Cho tôi hỏi về tổ chức lại doanh nghiệp là như thế nào? Có những cách thức gì để tổ chức lại doanh nghiệp? Xin cảm ơn!
>> Sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích
>> Người thành lập doanh nghiệp có phải người quản lý doanh nghiệp không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 25 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
- Chia doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới. (Căn cứ theo Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2014)
- Tách doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách. (Căn cứ theo Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2014)
- Hợp nhất doanh nghiệp: Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất. (Căn cứ theo Điều 194 Luật Doanh nghiệp 2014)
- Sáp nhập doanh nghiệp: Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. (Căn cứ theo Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2014)
- Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp: theo quy định tại các Điều 196, Điều 197, Điều 198, Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2014.
Như vậy, phụ thuộc vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp mà lựa chọn cách thức tổ chức lại cho hợp lý.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề nêu trên.
Trân trọng!