Công ty tôi và đối tác có ký với nhau một hợp đồng, nhưng đối tác đã vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng. Vậy công ty tôi có thể yêu cầu bồi thường các thiệt hại nào? – Hà Thu (Hà Nội).
>> Khác biệt giữa chia công ty với tách công ty là gì?
>> Năm 2023, cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị, bị phạt bao nhiêu?
Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được quy định như sau:
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế;
- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
(Căn cứ Điều 303 Luật Thương mại 2005).
Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Những thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tại khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005 quy định về việc xác định giá trị bồi thường thiệt hại hợp đồng như sau:
“Điều 302. Bồi thường thiệt hại
...
2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.”
Đồng thời, tại Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ như sau:
“Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.”
Như vậy, có thể thấy, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường cho những thiệt hại sau đây:
- Thiệt hại về tinh thần: tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
- Thiệt hại về vật chất: giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra (bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại) và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
(i) Nghĩa vụ chứng minh tổn thất
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (căn cứ Điều 304 Luật Thương mại 2005).
(ii) Nghĩa vụ hạn chế tổn thất
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được (căn cứ Điều 305 Luật Thương mại 2005).
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (căn cứ Điều 306 Luật Thương mại 2005).