PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Công ty tôi đang có khoản nợ với công ty A. Bên cạnh đó, công ty A cũng có một khoản nợ chưa thanh toán với công ty tôi vào cùng thời điểm. Đến nay, công ty A mất khả năng thanh toán và đã có thông báo mở thủ tục phá sản từ Tòa án. Vậy công ty tôi có được bù trừ khoản nợ với công ty A không? Mong được hỗ trợ
>> Doanh nghiệp có bắt buộc phải tăng lương định kỳ cho NLĐ?
>> Các đối tượng nào được vay vốn từ Qũy quốc gia về việc làm?
Theo Điều 59 Luật Phá sản 2014 quy định trường hợp công ty A bị xem là mất khả năng thanh toán thì các giao dịch của A thực hiện trong thời gian 06 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu là giao dịch thuộc một trong các trường hợp sau:
- Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường;
- Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn;
- Tặng cho tài sản;
- Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, hầu như các giao dịch trong thời hạn 06 tháng trước khi mở thủ tục phá sản đều sẽ bị vô hiệu, nên việc các bên tiến hành thanh toán, bù trừ trong khoảng thời gian này sẽ không được công nhận.
Để bảo vệ quyền lợi, công ty B có thể thực hiện theo cách bù trừ nghĩa vụ theo Điều 63 Luật Phá sản 2014 như sau:
- Sau khi Tòa án nhân dân có quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản.
- Việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ phải được sự đồng ý của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và những người này sẽ báo cáo Thẩm phán về việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ.
Như vậy, Công ty B cần theo dõi thông báo mở thủ tục phá sản (có thể được gửi trực tiếp hoặc thông báo trên cổng thông tin điện tử) theo quy định: Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính; Sau đó, cần thông báo và xin chấp thuận từ Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và được thực hiện bù trừ trong phiên tuyên bố phá sản.
Phương pháp bù trừ nghĩa vụ:
- Nếu Công ty A và Công ty B có khoản nợ tương đương với nhau thì không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt;
- Nếu Công ty A và Công ty B có khoản nợ không tương đương với nhau mà phần chênh lệch giá trị tài sản lớn hơn thuộc về Công ty A thì Công ty B phải thanh toán phần giá trị tài sản chênh lệch để gộp vào khối tài sản của A;
- Nếu Công ty A và Công ty B có khoản nợ không tương đương với nhau mà phần chênh lệch giá trị tài sản lớn hơn thuộc về Công ty B thì Công ty B trở thành chủ nợ không có bảo đảm đối với phần giá trị tài sản chênh lệch.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!