Chào PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP, tôi có một thắc mắc rất mong nhận được giải đáp. Người trông giữ xe thuê 1 nhóm người thực hiện trông giữ, công ty thì chỉ ý hợp đồng với 1 người là người đứng đầu. Họ thuê bao nhiêu người để thực hiện hoàn thành công việc công ty mình chỉ nhận thông tin. Không thực hiện kiểm soát. Địa điểm trông giữ xe: Là tại công ty mình. Hiện tại bên mình làm hợp đồng khoán trông giữ: thanh toán 1 lần để xuất hóa đơn, nhưng mỗi tháng sẽ chi trả cho họ 15 triệu. Mọi năm vẫn lấy được hóa đơn 1 lần cho tổng toàn bộ số tiền thanh toán. Năm nay, chi cục thuế không cấp khi bên trông giữ xe đi làm việc với cơ quan thuế. Kế toán bên mình căn cứ K1 Điều 13 Thông tư 39/2010/TT-BTC: "1. Cơ quan thuế cấp hóa đơn cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng. Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn" => Khẳng định việc không cấp là đúng. Cơ quan thuế bảo đây không phải hợp đồng thuê dịch vụ mà là hợp đồng thuê nhân công vì họ thực hiện công việc trên đất của công ty mình, nhận tiền hàng tháng và hiện tại có công văn hạn chế bán hóa đơn lẻ. Công ty giữ nguyên quan điểm ko ký hợp đồng lao động do không có nhu cầu sử dụng hết 8h/ngày. Nhờ PLKN tư vấn giúp mình: 1. Công ty mình cần ký hợp đồng gì? 2. Người trông giữ xe có phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh/ hộ cá thể? để đảm bảo các yếu tố pháp luật về thuế, về lao động. 3. Cơ quan thuế khẳng định vậy có đúng hay không? Mong sớm nhận được câu trả lời của PLKN.
>> Điều kiện tự in hóa đơn đối với doanh nghiệp mới thành lập
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP vừa nhận được yêu cầu hỗ trợ của mình, do đó, Ban hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
1. Về vấn đề loại hợp đồng có thể áp dụng trong trường hợp thuê dịch vụ trông giữ xe tại công ty
Theo quy định tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 thì Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Như vậy, công ty có thể ký hợp đồng dịch vụ trông giữ xe với người cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, cần lưu ý, hoạt động "cung ứng dịch vụ" chính là hoạt động thương mại, nên người cung ứng dịch vụ phải là thương nhân hoặc cá nhân / tổ chức hoạt động thương mại. Mà cá nhân thực hiện hoạt động trông giữ xe là cá nhân hoạt động thương mại và không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh. (quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP)
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
...
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Do đó, trong trường hợp của mình thì cá nhân đang hợp đồng giữ xe cho mình chính là cá nhân hoạt động thương mại và công ty mình có thể giao kết hợp đồng dịch vụ với đối tượng này.
Và vì đối tượng này thuê một nhóm cá nhân khác cùng thực hiện hợp đồng, nên trường hợp này cần làm thủ tục đăng ký kinh doanh, cụ thể là hộ kinh doanh.
2. Về vấn đề xuất hóa đơn
Vì đây chính là cá nhân hoạt động thương mại, thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ theo quy định của Luật thương mại, do đó, chính là cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật thuế.
Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 Thông tư 39/2014/TT-BTC thì cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành. Và để được mua hóa đơn thì cá nhân kinh doanh (người nhận dịch vụ trông xe) phải có:
- Đơn đề nghị mua hóa đơn (theo Mẫu số 3.3 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39);
- Chứng minh nhân dân / Căn cước công dân / Hộ chiếu của người mua hóa đơn;
- Văn bản cam kết về địa điểm thực hiện dịch vụ theo Mẫu số 3.16 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39 (đối với trường hợp đăng ký mua hóa đơn lần đầu từ cơ quan thuế);
Cơ quan thuế có trách nhiệm bán hóa đơn cho cá nhân kinh doanh theo tháng (bán theo dạng quyển). Tuy nhiên, trong trường hợp, cá nhân kinh doanh không có nhu cầu sử dụng hóa đơn quyển nhưng có nhu cầu sử dụng hóa đơn lẻ thì cơ quan thuế bán hóa đơn lẻ (01 số) theo từng lần phát sinh và không thu tiền cho cá nhân kinh doanh.
Do đó, trong trường hợp này, cá nhân ký kết hợp đồng dịch vụ trông xe có quyền mua hóa đơn lẻ từ cơ quan thuế.
Về việc cơ quan thuế trả lời là đây không phải là hợp đồng thuê dịch vụ mà là hợp đồng lao động thì chị có thể trình bày trực tiếp hoặc gửi Công văn đến cơ quan thuế để trình bày về hợp đồng dịch vụ này. Về vấn đề cơ quan thuế trả lời với công ty mình là hiện đang có công văn hạn chế hóa đơn bán lẻ thì có thể từng địa phương sẽ có cách áp dụng riêng về vấn đề này, nên Ban hỗ trợ không thể kết luận cho mình là cơ quan thuế khẳng định như vậy là đúng hay sai.
Do đó, trong trường hợp này, công ty mình có thể làm một công văn trực tiếp gửi lên cơ quan thuế quản lý trực tiếp của mình để trình bày về vấn đề hợp đồng dịch vụ giữ xe cũng như về việc xuất hóa đơn bán lẻ cho cá nhân thực hiện dịch vụ giữ xem đó.
Một vài ý kiến trao đổi cùng chị.
Cảm ơn chị đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP.