Quy định về việc thành lập Ban kiểm soát của công ty trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
Tùy theo nhu cầu quản trị công ty mà Hội đồng thành viên quyết định việc có nên/không nên thành lập Ban kiểm soát trong công ty. Tuy nhiên, đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban kiểm soát; các trường hợp khác do công ty quyết định.
Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
Trưởng Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện:
- Không thuộc đối tượng theo diện người phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động
- Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Không phải là người có quan hệ gia đình của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
- Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
- Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.
Ban kiểm soát là cơ quan có trách nhiệm giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu, trong quản lý điều hành công việc kinh doanh của công ty. Do đó, Kiểm soát viên có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Thực hiện giám sát Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.
- Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.
- Thẩm định báo cáo (tài chính, tình hình kinh doanh, đánh giá công tác quản lý, ...) trước khi trình Hội đồng thành viên hoặc cơ quan nhà nước có liên quan;
- Kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành công việc kinh doanh của công ty;
- Xem xét bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào của công ty tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty. Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về thực hiện quyền chủ sở hữu, về quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của Kiểm soát viên;
- Khi phát hiện có thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm quy định phải thông báo ngay bằng văn bản cho Hội đồng thành viên, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.
- Tham dự và thảo luận tại các cuộc họp Hội đồng thành viên và các cuộc họp khác trong công ty;
- Các quyền và nghĩa vụ khác quy định tại Điều lệ công ty hoặc Hội đồng thành viên.
Ngoài các nghĩa vụ nêu trên, trường hợp Kiểm soát viên hoặc người có liên quan của họ làm chủ sở hữu hoặc có phần vốn góp chi phối ở một doanh nghiệp khác thì Kiểm soát viên đó phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công ty biết.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây