PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Tôi dự định thành lập một công ty TNHH MTV để buôn bán vật liệu xây dựng nhưng không biết loại hình công ty này có những ưu và nhược điểm gì? PLKN phân tích giúp tôi đi ạ? Mong được hỗ trợ (Anh Hào – TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp).
>> Doanh nghiệp tư nhân có những ưu và nhược điểm gì?
>> Công ty cổ phần có những ưu và nhược điểm nào?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (công ty TNHH MTV) là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ công ty.
Công ty TNHH MTV có một số ưu điểm sau:
- Do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ nên chủ sở hữu sẽ có toàn quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến hoạt động của công ty và không cần phải xin ý kiến hay góp ý từ các chủ thể khác và việc quản lý công ty cũng đơn giản hơn.
- Có tư cách pháp nhân nên doanh nghiệp được thừa nhận là một chủ thể pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập. Việc này đem lại cho doanh nghiệp sự ổn định đời sống pháp luật, pháp nhân không gặp phải những thay đổi bất ngờ như thể nhân, hoạt động pháp nhân kéo dài và không bị ảnh hưởng bởi những biến cố xảy ra với thành viên
- Chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty (Khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020) nên hạn chế được rủi ro của chủ sở hữu khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty do tổ chức làm chủ sở hữu còn có thể tổ chức theo mô hình Hội đồng thành viên (trong đó bầu ra một người làm Chủ tịch Hội đồng thành viên), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Chủ sở hữu công ty có toàn quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty (Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Có thể tăng vốn điều lệ bằng cách góp thêm vốn của chủ sở hữu; huy động thêm vốn đầu tư của cá nhân, tổ chức khác (Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020) hoặc phát hành trái phiếu.
Lưu ý: Trường hợp huy động thêm vốn đầu tư của cá nhân, tổ chức khác thì công ty TNHH MTV phải tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
- Bị hạn chế trong việc huy động vốn bởi công ty TNHH MTV không được phát hành cổ phiếu.
- Nếu có nhu cầu huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác, sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!