>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng trong Doanh Nghiệp Tư Nhân

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng trong doanh nghiệp tư nhân: là dự phòng chi phí cho những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng của doanh nghiệp tư nhân đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện theo hợp đồng hoặc theo cam kết với khách hàng.

1. Đối tượng và điều kiện trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng trong doanh nghiệp tư nhân 

Đối tượng và điều kiện trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng trong doanh nghiệp tư nhân là:

- Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng do doanh nghiệp tư nhân thực hiện đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua còn trong thời hạn bảo hành. 

- Và doanh nghiệp tư nhân vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện, bảo hành theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng.

2. Mức trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng trong doanh nghiệp tư nhân

- Doanh nghiệp tư nhân dự kiến mức tổn thất để trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã tiêu thụ và dịch vụ đã cung cấp trong năm và tiến hành lập dự phòng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng có cam kết bảo hành.

- Tổng mức trích lập dự phòng bảo hành của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng theo cam kết với khách hàng nhưng tối đa không quá 05% tổng doanh thu tiêu thụ trong năm đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và không quá 05% trên giá trị hợp đồng đối với các công trình xây dựng.

Lưu ý: Sau khi lập dự phòng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng, doanh nghiệp tư nhân tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng vào bảng kê chi tiết. Bảng kê chi tiết là căn cứ để hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp tư nhân trong kỳ. 

- Giá trị ghi nhận khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng trong doanh nghiệp tư nhân là giá trị được ước tính hợp lý nhất về khoản tiền sẽ phải chi để thanh toán nghĩa vụ nợ hiện tại tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm. 

Có nhiều phương pháp đánh giá để ghi nhận giá trị các khoản mục không chắc chắn là một khoản dự phòng. Khi các khoản dự phòng được đánh giá là có liên quan đến nhiều khoản mục, thì nghĩa vụ nợ sẽ được tính theo tất cả các kết quả có thể thu được với các xác suất có thể xảy ra (phương pháp giá trị ước tính). Do đó, khoản dự phòng sẽ phụ thuộc vào xác suất phát sinh khoản lỗ đã ước tính là bao nhiêu, ví dụ: 60% hay 90%. Nếu các kết quả ước tính đều tương đương nhau và liên tục trong một giới hạn nhất định và mỗi điểm ở trong giới hạn đó đều có khả năng xảy ra như nhau thì sẽ chọn điểm ở giữa trong giới hạn đó.

Ví dụ: Một doanh nghiệp tư nhân bán tủ lạnh, có chính sách bảo hành sửa chữa các hỏng hóc do lỗi sản xuất được phát hiện trong vòng một năm sau khi mua. Nếu tất cả các sản phẩm bán ra đều có lỗi hỏng hóc nhỏ, thì tổng chi phí sửa chữa là 2.500.000 đồng. Nếu tất cả các sản phẩm bán ra đều có lỗi hỏng hóc lớn, thì tổng chi phí sửa chữa là 7.000.000 đồng. Kinh nghiệm cho thấy trong năm tới, 80% hàng hóa bán ra không bị hỏng hóc, 17% hàng hóa bán ra sẽ hỏng hóc nhỏ và 3% hàng hóa bán ra sẽ có hỏng hóc lớn. Trong trường hợp này, doanh nghiệp tư nhân phải đánh giá xác suất xảy ra cho từng mức chi phí sửa chữa cho toàn bộ các nghĩa vụ bảo hành.

Giá trị ước tính chi phí sửa chữa trong trường hợp trên sẽ là: (80% x 0) + (17% x 2.500.000) + (3% x 7.000.000) = 635.000 đồng.

3. Thực hiện trích lập dự phòng bảo hảnh sản phầm, hàng hóa, công trình xây dựng 

Tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, căn cứ tình hình tiêu thụ, bàn giao sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng và các cam kết bảo hành tại hợp đồng hoặc các văn bản quy định liên quan, doanh nghiệp tư nhân thực hiện trích lập dự phòng như sau:

- Đối tượng trích lập dự phòng theo mục 1. 

- Mức trích lập dự phòng theo mục 2. 

- Nếu số dự phòng phải trích lập bằng số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước đang ghi trên sổ kế toán, thì doanh nghiệp tư nhân không được trích lập bổ sung khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng.

- Nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn (>) số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước đang ghi trên sổ kế toán, thì doanh nghiệp tư nhân trích lập bổ sung số chênh lệch đó và ghi nhận vào chi phí trong kỳ.

- Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn (<) số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước đang ghi trên sổ kế toán, thì doanh nghiệp tư nhân thực hiện hoàn nhập phần chênh lệch đó và ghi giảm chi phí trong kỳ.

- Hết thời hạn bảo hành, nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số dư còn lại được hoàn nhập vào thu nhập trong kỳ của doanh nghiệp tư nhân (ghi vào TK 711 "Thu nhập khác"). 

Khi lập dự phòng phải trả, doanh nghiệp tư nhân được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp, riêng đối với khoản dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá được ghi nhận vào chi phí bán hàng, khoản dự phòng phải trả về chi phí bảo hành công trình xây lắp được ghi nhận vào chi phí sản xuất chung.

638