>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Quy định về việc đăng ký bảo hộ đối với thiết kế bố trí trong công ty TNHH hai thành viên trở lên

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. Như vậy, bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là bảo hộ cách thức sắp xếp các phần tử mạch trên hoặc bên trong tấm vật liệu bán dẫn chứ không bảo hộ các phần tử mạch (IC, chip) bởi bản thân các đối tượng IC, chíp đã được bảo hộ dưới dạng sáng chế.

Điều kiện đăng ký thiết kế bố trí: Thiết kế bố trí được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện về nguyên lý gốc và tính mới thương mại của thiết kế bố trí.

Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí gồm: Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn và thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.

Các trường hợp có quyền đăng ký thiết kế bố trí: Là tác giả tạo ra thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Lưu ý:

- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

- Đối với những thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, không thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, quyền đăng ký thiết kế bố trí thuộc về tổ chức được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đó. Phần quyền đăng ký thiết kế bố trí này tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì.

- Đối với những thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, quyền đăng ký thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước và tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được sử dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ đó. Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký này.

- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký thiết kế bố trí có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

Hình từ Internet

1. Hồ sơ đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí gồm:

- Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (Mẫu số 06 tại Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP);

- Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ thiết kế bố trí (04 bộ) ;

- Mẫu mạch tích hợp được sản xuất theo thiết kế (04 mẫu), nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại;

- Bản mô tả mạch tích hợp;

- Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân hoặc Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức (nếu nộp đơn thông qua đại diện);

- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

2. Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

3. Nơi nộp hồ sơ: Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí theo hình thức:

- Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

4. Thời hạn giải quyết:

- Thẩm định hình thức:

+ 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp đơn hợp lệ;

+ 01 tháng 10 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn;

+ 03 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định;

+ 03 tháng 20 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định hình thức đơn nhưng đơn vẫn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.

- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;

- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí. 

5. Phí, lệ phí:

- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn (trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn theo hình thức trực tuyến thì kể từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2025 áp dụng mức thu lệ phí nộp đơn là 75.000 đồng/đơn).

- Phí công bố đơn: 120.000 đồng.

- Phí thẩm định đơn: 180.000 đồng.

- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí: 120.000 đồng.

- Phí đăng bạ Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.

- Phí công bố Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.

6. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ:

Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

- Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

- Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

- Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

2,335
Câu hỏi thường gặp: