DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thách cưới với số tiền ngất ngưỡng có vi phạm pháp luật không?

Avatar

 

Một số nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập quán thách cưới cao, mang tính chất gả bán. Vậy việc thách cưới này có vi phạm pháp luật không?

(1) Thách cưới với số tiền ngất ngưỡng có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, một số nơi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng thách cưới cao, mang tính chất gả bán như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng, ché…để dẫn cưới. 

Trước tiên, việc thách cưới, yêu sách của cải trong kết hôn là điều mà pháp luật nghiêm cấm. Cụ thể tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau đây:

- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo

- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn

- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng

- Yêu sách của cải trong kết hôn

- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn

- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính

- Bạo lực gia đình

- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi

Như vậy, thách cưới với số tiền ngất ngưỡng, yêu sách của cải trong kết hôn là một điều mà pháp luật nghiêm cấm, mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

(2) Tập quán về hôn nhân và gia đình

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tập quán về hôn nhân và gia đình là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc và không vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được áp dụng.

Như vậy, nếu việc thách cưới là một quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền (bên nhà gái được nhận tiền) và nghĩa vụ (bên nhà trai phải nạp tài) được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng thì có được coi là tập quán về hôn nhân và gia đình không?

Căn cứ tại khoản 4 Mục II của Danh mục tập quán lạc hậu bị cấm áp dụng ban hành kèm theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP, pháp luật có nêu rõ việc thách cưới là tập quán lạc hậu bị cấm áp dụng trong hôn nhân và gia đình:

II. CÁC TẬP QUÁN LẠC HẬU VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CẤM ÁP DỤNG

1. Chế độ hôn nhân đa thê.

2. Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời.

3. Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ.

4. Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới).

5. Phong tục “nối dây”; Khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố.

6. Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ.

7. Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn./.

Như vậy, việc thách cưới với số tiền cao ngất ngưỡng là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nếu là tập quán của cộng đồng thì tập quán này cũng được pháp luật liệt kê vào một trong các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình bị cấm áp dụng.

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hình thức xử lý đối với hành vi hành vi cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Theo đó, nếu việc thách cưới với số tiền cao ngất ngưỡng, khó thực hiện đối với tình hình kinh tế của nhà trai thì hành vi này được xem là hành vi cản trở kết hôn. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân có hành vi cản trở kết hôn.

Tuy nhiên, có một số trường hợp thách cưới cao, nhưng lại không phải là cao đối với tình hình tài chính của nhà trai thì sao?

Nếu trường hợp việc thách cưới mang tính chất lễ nghi, phù hợp với gia cảnh của nhà trai, không mang tính chất gả bán, không gây cản trở hay khó khăn cho một trong hai bên dẫn đến việc không thể kết hôn được thì hành vi thách cưới không bị pháp luật nghiêm cấm và cũng không bị xử lý hành chính.

  •  543
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…