Mã ngành 4633 là gì? Buôn bán những đồ uống nào cần đăng ký mã ngành này?
>> Mã ngành 4659 là gì? Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác thì đăng ký mã ngành gì?
Theo quy định tại Phần G Mục II Phụ lục II - Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm Quyết định 27/2018/QĐ-TTg thì mã ngành 4633 được sử dụng trong hoạt động bán buôn các loại đồ uống.
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg quy định cụ thể 02 nhóm đồ uống thuộc mã ngành 4633, bao gồm:
(i) 46331: Bán buôn đồ uống có cồn
Nhóm này gồm:
- Bán buôn rượu mạnh.
- Bán buôn rượu vang.
- Bán buôn bia.
Nhóm này cũng gồm:
- Mua rượu vang ở dạng thùng rồi đóng chai mà không làm thay đổi thành phần của rượu.
- Rượu vang và bia có chứa cồn ở nồng độ thấp hoặc không chứa cồn.
Loại trừ: Pha trộn rượu vang hoặc chưng cất rượu mạnh được phân vào nhóm 11010 (Chưng, tinh cất và pha chế các loại rượu mạnh) và nhóm 11020 (Sản xuất rượu vang).
(ii) 46332: Bán buôn đồ uống không có cồn
Nhóm này gồm:
- Bán buôn đồ uống nhẹ không chứa cồn, ngọt, có hoặc không có ga như: coca cola, pepsi cola, nước cam, chanh, nước quả khác...
- Bán buôn nước khoáng thiên nhiên hoặc nước tinh khiết đóng chai khác.
Loại trừ:
- Bán buôn nước rau ép, nước quả ép được phân vào nhóm 46323 (Bán buôn rau, quả).
- Bán buôn đồ uống có thành phần cơ bản là sữa được phân vào nhóm 46326 (Bán buôn đường, sữa và các sản phẩm sữa, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, bột, tinh bột).
- Bán buôn các sản phẩm cà phê và chè được phân vào nhóm 46324 (Bán buôn cà phê) và nhóm 46325 (Bán buôn chè).
- Bán buôn rượu vang và bia không chứa cồn được phân vào nhóm 46331 (Bán buôn đồ uống có cồn).
Bảng tra cứu mã ngành nghề kinh doanh |
Mã ngành 4633: Bán buôn đồ uống (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm (bao gồm cả đồ uống) như sau:
- Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh.
- Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm; lưu giữ hồ sơ về thực phẩm. Thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 54 Luật An toàn thực phẩm 2010.
- Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; thông báo cho người tiêu dùng điều kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
- Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm và cách phòng ngừa cho người tiêu dùng khi nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.
- Kịp thời ngừng kinh doanh, thông tin cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và người tiêu dùng khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn.
- Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra.
- Hợp tác với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra ngộ độc thực phẩm để khắc phục hậu quả, thu hồi hoặc xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
- Tuân thủ quy định của pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định tại Điều 48 của Luật An toàn thực phẩm 2010.
- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra.