Trường hợp nào thì công ty phải thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở? Cụ thể vấn đề này được quy định tại văn bản pháp luật nào? – Nam Anh (Khánh Hòa).
>> Không xử lý sự cố khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, công ty bị phạt thế nào?
>> Tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện qua những hình thức nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, việc thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động được quy định như sau:
Công ty có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ những trường hợp sau:
(1) Tai nạn lao động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
(2) Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra:
- Tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên, kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công ty có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành.
- Điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đã điều tra khi có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết.
(3) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để tiến hành điều tra các vụ tai nạn lao động khi xét thấy tính chất nghiêm trọng của tai nạn lao động hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra.
Như vậy, trừ những trường hợp tại mục (1), (2) và (3) thì khi xảy ra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình thì công ty có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Khi nào công ty phải thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở?
(Ảnh minh hoạ - Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 6 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động thuộc thẩm quyền của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở được quy định như sau:
Thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động thuộc thẩm quyền của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở nêu tại mục 1 bên trên được tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo tai nạn lao động đến khi công bố biên bản điều tra tai nạn lao động như sau:
(i) Không quá 04 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nhẹ người lao động.
(ii) Không quá 07 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động.
(iii) Không quá 20 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên.
(iv) Không quá 30 ngày đối với tai nạn lao động chết người; không quá 60 ngày đối với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y.
Trường hợp các vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn điều tra được tính từ khi Đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn.
Đối với tai nạn lao động được nêu tại mục (ii), (iii) và (iv) có tình tiết phức tạp thì được gia hạn thời gian điều tra một lần nhưng thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn quy định tại các điểm này; Trưởng đoàn điều tra phải báo cáo việc gia hạn và được sự đồng ý của người ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động đối với tai nạn lao động nêu tại mục (ii), (iii) và (iv).
Căn cứ khoản 8 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, việc công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động được quy định như sau:
Điều 35. Điều tra vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng
...
8. Biên bản điều tra tai nạn lao động phải được công bố công khai tại cuộc họp dưới sự chủ trì của Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động và các thành viên tham dự là thành viên của Đoàn điều tra, người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản, đại diện tổ chức công đoàn, người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc, người có liên quan đến vụ tai nạn; trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người còn có đại diện cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động phải gửi đến các cơ quan có thành viên trong Đoàn điều tra tai nạn lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động và các nạn nhân hoặc thân nhân người bị tai nạn lao động.
Như vậy, theo quy định trên, Biên bản điều tra tai nạn lao động phải được công bố công khai tại cuộc họp dưới sự chủ trì của Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động và các thành viên tham dự là thành viên của Đoàn điều tra, công ty hoặc người đại diện được công ty ủy quyền bằng văn bản, đại diện tổ chức công đoàn, người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc, người có liên quan đến vụ tai nạn; trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người còn có đại diện cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.