Thành phần hồ sơ và thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong Doanh Nghiệp Tư Nhân
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
1. Chủ thể có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Cho nên, doanh nghiệp tư nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (trong đó bao gồm doanh nghiệp tư nhân) được Nhà nước cho phép mới có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định pháp luật của nước xuất xứ cũng có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.
2. Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân khác đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý. Cụ thể như sau:
Thành phần hồ sơ:
Để đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, doanh nghiệp tư nhân phải nộp tối thiểu các tài liệu sau đây:
(i) Tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý (theo Mẫu số 09 tại Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
(ii) Mẫu trình bày chỉ dẫn địa lý (05 mẫu, nếu chỉ dẫn địa lý không phải là từ ngữ, kích thước không lớn hơn 80mm x 80mm và không nhỏ hơn 20mm x 20mm );
(iii) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
(iv) Bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
(v) Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
(vi) Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại nước có chỉ dẫn địa lý đó (nếu là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài);
(vii) Tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý (nếu là chỉ dẫn địa lý đồng âm);
(viii) Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
(Tham khảo mẫu Giấy ủy quyền cho cá nhân hoặc mẫu Giấy ủy quyền cho tổ chức).
(ix) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Lưu ý:
- Các tài liệu trong hồ sơ nêu trên cần đáp ứng các yêu cầu nêu tại Mục III của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý và giấy tờ giao dịch giữa doanh nghiệp tư nhân và Cục Sở hữu trí tuệ phải được làm bằng tiếng Việt, trừ giấy ủy quyền và các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.
- Mỗi đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một chỉ dẫn địa lý duy nhất.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.
Cơ quan thực hiện thủ tục: Cục Sở hữu trí tuệ.
Cách thức nộp hồ sơ:
- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
- Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nộp phí, lệ phí (áp dụng từ ngày 01/01/2024):
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng (mỗi đơn).
+ Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn theo hình thức trực tuyến:
++ Kể từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí nộp đơn: 75.000 đồng/đơn.
++ Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, mức thu lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn.
- Phí công bố đơn: 120.000 đồng.
- Phí thẩm định đơn: 1.200.000 đồng.
- Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 180.000 đồng.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: 120.000 đồng.
- Phí đăng bạ Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
- Phí công bố Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
Thời hạn giải quyết:
- Thẩm định hình thức:
+ 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp đơn hợp lệ.
+ 01 tháng 10 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn.
+ 03 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
+ 03 tháng 20 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn nhưng đơn vẫn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.
- Thẩm định nội dung đơn:
+ 06 tháng kể từ ngày công bố đơn.
+ 08 tháng kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn.
+ 09 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
+ 11 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn và đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
+ Trong trường hợp đơn có ý kiến phản đối đơn, thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người phản đối và thời hạn dành cho người phản đối phản hồi ý kiến của người nộp đơn không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
- Cấp văn bằng bảo hộ: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí.
- Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ trên Công báo Sở hữu công nghiệp: 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây