Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.

Kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là việc hộ kinh doanh, doanh nghiệp, kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.

Kinh doanh dịch vụ cầm cố là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự nên hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

dịch vụ cầm đồ

Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)

1. Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

(i) Được đăng ký, cấp phép, thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(ii) Điều kiện về người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp 

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp là:

- Người đại diện theo pháp luật, người quản lý cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở kinh doanh có tên trong các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

- Người được những người nêu bên trên ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.

- Không thuộc các trường hợp sau:

Đối với người Việt Nam:

+ Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

+ Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài: Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

(iii) Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy (Xem chi tiết Tại đây)

2. Thành phần hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm:

(i) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của doanh nghiệp (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2023/NĐ-CP).

(ii) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

(iii) Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

(iv) Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản:

- Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP;

- Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền trong quản lý về phòng cháy và chữa cháy: Đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục V nhưng thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP.

Lưu ý: Nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh không có kho chứa nguyên liệu hoặc sản phẩm theo quy định thì phải có Hợp đồng thuê kho đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại đoạn (iv) này.

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải nộp kèm các giấy tờ sau:

- Đối với người Việt Nam ở trong nước là người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì phải có:

(v) Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2023/NĐ-CP). Bản khai lý lịch của những người này nếu đang thuộc biên chế của lực lượng vũ trang thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quản lý (trừ cơ sở kinh doanh).

(vi) Phiếu lý lịch tư pháp (trừ những người đang thuộc biên chế của lực lượng vũ trang).

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài phải có:

(v) Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP).

(vi) Bản sao hợp lệ Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Thị thực còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam.

Lưu ý: Đối với trường hợp một cơ sở kinh doanh có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Bản khai lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự trong hồ sơ áp dụng đối với người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

3. Nơi nộp hồ sơ: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến Công an cấp huyện.

4. Phương thức nộp hồ sơ:

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp chọn một trong các hình thức nộp hồ sơ sau:

- Nộp trực tiếp.

- Nộp qua dịch vụ bưu chính công ích.

- Nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (trừ các văn bản, giấy tờ không được phép đăng tải qua hệ thống mạng theo quy định của pháp luật).

Quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP.

Lưu ý: Khi các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin về các tài liệu nêu trên trên môi trường điện tử: Các cơ sở kinh doanh nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì không phải nộp các tài liệu (ii), (iv), (v) và (vi) tại Mục 2. 

5. Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; cơ quan Công an có văn bản thông báo và nêu rõ lý trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

6. Những việc cần làm sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự:

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ còn phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm nên tại Điều 25 và Điều 29 Nghị định 95/2016/NĐ-CP. Trong đó, có một số nội dung quan trọng sau:

- Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải có Văn bản thông báo đủ điều kiện về an ninh, trật tự kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho Công an xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh.

- Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu sau đây:

+ Danh sách những người làm việc trong cơ sở kinh doanh (Mẫu ĐK11 ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BCA);

Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2023/NĐ-CP), Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, trừ người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

Bảng thống kê phương tiện phục vụ công tác bảo vệ (nếu có).

+ Sơ đồ khu vực kinh doanh.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý hoặc đột xuất về tình hình an ninh, trật tự, cụ thể như sau:

+ Báo cáo định kỳ hàng quý (hoàn thành trong tuần cuối cùng của quý) tình hình, kết quả thực hiện các quy định về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (theo Mẫu ĐK13 ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA) gửi cơ quan Công an trực tiếp quản lý;

+ Báo cáo đột xuất các vụ việc hoặc thông tin liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh gửi cơ quan Công an nơi gần nhất và cơ quan Công an trực tiếp quản lý.

- Lập Sổ quản lý hoạt động kinh doanh (Mẫu ĐK19 ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BCA).

Lưu ý: Trong không quá 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, côn an cấp huyện cấp Giấy chứng nhận sẽ gửi thông báo về việc hậu kiểm, tiến hành hậu kiểm đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh như sau:

- Xác minh lý lịch người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh theo Mẫu ĐK4a (đối với người Việt Nam ở trong nước) hoặc Mẫu ĐK4b (đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài) ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA nếu có nghi vấn.

- Kiểm tra trực tiếp các điều kiện về an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

7,980
Công việc tương tự:
Bài viết liên quan:
Bài viết liên quan: