Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì tổ chức tín dụng là gì? Có bao nhiêu loại tổ chức tín dụng? Rất mong được giải đáp cụ thể về vấn đề này! – Trang Thanh (Kiên Giang).
>> Cách tra cứu thông tin Công an tỉnh Phú Thọ? Địa chỉ và thông tin liên hệ?
>> Địa chỉ UBND tỉnh Ninh Thuận ở đâu? Thông tin liên hệ thế nào?
Căn cứ khoản 38 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Tổ chức tín dụng, loại tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng 2024, có 04 loại hình tổ chức tín dụng bao gồm: Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó, cụ thể như sau:
(i) Ngân hàng là tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã (Căn cứ khoản 21 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024).
(ii) Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm:
- Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nhằm mục tiêu lợi nhuận (Căn cứ khoản 23 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024).
- Ngân hàng chính sách là ngân hàng do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước (Căn cứ Điều 16 Luật Các tổ chức tín dụng 2024).
- Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả quỹ tín dụng nhân dân, do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân khác góp vốn thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (Căn cứ khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024).
(i) Căn cứ khoản 41 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tổ chức tín dụng phi ngân hàng là tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, trừ hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.
(ii) Các loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm:
- Công ty tài chính tổng hợp.
- Công ty tài chính chuyên ngành.
Hiện nay, theo khoản 4 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.
(i) Tổ chức tài chính vi mô là tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ (Căn cứ khoản 37 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024).
(ii) Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (Căn cứ khoản 6 Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng 2024).
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới hình thức sau đây:
- Tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.
- Tiền gửi của tổ chức, cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi nhằm mục đích thanh toán.
(i) Căn cứ khoản 30 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
(ii) Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:
- Quỹ tín dụng nhân dân nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam.
- Quỹ tín dụng nhân dân cho vay bằng đồng Việt Nam.
- Quỹ tín dụng nhân dân cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó, trừ việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.
- Các hoạt động kinh doanh khác của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:
+ Nhận vốn ủy thác cho vay của tổ chức, cá nhân.
+ Đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho ngân hàng hợp tác xã đối với thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó.
+ Vay, gửi tiền tại ngân hàng hợp tác xã; vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay, gửi tiền lẫn nhau.
+ Tham gia góp vốn tại ngân hàng hợp tác xã.
+ Mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
+ Đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, bảo quản tài sản.
+ Đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
+ Tư vấn cho thành viên về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.
(Căn cứ Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng 2024)