Pháo hiệu hàng hải là gì? Cần đáp ứng những điều kiện gì để kinh doanh dịch vụ nhập khẩu pháo hiệu hàng hải? – Vũ Khánh (Hải Dương).
>> Kinh doanh dịch vụ hoa tiêu hàng hải cần đáp ứng những điều kiện gì?
>> Lãi suất cho vay gián tiếp của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định như thế nào?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 70/2016/NĐ-CP thì pháo hiệu hàng hải là pháo hiệu sử dụng trong công tác an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, bao gồm: Các loại pháo hiệu, đuốc cầm tay và tín hiệu khói nổi thỏa mãn các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2016/NĐ-CP thì nhập khẩu pháo hiệu hàng hải phải đáp ứng các điều kiện về cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 70/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 2 Nghị định 147/2018/NĐ-CP) thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhập khẩu pháo hiệu hàng hải phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Điều kiện nhập khẩu pháo hiệu hàng hải (Ảnh minh họa)
Thành phần hồ sơ:
Tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 70/2016/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải, bao gồm:
- Văn bản đề nghị nhập khẩu pháo hiệu hàng hải, trong đó ghi rõ chủng loại, số lượng, nước sản xuất, quy cách sản phẩm, đặc điểm và công dụng, ký mã hiệu, thời hạn sử dụng của từng loại; thời hạn nhập khẩu;
- Bản dịch có chứng thực Giấy chứng nhận xuất xứ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước sản xuất xác nhận việc pháo hiệu hàng hải đã được thử nghiệm phù hợp với các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế;
- Báo cáo của tổ chức, cá nhân về tình hình thực hiện Giấy phép nhập khẩu của năm trước đó và bản theo dõi Giấy phép nhập khẩu của Chi cục Hải quan cửa khẩu (nếu có).
Thủ tục cấp giấy phép:
Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 70/2016/NĐ-CP như sau:
- Cách thức nộp hồ sơ: Trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác.
Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;
Trường hợp nhận qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
- Nơi nhận hồ sơ: Bộ Giao thông vận tải.
- Thời hạn giải quyết:
+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi xin ý kiến Bộ Quốc phòng và Bộ Công an;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Trường hợp quá thời hạn nói trên, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý với nội dung xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản tham gia ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép; trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Bộ Giao thông vận tải không cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải trong trường hợp pháo hiệu hàng hải đã hết thời hạn sử dụng hoặc có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng (khoản 3 Điều 23 Nghị định 70/2016/NĐ-CP).
XEM CHI TIẾT CÁC CÔNG VIỆC PHÁP LÝ CẦN BIẾT TRONG QUÁ TRÌNH: |
||