Hiệp định TPP 17/11/2015 08:00 AM

Bản tiếng Việt của Hiệp định TPP - Chương 5: Quản lý hải quan và tạo thuận lợi trong thương mại

17/11/2015 08:00 AM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT DỊCH:

Chương 5: QUẢN LÝ HẢI QUAN VÀ TẠO THUẬN LỢI TRONG THƯƠNG MẠI

>> Xem bản Tiếng Anh
>> Tải File Word Hiệp định TPP (tiếng Anh và tiếng Việt) tại đây

CHƯƠNG 5

QUẢN LÝ HẢI QUAN VÀ TẠO THUẬN LỢI TRONG THƯƠNG MẠI

Điều 5.1: Thủ tục hải quan và tạo thuận lợi trong thương mại

Mỗi Bên phải bảo đảm thủ tục hải quan của mình được áp dụng một cách đồng nhất, minh bạch, và có thể dự đoán.

Điều 5.2: Phối hợp về hải quan

1. Nhằm tạo thuận lợi cho hiệu quả hoạt động của Hiệp định này, mỗi Bên phải:

(a) Khuyến khích hợp tác với các Bên khác liên quan đến các vấn đề hải quan quan trọng có ảnh hưởng đến hàng hóa được giao dịch giữa các bên; và

(b) nỗ lực gửi cho mỗi Bên thông báo trước về mọi thay đổi hành chính quan trọng, thay đổi về pháp luật hoặc quy định, hoặc biện pháp tương tự liên quan đến pháp luật hoặc các quy định điều chỉnh việc xuất khẩu hoặc nhập khẩu của mình có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Hiệp định này .

2. Mỗi Bên, theo pháp luật của mình, phải hợp tác với các Bên khác thông qua việc chia sẻ thông tin và các hoạt động khác phù hợp nhằm tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan đến:

(a) việc thực hiện và hoạt động của các quy định trong Hiệp định này về xuất khẩu hoặc nhập khẩu, bao gồm các yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan, thủ tục yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan, và thủ tục xác minh;

(b) việc thực hiện, áp dụng và hoạt động của Hiệp định Trị giá hải quan;

(c) các hạn chế hoặc lệnh cấm đối với nhập khẩu hoặc xuất khẩu;

(d) điều tra và phòng chống vi phạm pháp luật về hải quan, bao gồm trốn thuế và buôn lậu; và

(e) các vấn đề hải quan khác do các Bên quyết định.

3. Nếu một Bên có một nghi vấn hợp lý về hoạt động trái luật liên quan đến pháp luật hoặc các quy định về nhập khẩu của mình, Bên đó có thể yêu cầu một Bên khác cung cấp thông tin bí mật cụ thể thường được thu thập trong khi nhập khẩu hàng hóa.

4. Yêu cầu do một Bên đưa ra theo khoản 3 phải:

(a) bằng văn bản;

(b) nêu cụ thể mục đích của việc tìm kiếm thông tin; và

(c) xác định thông tin yêu cầu với đầy đủ đặc trưng để Bên được yêu cầu định vị và cung cấp thông tin.

5. Bên được yêu cầu cung cấp thông tin theo khoản 3, theo luật pháp của mình và điều ước quốc tế có liên quan mà Bên đó tham gia, phải cung cấp một văn bản trả lời có các thông tin được yêu cầu.

6.  Trong phạm vi khoản 3, “nghi vấn hợp lý về hoạt động trái luật” là một nghi vấn dựa trên thông tin thực tế có liên quan thu thập từ các nguồn công cộng hoặc tư nhân, bao gồm một hoặc các yếu tố sau:

 

(a) thông tin trong quá khứ về việc một nhà nhập khẩu hoặc nhà xuất khẩu không tuân thủ luật pháp hoặc quy định về nhập khẩu;

(b) thông tin trong quá khứ về việc một nhà sản xuất hoặc một người khác liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa từ lãnh thổ của một Bên đến lãnh thổ của một Bên khác không tuân thủ luật pháp hoặc quy định về nhập khẩu;

(c) thông tin trong quá khứ về việc một số hoặc toàn bộ những người liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa của một ngành hàng cụ thể từ lãnh thổ của một Bên đến lãnh thổ của một Bên khác không tuân thủ luật pháp hoặc quy định về nhập khẩu; hoặc

(d) thông tin khác mà Bên yêu cầu và Bên được yêu cầu cung cấp thông tin cùng xem là đầy đủ đối với yêu cầu đó.

7. Mỗi Bên phải nỗ lực để cung cấp cho một Bên khác bất kỳ thông tin nào khác mà sẽ hỗ trợ Bên đó xác định xem hàng hóa nhập khẩu từ Bên đó hoặc xuất khẩu sang Bên đó có phù hợp với pháp luật hoặc quy định về nhập khẩu của Bên nhận hay không, cụ thể là những thông tin liên quan đến các hoạt động trái pháp luật, bao gồm buôn lậu và các vi phạm tương tự.

8. Để tạo thuận lợi cho thương mại giữa các Bên, Bên nhận yêu cầu phải nỗ lực để tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho Bên yêu cầu nhằm:

(a) phát triển và thực hiện các thông lệ tốt nhất được cải tiến và các kỹ thuật quản lý rủi ro;

(b) tạo điều kiện cho việc thực hiện các tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng quốc tế;

(c) đơn giản hóa và tăng cường thủ tục thông quan hàng hóa một cách kịp thời và hiệu quả;

(d) phát triển các kỹ năng nghề nghiệp của nhân viên hải quan; và

(e) tăng cường việc sử dụng các công nghệ mà có thể cải thiện sự tuân thủ pháp luật và quy định về nhập khẩu của Bên yêu cầu.

9.  Các Bên phải nỗ lực để thiết lập hoặc duy trì các kênh thông tin liên lạc phục vụ hợp tác hải quan, kể cả bằng cách thiết lập các đầu mối liên lạc để tạo thuận lợi cho trao đổi thông tin nhanh chóng và an toàn cũng như tăng cường phối hợp về các vấn đề nhập khẩu.

Điều 5.3: Phán quyết trước

1. Trước khi nhập khẩu của hàng hoá của một Bên vào lãnh thổ của mình, mỗi Bên sẽ lập một phán quyết trước bằng văn bản theo yêu cầu bằng văn bản của một nhà nhập khẩu trong lãnh thổ của mình, hoặc một nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất trong lãnh thổ của một Bên khác 1 về việc: 2

(a) phân loại thuế quan;

(b) việc áp dụng các tiêu chí xác định trị giá hải quan đối với một trường hợp cụ thể theo quy định của Hiệp định trị giá hải quan;

(c) một hàng hóa có xuất xứ hay không theo quy định tại Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ); và

(d) các vấn đề khác do các Bên quyết định.

2.  Mỗi Bên phải lập một phán quyết trước càng sớm càng tốt và trong mọi trường hợp không muộn hơn 150 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, với điều kiện người yêu cầu đã cung cấp tất cả các thông tin mà Bên nhận đòi hỏi để lập phán quyết trước. Các thông tin này bao gồm một mẫu hàng hóa mà người yêu cầu cần phán quyết trước nếu có yêu cầu của Bên nhận. Khi lập một phán quyết trước, Bên đó phải xem xét các dữ kiện và hoàn cảnh mà người yêu cầu đã cung cấp. Để giải thích rõ hơn, một Bên có thể từ chối lập phán quyết trước nếu dữ kiện và hoàn cảnh làm cơ sở cho phán quyết trước là đối tượng thẩm định hành chính hoặc tư pháp. Bên từ chối lập phán quyết trước phải kịp thời thông báo cho người yêu cầu bằng văn bản, nêu rõ các dữ kiện và các tình huống có liên quan và cơ sở cho quyết định từ chối lập phán quyết trước.

3.  Mỗi Bên quy định rằng các phán quyết trước của mình sẽ có hiệu lực vào ngày được lập hoặc vào một ngày khác quy định trong các văn bản đó, và sẽ duy trì hiệu lực ít nhất ba năm, với điều kiện luật pháp, các dữ kiện và hoàn cảnh làm cơ sở cho phán quyết trước vẫn không thay đổi. Nếu luật pháp của một Bên quy định rằng một phán quyết trước hết hiệu lực sau một khoảng thời gian nhất định, Bên đó phải nỗ lực để cung cấp các thủ tục cho phép người yêu cầu gia hạn phán quyết trước trước khi văn bản đó hết hiệu lực, miễn là luật pháp, các dữ kiện và hoàn cảnh làm cơ sở cho phán quyết trước vẫn không thay đổi.

4. Sau khi lập phán quyết trước, Bên đó có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ văn bản đã lập nếu có sự thay đổi về luật pháp, dữ kiện hay hoàn cảnh làm cơ sở cho phán quyết trước, nếu phán quyết trước dựa trên những thông tin không chính xác hoặc sai lệch, hoặc nếu phán quyết có sai sót.

5. Một Bên có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ phán quyết trước theo quy định tại khoản 4 sau khi Bên đó thông báo về việc sửa đổi hoặc huỷ bỏ và nêu rõ lý do.

6. Không Bên nào được áp dụng sửa đổi hoặc hủy bỏ hồi tố gây thiệt hại cho người yêu cầu trừ trường hợp phán quyết trước được dựa trên những thông tin không chính xác hoặc sai lệch do người yêu cầu cung cấp.

7. Mỗi Bên bảo đảm rằng người yêu cầu có quyền truy cập thông tin về kết quả thẩm định hành chính các phán quyết trước.

8. Theo yêu cầu về bảo mật trong pháp luật của mình, mỗi Bên phải nỗ lực để công khai các phán quyết trước của mình, bao gồm cả công khai trực tuyến.

Điều 5.4: Phản hồi yêu cầu tham vấn hoặc cung cấp thông tin

Theo yêu cầu từ một nhà nhập khẩu trong lãnh thổ của mình, hoặc một nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất trong lãnh thổ của một Bên khác, mỗi Bên phải nhanh chóng tham vấn hoặc cung cấp các thông tin có liên quan đến các dữ kiện có trong yêu cầu về:

(a) các yêu cầu về hạn ngạch, như hạn ngạch thuế quan;

(b) việc áp dụng hoàn thuế, gia hạn nộp thuế, hoặc hình thức giảm gánh nặng khác như giảm thuế, hoàn thuế hoặc miễn thuế;

(c) các yêu cầu đối với hàng hóa theo Điều 2.6 (Hàng tái nhập sau khi sửa chữa và thay đổi);

(d) nước xuất xứ, nếu đó là một điều kiện cho nhập khẩu; và

(e) các vấn đề khác do các Bên quyết định.

Điều 5.5: Thẩm định và khiếu nại

1. Mỗi Bên phải bảo đảm rằng người được cấp một quyết định 3về một vấn đề hải quan có quyền truy xuất thông tin về:

(a) kết quả thẩm định hành chính của quyết định đó, không phụ thuộc 4 vào nhân viên hoặc văn phòng đã cấp quyết định; và

(b) kết quả thẩm định tư pháp đối với quyết định.5

2. Mỗi Bên phải bảo đảm cơ quan tiến hành thẩm định theo khoản 1 thông báo cho các bên liên quan về quyết định của mình bằng văn bản và nêu rõ lý do cho quyết định này. Một Bên có quyền đòi hỏi một yêu cầu là một điều kiện để cung cấp những lý do cho một quyết định trong quá trình thẩm định.

Điều 5.6: Tự động hóa

1. Mỗi Bên phải:

(a) nỗ lực sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến các thủ tục giải phóng hàng hóa;

(b) tạo điều kiện cho người sử dụng hải quan truy cập các hệ thống điện tử;

(c) sử dụng hệ thống điện tử hoặc tự động để phân tích rủi ro và xác định mục tiêu;

(d) nỗ lực thực hiện các tiêu chuẩn chung và các yếu tố cho dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu theo Mô hình dữ liệu của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO);

(e) xem xét áp dụng các khuyến nghị, mô hình, phương pháp và tiêu chuẩn của WCO được phát triển thông qua WCO hoặc APEC; và

(f) hướng tới phát triển một tập hợp các yếu tố dữ liệu phổ biến được rút ra từ mô hình dữ liệu của WCO và các khuyến nghị có liên quan của WCO cũng như hướng dẫn về việc tạo điều kiện cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các chính phủ cho mục đích phân tích dòng chảy thương mại.

2. Mỗi Bên phải nỗ lực để cung cấp một cơ sở cho phép nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu hoàn thành các yêu cầu nhập khẩu và xuất khẩu tiêu chuẩn trực tuyến tại một điểm duy nhất.

Điều 5.7: Vận chuyển tốc hành

1.  Mỗi Bên sẽ thông qua hoặc duy trì các thủ tục hải quan rút gọn phục vụ vận chuyển tốc hành trong khi vẫn duy trì lựa chọn và kiểm soát hải quan phù hợp. Các thủ tục này phải:

(a) quy định các thông tin cần thiết để giải phóng một lô hàng tốc hành được cung cấp và xử lý trước khi lô hàng đến;

(b) cho phép cung cấp thông tin một lần duy nhất bao gồm thông tin về tất cả hàng hóa trong một lô hàng tốc hành, như bản kê khai, thông qua phương tiện điện tử, nếu có thể; 6

(c) quy định về việc giảm thiểu hồ sơ cho việc giải phóng hàng hóa;

(d) quy định rằng các lô hàng tốc hành được giải phóng trong vòng sáu giờ sau khi nộp các hồ sơ hải quan cần thiết trong những hoàn cảnh bình thường, với điều kiện lô hàng đã đến;

(e) áp dụng không phân biệt khối lượng hoặc giá trị của các lô hàng, tuy nhiên một Bên vẫn có thể đòi hỏi thủ tục nhập cảnh chính thức như một điều kiện để giải phóng hàng hóa, bao gồm tờ khai, tài liệu chứng minh, và đóng thuế dựa trên khối lượng hoặc giá trị của hàng hóa; và

(f) quy định rằng trong những hoàn cảnh bình thường, các lô hàng được định giá bằng hoặc thấp hơn một số tiền cố định theo luật của Bên đó 7 sẽ không bị đánh thuế. Mỗi Bên phải rà soát số tiền này định kỳ, có tính đến các yếu tố đó có thể coi là có liên quan như như tỷ lệ lạm phát, tác động đến thuận lợi hóa thương mại, tác động đối với quản lý rủi ro, chi phí hành chính của việc thu thuế so với tiền thuế, chi phí giao dịch thương mại xuyên biên giới, tác động đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc các yếu tố khác liên quan đến việc thu thuế.

2. Nếu một Bên không áp dụng ưu đãi trong các khoản từ 1(a) đến (f) cho tất cả các lô hàng, Bên đó phải cung cấp một thủ tục hải quan rút gọn riêng biệt 8 có áp dụng các ưu đãi trên cho các lô hàng tốc hành.

Điều 5.8: Xử phạt

1. Mỗi Bên thông qua hoặc duy trì các biện pháp cho phép cơ quan hải quan của một Bên xử phạt đối với vi phạm pháp luật, quy định hoặc yêu cầu thủ tục về hải quan của Bên đó, bao gồm phân loại thuế quan, định giá hải quan, nước xuất xứ và yêu cầu hưởng ưu đãi theo Hiệp định này.

2. Mỗi Bên bảo đảm rằng một hình thức xử phạt do cơ quan hải quan của mình áp dụng đối với một hành vi vi phạm pháp luật, quy định hoặc yêu cầu thủ tục về hải quan chỉ áp dụng đối với người chịu trách nhiệm pháp lý cho vi phạm đó.

3. Mỗi Bên bảo đảm rằng các hình thức xử phạt do cơ quan hải quan của mình áp dụng phụ thuộc vào các dữ kiện và hoàn cảnh 9của vụ việc và tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vi phạm.

4. Mỗi Bên bảo đảm rằng mình vẫn duy trì các biện pháp để tránh xung đột lợi ích trong việc tính và thu tiền phạt và thuế. Không được tính tiền phạt hoặc thuế trên một tỷ lệ phần trăm hoặc một phần cố định thù lao của một công chức chính phủ.

5. Mỗi Bên bảo đảm rằng nếu cơ quan hải quan của mình áp dụng một hình thức xử phạt đối với một hành vi vi phạm pháp luật, quy định hoặc yêu cầu thủ tục về hải quan thì phải cung cấp giải trình bằng văn bản cho người bị xử phạt, trong đó nêu rõ bản chất của vi phạm và các quy định pháp luật hoặc thủ tục được áp dụng để tính mức phạt.

6. Nếu một người tự nguyện cung cấp cho cơ quan hải quan của một Bên thông tin về hoàn cảnh của một hành vi vi phạm pháp luật, quy định hoặc yêu cầu thủ tục về hải quan trước khi hành vi đó bị cơ quan hải quan phát hiện, cơ quan hải quan của Bên đó, nếu thích hợp, có thể xem dữ kiện này như  ột yếu tố giảm nhẹ khi hình thức xử phạt được quyết định.

7. Mỗi Bên quy định trong luật, quy định và thủ tục của mình, hoặc áp dụng một khoảng thời gian cố định và hữu hạn mà trong đó cơ quan hải quan của mình có quyền tiến hành tố tụng 10 để áp dụng một hình phạt liên quan đến vi phạm pháp luật, quy định hoặc yêu cầu thủ tục về hải quan.

8. Bất kể quy định tại khoản 7, một cơ quan hải quan có thể áp dụng một hình thức xử phạt thay cho thủ tục tố tụng tư pháp hoặc hành chính ngoài khoảng thời gian cố định và hữu hạn nêu trên.

Điều 5.9: Quản lý rủi ro

1. Mỗi Bên thông qua hoặc duy trì một hệ thống quản lý rủi ro để thẩm định và xác định mục tiêu cho phép cơ quan hải quan của mình tập trung vào hoạt động kiểm tra đối với hàng hóa có nguy cơ cao và đơn giản hóa việc thông quan và luân chuyển hàng hóa nguy cơ thấp.

2. Để tạo thuận lợi thương mại, mỗi Bên phải định kỳ rà soát và cập nhật hệ thống quản lý rủi ro theo quy định tại khoản 1 khi thích hợp.

Điều 5.10: Giải phóng hàng hóa

1. Mỗi Bên thông qua hoặc duy trì các thủ tục hải quan được đơn giản hóa cho việc giải phóng hàng hoá hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa hai bên. Khoản này không đòi hỏi Bên nào phải giải phóng hàng hóa nếu yêu cầu đối với giải phóng hàng hóa của mình chưa được đáp ứng

2.  Căn cứ vào khoản 1, mỗi Bên phải thông qua hoặc duy trì các thủ tục:

(a) quy định việc giải phóng hàng hóa trong một khoảng thời gian không dài hơn cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật hải quan của mình và, trong chừng mực có thể, trong vòng 48 giờ từ khi hàng hoá đến;

(b) quy định việc cung cấp và xử lý thông tin hải quan điện tử trước khi hàng hóa đến để đẩy nhanh việc giải phóng hàng từ khu vực kiểm soát hải quan khi hàng hóa đến;

(c) cho phép hàng hóa được giải phóng tại điểm đến mà không cần tạm thời vận chuyển đến nhà kho hoặc các cơ sở khác; và

(d) cho phép một nhà nhập khẩu được giải phóng hàng hóa trước khi có quyết định cuối cùng về thuế và lệ phí do cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu ban hành khi những loại thuế và lệ phí này không được xác định trước hoặc ngay khi hàng hóa đến, với điều kiện hàng hóa đủ điều kiện được giải phóng và bất kỳ bảo đảm theo yêu cầu của Bên nhập khẩu đã được cung cấp hoặc các khoản thanh toán đang tranh chấp, nếu một Bên yêu cầu, đã được thực hiện. Khoản thanh toán đang tranh chấp gồm các loại thuế và phí nếu đang có tranh chấp và có sẵn thủ tục để giải quyết tranh chấp này.

3.  Nếu một Bên cho phép thông quan hàng hoá với điều kiện có bảo đảm, Bên đó phải thông qua hoặc duy trì các thủ tục:

(a) bảo đảm rằng số tiền bảo đảm không lớn hơn mức yêu cầu để đảm bảo rằng các nghĩa vụ phát sinh từ việc nhập khẩu hàng hóa được hoàn thành;

(b) bảo đảm rằng số tiền bảo đảm sẽ được trả lại càng sớm càng tốt sau khi cơ quan hải quan của mình xác nhận các nghĩa vụ phát sinh từ việc nhập khẩu hàng hoá đã được hoàn thành; và

(c) cho phép nhà nhập khẩu nộp tiền bảo đảm bằng các công cụ tài chính không dùng tiền mặt, bao gồm các trường hợp nhà nhập khẩu thường xuyên nhập hàng hóa, dụng cụ thuộc nhiều mục, nếu phù hợp.

Điều 5.11: Công khai thông tin

1.  Mỗi Bên phải công bố trực tuyến pháp luật hải quan, quy định và thủ tục hành chính nói chung và các hướng dẫn bằng tiếng Anh, trong phạm vi có thể.

2. Mỗi Bên phải chỉ định hoặc duy trì một hoặc nhiều điểm thông tin để giải quyết thắc mắc từ những người quan tâm về các vấn đề hải quan và chịu trách nhiệm công bố trực tuyến các thông tin liên quan đến thủ tục giải đáp thắc mắc.

3. Trong phạm vi có thể, mỗi Bên phải công bố trước các quy định áp dụng chung đối với các vấn đề hải quan mà Bên đó đề xuất thông qua và cho những người quan tâm cơ hội để góp ý trước khi Bên đó thông qua quy định.

Điều 5.12: Bảo mật

1. Nếu một Bên cung cấp thông tin mật cho một Bên khác theo quy định tại Chương này, Bên nhận thông tin có trách nhiệm giữ bí mật. Bên cung cấp thông tin có thể yêu cầu Bên nhận ban hành một văn bản bảo đảm rằng những thông tin này sẽ được giữ bí mật, chỉ được sử dụng cho các mục đích nêu trong yêu cầu của Bên yêu cầu thông tin, và không bị tiết lộ mà không có sự cho phép cụ thể của Bên cung cấp thông tin hoặc người cung cấp thông tin cho Bên đó.

2. Một Bên có quyền từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu của một Bên khác nếu Bên đó không tuân thủ khoản 1.

3. Mỗi Bên phải thông qua hoặc duy trì các thủ tục để bảo vệ thông tin bí mật được cung cấp theo quy định pháp luật về hải quan của mình không bị tiết lộ trái phép, bao gồm cả thông tin mà việc tiết lộ có thể gây phương hại đến vị thế cạnh tranh của người cung cấp thông tin.

1 Để giải thích rõ hơn, một nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có thể gửi yêu cầu cho một phán quyết trước thông qua đại diện được ủy quyền hợp pháp.

2 Để giải thích rõ hơn, một Bên bắt buộc phải cung cấp một phán quyết trước nếu Bên đó không duy trì các biện pháp liên quan đến yêu cầu phán quyết.

3 Trong phạm vi của Điều này, một quyết định, nếu được thực hiện bởi Peru, là một hành vi hành chính.

4 Mức độ thẩm định hành chính có thể bao gồm một cơ quan bất kỳ giám sát việc quản lý hải quan.

5 Brunei Darussalam có thể tuân thủ khoản này bằng cách thiết lập hoặc duy trì một cơ quan độc lập để cung cấp các thẩm định khách quan đối với quyết định.

6 Để giải thích rõ hơn, các tài liệu bổ sung có thể được xem như một điều kiện để giải phóng hàng hóa.

7 Bất kể quy định tại Điều này, một Bên có thể tính thuế, hoặc có thể yêu cầu các tài liệu nhập cảnh chính thức đối với hàng hoá bị hạn chế hoặc bị kiểm soát như hàng hoá thuộc diện phải cấp phép nhập khẩu hoặc các yêu cầu tương tự.

8 Để giải thích rõ hơn, "riêng biệt" không có nghĩa là một cơ sở hoặc luồng cụ thể nào.

9 Dữ kiện và hoàn cảnh sẽ được lập một cách khách quan theo pháp luật của mỗi Bên.

10 Để giải thích rõ hơn, "tố tụng" là các biện pháp hành chính do cơ quan hải quan thực hiện và không bao gồm tố tụng tư pháp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,587

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]