Số lượng xe mang biển số Lào xuất hiện trên các tuyến đường giao thông của Việt Nam ngày càng tăng, khiến nhiều người tỏ ra băn khoăn về tính hợp pháp của việc lái xe biển số nước ngoài trong nước.Tuy nhiên, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh quan hệ hợp tác và phát triển với Lào trên nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả giao thông và vận tải. Vì vậy, việc lưu hành các phương tiện mang biển số Lào tại Việt Nam được xem là hợp pháp và các thủ tục liên quan đến việc lưu thông xe này cũng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Xe biển Lào có được lưu hành tại Việt Nam hay không?
Căn cứ theo Thông tư 88/2014/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của hiệp định và nghị định thư thực hiện hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thì về nguyên tắc xe biển Lào được phép lưu hành tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để được coi là lưu hành hợp pháp thì cần phải đáp ứng một số điều kiện về phương tiện, người lái xe và giấy phép liên quan. Vì vậy, trước khi thực hiện hoạt động vận tải người và hàng hóa bằng đường bộ qua lại biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào, chúng ta cần thực hiện thủ tục lưu hành xe biển lào với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt – Lào hoặc Giấy phép liên vận Việt – Lào.
2. Thủ tục lưu hành xe biển Lào
Tùy từng mục đích của việc lưu hành xe khi đến Việt Nam mà thủ tục lưu hành xe biển lào sẽ khác nhau. Theo đó, để được lưu hành hợp pháp, phương tiện cần có hai loại giấy phép sau:
2.1. Lưu hành thông qua Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt – Lào
Chuẩn bị hồ sơ:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép
Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu) còn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải bằng xe ô tô còn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định chưa cần phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Phương án kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế Việt – Lào
Nộp hồ sơ và lệ phí:
Nộp hồ sơ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Lệ phí theo quy định của Bộ Tài Chính
2.2. Lưu hành thông qua Giấy phép liên vận Việt – Lào
Chuẩn bị hồ sơ
Đối với phương tiện thương mại:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép
Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt – Lào
Giấy đăng ký phương tiện và hợp đồng thuê phương tiện nếu phương tiện không thuộc sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải
Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Văn bản chấp thuận khai thác tuyến, văn bản thay thế phương tiện hoặc văn bản bổ sung phương tiện của cơ quan quản lý tuyến và hợp đồng đón trả khách tại bến xe ở Việt Nam và Lào (đối với phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định).
Đối với phương tiện phi thương mại:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép
Giấy đăng ký phương tiện, hợp đồng thuê tài sản
Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Hợp đồng hoặc tài liệu chứng minh đơn vị đang thực hiện công trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Lào (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ các công trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Lào)
Quyết định cử đi công tác của cơ quan có thẩm quyền (đối với trường hợp đi công vụ và các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế đi công tác).
Nộp hồ sơ:
Nộp hồ sơ tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Sở Giao thông vận tải địa phương: đối vơi phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng còn lại đóng trên địa bàn địa phương.
Sở Giao thông vận tải địa phương nơi có cửa khẩu biên giới giáp với Lào: đối với phương tiện phi thương mại của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn các tỉnh khác của Việt Nam đi qua cửa khẩu tại địa phương mình quản lý.
2.3 Trường hợp đăng ký khai thác vận tải hành khách tuyến cố định Việt – Lào
Chuẩn bị hồ sơ:
Giấy đăng ký khai thác vận tải hành khách tuyến cố định Việt – Lào
Giấy đăng ký phương tiện và hợp đồng thuê phương tiện: Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu
Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt – Lào: Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu
Phương án khai thác tuyến vận tải hành khách tuyến cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Lào
Biên bản khảo sát tuyến và hợp đồng đối tác đối với những tuyến đề nghị mở mới hoặc hợp đồng đối tác đối với các tuyến đã mở giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với đối tác của Lào.
Nộp hồ sơ:
Nộp hồ sơ tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam
3. Xử phạt vi phạm khi điều khiển xe gắn biển số Lào
Căn cứ theo Điều 35 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gắn biển số Lào mà chưa thực hiện các thủ tục lưu hành xe biển lào theo quy định pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng:
+ Phương tiện không gắn ký hiệu phân biệt quốc gia theo quy định;
+ Giấy tờ của phương tiện không có bản dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt theo quy định;
+ Xe chở khách không có danh sách hành khách theo quy định.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
+ Điều khiển phương tiện không có Giấy phép vận tải quốc tế, phù hiệu vận tải quốc tế liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng.
– Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam.