>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Yêu cầu bắt buộc đối với trường hợp chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong Doanh Nghiệp Tư Nhân

Yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế

Hình từ Internet

Doanh nghiệp tư nhân (đủ điều kiện theo luật định) có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bắt buộc người nắm độc quyền sử dụng sáng chế chuyển giao quyền sử dụng sáng chế mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền đó trong 05 trường hợp sau đây:

(1) Thứ nhất, sử dụng sáng chế vì mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội.

(2) Thứ hai, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế.

Sự vi phạm nghĩa vụ này được hiểu: mặc dù không có nhu cầu nhưng có nghĩa vụ phải sử dụng sáng chế vì mục đích công cộng, phi thương mại, mà chủ sở hữu hay bên được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền đã không sử dụng sáng chế thì đây cũng được coi là căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền.

(3) Thứ ba, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng.

(4) Thứ tư, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

(5) Thứ năm, việc sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng bệnh, chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Với các trường hợp trên đây, người yêu cầu có thể nộp hồ sơ yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế bằng cách Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Thành phần hồ sơ:

1. Tờ khai yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục I tại Nghị định 65/2023/NĐ-CP);

2. Tài liệu chứng minh yêu cầu ra quyết định buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế là có căn cứ xác đáng theo quy định của pháp luật;

3. Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);

4. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

Thời hạn giải quyết: 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Sở hữu trí tuệ.

Lưu ý:

1. Người yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;

2. Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế khoản tiền đền bù theo thỏa thuận, trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc để nhập khẩu dược phẩm theo cơ chế của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và khoản tiền đền bù cho việc sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc đã được trả tại nước xuất khẩu.

3. Quyền sử dụng được chuyển giao chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Căn cứ pháp lý:

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

1,560