Người lao động Việt Nam có con học tại Việt Nam mà được công ty trả học phí thì có được đưa học phí vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp? – Tiến Đức (Cần Thơ).
>> Năm 2023, người lao động được đăng ký tối đa bao nhiêu người phụ thuộc?
>> Năm 2023, người mua hàng hóa có trách nhiệm gì trong sử dụng hóa đơn, chứng từ?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC và hướng dẫn tại Công văn 1981/CTHN-TTHT năm 2021 do Cục Thuế Hà Nội ban hành) thì:
Khoản tiền mà công ty đóng học phí cho con của người lao động có tính chất tiền lương, tiền công được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(1) Là khoản chi thực tế cho con của ngươi lao động nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông.
(2) Là khoản chi có tính chất tiền lương, tiền công được ghi cụ thể về điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại hợp đồng lao động được ký giữa người lao động nước ngoài và công ty.
(3) Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp về việc đóng học phí cho con của người lao động, trong hóa đơn, chứng từ ghi rõ tên, địa chỉ, mã số thuế của công ty.
Khoản chi nếu có hoá đơn từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Như vậy, tiền học phí cho con của người lao động Việt Nam mà công ty đóng sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu phân bổ tiền học phí vào khoản chi có tính chất tiền lương, tiền công.
Thay vào đó, công ty nên phân bổ khoản chi tiền học phí cho con của người lao động Việt Nam vào khoản chi có tính chất phúc lợi. Như vậy, khoản chi này sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật (phải dùng chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt nếu khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên).
(2) Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Công ty đóng học phí cho con của người lao động thì việc tính thuế như thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ tiết g.7 điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, khoản tiền học phí cho con của người lao động mà công ty trả hộ sẽ không tính vào khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp:
- Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và con người này học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông.
- Người lao động là người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài và con người này học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông.
Theo đó, người lao động sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền học phí cho con mà công ty trả hộ nếu thuộc một trong hai trường hợp trên.
Như vậy, đối với trường hợp người lao động Việt Nam có con học tại Việt Nam mà được công ty trả học phí thì khoản học phí này được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN phải nộp |
= |
( |
Thu nhập tính thuế |
- |
Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có) |
) |
x |
Thuế suất thuế TNDN |
Trong đó:
Thu nhập tính thuế |
= |
Thu nhập chịu thuế |
- |
( |
Thu nhập được miễn thuế |
+ |
Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định |
) |
Thu nhập chịu thuế |
= |
( |
Doanh thu |
- |
Chi phí được trừ |
) |
+ |
Các khoản thu nhập khác |
|
(Căn cứ theo khoản 1 Điều 3, Điều 4 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1, Điều 2 Thông tư 96/2015/TT-BTC).