DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Vẫn có khả năng bị xử phạt sau khi đã tự thỏa thuận tai nạn giao thông?

Avatar

 

Các bên thường tự thỏa thuận khi xảy ra TNGT, vậy có được phép làm việc này không? Tự thỏa thuận xong có bị xử lý theo pháp luật không? Quy trình xử lý TNGT gồm những gì?

(1) Hai bên có được tự thỏa thuận sau khi xảy ra tai nạn giao thông không?

Khi bước vào một dịp nghỉ lễ hay Tết Nguyên đán như sắp tới, mọi người thường có tâm lý “xả hơi” và thoải mái hơn so với thường ngày. Cũng chính vì thế mà số lượng TNGT gia tăng đáng kể vào mỗi dịp này. Và khi để xảy ra TNGT, để tránh những tranh chấp liên quan đến pháp luật, hai bên thường sẽ tự thỏa thuận với nhau về phương án giải quyết cũng như bồi thường thiệt hại. 

Mà tại Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015 được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có quy định về các trường hợp sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

- Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;

- Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;

- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Thế nên, trường hợp nếu xảy ra TNGT người gây tai nạn nếu xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường và hai bên có thể thỏa thuận về vấn đề bồi thường.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật tố tụng hình sự 2021 quy định các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại thì tội phạm liên quan đến giao thông không thuộc một trong các tội phạm khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Chính vì thế, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì việc bên bị hại bãi nại và không đề nghị khởi tố vụ án do hai bên đã thỏa thuận với nhau từ trước sẽ không có hiệu lực và vụ việc vẫn sẽ được giải quyết theo quy định. 

Như vậy, các bên chỉ có thể được tự thỏa thuận, dàn xếp với nhau khi vụ TNGT đó không có dấu hiệu tội phạm.

(2) Tự thỏa thuận xong có bị xử lý theo pháp luật nữa không?

Mặc dù đã tự thỏa thuận nhưng nếu người gây tai nạn giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông thì vẫn sẽ bị truy cứu và xử lý theo quy định tùy theo mức độ vi phạm. Cụ thể như sau:

- Phạt hành chính: theo quy định cụ thể tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP với các hành vi như: đi ngược chiều, lạng lách, quá tốc độ,... dẫn đến tai nạn.

- Truy cứu trách nhiệm hình sự: người gây tai nạn do vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Bộ Luật hình sự năm 2017. Mức phạt sẽ được căn cứ dựa trên mức độ thiệt hại gây ra, bao gồm: 

+ Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với các hành vi như: Làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên,...

+ Phạt tù từ 03 đến 05 năm đối với các trường hợp: làm chết 02 người, không có giấy phép lái xe theo quy định, tham gia giao thông trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác, bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn,...

+ Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với các trường hợp: làm chết 03 người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên, gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên.

(3) Tai nạn giao thông được xử lý theo quy trình như thế nào?

Căn cứ theo Điều 19 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định về quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ của lực lượng CSGT thì một vụ TNGT sẽ được xử lý theo quy trình sau đây:

- Mời các bên liên quan hoặc đại diện hợp pháp đến trụ sở đơn vị để thông báo kết quả điều tra, xác minh (nguyên nhân, diễn biến của vụ tai nạn, xác định lỗi, hình thức xử phạt) đồng thời lập Biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 15/TNĐB.

Xem và tải về mẫu số 15/TNĐB tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/02/06/M%E1%BA%ABu%20s%C3%B4%CC%81%2015%20-%20TN%C4%90B.doc

- Lập biên bản vi phạm hành chính (nếu có). Ngoài ra, trường hợp  một trong các bên liên quan đến vụ TNGT vắng mặt có lý do chính đáng thì phải lập biên bản ghi nhận việc vắng mặt và hẹn thời gian đến giải quyết.

- Báo cáo lên cấp trên, lãnh đạo có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).

- Các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông sẽ tự thanh toán, giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận, hòa giải được các thiệt hại, đền bù cho đối phương,…thì phải lập biên bản với Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự cho cả hai bên.

- Sau khi hoàn thành việc điều tra, xác minh, giải quyết, cán bộ CSGT thụ lý hoàn chỉnh hồ sơ đầy đủ và báo cáo lãnh đạo đơn vị kết thúc việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ TNGT cho các bên. 

- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo TNGT, lưu hồ sơ theo quy định của Bộ Công an và pháp luật có liên quan.

Để tổng kết lại, hai bên chỉ được phép tự thỏa thuận, dàn xếp TNGT khi không có dấu hiệu tội phạm. Trong trường hợp phát hiện vụ TNGT có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hai bên không được phép tự thỏa thuận và vụ việc sẽ được xử lý theo quy định.

  •  4439
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…