Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.

Thủ tục thành lập tổ chức tài chính vi mô là công ty TNHH hai thành viên trở lên

Ban trù bị phải lập hồ sơ đề nghị chấp thuận nguyên tắc và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập Tổ chức tín dụng vi mô là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên gửi Ngân hàng Nhà nước.

1. Thủ tục đề nghị chấp thuận nguyên tắc của Tổ chức tín dụng vi mô là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Hồ sơ đề nghị chấp thuận nguyên tắc gồm:

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép do các thành viên sáng lập ký (theo mẫu tại Phụ lục số 01a ban hành kèm theo Thông tư 03/2018/TT-NHNN);

(2) Dự thảo Điều lệ tổ chức tài chính vi mô;

(3) Đề án thành lập tổ chức tài chính vi mô do Trưởng Ban trù bị ký;

(4) Hồ sơ của những người dự kiến bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tài chính vi mô, bao gồm:

- Sơ yếu lý lịch (theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 03/2018/TT-NHNN);

- Phiếu lý lịch tư pháp của nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm, trong đó phải đầy đủ thông tin về án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;

Đối với nhân sự không có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài cư trú trước khi đến Việt Nam cấp. Trường hợp người nước ngoài hiện cư trú tại Việt Nam từ đủ 06 (sáu) tháng trở lên, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp tại nơi người nước ngoài đang tạm trú.

Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm tổ chức tài chính vi mô nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự tối đa 06 (sáu) tháng;

- Bản kê khai người có liên quan với nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm (theo mẫu tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư 03/2018/TT-NHNN);

- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu;

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Các tài liệu khác chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn làm Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc).

- Trường hợp người dự kiến được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tài chính vi mô không có quốc tịch Việt Nam, ngoài các văn bản nêu trên phải có văn bản cam kết đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được cư trú và làm việc tại Việt Nam;

(5) Danh sách thành viên sáng lập do Trưởng Ban trù bị ký;

(6) Hồ sơ của thành viên sáng lập là tổ chức:

- Giấy phép thành lập hoặc chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương;

- Văn bản của các thành viên góp vốn cam kết góp vốn cho tổ chức tài chính vi mô đúng tiến độ, mức vốn góp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp;

- Điều lệ của tổ chức tham gia góp vốn thành lập tổ chức tài chính vi mô;

- Văn bản ủy quyền người đại diện phần vốn góp tại tổ chức tài chính vi mô theo quy định của pháp luật;

- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đại diện hợp pháp của tổ chức tham gia góp vốn thành lập tổ chức tài chính vi mô và người đại diện vốn góp của tổ chức đó tại tổ chức tài chính vi mô;

- Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và Báo cáo tài chính đến thời điểm gần nhất (báo cáo tài chính giữa niên độ hoặc báo cáo năm chưa kiểm toán) tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

- Báo cáo hoạt động trong 02 (hai) năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của thành viên góp vốn không phải là doanh nghiệp;

- Tài liệu chứng minh đã hoặc đang tham gia quản lý chương trình, dự án tài chính vi mô và hiệu quả hoạt động của chương trình, dự án đó;

- Ngoài những thành phần hồ sơ nêu trên, tổ chức là ngân hàng nước ngoài phải cung cấp thêm văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cung cấp thông tin về ngân hàng nước ngoài như sau:

+ Nội dung hoạt động được phép tại nước nguyên xứ tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

+ Tình hình tuân thủ pháp luật về hoạt động ngân hàng trong 05 (năm) năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

(7) Hồ sơ của thành viên sáng lập là cá nhân:

- Sơ yếu lý lịch (theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 03/2018/TT-NHNN);

- Lý lịch tư pháp trong đó phải đầy đủ thông tin về án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;

Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm tổ chức tài chính vi mô nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự tối đa 06 (sáu) tháng;

- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân;

- Văn bản cam kết góp vốn cho tổ chức tài chính vi mô đúng tiến độ và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp;

(8) Biên bản Cuộc họp thành viên sáng lập về việc thành lập Ban trù bị, Trưởng Ban trù bị, thông qua dự thảo Điều lệ, Đề án thành lập tổ chức tài chính vi mô, danh sách các chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát dự kiến.

Nơi nộp hồ sơ: Ngân hàng Nhà nước.

Thời hạn giải quyết:

- Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp thuận nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu bổ sung, hoàn thiện.

- Trong thời hạn 80 (tám mươi) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tài chính vi mô và chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm làm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban và các thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tài chính vi mô. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị, trong đó nêu rõ lý do.

(Hình từ Internet) 

2. Thủ tục đề nghị cấp Giấy phép thành lập Tổ chức tài chính vi mô

Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tài chính vi mô, Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gửi Ngân hàng Nhà nước.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô gồm:

(1) Điều lệ của tổ chức tài chính vi mô đã được Hội đồng thành viên thông qua;

(2) Biên bản cuộc họp Thành viên góp vốn đầu tiên;

(3) Biên bản họp Hội đồng thành viên thông qua các nội dung về việc bầu Chủ tịch Hội đồng thành viên; Biên bản họp Ban kiểm soát về việc bầu Trưởng Ban kiểm soát;

(4) Quyết định của Hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng.

Nơi nộp hồ sơ: Ngân hàng Nhà nước.

Thời hạn giải quyết:

- Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận đầy đủ hồ sơ.

- Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép; trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

1,781
Công việc tương tự:
Bài viết liên quan:
Bài viết liên quan: