Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế áp dụng khi nào?

Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế áp dụng khi nào?

Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế áp dụng khi nào?

Theo khoản 1 Điều 129 Luật Quản lý thuế 2019 quy định biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản áp dụng đối với đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:

- Người nộp thuế thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019.

Đối với người nộp thuế còn nợ ngân sách nhà nước có số tiền thuế nợ đã được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định khoanh tiền thuế nợ hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp thì chưa thực hiện cưỡng chế đối với số tiền thuế nợ trong thời gian được nộp dần hoặc gia hạn hoặc khoanh nợ hoặc không tính tiền chậm nộp hoặc trong thời gian các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước xác định lại chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo văn bản đề nghị của người nộp thuế.

- Tổ chức tín dụng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019.

- Tổ chức bảo lãnh nộp tiền thuế cho người nộp thuế: Quá thời hạn quy định 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp tiền thuế nợ theo văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế chưa nộp đủ vào ngân sách nhà nước thì bên bảo lãnh bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019.

- Kho bạc nhà nước, kho bạc nhà nước cấp tỉnh, kho bạc nhà nước cấp huyện (sau đây gọi chung là kho bạc nhà nước) không thực hiện việc trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế mở tại kho bạc nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế của cơ quan có thẩm quyền.

- Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp người nộp thuế bị cưỡng chế là chủ dự án ODA, chủ tài khoản nguồn vốn ODA và vay ưu đãi tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng thì không áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

Như vậy, các đối tượng quy định trên khi có tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác thì sẽ áp dụng biện pháp pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng này.

Lưu ý: Quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm: quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế; các thông báo ấn định thuế, quyết định ấn định thuế; thông báo tiền thuế nợ; quyết định thu hồi hoàn; quyết định gia hạn; quyết định nộp dần; quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ; quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế; quyết định về bồi thường thiệt hại; quyết định hành chính về quản lý thuế khác theo quy định của pháp luật.

Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế áp dụng khi nào?

Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế áp dụng khi nào? (Hình từ Internet)

Căn cứ nào để ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản?

Theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế là một trong các thông tin sau đây:

- Thông tin về tài khoản của người nộp thuế tại cơ sở dữ liệu quản lý thuế hoặc dữ liệu của tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Thông tin về số tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế do kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng cung cấp theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế trong trường hợp cơ sở dữ liệu tại cơ quan quản lý thuế không đầy đủ.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế.

Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản được ban hành như thế nào?

Theo khoản 3 Điều 31 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:

- Mẫu quyết định cưỡng chế:

Quyết định cưỡng chế lập theo Mẫu số 01/CC tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, tại quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản cần ghi rõ:

+ Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế bị cưỡng chế;

+ Lý do bị cưỡng chế;

+ Số tiền bị cưỡng chế;

+ Số tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế;

+ Tên kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng nơi người nộp thuế bị cưỡng chế mở tài khoản;

+ Tên, địa chỉ, số tài khoản nộp ngân sách nhà nước mở tại kho bạc nhà nước;

+ Phương thức chuyển số tiền bị trích chuyển từ tổ chức tín dụng đến kho bạc nhà nước.

Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế đối với các quyết định hành chính về quản lý thuế do mình ban hành hoặc cấp dưới ban hành nhưng không có thẩm quyền cưỡng chế hoặc cấp dưới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ra quyết định cưỡng chế.

Trường hợp cấp trưởng vắng mặt có thể giao quyền cho cấp phó xem xét ban hành quyết định cưỡng chế, việc giao quyền được thực hiện bằng văn bản theo Mẫu số 09/CC tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.

Tải về mẫu số 01/CC: Tại đây

Tải về mẫu số 09/CC: Tại đây

- Thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế:

Quyết định cưỡng chế phải được ban hành tại các thời điểm sau:

+ Sau ngày thứ 90 kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế;

+ Ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế;

+ Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế);

+ Ngay trong ngày phát hiện người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

Hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn được căn cứ vào các thông tin sau: người nộp thuế bị cưỡng chế thực hiện thủ tục chuyển nhượng, cho, bán tài sản, giải tỏa, tẩu tán số dư tài khoản một cách bất thường không liên quan đến các giao dịch thông thường trong sản xuất kinh doanh trước khi cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định cưỡng chế hoặc bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

- Nơi nhận quyết định cưỡng chế:

Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản được gửi cho người nộp thuế bị cưỡng chế, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng nơi người nộp thuế bị cưỡng chế mở tài khoản và các tổ chức, cá nhân có liên quan kèm theo Lệnh thu ngân sách nhà nước ngay trong ngày ban hành quyết định cưỡng chế và được cập nhật trên trang thông tin điện tử của ngành thuế hoặc ngành hải quan.

+ Quyết định cưỡng chế được gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý thuế, trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý thuế thì quyết định cưỡng chế được gửi bằng thư bảo đảm qua đường bưu chính hoặc giao trực tiếp.

+ Trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận thì người có thẩm quyền hoặc công chức thuế, công chức hải quan có trách nhiệm giao quyết định cưỡng chế lập biên bản về việc tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận quyết định, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ đăng ký với cơ quan quản lý thuế thì được coi là quyết định đã được giao.

+ Trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận; quyết định cưỡng chế đã được niêm yết tại trụ sở của tổ chức hoặc nơi cư trú của cá nhân bị cưỡng chế hoặc có căn cứ cho rằng người nộp thuế bị cưỡng chế trốn tránh không nhận quyết định cưỡng chế thì được coi là quyết định đã được giao.

- Thời điểm chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế:

Quyết định cưỡng chế chấm dứt hiệu lực kể từ ngày người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp. Cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế theo Mẫu số 08/CC tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Tải về mẫu số 08/CC: Tại đây

Phong tỏa tài khoản
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế áp dụng khi nào?
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch