Trái phiếu là kênh đầu tư mà công ty tôi đang hướng tới. Nhưng trước khi đầu tư, tôi muốn biết cụ thể trái phiếu là gì? Hiện nay, có các loại trái phiếu nào? – Văn Quân (Hà Nội).
>> Lệnh ATO là gì? Trong mua bán chứng khoán, khi nào đặt lệnh ATO?
>> Lệnh LO là gì? Trong mua bán chứng khoán, khi nào đặt lệnh LO?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019: Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Như vậy, trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành (bên vay) với người sở hữu trái phiếu (bên cho vay) đối với một khoản tiền cụ thể (bằng mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định.
Tổ chức phát hành phải trả lợi tức (là khoản tiền lãi được trả cố định thường kỳ không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của tổ chức phát hành) cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn.
Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực [Cập nhật ngày 04/8/2023]
Các loại trái phiếu hiện nay (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tùy vào tiêu chí phân loại mà trái phiếu sẽ được chia thành nhiều loại khác nhau như sau:
(i) Phân loại theo chủ thể phát hành
- Trái phiếu doanh nghiệp: là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp xanh là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).
Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
- Trái phiếu Chính phủ: là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước (theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP).
- Trái phiếu chính quyền địa phương: là loại trái phiếu do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát hành nhằm huy động vốn cho công trình, dự án đầu tư của địa phương (theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP).
(ii) Phân loại theo mức đảm bảo thanh toán của tổ chức phát hành
- Trái phiếu có bảo đảm: là loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật (theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
- Trái phiếu không có bảo đảm: là loại trái phiếu không được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc bên thứ ba hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính tín dụng.
(iii) Phân loại theo khả năng chuyển đổi
- Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính tổ chức phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu (theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
- Trái phiếu không có chuyển đổi là loại trái phiếu có tính chất ngược lại với trái phiếu chuyển đổi.
(iv) Phân loại theo lợi tức trái phiếu
- Trái phiếu lãi suất cố định là loại trái phiếu đã xác định lợi tức (%) và các đợt trả lãi trong suốt kỳ hạn trái phiếu trên hợp đồng giao dịch trái phiếu.
- Trái phiếu lãi suất thả nổi là loại trái phiếu có một mức lợi tức xác định trước, cộng thêm một khoản lợi tức biến động theo lãi suất tham chiếu. Các doanh nghiệp trong nước thường chọn lãi suất tham chiếu là lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.
- Trái phiếu có lãi suất bằng 0: là loại trái phiếu mà người sở hữu không nhận lợi tức, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn.
- Đối với trái phiếu được chào bán ra công chúng thì mệnh giá của trái phiếu là 100.000 (một trăm nghìn) đồng và bội số của 100.000 (một trăm nghìn) đồng (theo khoản 2 Điều 13 Luật Chứng khoán 2019).
- Đối với trái phiếu chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước: mệnh giá là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000.000 (một trăm triệu) đồng Việt Nam (theo điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP).