Theo giấy phép xây dựng được cấp, nhà chung cư chỉ được xây dựng 5 tầng nhưng chủ đầu tư lại cho thi công lên đến 10 tầng. Trường hợp này sẽ bị xử phạt ra sao? – Anh Tuấn (Hà Nội).
>> Giữa Tiêu chuẩn với Quy chuẩn kỹ thuật có khác biệt gì?
>> Vi phạm về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến chết người: Bị phạt thế nào?
Tại khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014 quy định về các hành vi nghiêm cấm trong xây dựng như sau:
“Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm
...
4. Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.”
Như vậy có thể thấy, nếu trên giấy phép xây dựng được cấp chỉ cho phép xây dựng nhà chung cư 05 tầng thì chủ đầu tư không được phép cho thi công vượt quá số tầng nêu trên giấy phép xây dựng này.
Tuy nhiên trong trường hợp của bạn, chủ đầu tư đã cho xây dựng nhà chung cư lên đến 10 tầng, đây được xem hành vi xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp và sẽ bị xử lý theo Mục 2 bên dưới.
Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành |
Xây dựng nhà chung cư vượt quá số tầng theo giấy phép, bị xử lý như thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Đối với hành vi xây dựng nhà chung cư vượt quá số tầng theo giấy phép xây dựng được cấp, tùy vào tính chất và mức độ nghiêm trọng, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo quy định tại khoản 6, khoản 12, khoản 13 và điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới như sau:
(i) Phạt tiền:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
(ii) Biện pháp khắc phục hậu quả:
Ngoài bị phạt tiền, nhà đầu tư tổ chức thi công công trình còn bị buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm (mà hành vi vi phạm đã kết thúc).
Bên cạnh đó:
(iii) Nếu tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền:
+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.
+ Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
+ Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 03 tháng đến 12 tháng tùy thuộc vào loại công trình xây dựng.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
(iii) Đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền:
+ Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.
+ Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
+ Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.0000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 03 tháng đến 12 tháng tùy thuộc vào loại công trình xây dựng.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Lưu ý: Những mức phạt tiền nêu trên là áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Đối với chủ đầu tư là cá nhân có hành vi xây dựng nhà chung cư vượt quá số tầng theo giấy phép xây dựng được cấp nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự với tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 100 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14), cụ thể như sau:
(i) Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực thi công thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Làm chết người.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
(ii) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- Làm chết 02 người.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
(iii) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Làm chết 03 người trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
(iv) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.