Cho tôi hỏi, kể từ ngày 26/4/2023, quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định như thế nào? – Nhật Huy (Thái Bình).
>> Quyền của đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả được quy định thế nào?
>> Từ ngày 26/4/2023, đối tượng nào không được bảo hộ quyền tác giả?
Từ ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, tại Điều 10 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định cụ thể quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh kể từ ngày 26/4/2023. Cụ thể như sau:
Theo Điều 10 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định như sau:
- Những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) có quyền đứng tên trên tác phẩm điện ảnh, được nêu tên khi tác phẩm điện ảnh được công bố, sử dụng.
Trường hợp bắt buộc do cách thức sử dụng tác phẩm điện ảnh thì có thể không nêu tên toàn bộ diễn viên điện ảnh và người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).
- Trường hợp thỏa thuận về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm điện ảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), biên kịch, đạo diễn không được lợi dụng quyền nhân thân của mình ngăn cản việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm phù hợp với các điều kiện về sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong tác phẩm điện ảnh chỉ có thể cấm hành vi xuyên tạc kịch bản, tác phẩm âm nhạc hoặc sửa đổi, cắt xén kịch bản, tác phẩm âm nhạc gây phương hại đến danh dự, uy tín của họ.
- Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Từ ngày 26/4/2023, quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), bao gồm:
(i) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.
Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.
(ii) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan.
(iii) Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền.
(iv) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền.
(v) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả.
(vi) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Lưu ý: Tài liệu quy định tại mục (iii), (iv), (v) và (vi) nêu trên phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
(Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15))