Xác định lỗ và chuyển lỗ trong Công ty Hợp Danh

Xác định lỗ và chuyển lỗ công ty hợp danh

Hình từ Internet

Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang.

Cách chuyển lỗ được xác định như sau:

- Công ty hợp danh sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì được chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã khấu trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Số lỗ được chuyển tối đa nhỏ hơn hoặc bằng thu nhập (lãi) của công ty hợp danh trong năm chuyển lỗ.

- Thời gian được chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Quá thời hạn 05 năm này, nếu số lỗ phát sinh chưa chuyển hết thì sẽ không được chuyển vào thu nhập của các năm tiếp sau.

Cụ thể các trường hợp chuyển lỗ như sau:

1. Chuyển lỗ giữa các năm đối với công ty hợp danh

Công ty hợp danh sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Chuyển liên tục trong vòng 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Công ty hợp danh tạm thời chuyển lỗ vào thu nhập của các quý của năm sau khi tính tạm nộp quý và chuyển chính thức vào năm sau khi lập Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).

Ví dụ 1: Năm 2017, công ty hợp danh A có phát sinh lỗ là 10 tỷ đồng; năm 2018 công ty A có phát sinh thu nhập là 15 tỷ đồng thì toàn bộ số lỗ phát sinh năm 2017 là 10 tỷ đồng, công ty A phải chuyển toàn bộ vào thu nhập năm 2018.

Trường hợp năm 2018, công ty A có phát sinh thu nhập chỉ có 8 tỷ đồng thì:

- Công ty A phải chuyển toàn bộ số lỗ 8 tỷ đồng vào thu nhập năm 2018;

- Số lỗ còn lại 2 tỷ đồng, công ty A phải theo dõi và chuyển toàn bộ liên tục vào các năm tiếp theo, nhưng tối đa không quá 5 năm, kể từ năm 2018 (tức là công ty A được chuyển lỗ từ năm 2018 đến năm 2022).

2. Chuyển lỗ giữa các quý đối với công ty hợp danh

- Công ty hợp danh có số lỗ giữa các quý trong cùng một năm tài chính thì được bù trừ số lỗ của quý trước vào các quý tiếp theo của năm tài chính đó. Khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty hợp danh xác định số lỗ của cả năm và chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo cách chuyển lỗ giữa các năm đối với công ty hợp danh nêu trên.

Ví dụ 2: Năm 2017, công ty hợp danh B có:

- Quý 1: lỗ 20 triệu.

- Quý 2: lãi 10 triệu.

- Quý 3: lãi 15 triệu.

Quý 1, công ty hợp danh B phát sinh lỗ 20 triệu nên số lỗ này sẽ được chuyển sang Quý 2 là 10 triệu. Số lỗ còn lại là 10 triệu sẽ được chuyển tiếp tục vào Quý 3, thì Quý 3 năm 2017 chỉ còn 5 triệu được xác định là thu nhập tính thuế để tạm tính nộp thuế quý.

3. Chuyển lỗ trong các trường hợp khác

Trường hợp công ty hợp danh sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản:

- Công ty hợp danh sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp không phải quyết toán thuế theo quy định).

- Số lỗ của công ty hợp danh phát sinh trước khi sáp nhập, hợp nhất phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập cùng năm của công ty hợp danh sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo của công ty hợp danh sau khi sáp nhập, hợp nhất không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

- Trường hợp công ty hợp danh làm thủ tục giải thể, sau khi có quyết định giải thể, nếu có chuyển nhượng bất động sản là tài sản cố định của công ty hợp danh thì thu nhập (lãi) từ chuyển nhượng bất động sản (nếu có) được bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hợp danh (bao gồm cả số lỗ của các năm trước được chuyển sang theo quy định) vào kỳ tính thuế phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Trường hợp công ty hợp danh trong kỳ tính thuế có các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) nếu bị lỗ thì: Số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả thu nhập khác), sau khi bù trừ vẫn còn lỗ thì tiếp tục được chuyển sang các năm tiếp theo trong thời hạn chuyển lỗ theo quy định như trên.

Trường hợp trong thời gian chuyển lỗ có phát sinh tiếp số lỗ thì: Số lỗ phát sinh này (không bao gồm số lỗ của kỳ trước chuyển sang) sẽ được chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Ví dụ 3: Năm 2017, công ty hợp danh C lỗ 20 triệu.

Năm 2018, tiếp tục phát sinh số lỗ là 10 triệu.

   Năm 2019, công ty hợp danh C lãi 15 triệu.

 Năm 2020, công ty hợp danh C lãi tiếp 5 triệu.

Thì:

- Số lỗ của năm 2017 sẽ được chuyển tối đa từ năm 2018 đến năm 2022.

- Số lỗ của năm 2018 không bao gồm số lỗ của năm 2017 chuyển sang.

- Trong năm 2019, công ty hợp danh được chuyển lỗ như sau: Công ty hợp danh chỉ được chuyển lỗ tối đa bằng số lãi phát sinh trong năm là 15 triệu. Cụ thể: công ty hợp danh chuyển toàn bộ số lỗ 15 triệu của năm 2017 sang năm 2010. Vì năm 2019 công ty hợp danh có lãi bằng 0, nên năm này công ty hợp danh không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Trong năm 2020, công ty hợp danh được chuyển lỗ như sau: Công ty hợp danh chuyển số lỗ còn lại chưa được chuyển của năm 2017 là 5 triệu sang năm 2020 (Công ty hợp danh có lãi bằng 0 nên cũng không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm này).

- Công ty hợp danh có số lỗ chưa được chuyển vào năm 2018 là 10 triệu, thì số lỗ 10 triệu này sẽ được chuyển liên tục và toàn bộ trong vòng 5 năm, tức là sẽ được chuyển từ năm 2019 đến 2023.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp xác định số lỗ công ty hợp danh được chuyển khác với số lỗ do công ty hợp danh tự xác định thì: Số lỗ được chuyển xác định theo kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra nhưng đảm bảo chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định.

Xem thêm công việc "Các khoản thu nhập khác";

Xem thêm công việc "Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp".

Căn cứ pháp lý:

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

1,871
Bài viết liên quan: