Cho tôi hỏi: Khách hàng của tôi nhập khẩu hàng hóa, ban đầu khai báo với hải quan là mã HS A (HS code), nhưng đúng thì phải là mã HS B (HS code). Trong trường hợp này, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì có chịu hình thức xử lý hình sự nào không?
>> Khai và nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần năm 2022
>> Những khoản tiền nào sẽ được trừ khi tính thuế TNDN và TNCN năm 2022?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Hiện tại, đối với các tội phạm trong lĩnh vực thuế thì Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội trốn thuế, được quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Trường hợp 1: Đối với cá nhân
“Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
…
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;”
Như vậy, hành vi khai sai mã số hàng hóa (mã HS) có thể bị xem là hành vi trốn thuế và bị xử lý hình sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(1) Không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
(2) Thuộc một trong các trường hợp sau:
- Số tiền trốn thuế từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hoặc
- Số tiền trốn thuế dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Nếu hành vi khai sai mã số hàng hóa đáp ứng đủ các điều kiện về tội trốn thuế nêu trên thì có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Đối với các hành vi trốn thuế với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên hoặc hành vi có tính chất mức độ nguy hiểm cao (như có tổ chức, tái phạm nguy hiểm,…) còn có thể bị phạt tiền từ từ 500 triệu đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 đến 07 năm.
Trường hợp 2: Đối với pháp nhân
Hành vi khai sai mã số hàng hóa nhập khẩu của pháp nhân sẽ bị xử lý hình sự đối với tội trốn thuế khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(1) Không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa được thông quan;
(2) Thuộc một trong các trường hợp sau:
- Số tiền trốn thuế từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hoặc
- Số tiền trốn thuế từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đối với pháp nhận phạm tội trốn thuế thì sẽ không có hình phạt tù mà chỉ bị phạt tiền hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn tùy vào mức độ và tính chất của hành vi (cụ thể quy định tại điểm b khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
>> Như vậy, nếu một cá nhân khai sai mã hàng hóa (mã HS) nhưng sau đó đã khai bổ sung trước khi cơ quan hải quan phát hiện hoặc trước khi có quyết định kiểm tra hàng hóa sau thông quan thì sẽ không bị xử lý hình sự.
Lưu ý: nếu hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ không bị xử lý hình sự nữa và ngược lại (dựa trên nguyên tắc một hành vi chỉ bị xử lý một lần).
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!