Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.

Điều kiện và thủ tục thành lập trường đại học tư thục

Đại học là cơ sở giáo dục đại học bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

1. Điều kiện thành lập trường đại học tư thục

Để được cho phép thành lập trường đại học tư thục cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Có đề án thành lập trường đại học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới các trường đại học được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nội dung đề án thành lập trường cần nêu rõ: Tên gọi; ngành, nghề, quy mô đào tạo; mục tiêu, nội dung, chương trình; nguồn lực tài chính; đất đai; cơ sở vật chất; giảng viên và cán bộ quản lý; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý; kế hoạch xây dựng và phát triển trường trong từng giai đoạn; thời hạn và tiến độ thực hiện dự án đầu tư; hiệu quả kinh tế - xã hội.

- Có văn bản chấp thuận về việc thành lập trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính.

- Có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 05 ha và đạt bình quân tối thiểu là 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển.

- Phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường); vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản; đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

- Có dự kiến cụ thể về số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cơ hữu, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, trình độ đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với lộ trình để mở mã ngành và tuyển sinh đào tạo trong đề án thành lập trường.

About The University of Manchester | INTO

(Hình từ internet)

2. Thủ tục thành lập trường đại học tư thục

Thủ tục cho phép thành lập trường đại học tư thục gồm 02 bước:

Phê duyệt chủ trương cho phép thành lập => Quyết định cho phép thành lập.

Bước 1: Đề nghị phê duyệt chủ trương cho phép thành lập trường đại học tư thục

Thành phần hồ sơ:

(1) Tờ trình đề nghị phê duyệt chủ trương cho phép thành lập trường đại học tư thục.

(2) Văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thành lập trường tại địa phương.

Văn bản chấp thuận cần nêu rõ về sự cần thiết, sự phù hợp của việc thành lập trường với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ trương cấp đất hoặc cho thuê đất xây dựng trường, địa điểm khu đất và khả năng phối hợp, tạo điều kiện của địa phương đối với việc xây dựng và phát triển nhà trường; văn bản pháp lý về quyền sử dụng đất (nếu có).

(3) Đề án thành lập trường đại học.

(4) Ngoài các văn bản nêu trên thì hồ sơ cần có thêm các văn bản sau đây:

- Danh sách các thành viên sáng lập.

- Biên bản cử đại diện đứng tên thành lập trường của các thành viên góp vốn.

- Bản cam kết góp vốn xây dựng trường của cá nhân, tổ chức và ý kiến đồng ý của người đại diện đứng tên thành lập trường.

- Danh sách các cổ đông cam kết góp vốn.

- Biên bản thỏa thuận góp vốn.

Nơi nộp hồ sơ: Chủ đề án gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 2: Đề nghị ra quyết định cho phép thành lập trường đại học tư thục

Thành phần hồ sơ:

(1) Văn bản phê duyệt chủ trương cho phép thành lập trường đại học tư thục của Thủ tướng Chính phủ.

(2) Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đầu tư đối với việc thành lập trường đại học tư thục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp.

(3) Văn bản pháp lý xác nhận về quyền sử dụng đất hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất từ 50 năm trở lên để xây dựng trường. Trong đó xác định rõ địa điểm, mốc giới, địa chỉ, diện tích của khu đất nơi trường đặt trụ sở chính.

(4) Quy hoạch xây dựng trường và thiết kế tổng thể đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

(5) Văn bản báo cáo chi tiết về tình hình triển khai Dự án đầu tư thành lập trường của Ban quản lý dự án kèm theo ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính.

(6) Dự kiến ngành, nghề đào tạo, cán bộ quản lý và quy mô đào tạo.

(7) Các văn bản pháp lý xác nhận về vốn của chủ đầu tư do ban quản lý dự án đang được giao quản lý bao gồm:

- Các văn bản xác nhận của ngân hàng về số tiền hiện có do ban quản lý dự án đang quản lý, các văn bản pháp lý minh chứng về quyền sở hữu tài sản kèm theo văn bản định giá tài sản góp vốn nếu góp vốn bằng tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản;

- Các chứng từ liên quan đến số vốn đã được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho trường (có xác nhận của cơ quan tài chính có thẩm quyền về số vốn đã đầu tư xây dựng trường và xác nhận của ngân hàng về số vốn góp trong tài khoản của ban quản lý dự án).

Thời hạn nộp hồ sơ: Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày có văn bản của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cho phép thành lập trường.

Nơi nộp hồ sơ: Trường đại học gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời hạn giải quyết:

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ đề án biết để sửa đổi, bổ sung.

- Trong vòng 60 ngày làm việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ xin ý kiến bằng văn bản đối với các đề án đáp ứng điều kiện theo quy định và có văn bản thông báo cho chủ đề án đối với những đề án chưa đủ điều kiện.

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ đề án và trình Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, trường đại học tư thục muốn được hoạt động thì phải đáp ứng một số điều kiện và thực hiện thủ tục đề nghị cho phép hoạt động (Xem chi tiết điều kiện và thủ tục tại công việc: Thủ tục cho phép Trường đại học hoạt động).

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

5,339
Công việc tương tự: