DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Vô ý gây hỏa hoạn bị xử lý như thế nào?

Avatar

 

Hỏa hoạn gây ra hậu quả vô cùng khó lường, những năm gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nhà, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Chính vì thế các hành vi gây ra hỏa hoạn dù cố ý hay vô tình đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Xem thêm bài viết: Có phải bồi thường khi cháy nhà lan sang người khác?

(1) Hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy chữa cháy

Theo quy định tại Điều 13 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 8 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013, các hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng cháy chữa cháy là:

- Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội

- Cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy.

- Lợi dụng phòng cháy và chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân

- Báo cháy giả

- Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.

- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ..

- Mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người

- Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy

- Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn.

- Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy

Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy là  trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 5 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001), do đó mỗi cá nhân đều có trách nhiệm nâng cao hiểu biết về phòng cháy chữa cháy.

(2) Vô ý gây hỏa hoạn bị xử lý như thế nào?

Về nguyên tắc, người gây ra điểm cháy đầu tiên làm đám cháy lan ra những nơi khác, gây thiệt hại về tài sản và con người thì là người phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân và người gây ra vụ cháy phải chờ kết quả giám định của cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Theo Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, các hành vi gây cháy nổ sẽ bị xử lý như sau

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;

- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%

- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP

Như vậy, dù là cố ý hay vô tình, nếu gây ra hỏa hoạn mà có thiệt hại về tài sản hoặc con người thì đều sẽ bị phạt. 

Tuy nhiên, nếu hậu quả của việc gây hỏa hoạn là quá lớn thì tội vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015.

Cụ thể, tại Điều 313 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy như sau:

- Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: 

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

- Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 Bộ Luật Hình sự 2015  nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(3) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào?

Người gây ra hỏa hoạn do cố ý vì muốn phá hoại tài sản hoặc giết người thì chắn chắn sẽ bị xử phạt và bồi thường thiệt hại, nhưng nếu nguồn cháy bắt nguồn từ việc chập điện, rò rỉ khi gas,...thì ai là người phải bồi thường thiệt hại?

Theo Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, mạng lưới điện trong nhà và chất đốt (khí gas) là nguồn nguy hiểm cao độ. 

Căn cứ vào Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ hoặc chủ sở hữu giao cho người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không đúng quy định pháp luật mà gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trường hợp chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu hợp pháp thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trên thực tế, việc bồi thường sau hỏa hoạn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Người có trách nhiệm bồi thường đôi khi cũng là nạn nhân của hỏa hoạn, tài sản của họ cũng đã bị cháy trong trận hỏa hoạn, không có khả năng bồi thường thiệt hại.

Do đó, chúng ta cần hết sức lưu ý những đồ vật dễ cháy nổ, không để vật dễ bắt lửa gần các nguồn lửa, tuân thủ theo các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy của Nhà nước.

Xem thêm bài viết: Có phải bồi thường khi cháy nhà lan sang người khác?

(4) Kết luận

Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi khi nhắc đến các vụ hỏa hoạn như vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, hay cháy cơ sở Karaoke ở Bình Dương, hay vụ cháy chung cư Carina ở TPHCM. Thời khắc ngọn lửa bùng lên trong ngày đen tối đó chắc hẳn sẽ in lại trong tâm trí của rất nhiều người dân, người thân của người gặp nạn. 

Những hậu quả của hỏa hoạn để lại là thật, những mất mát là thật, dù cho có phạt bao nhiêu thì cũng không thể bù đắp hết được sự mất mát đó. Cho nên mỗi người dân chúng ta đều nên có cho mình ý thức phòng cháy, trang bị các kỹ năng chữa cháy và thoát hiểm để không chỉ giúp cho mình mà còn giúp cho người thân, những người xung quanh mình khi có hỏa hoạn xảy ra.

  •  1427
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…