp theo cho hoạt động này.
4. Bộ Trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.