Mình muốn mở công ty TNHH một thành viên thương mại dich vụ. Nhưng không nắm thủ tuc cũng như các loại thuế cần nắm. Ưu và nhược điểm của hình thức công ty này. Mình cần tư vấn.
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ của anh, nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Thứ nhất, thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên như sau:
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân sở hữu; chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Tùy vào việc chủ sở hữu là tổ chức hay cá nhân mà công ty được tổ chức theo mô hình tương ứng; đồng thời, trong hồ sơ đăng ký thành lập gởi tới Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính., sẽ có yêu cầu một số giấy tờ khác nhau.
Anh có thể xem chi tiết trình tự thủ tục và thành phần hồ sơ tại công việc: "Đăng ký thành lập doanh nghiệp trong công ty TNHH MTV".
Thứ hai, một số thủ tục về thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập bao gồm:
1. Khai, nộp lệ phí môn bài
Doanh nghiệp điền vào tờ khai lệ phí môn bài nộp đến cơ quan thuế để thực hiện việc khai và nộp lệ phí môn bài lần đầu, chậm nhất là vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mức lệ phí phải nộp căn cứ vào vốn điều lệ của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng: 3,000,000 đồng/năm
Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2,000,000 đồng/năm
2. Thông báo tự nguyện áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Có 02 phương pháp tính thuế GTGT là: phương pháp khấu trừ, phương pháp trực tiếp. Doanh nghiệp mới thành lập thì sẽ áp dụng phương pháp trực tiếp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh; thì có thể tự nguyện đăng ký áp dụng theo phương pháp khấu trừ.
Nếu được chấp thuận áp dụng phương pháp khấu trừ thì doanh nghiệp sẽ được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng theo hình thức đặt in hoặc tự in.
3. Đề nghị đặt in hóa đơn
Như trình bày ở trên, nếu doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì sẽ được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng theo hình thức đặt in hoặc tự in.
Do đối tượng được tự in hóa đơn là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; cho nên, doanh nghiệp thông thường sẽ đặt in hóa đơn.
Để có thể bắt đầu đặt in hóa đơn thì doanh nghiệp phải gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp chấp thuận việc đặt in này.
4. Mua hóa đơn của cơ quan thuế
Nếu không được chấp thuận áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì doanh nghiệp phải áp dụng phương pháp trực tiếp.
Và do đó, sẽ sử dụng hóa đơn mua từ cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Doanh nghiệp liên hệ với bộ phận quản lý ấn chỉ tại cơ quan thuế để tiến hành thủ tục mua hóa đơn.
5. Thông báo phương pháp, thời gian trích khấu hao tài sản cố định
Doanh nghiệp có phát sinh tài sản cố định thì thực hiện trích khấu hao tài sản đó. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu việc trích khấu hao thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp về thời gian và phương pháp trích khấu hao đối với từng tài sản.
6. Thông báo sử dụng dịch vụ đại lý thuế
Doanh nghiệp mới thành lập, khi chưa bố trí được kế toàn trưởng hoặc người phụ trách kế toán, thì có thể sử dụng dịch vụ làm thủ tục về thuế thông qua Đại lý thuế.
Khi đó, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cùng với bản chụp hợp đồng dịch vụ cho cơ quan thuế, chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi Đại lý thuế thực hiện các công việc đầu tiên nêu trong hợp đồng.
Để xem chi tiết từng nội dung công việc anh có thể nhấp vào đường link sau: Một số thủ tục với cơ quan thuế khi doanh nghiệp mới thành lập.
Thứ ba, một số loại thuế khi thành lập doanh nghiệp anh cần nắm sau đây:
1. Thuế môn bài (xem nội dung nêu trên)
2. Thuế giá trị gia tăng
Doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh thì thực hiện khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quý.
Còn đối với các doanh nghiệp đã sản xuất, kinh doanh đủ 12 tháng thì kỳ khai thuế GTGT của năm dương lịch tiếp theo được xác định dựa vào mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng).
3. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Xem chi tiết công thức tính, khai nộp thuế, khấu trừ thuế, xác định lãi lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp ... tại đây.
4. Thuế thu nhập cá nhân
Xem chi tiết trách nhiệm khai nộp thuế, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp ... tại đây.
Thứ tư, một số ưu và nhược điểm chính của loại hình công ty TNHH một thành viên như sau:
Ưu điểm:
- Số lượng thành viên: từ 2 đến 50 người. Số lượng thành viên này không nhiều và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau, nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp.
- Chỉ chịu trách nhiệm với phần vốn góp nên ít gây rủi ro cho người góp vốn.
- Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
Nhược điểm:
- Khả năng huy động vốn hạn chế, do không có quyền phát hành cổ phiếu. Nếu muốn huy động thêm vốn của các cá nhân, tổ chức khác thì anh phải thay đổi loại hình doanh nghiệp.
Cảm ơn anh đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe.