Chúng ta thường nghe nói đến “sự cố y khoa” trong lĩnh vực y tế để chỉ đến những tình huống không may ảnh hưởng đến sức khỏe, sự sống của bệnh nhân. Vậy, sự cố y khoa chính xác là gì? Pháp luật quy định về nó như thế nào? Bác sĩ gây ra sự cố y khoa có phải bồi thường không?
Sự cố y khoa là gì?
Theo Khoản 22 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 giải thích sự cố y khoa là tình huống không mong muốn hoặc bất thường xảy ra trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh do yếu tố khách quan, chủ quan.
Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 43/2018/TT-BYT giải thích sự cố y khoa (Adverse Event) là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh, tác động sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Đồng thời, tại Khoản 23 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 có quy định tai biến y khoa là sự cố y khoa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do một trong các nguyên nhân sau đây:
- Rủi ro xảy ra ngoài ý muốn mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là chuyên môn kỹ thuật);
- Sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Như vậy, có thể hiểu sự cố y khoa sẽ không phải do người bệnh mà xảy ra do những yếu tố khách quan, chủ quan trong quá trình khám chữa bệnh và không ai mong muốn. Đồng thời, tai biến y khoa là sự cố y khoa gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng của bệnh nhân.
Xem thêm: Sự cố y khoa là gì? Những sự cố nào được xem là sự cố y khoa nghiêm trọng?
Ai phải bồi thường khi sự cố y khoa xảy ra?
Xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật
Theo Điều 100 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
- Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn xác định có ít nhất một trong các hành vi sau đây:
+ Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc, điều trị người bệnh;
+ Vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật.
- Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề đã thực hiện đúng trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh và các quy định về chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
+ Trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị y tế, thuốc, thiếu người hành nghề mà không thể khắc phục được; trường hợp bệnh chưa có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
+ Trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khách quan khác dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
+ Trường hợp tai biến y khoa do người bệnh tự gây ra.
Trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa
Theo Điều 62 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định người hành nghề được giao nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm khám bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc kịp thời, chính xác và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Theo Điều 42 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định người hành nghề có quyền được bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa:
- Được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi đã thực hiện đúng quy định mà vẫn xảy ra sự cố y khoa.
- Được đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra sự cố y khoa.
Đồng thời, theo Điều 102 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định:
Trường hợp xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp người hành nghề được Hội đồng chuyên môn xác định không có sai sót chuyên môn kỹ thuật đã phân tích ở trên.
Căn cứ Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi xảy ra tai biến y khoa thì trách nhiệm bồi thường đầu tiên là bệnh viện, bác sĩ gây ra thì phải chịu trách nhiệm trước bệnh viện về sai sót chuyên môn kỹ thuật của mình.
Còn nếu tai biến y khoa xảy ra không phải do sai sót chuyên môn kỹ thuật của bác sĩ thì sẽ không phải bồi thường.
Xác định bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo đó, xảy ra sự cố y khoa dạng tai biến y khoa thì cơ sở khám bệnh phải bồi thường thiệt hại với những khoản chi phí trên. Ngoài khoản bồi thường thiệt hại về sức khỏe thì còn có trách nhiệm bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
(Từ ngày 1/7/2023 mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng)
Như vậy, trước hết cơ sở khám bệnh sẽ là tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tinh thần cho bệnh nhân khi xảy ra sự cố y khoa dẫn đến tai biến y khoa do lỗi chuyên môn kỹ thuật của bác sĩ. Đồng thời, bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm với cơ sở khám bệnh về lỗi của mình.