Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc trong Công ty Hợp Danh
Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)
Định kỳ ít nhất 01 năm một lần, công ty hợp danh phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Công ty hợp danh tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc như sau:
1. Nội dung đối thoại định kỳ tại nơi làm việc
Các bên đối thoại lựa chọn một hoặc một số nội dung sau đây để tiến hành đối thoại:
- Tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty.
- Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.
- Điều kiện làm việc.
- Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với công ty.
- Yêu cầu của công ty đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động.
- Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.
2. Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc
Công ty có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động tổ chức đối thoại định kỳ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động 2019 và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
2.1. Chủ thể tham gia đối thoại tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc
- Bên công ty hợp danh:
Công ty quyết định số lượng, thành phần đại diện cho mình để tham gia đối thoại bảo đảm ít nhất 03 người, trong đó có người đại diện theo pháp luật của công ty và quy định trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
- Bên người lao động:
Căn cứ điều kiện sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, cơ cấu, số lượng lao động và các yếu tố bình đẳng giới, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định số lượng, thành phần tham gia đối thoại nhưng phải bảo đảm số lượng như sau:
+ Ít nhất 03 người, nếu công ty sử dụng dưới 50 người lao động.
+ Ít nhất từ 04 người đến 08 người, nếu công ty sử dụng từ 50 người lao động đến dưới 150 người lao động.
+ Ít nhất từ 09 người đến 13 người, nếu công ty sử dụng từ 150 người lao động đến dưới 300 người lao động.
+ Ít nhất từ 14 người đến 18 người, nếu công ty sử dụng từ 300 người lao động đến dưới 500 người lao động.
+ Ít nhất từ 19 đến 23 người, nếu công ty sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động.
+ Ít nhất 24 người, nếu công ty sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên.
Căn cứ số lượng người đại diện đối thoại của bên người lao động quy định tại điểm a khoản này, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định số lượng đại diện tham gia đối thoại tương ứng theo tỷ lệ thành viên của tổ chức và nhóm mình trên tổng số lao động của công ty.
Danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên công ty hợp danh và bên người lao động thực hiện định kỳ ít nhất 02 năm một lần và công khai tại nơi làm việc theo Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
>> Xem thêm Xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở.
- Thời gian đối thoại định kỳ: Thực hiện theo quy định tại Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
2.2. Tiến hành đối thoại
- Khi tiến hành đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại thể hiện tinh thần hợp tác, chia sẻ, vì lợi ích chung để thảo luận đạt được đồng thuận đối với các nội dung đối thoại. Trường hợp phát sinh những nội dung mới thì đề nghị công ty cho hội ý trao đổi nội bộ hoặc tạm dừng đối thoại để thống nhất ý kiến, sau đó trở lại đối thoại tiếp hoặc chuyển nội dung sang cuộc đối thoại tiếp theo.
- Lập biên bản đối thoại phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền và chữ ký của người đại diện công đoàn, người đại diện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (nếu có) và của người đại diện cho nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có). Cuộc đối thoại được phép ghi âm, ghi hình theo thống nhất của hai bên.
- Ngay sau khi kết thúc đối thoại, hai bên hoàn thiện biên bản đối thoại, thống nhất hướng giải quyết các nội dung chưa đạt kết quả trong cuộc đối thoại (nếu có).
2.3. Công bố kết quả đối thoại
Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi đối thoại kết thúc, Công đoàn chủ trì, phối hợp với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến kết quả đối thoại tới toàn thể người lao động; đề nghị người lao động công khai những nội dung chính của cuộc đối thoại.
Lưu ý: Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
- Từ khóa:
- đối thoại
- tổ chức đối thoại
- đối thoại định kỳ