Chủ sở hữu được quyền bổ kiệm Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên không?
Trong một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, việc bổ nhiệm kế toán trưởng có phải là một quyết định hoàn toàn thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp không? (1) Chủ sở hữu được quyền bổ kiệm Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên không? Theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên có các quyền sau đây: - Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; - Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; - Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty; - Quyết định dự án đầu tư phát triển; - Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; … Căn cứ theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, người quản lý của công ty bao gồm: - Chủ doanh nghiệp tư nhân; - Thành viên hợp danh; - Chủ tịch Hội đồng thành viên; - Thành viên Hội đồng thành viên; - Chủ tịch công ty; - Chủ tịch Hội đồng quản trị; - Thành viên Hội đồng quản trị; - Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; - Cá nhân giữ chức danh quản lý theo quy định tại Điều lệ công ty. Như vậy, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý của công ty. Tuy nhiên, Kế toán trưởng không phải là một trong những chức danh quản lý doanh nghiệp theo quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020. Do đó, theo quy định, chủ sở hữu công ty không có quyền bổ nhiệm Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, chủ sở hữu vẫn có thể quyết định việc tuyển dụng hoặc bổ nhiệm Kế toán trưởng thông qua các quy trình nội bộ của công ty, miễn là tuân thủ các quy định về nhân sự và quản lý tài chính. Việc này thường được quy định cụ thể trong Điều lệ công ty hoặc các quy định nội bộ khác. (2) Người quản lý công ty TNHH một thành viên có đồng thời làm Kế toán trưởng được không? Khoản 4 Điều 52 Luật Kế toán 2015 có quy định về những người không được làm kế toán gồm có: Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định. Cùng với đó, khoản 3 Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP cũng quy định về những người không được làm kế toán như sau: Người đang làm quản lý, Điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dựa vào các quy định trên, người quản lý trong công ty là người không được làm kế toán, trừ trường hợp trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, người quản lý được phép kiêm nhiệm chức danh Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên, tuy nhiên người này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về Kế toán trưởng theo quy định tại Điều 54 Luật Kế toán 2015.
Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế
Ngày 17/9/2024 Chính phủ ban hành Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi các quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Xem toàn văn: Nghị định 116/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 17/9/2024 Xem thêm: Nghị định 116/2024/NĐ-CP: Sửa đổi quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế Trước đó, khoản 2 Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý như sau: - Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành. - Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành. Đến khoản 27 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã sửa đổi khoản 2 Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức như sau: Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành. Như vậy, hiện nay công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế thay vì không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp như trước đây. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ 17/9/2024 Theo khoản 28 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 42 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý như sau: - Bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. - Phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. Trường hợp cơ quan, tổ chức mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. - Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. - Điều kiện về độ tuổi bổ nhiệm: + Công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 05 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; + Công chức được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền thì tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ; + Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này. - Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao. - Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Như vậy, từ 17/9/2024 thì các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ được thực hiện theo quy định mới nêu trên. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được bổ nhiệm lại sẽ được giải quyết thế nào? Theo điểm c Khoản 32 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP bổ sung khoản 7 Điều 49 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau: Công chức lãnh đạo, quản lý không được bổ nhiệm lại thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc bố trí công tác khác theo nguyên tắc không được bố trí chức vụ tương đương hoặc cao hơn. Như vậy, công chức lãnh đạo, quản lý không được bổ nhiệm lại thì sẽ được bố trí công tác khác có chức vụ thấp hơn.
Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND từ ngày 01/01/2025
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 có thay đổi về các ngạch thẩm phán TAND. Theo đó, cũng có quy định điều kiện mới để bổ nhiệm Thẩm phán TAND. Xem thêm: Từ 01/01/2025 sẽ chỉ còn 2 ngạch Thẩm phán TAND Đề xuất 3 bậc Thẩm phán Toà án nhân dân và cách chuyển từ ngạch sang bậc Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND từ ngày 01/01/2025 Theo Điều 95 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau: - Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 94 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân; nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thuộc các Tòa án quân sự: + Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 05 năm trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật; + Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân. - Trong trường hợp đặc biệt, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 3, 5 và 6 Điều 94 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân; nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thuộc các Tòa án quân sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự khu vực; + Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự trung ương. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2025 thì điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND sẽ được thực hiện theo quy định trên. Quy định mới đã thêm điều kiện chung của cả 2 ngạch thẩm phán rồi mới quy định các điều kiện riêng, so với Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 chỉ quy định các điều kiện riêng theo từng ngạch. Tiêu chuẩn Thẩm phán TAND từ ngày 01/01/2025 Theo Điều 94 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định tiêu chuẩn Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau: - Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và với Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. - Có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên. - Có trình độ cử nhân luật trở lên. -. Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử. - Có thời gian làm công tác pháp luật. - Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Như vậy, từ 01/01/2025 thì tiêu chuẩn Thẩm phán TAND sẽ được thực hiện theo quy định mới. So với tiêu chuẩn hiện hành tại Điều 67 Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 thì đã bổ sung độ tuổi tối thiểu để được bổ nhiệm Thẩm phán là 28 tuổi. Từ 01/01/2025 Thẩm phán TAND được hưởng những chế độ nào? Theo Điều 101 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 Thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách sau đây: - Được hưởng tiền lương, phụ cấp theo quy định tại Điều 142 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024; - Được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ; - Được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; - Được cấp trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán để làm nhiệm vụ; - Được tôn vinh và khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; - Được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, quy định mới đã bổ sung chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi Thẩm phán bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ.
Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng, 2 Bộ trưởng; Bầu 2 nhân sự mới
(Chinhphu.vn) - Chiều 26/8, Quốc hội tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng hoa chúc mừng các đồng chí vừa được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Chiều 26/8, Quốc hội tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và bế mạc Kỳ họp. 15h06: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026. Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Tờ trình của Chủ tịch nước, Biên bản kiểm phiếu ngày 26/8/2024, Nghị quyết quyết nghị: Ông Lê Minh Trí, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 8 năm 2024. 15h08: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 438/438 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,06%). Như vậy, với đại đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Minh Trí. 15h11: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí tuyên thệ Điều hành Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi được Quốc hội bầu sẽ làm Lễ Tuyên thệ trước Quốc hội. Thực hiện nghi thức Tuyên thệ nhậm chức, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”. 15h19: Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Tờ trình của Chủ tịch nước, Biên bản kiểm phiếu ngày 26/8/2024 về kết quả bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026, Nghị quyết quyết nghị: Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 8 thông qua ngày 26/8/2024. 15h22: Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Biên bản kiểm phiếu ngày 26/8/2024, Nghị quyết quyết nghị: phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với: ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 8 năm 2024. 15h24: Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021 -2026. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội quyết nghị: Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với các ông: 1, Ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Yên Bái giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 -2026. 2, Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021 -2026. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. 15h27: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 439/439 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,27%). Như vậy, với đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến. 15h29: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Hòa Bình, ông Hồ Đức Phớc và ông Bùi Thanh Sơn. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 432/432 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 89,81%). Như vậy, với đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Hòa Bình, ông Hồ Đức Phớc và ông Bùi Thanh Sơn. 15h31: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021-2026 Kết quả biểu quyết cho thấy, có 426/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 88,57%). Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với ông Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với ông Nguyễn Hải Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 15h37: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 01 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với đồng chí Nguyễn Hòa Bình và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Miễn nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với đồng chí Lê Minh Trí để bầu giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Trần Lưu Quang vì đã được Bộ Chính trị điều động, phân công, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Bầu đồng chí Nguyễn Huy Tiến giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về bổ sung số lượng Phó Thủ tướng để Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 5 Phó Thủ tướng Chính phủ. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Hồ Đức Phớc giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Tài chính cho đến khi kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Bùi Thanh Sơn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Đỗ Đức Duy, giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đồng chí Nguyễn Hải Ninh, giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nghỉ công tác. Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Thanh Vân. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp. Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan. Trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, quyết nghị công tác nhân sự đạt sự đồng thuận, thống nhất cao. “Chúng ta tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và phòng chống tham nhũng, tiêu cực của năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, Chủ tịch Quốc hội cho biết. Các vị đại biểu Quốc hội làm Lễ Chào cờ. Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 8 để xem xét quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Quốc hội họp bất thường xem xét công tác nhân sự Sáng 26/8 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 8 để xem xét quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Dự lễ khai mạc Kỳ họp có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương. Về phía Quốc hội có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh; cùng các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Các vị đại biểu Quốc hội đã dành một phút tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quốc hội tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trước khi khai mạc Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã làm lễ tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người Đảng viên Cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, người đại biểu Quốc hội cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát to lớn không gì bù đắp được đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Để tỏ lòng tiếc thương, ghi nhận đóng góp to lớn của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các vị đại biểu Quốc hội đã dành một phút tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp. Quốc hội xem xét bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TNMT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Luật tổ chức Quốc hội; Nội quy Kỳ họp Quốc hội và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 8 để xem xét quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Kỳ họp diễn ra trong 01 ngày, thứ hai, ngày 26/8/2024 tại tòa nhà Quốc hội. Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, cho ý kiến về việc miễn nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, miễn nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để nhận nhiệm vụ công tác khác. Phê chuẩn miễn nhiệm 01 Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp để nhận nhiệm vụ công tác khác. Phê chuẩn miễn nhiệm 01 Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghỉ công tác. Bãi nhiệm 01 đại biểu Quốc hội khóa XV. Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc bổ sung 01 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Phê chuẩn bổ nhiệm 03 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, để việc quyết định công tác nhân sự đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc Kỳ họp Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp. Trước đó, Cổng TTĐT Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản về dự kiến Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV. Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 1 ngày, bắt đầu từ 8 giờ thứ hai ngày 26/8/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Trước đó, ngày 16/8/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ. Tại cuộc họp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự và cho ý kiến để Bộ Chính trị giới thiệu nhân sự kiện toàn lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định. * Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Quốc hội khóa XV đã có 7 kỳ họp bất thường, trong đó 5 kỳ được tổ chức để xem xét, quyết định nhân sự cấp cao. Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội bầu lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan quyền lực Nhà nước. Đồng thời phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Dự kiến Chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 Căn cứ quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, khóa XV (từ 27-29/8) để thảo luận, góp ý kiến về 12 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Link bài viết gốc: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quoc-hoi-hop-bat-thuong-xem-xet-cong-tac-nhan-su-119240823161316314.htm
Ai có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Bộ trưởng, Thứ trưởng Việt Nam?
Bộ trưởng, Thứ trưởng là những người đứng đầu các Bộ tại Việt nam. Vậy, ai có thẩm quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm Bộ trưởng, Thứ trưởng? Cụ thể qua bài viết sau đây. Bộ trưởng, Thứ trưởng là những chức vụ gì? Theo Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 và Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ như sau: - Là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; - Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; - Tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. - Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo Điều 38 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 và Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định về Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ như sau: - Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về nhiệm vụ được phân công. - Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ. - Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 05; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 06. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Như vậy, Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ và là người đứng đầu, quản lý, tổ chức và theo dõi việc thi hành pháp luật về ngành, lĩnh vực theo phân công. Thứ trưởng là người thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng phân công và thay Bộ trưởng điều hành, giải quyết công việc của Bộ khi Bộ trưởng vắng mặt. Ai có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Bộ trưởng, Thứ trưởng Việt Nam? Theo khoản 3, khoản 6 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có: - Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. - Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, Quốc hội có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Thứ trưởng. Bộ được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc nào? Theo Điều 5 Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ như sau: - Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ. - Tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. - Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ. - Công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của Bộ. Như vậy, Bộ sẽ được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc trên. Theo đó, phải phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ.
Thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác
Thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác là thủ tục hành chính nội bộ được Bộ Nội vụ công bố tại Quyết định 507/QĐ-BNV năm 2023 công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ. Trình tự thực hiện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác (1) Xin chủ trương bổ nhiệm: - Cơ quan, tổ chức có nhu cầu bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý phải trình cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm bằng văn bản về chủ trương, số lượng, nguồn nhân sự và dự kiến phân công công tác đối với nhân sự được dự kiến bổ nhiệm; - Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương bổ nhiệm chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan, tổ chức; - Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày có văn bản đồng ý về chủ trương bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải tiến hành quy trình lựa chọn nhân sự theo quy định. (2) Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác: - Trường hợp nhân sự do cơ quan, tổ chức đề xuất thì tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức thảo luận, thống nhất về chủ trương và tiến hành một số công việc sau: + Gặp nhân sự được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác. + Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm đang công tác về chủ trương điều động; lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức đối với nhân sự; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch. + Thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Nhân sự được đề nghị bổ nhiệm phải đạt tỷ lệ trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. + Ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. - Trường hợp nhân sự do cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến điều động, bổ nhiệm từ nguồn nhân sự ngoài cơ quan, tổ chức thì cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến điều động, bổ nhiệm tiến hành một số công việc sau: + Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức tiếp nhận nhân sự về dự kiến điều động, bổ nhiệm. + Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi nhân sự đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm và lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch. + Gặp nhân sự được dự kiến điều động, bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác. + Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định về nhân sự. + Ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Cách thức thực hiện: Trực tiếp. Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ thực hiện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác Thành phần hồ sơ: Hồ sơ nhân sự bổ nhiệm phải được kê khai trung thực, chính xác, đầy đủ nội dung nêu tại các mục và phải được cấp có thẩm quyền xác nhận hoặc chứng thực theo quy định, bao gồm: - Tờ trình về việc bổ nhiệm do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ký (đối với trường hợp trình cấp trên có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm); hoặc do người đứng đầu cơ quan phụ trách về công tác tổ chức cán bộ ký (đối với trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định); - Bản tổng hợp kết quả kiểm phiếu kèm theo biên bản kiểm phiếu ở các bước trong quy trình bổ nhiệm; - Sơ yếu lý lịch do cá nhân tự khai theo mẫu quy định, được cơ quan trực tiếp quản lý xác nhận, có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 06 tháng; - Bản tự kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất; - Nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, về năng lực công tác, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất; - Nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình. Trường hợp nơi cư trú của bản thân khác với nơi cư trú của gia đình thì phải lấy nhận xét của chi ủy nơi bản thân cư trú và nơi gia đình cư trú; - Kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị; - Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định; - Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm. Trường hợp nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định; - Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng. Số lượng hồ sơ: Không quy định. Thời hạn giải quyết: Không quy định. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định bổ nhiệm. Trên đây là thủ tục hành chính bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác.
Thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức từ nguồn nhân sự tại chỗ
Thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức là thủ tục hành chính nội bộ được Bộ Nội vụ công bố tại Quyết định 507/QĐ-BNV năm 2023 công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ. Trình tự thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức từ nguồn nhân sự tại chỗ (1) Xin chủ trương bổ nhiệm: - Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu bổ nhiệm viên chức quản lý phải trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm bằng văn bản về chủ trương, số lượng, nguồn nhân sự và dự kiến phân công công tác đối với nhân sự được dự kiến bổ nhiệm. - Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định về chủ trương bổ nhiệm chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của đơn vị sự nghiệp công lập. - Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày có văn bản đồng ý về chủ trương bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải tiến hành quy trình lựa chọn nhân sự theo quy định. (2) Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ - Bước 1: Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và nguồn nhân sự trong quy hoạch, tập thể lãnh đạo thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. + Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ. + Kết quả thảo luận và đề xuất được ghi thành biên bản. - Bước 2: Tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. + Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; thường vụ cấp ủy cùng cấp; người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự. + Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên giới thiệu 01 người cho một chức vụ; người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo. + Phiếu giới thiệu nhân sự bổ nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, không công bố tại hội nghị này. - Bước 3: Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của viên chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. + Thành phần: Thực hiện như quy định ở bước 1. + Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên lãnh đạo giới thiệu 01 người cho một chức vụ trong số nhân sự được giới thiệu ở bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; Người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị cán bộ chủ chốt. + Phiếu giới thiệu nhân sự bổ nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, được công bố tại hội nghị này. + Trường hợp nếu kết quả giới thiệu của tập thể lãnh đạo khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo. + Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản và lưu trữ trong hồ sơ bổ nhiệm. - Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín. + Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; Cấp ủy, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các bộ phận chuyên môn và đơn vị thuộc và trực thuộc. Đối với đơn vị có số lượng người làm việc dưới 30 người hoặc đơn vị không có tổ chức cấu thành, thành phần tham dự gồm toàn thể viên chức, người lao động trong biên chế làm việc thường xuyên tại đơn vị. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự. + Trình tự lấy ý kiến: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhân sự; Thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo giới thiệu (ở bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; Nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; Dự kiến phân công công tác; Ghi phiếu lấy ý kiến tín nhiệm (có thể ký tên hoặc không ký tên). Phiếu lấy ý kiến tín nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, không công bố tại hội nghị này. - Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự. + Thành phần: Thực hiện như quy định ở bước 1. + Trình tự thực hiện: Phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có); Lấy ý kiến bằng văn bản của ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy đơn vị (những nơi không có ban thường vụ) về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm; Tập thể lãnh đạo thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. + Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp có 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỷ lệ 50%) thì lựa chọn nhân sự do người đứng đầu giới thiệu để đề nghị bổ nhiệm; Đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. + Phiếu biểu quyết nhân sự bổ nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản. + Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cách thức thực hiện: Trực tiếp. Thành phần bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức từ nguồn nhân sự tại chỗ Hồ sơ nhân sự bổ nhiệm phải được kê khai trung thực, chính xác, đầy đủ nội dung nêu tại các mục và phải được cấp có thẩm quyền xác nhận hoặc chứng thực theo quy định, bao gồm: - Tờ trình về việc bổ nhiệm do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký (đối với trường hợp trình cấp trên có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm) hoặc do người đứng đầu bộ phận phụ trách về công tác tổ chức cán bộ ký (đối với trường hợp người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định); - Bản tổng hợp kết quả kiểm phiếu kèm theo biên bản kiểm phiếu ở các bước trong quy trình bổ nhiệm; - Sơ yếu lý lịch viên chức do cá nhân tự khai theo mẫu quy định, được đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý xác nhận, có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 06 tháng; - Bản tự kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất; - Nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo đơn vị về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, về năng lực công tác, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất; - Nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình. Trường hợp nơi cư trú của bản thân khác với nơi cư trú của gia đình thì phải lấy nhận xét của chi ủy nơi bản thân cư trú và nơi gia đình cư trú; - Kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị; - Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định; - Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm; Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp hoặc cơ sở đào tạo trong nước liên kết với nước ngoài cấp phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chứng nhận; - Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng. Trên đây là thủ tục hành chính bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức từ nguồn nhân sự tại chỗ.
Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự
Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự là thủ tục hành chính nội bộ được Bộ Nội vụ công bố tại Quyết định 507/QĐ-BNV năm 2023 công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ. Trình tự thực hiện bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự - Khi hết thời gian tập sự, người tập sự phải báo cáo kết quả tập sự bằng văn bản theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP. - Người hướng dẫn tập sự nhận xét, đánh giá kết quả tập sự đối với người tập sự bằng văn bản. Cách thức thực hiện bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Trực tiếp. Thành phần, số lượng hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Không quy định. Thời hạn giải quyết bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của người tập sự và nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn tập sự, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự. Trường hợp người tập sự đạt yêu cầu, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức có văn bản đề nghị người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương cho công chức được tuyển dụng. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người đã trúng tuyển, đã hoàn thành chế độ tập sự. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan, đơn vị quản lý công chức (cơ quan, đơn vị nơi người hoàn thành chế độ tập sự). Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hoặc Quyết định xếp lương. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: - Hoàn thành thời gian tập sự theo quy định (Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP): + 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại C; + 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại D; + Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự. + Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự. Trên đây là thủ tục hành chính bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự. Xem thêm bài viết liên quan: Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự.
Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự
Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự là thủ tục hành chính nội bộ được Bộ Nội vụ công bố tại Quyết định 507/QĐ-BNV năm 2023 công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ. Trình tự thực hiện bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự - Người tập sự phải báo cáo kết quả tập sự bằng văn bản theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. - Người hướng dẫn tập sự nhận xét, đánh giá kết quả tập sự đối với người tập sự bằng văn bản. Cách thức thực hiện bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Trực tiếp Thành phần, số lượng hồ sơ thực hiện bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Không quy định. Thời hạn giải quyết bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của người tập sự và nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự. Trường hợp người tập sự đạt yêu cầu, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định theo thẩm quyền hoặc có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương cho viên chức được tuyển dụng. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người được trúng tuyển, đã hết thời gian tập sự. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hoặc Quyết định xếp lương. Yêu cầu điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: - Hoàn thành chế độ tập sự theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP cụ thể như sau: + 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng; + 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng; + 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp. - Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự. - Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự. - Trường hợp viên chức được miễn tập sự: Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp viên chức được miễn tập sự: không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm. Trên đây là thủ tục hành chính bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự. Xem thêm bài viết liên quan: Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự.
Cử nhân Luật có thể trở thành Điều tra viên hình sự được không?
Với tấm bằng cử nhân Luật, nhiều người thắc mắc liệu rằng cử nhân luật có thể trở thành điều tra viên hình được sự được không? Bởi vì đây là một vị trí đòi hỏi kỹ năng phân tích và điều tra chuyên sâu. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tiêu chuẩn để trở thành điều tra viên hình sự Trong xã hội hiện đại, ngành luật luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý và đảm bảo quyền lợi của mọi người. Cử nhân Luật là những người đã hoàn thành chương trình đào tạo đại học về ngành Luật, được trang bị kiến thức về pháp luật và kỹ năng làm việc liên quan đến lĩnh vực này. Điều tra viên là ai? Vậy một cử nhân Luật có đủ điều kiện để đảm nhận vai trò này? (1) Điều tra viên hình sự là ai? Căn cứ Điều 45 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định như sau: Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ Điều tra hình sự trong các vụ án. Điều tra viên gồm có các ngạch sau đây: - Thứ nhất: Điều tra viên sơ cấp. - Thứ hai: Điều tra viên trung cấp. - Thứ ba: Điều tra viên cao cấp. Như vậy, điều tra viên là những người được bổ nhiệm làm nhiệm vụ điều tra các vụ án theo đúng quy định của pháp luật. (2) Cử nhân Luật có thể trở thành Điều tra viên hình sự được không? Theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều tra viên phải đáp ứng các điều kiện về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng chuyên môn cần thiết. Theo Điều 46 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về tiêu chuẩn làm điều tra viên hình sự như sau: - Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. - Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. - Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015. - Đã được đào tạo về nghiệp vụ Điều tra. - Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Như vậy, cử nhân luật có thể trở thành điều tra viên hình sự khi đáp ứng các tiêu chuẩn chung về thời gian công tác, chuyên môn nghiệp vụ và sức khỏe. Bên cạnh đó, cử nhân Luật muốn trở thành điều tra viên hình sự còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng tùy vào ngạch Điều tra viên hình sự được bổ nhiệm. (3) Muốn được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp cần đáp ứng các tiêu chuẩn gì? Theo Điều 47 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp như sau: Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 46 của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, là sĩ quan Công an nhân dân tại ngũ, sĩ quan Quân đội nhân dân tại ngũ, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân và có đủ các Điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp: - Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên. - Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng. - Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp. Như vậy, muốn được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp, người có mong muốn phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn tại Điều 46 và thỏa mãn các điều kiện về thời gian công tác pháp luật từ 04 năm trở lên, có năng lực nghiệp vụ và trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp. Tóm lại, cử nhân luật có thể trở thành Điều tra viên hình sự khi đáp ứng các điều kiện về thời gian công tác pháp luật, đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và có sức khỏe. Bên cạnh đó, muốn trở thành điều tra viên hình sự còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng tùy vào ngạch Điều tra viên hình sự được bổ nhiệm.
Học ngành gì để làm Thừa phát lại? Thừa phát lại thuộc cơ quan nào?
Thừa phát lại là người thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định. Vậy, học ngành gì để làm Thừa phát lại? Học ngành gì để làm Thừa phát lại? Theo Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại như sau: - Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt. - Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật. - Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật. - Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 Nghị định 08/2020/NĐ-CP. - Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại. Như vậy, muốn làm thừa phát lại thì phải có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật. Đồng thời, phải có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên sau khi tốt nghiệp, phải được đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại và đạt kiểm tra kết quả tập sự hành nghề. Đăng ký học đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại như thế nào? Theo Điều 7 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại và công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài như sau: 1) Đăng ký học đào tạo - Người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP được tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. - Hồ sơ đăng ký: 01 bộ bao gồm: + Giấy đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/28/giay-dang-ky-tham-gia-khoa-dao-tao-nghe-thua-phat-lai.doc Mẫu giấy đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại ( Mẫu TP-TPL-01-sđ Thông tư 03/2024/TT-BTP) + Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật để đối chiếu. 2) Đăng ký học bồi dưỡng - Đối tượng sau đây được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại: + Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; + Luật sư, công chứng viên đã hành nghề từ 05 năm trở lên; + Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; + Người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; + Người đã là thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; + Người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự. - Mặc dù được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại nhưng các đối tượng trên phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp. - Hồ sơ đăng ký: 01 bộ bao gồm: + Giấy đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/28/giay-dang-ky-tham-gia-khoa-dao-tao-nghe-thua-phat-lai.doc Mẫu giấy đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại ( Mẫu TP-TPL-01-sđ Thông tư 03/2024/TT-BTP) + Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại để đối chiếu. 3) Lộ trình đào tạo, bồi dưỡng - Đối tượng học đào tạo nộp hồ sơ đăng ký đào tạo, đối tượng học bồi dưỡng nộp hồ sơ đăng ký bồi dưỡng. Nộp trực tiếp hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Học viện Tư pháp. Học viện Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đăng ký và thông báo danh sách người đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo, khóa bồi dưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai giảng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do - Thời gian đào tạo nghề Thừa phát lại là 06 tháng; thời gian bồi dưỡng nghề Thừa phát lại là 03 tháng. - Người hoàn thành khóa đào tạo được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề Thừa phát lại; người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại. Như vậy, nếu thuộc đối tượng được miễn đào tạo thì vẫn phải học bồi dưỡng hành nghề Thừa phát lại. Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, người học sẽ được cấp Chứng chỉ hoặc Giấy chứng nhận và bắt đầu tập sự hành nghề Thừa phát lại. Thừa phát lại thuộc cơ quan nào? Theo Điều 66 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Chính phủ như sau: - Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Thừa phát lại. - Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước về Thừa phát lại, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: + Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về Thừa phát lại; + Hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, thanh tra về Thừa phát lại; + Bồi dưỡng, đào tạo nghề Thừa phát lại; + Ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; + Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Thừa phát lại; + Giải quyết khiếu nại, tố cáo về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật; + Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Như vậy, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước về Thừa phát lại và có quyền bổ nhiệm lại Thừa phát lại.
Năm 2024 bổ nhiệm công chức lãnh đạo từ nhân sự ngoài cơ quan được không?
Sắp tới đây, ngày 01/5/2024, Nghị định 29/2024/NĐ-CP sẽ có hiệu lực. Đây là nghị định mới, quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Vậy, năm 2024 thì có được bổ nhiệm chức danh công chức lãnh đạo từ nguồn bên ngoài cơ quan được không? Công chức lãnh đạo bao gồm những chức danh nào? Theo Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024 quy định về đối tượng áp dụng, theo đó có thể liệt kê công chức lãnh đạo bao gồm những chức danh sau: - Đối với Bộ: + Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thứ trưởng); + Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ (sau đây gọi chung là Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ); + Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Phó Chánh Thanh tra Bộ (sau đây gọi chung là Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ); + Trưởng phòng thuộc Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; Chánh Văn phòng Cục thuộc Bộ, Chánh Thanh tra Cục, Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Bộ (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ); + Phó Trưởng phòng thuộc Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; Phó Chánh Văn phòng Cục thuộc Bộ, Phó Chánh Thanh tra Cục, Phó Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Bộ (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ); + Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ; + Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ. - Đối với Tổng cục và tương đương thuộc Bộ: + Tổng cục trưởng và tương đương; + Phó Tổng cục trưởng và tương đương; + Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Tổng cục (sau đây gọi chung là Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục); + Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng, Phó Chánh Thanh tra Tổng cục (sau đây gọi chung là Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục); + Trưởng phòng thuộc Cục, Văn phòng, Thanh tra Tổng cục; Chánh Văn phòng Cục thuộc Tổng cục, Chi Cục trưởng thuộc Cục thuộc Tổng cục (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục); + Phó Trưởng phòng thuộc Cục, Văn phòng, Thanh tra Tổng cục; Phó Chánh Văn phòng Cục thuộc Tổng cục, Phó Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Tổng cục (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục); + Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục; + Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục. - Đối với Sở và tương đương: + Giám đốc Sở, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Giám đốc Sở và tương đương); + Phó Giám đốc Sở, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Phó Giám đốc Sở và tương đương); + Chi cục trưởng, Trưởng Ban, Trưởng phòng thuộc Sở; Trưởng phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Trưởng phòng thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Văn phòng Sở, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng thuộc Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở); + Phó Chi cục trưởng, Phó Trưởng Ban, Phó Trưởng phòng thuộc Sở; Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chánh Văn phòng Sở, Phó Chánh Thanh tra Sở, Phó Trưởng phòng thuộc Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở); + Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục, Ban thuộc Sở (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở); + Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục, Ban thuộc Sở (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở). - Đối với cấp phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: + Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Trưởng phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc huyện); + Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Phó Trưởng phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc huyện). - Chức vụ, chức danh quy định trên được xác định theo cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức đó theo quy định của pháp luật. Chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được xác định theo tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó và được tính là tương đương với chức vụ, chức danh phù hợp theo cấp quản lý hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền. - Chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Tổng cục và tương đương thuộc Bộ, Sở và tương đương, cấp phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện áp dụng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 29/2024/NĐ-CP. - Chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Đảng và của pháp luật chuyên ngành; áp dụng quy định tại Nghị định này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Theo đó, năm 2024 chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước sẽ bao gồm những chức danh trên. Đối với từng chức danh sẽ có những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng. Năm 2024 bổ nhiệm công chức lãnh đạo từ nhân sự ngoài cơ quan được không? Theo điểm b Khoản 4 Điều 8 Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định về kinh nghiệm công tác đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, trong đó trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài được quy định như sau: - Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác không có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định; - Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức không có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này; - Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này hoặc bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định; Như vậy, Nghị định 29/2024/NĐ-CP có quy định về các tiêu chuẩn khi bổ nhiệm công chức lãnh đạo từ nguồn bên ngoài cơ quan. Có nghĩa là, vẫn có thể bổ nhiệm công chức lãnh đạo từ nguồn bên ngoài. Theo đó, năm 2024 công chức là nhân sự ngoài cơ quan thì phải đảm bảo được thời gian công tác theo quy định đối với từng chức danh. Xem thêm: Nghị định 29/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp có thẩm quyền gì trong việc bổ nhiệm công chức của các đơn vị thuộc Bộ?
Ngày 01 tháng 8 năm 2023, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành Quy định 117-QĐ/BCSĐ năm 2023 về phân công, phân cấp quản lý tổ chức cán bộ của Bộ Tư pháp do Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp có những thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái,... đối với công chức của các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư Pháp quy định như sau Các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính thuộc Bộ Tư Pháp bao gồm Theo khoản 2 Điều 1 Quy định 117-QĐ/BCSĐ 2023 các đơn vị hành chính thuộc Bộ, bao gồm: Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Văn phòng Ban cán sự đảng. Các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: - Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ nhóm 1); - Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ nhóm 2); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ nhóm 4); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục nhóm 1); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục nhóm 2); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục nhóm 3); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục nhóm 4). Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Bộ Tư pháp. Thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc quản lý sử dụng công chức tại đơn vị thuộc Bộ Theo khoản 2 Điều 12 Quy định 117-QĐ/BCSĐ 2023 Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, giới thiệu ứng cử, cho thôi giữ chức vụ, tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với lãnh đạo cấp Vụ và tương đương của các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, trừ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; lãnh đạo cấp Phòng và tương đương của đơn vị hành chính (trừ Cục) do Bộ trưởng phụ trách; - Quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức là Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương trở xuống giữa các đơn vị hành chính thuộc Bộ; từ cơ quan thi hành án dân sự đến đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; từ đơn vị hành chính thuộc Bộ đến đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cơ quan thi hành án dân sự hoặc các cơ quan, tổ chức ngoài Bộ; viên chức là Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, từ đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đến đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan thi hành án dân sự; viên chức là Lãnh đạo cấp Phòng và tương đương trở xuống giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3 vả nhóm 4; từ đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3, nhóm 4 đến đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 1, nhóm 2 và đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục/Cục; từ đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục đến đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; - Phê duyệt chủ trương bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, cho thôi giữ chức vụ, tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với lãnh đạo đơn vị sự nghiệp thuộc Cục do Bộ trưởng phụ trách; lãnh đạo cấp phòng và tương đương của đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3 và nhóm 4 do Bộ trưởng phụ trách; - Phê duyệt chủ trương điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với: Viên chức từ Lãnh đạo cấp Phòng và tương đương trở xuống từ đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 1, nhóm 2 đến đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3, nhóm 4 và đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục/Cục; - Quyết định công nhận Hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; công nhận, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội theo quy định; - Quyết định thành lập Hội đồng trường; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, các thành viên Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Luật theo quy định. Trên đây, là một số quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái,... đối với công chức của các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ theo Quy định 117-QĐ/BCSĐ năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/08/2023.
Người nào sẽ dùng sơ yếu lý lịch Mẫu 2C/TCTW-98 và cách điền mới nhất
Hiện nay sơ yếu lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức thường được khai theo Mẫu 2C/TCTW-98. Vậy mẫu này được lấy từ đâu và cách ghi mới nhất 2024 như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những vấn đề trên. Mẫu 2C/TCTW-98 là gì? Mẫu 2C/TCTW-98 là biểu mẫu do Ban Tổ chức Trung ương ban hành. Đây là phiếu thông tin đầu vào, sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng song song cùng mẫu 2C-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định 02/2008/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ Mẫu 2C/TCTW-98 thường dùng khi cán bộ, công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm lãnh đạo… Tải sơ yếu lý lịch Mẫu 2C/TCTW-98 Mẫu 2C/TCTW-98: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/18/2C-TCTW-98.doc Mẫu 2C-BNV/2008: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/18/mau-2c-bnv.doc Hướng dẫn cách điền Mẫu 2C/TCTW-98 mới nhất 2024 Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của luật về cách điền Mẫu 2C/TCTW-98 cũng như Mẫu 2C-BNV/2008, tuy nhiên người đọc có thể điền như sau: 1) Họ và tên khai sinh: viết chữ in hoa đúng với họ và tên trong giấy khai sinh. 2) Tên gọi khác: là tên gọi khác hoặc bí danh khác đã dùng trong hoạt động cách mạng, trong lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật.. (nếu có). 3) Sinh ngày: ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh. Giới tính: giới tính của cán bộ, công chức là Nam hoặc Nữ. 4) Nơi sinh: tên xã (hoặc phường, thị trấn), huyện (hoặc quận, thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương) nơi cán bộ, công chức được sinh ra (ghi đúng như trong giấy khai sinh). Nếu có thay đổi địa danh đơn vị hành chính thì ghi , nay là . 5) Quê quán: nơi sinh của cha đẻ hoặc ông nội của cán bộ, công chức. Trường hợp đặc biệt có thể ghi theo quê quán của mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ cha, mẹ đẻ). Ghi rõ tên xã (hoặc phường, thị trấn), huyện (quận hoặc thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương). 6) Dân tộc: tên dân tộc của cán bộ, công chức theo quy định của Nhà nước như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Ê đê, Kh'me, ... 7) Tôn giáo: Cán bộ, công chức đang theo tôn giáo nào thì ghi tên tôn giáo đó như: Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Cao đài, Hòa hảo,... Nếu không theo tôn giáo nào, thì không được bỏ trống mà khi là "Không". 8) Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: đầy đủ số nhà, đường phố, thành phố hoặc xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú. 9) Nơi ở hiện nay: đầy đủ số nhà, đường phố, thành phố hoặc xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh nơi mình đang ở hiện tại. 10) Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: đã làm nghề gì để kiếm sống trước khi được tuyển dụng. Nếu chưa có nghề, sống phụ thuộc vào gia đình, thì ghi cụ thể là "không nghề nghiệp". 11) Ngày tuyển dụng: ngày, tháng, năm công chức có quyết định tuyển dụng và tên cơ quan ban hành quyết định tuyển dụng (ngày được bổ nhiệm, phê chuẩn đối với cán bộ). 12) Chức danh (chức vụ) hiện tại: chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chức danh công việc chính hiện tại đang được phân công đảm nhiệm về chính quyền (hoặc Đảng, đoàn thể, kể cả chức vụ kiêm nhiệm). 13) Công việc chính được giao: cụ thể tên công việc chính được phân công đảm nhiệm. 14) Ngạch công chức: ghi rõ ngạch công chức Mã ngạch: ghi rõ mã ngạch Ghi rõ bậc lương, hệ số lương và ngày/tháng/năm được hưởng lương. Ghi rõ hệ số phụ cấp chức danh (chức vụ) hoặc phụ cấp khác (nếu có). 15.1) Trình độ giáo dục phổ thông: đã tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông nào. Ví dụ: Lớp 10/10 (đối với những người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm); Lớp 12/12 (đối với những người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm). 15.2) Trình độ chuyên môn cao nhất: trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo, bồi dưỡng tại thời điểm kê khai như: Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp... thuộc chuyên ngành đào tạo nào. Ví dụ: đối với những người có nhiều văn bằng đào tạo như: có bằng kỹ sư, có bằng cử nhân, có bằng thạc sĩ, có bằng tiến sĩ thì chỉ kê khai trình độ chuyên môn cao nhất hiện tại là: Tiến sĩ + chuyên ngành đào tạo. 15.3) Lý luận chính trị: trình độ lý luận chính trị cao nhất đã được đào tạo, bồi dưỡng như: Cử nhân, cao cấp, trung cấp, sơ cấp. 15.4) Quản lý nhà nước: chứng chỉ đào tạo; chứng chỉ bồi dưỡng theo ngạch công chức như: chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên; cán sự. Chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh công chức lãnh đạo như: Cấp Phòng và tương đương, cấp Sở và tương đương, cấp Vụ và tương đương, Thứ trưởng và tương đương; Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh; chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; chứng chỉ bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. 15.5) Trình độ ngoại ngữ: - Đối với cán bộ, công chức có chứng chỉ ngoại ngữ, thì ghi tên ngoại ngữ + trình độ đào tạo theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT. - Trường hợp đã có bằng ngoại ngữ từ trình độ cử nhân trở lên thì ghi tên văn bằng + tên ngoại ngữ. Ví dụ như: Cử nhân Pháp văn, Thạc sĩ Anh văn, ... 15.6) Trình độ tin học: trình độ tin học cao nhất phù hợp với văn bằng, chứng chỉ của viên chức được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cấp theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin với 15 kỹ năng ban hành kèm theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT. 16) Ngày vào Đảng cộng sản Việt Nam: ngày, tháng, năm được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam; ngày, tháng, năm được công nhận Đảng viên chính thức (nếu có). Nếu kết nạp Đảng lần thứ 2 mà tuổi Đảng được tính liên tục thì ngày vào Đảng tính từ lần thứ nhất. Trường hợp tuổi Đảng không được tính liên tục thì ghi ngày vào Đảng lần thứ 2. 17) Ngày tham gia tổ chức chính trị - xã hội: ngày, tháng, năm tham gia tổ chức chính trị, chính trị - xã hội như: Đoàn, Hội, ... đồng thời ghi rõ làm việc gì trong tổ chức đó. 18) Ngày nhập ngũ: ngày, tháng, năm đi bộ đội, công an và ngày xuất ngũ. Ghi rõ quân hàm hoặc chức vụ cao nhất trong quân đội, công an (nếu có). Nếu có thời gian tái ngũ, thì ghi thêm ngày tái ngũ bên cạnh ngày nhập ngũ. 19) Danh hiệu được phong tặng cao nhất: danh hiệu anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú, ... (nếu có) và năm được phong tặng. 20) Sở trường công tác: làm việc gì thì thích hợp nhất, có hiệu quả nhất (công tác Đảng, đoàn thể; quản lý kinh tế, hành chính, doanh nghiệp; sở trường nghiên cứu về,..., giảng dạy về,...; nghệ nhân gì, viết văn, họa sĩ, ca sĩ, diễn viên, vận động viên,...). 21) Khen thưởng: hình thức khen thưởng cao nhất (như Giấy khen, Bằng khen, Vinh dự được nhà nước phong tặng, Huy chương, Huân chương), vào năm nào 22) Kỷ luật: cụ thể hình thức kỷ luật cao nhất (như Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (hạ ngạch công chức), cách chức, buộc thôi việc) về đảng, chính quyền hoặc đoàn thể, năm nào. 23) Tình trạng sức khỏe: tình trạng sức khỏe bản thân hiện tại (tốt, trung bình, kém); có bệnh gì mãn tính, ghi rõ chiều cao cơ thể, ghi rõ cân nặng cơ thể và nhóm máu gì. 24) Là thương binh hạng: là thương binh hạng mấy trên mấy (nếu có). Trường hợp là con gia đình thuộc diện chính sách, thì ghi rõ là con thương binh, con liệt sĩ, con người nhiễm chất độc da cam Dioxin,... 25) Số chứng minh nhân dân: số chứng minh nhân dân/căn cước công dân và ngày cấp. 26) Sổ bảo hiểm xã hội (Sổ BHXH): số sổ bảo hiểm xã hội đã và đang tham gia đóng bảo hiểm cho đến thời điểm khai hồ sơ lý lịch. 27) Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vu, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học: tên trường, chuyên ngành được đào tạo, bồi dưỡng; trong khoảng thời gian nào; hình thức đào tạo là gì, được cấp văn bằng, chứng chỉ ra sao. 28) Tóm tắt quá trình công tác: ghi theo trình tự thời gian “Từ tháng/năm đến tháng/năm”: Chức danh, chức vụ, đơn vị công tác (đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội) kể cả thời gian được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, … 29) Đặc điểm lịch sử bản thân: Khai rõ: bị bắt, bị tù (từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, ở đâu?), đã khai báo cho ai, những vấn đề gì? Bản thân có làm việc trong chế độ cũ (cơ quan, đơn vị nào, địa điểm, chức danh, chức vụ, thời gian làm việc…): - Tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài (làm gì, tổ chức nào, đặt trụ sở ở đâu ..?): - Có thân nhân (Cha, Mẹ, Vợ, Chồng, con, anh chị em ruột) ở nước ngoài (làm gì, địa chỉ …)? 30) Quan hệ gia đình: + Về bản thân: Cha, Mẹ, Vợ (hoặc chồng), các con, anh chị em ruột + Về bên vợ (hoặc chồng): Cha, Mẹ, anh chị em ruột >> Nêu rõ Mối quan hệ, Họ và tên, Năm sinh, Quê quán, nghề nghiệp, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác, học tập, nơi ở (trong, ngoài nước); thành viên các tổ chức chính trị - xã hội …?) 31) Diễn biến quá trình lương của cán bộ, công chức: Ghi theo thời gian Tháng/năm, mã số, bậc lương, hệ số lương. 32) Nhận xét, đánh giá của cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức. Trên đây là thông tin về Sơ yếu lý lịch Mẫu 2C/TCTW-98 và hướng dẫn cách điền mẫu này mới nhất năm 2024. Người đọc có thể thực hiện theo để đảm bảo lý lịch được ghi một cách đầy đủ và chính xác nhất.
Việc bổ nhiệm Cán bộ điều tra hình sự thuộc Công an nhân dân do ai quy định?
Việc bổ nhiệm Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do ai quy định? Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân cần đáp ứng các tiêu chuẩn nào? Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân gồm những cơ quan nào? Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân gồm những cơ quan được nêu tại Điều 5 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, cụ thể gồm các cơ quan sau: - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh). - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện). Việc bổ nhiệm Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do ai quy định? Theo điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có quy định "Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định;" Như vậy, việc bổ nhiệm Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân sẽ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân cần đáp ứng các tiêu chuẩn nào? Tại điểm a khoản 1 khoản 1 Điều 59 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có quy định: "Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 46 của Luật này có thể được bổ nhiệm làm Cán bộ Điều tra để giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động Điều tra hình sự;" Chiếu theo quy định này thì Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân cần đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 46 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, cụ thể gồm các tiêu chuẩn sau: - Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. - Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. - Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này. - Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an trong công tác điều tra được quy định ra sao? Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an trong công tác điều tra được quy định tại Điều 65 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 cụ thể gồm các trách nhiệm sau: - Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Điều tra hình sự để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do Bộ Công an phụ trách. - Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Điều tra hình sự. - Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về Điều tra hình sự. - Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về Điều tra hình sự trái với quy định của Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Luật này và pháp luật khác có liên quan. - Chủ trì, phối hợp ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về Điều tra hình sự. - Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân; trang bị phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ làm công tác Điều tra trong Công an nhân dân; bồi dưỡng, huấn luyện, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra; tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học về công tác Điều tra hình sự. - Quản lý cơ sở dữ liệu về Điều tra hình sự. - Thực hiện chế độ báo cáo về công tác Điều tra hình sự theo quy định của Chính phủ. - Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về Điều tra theo quy định của pháp luật.
Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương
Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. 1. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý Căn cứ Điều 9 Thông tư 46/2023/TT-BCT hướng dẫn Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành: - Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý + Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để đảm nhận công việc; + Có thời gian công tác trong ngành công thương hoặc lĩnh vực liên quan từ 3 năm trở lên; + Có trình độ từ đại học trở lên; + Là công chức hoặc viên chức; + Không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật hoặc trong thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật; + Đủ tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý (đối với trường hợp bổ nhiệm mới) và đáp ứng đủ thời gian còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng quản lý (đối với trường hợp thay thế thành viên Hội đồng quản lý); + Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập. - Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý + Đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý; + Đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn như người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền; + Chủ tịch Hội đồng quản lý không đồng thời là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. 2. Miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý Căn cứ Điều 10 Thông tư 46/2023/TT-BCT hướng dẫn Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành: Miễn nhiệm thành viên của Hội đồng quản lý nếu thuộc một trong các trường hợp sau: + Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; + Không đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ làm việc để điều trị bệnh quá 06 tháng mà khả năng lao động chưa phục hồi; + Bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật; + Có các vi phạm khác đã quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý; + Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật hoặc của Đảng. 3. Kiện toàn Hội đồng quản lý Căn cứ Điều 11 Thông tư 46/2023/TT-BCT hướng dẫn Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành: - Kiện toàn Hội đồng quản lý theo nhiệm kỳ Trước khi hết nhiệm kỳ 03 (ba) tháng, Chủ tịch Hội đồng quản lý triệu tập hợp Hội đồng quản lý, đề xuất cơ quan quản lý cấp trên kiện toàn Hội đồng quản lý nhiệm kỳ kế tiếp. - Kiện toàn thành viên Hội đồng quản lý trong nhiệm kỳ Trường hợp Hội đồng quản lý bị khuyết thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản lý triệu tập hợp Hội đồng quản lý để lựa chọn thành viên thay thế, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Trường hợp Hội đồng quản lý khuyết Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Chủ tịch hoặc Thư ký Hội đồng quản lý báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm nhân sự Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định. Trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng quản lý cùng bị khuyết, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng quản lý. Như vậy, Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý được quy định tại Chương III Thông tư 46/2023/TT-BCT.
Hướng dẫn việc bổ nhiệm và xếp lương đối với giáo viên dự bị đại học
Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học là gì? Các trường hợp nào được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học? Cách xếp lương cụ thể đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học như thế nào? 1. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học Ngày 28/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học. Theo đó, nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học được quy định tại Điều 7 Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT cụ thể như sau: - Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT. - Khi bổ nhiệm từ chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. - Không căn cứ vào trình độ được đào tạo để bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển đối với giáo viên dự bị đại học mới được tuyển dụng. 2. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học Hiện nay, các trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học được quy định tại Điều 8 Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT cụ thể như sau: - Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học theo quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BNV, Thông tư 30/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 07/2018/TT-BNV nay được xếp hạng chức danh nghề nghiệp tương đương theo quy định tại Điều 2 Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT. - Các quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học theo Thông tư số Thông tư 06/2017/TT-BNV, Thông tư 30/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 07/2018/TT-BNV tiếp tục được sử dụng và không cần phải ban hành quyết định thay thế. 3. Cách xếp lương Cách xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT cụ thể như sau: - Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau: + Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số V.07.07.19) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; + Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; + Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I (mã số V.07.07.17) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78. - Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ. Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2024 và thay thế cho Thông tư 30/2017/TT-BGDĐT.
Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh?
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức ra sao? Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh? Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được quy định thế nào? Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được quy định tại tiểu mục 3 Mục III Phụ lục 01 ban hành kèm theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiễm, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân kèm theo Quyết định 400/QĐ-VKSTC năm 2021 quy định như sau: Bước 1: Căn cứ nhu cầu công tác của đơn vị, quy hoạch đã được phê duyệt, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ có trách nhiệm rà soát, tham mưu trình Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh họp, thảo luận và thống nhất (Nghị quyết) về chủ trương, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, nguồn nhân sự để kiện toàn lãnh đạo đơn vị. Bước 2: Trên cơ sở ý kiến của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh về chủ trương, số lượng và dự nguồn nhân sự; Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh mở hội nghị để thảo luận, thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự trong quy hoạch, đáp ứng được cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm bằng phiếu kín. Bước 3: Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, lãnh đạo Đảng ủy cơ quan, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Bước 4: Trên cơ sở kết quả bước 3, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh mở hội nghị để tham gia ý kiến và lấy phiếu tín nhiệm. Bước 5: Trên cơ sở kết quả của bước 1, 2, 3, 4, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo Đảng ủy cơ quan, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ họp nhận xét, đánh giá và giới thiệu nhân sự (Nghị quyết) về việc bổ nhiệm. Dự kiến phân công người được bổ nhiệm. Trước khi thảo luận phải lấy ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Đảng ủy hoặc Đảng ủy cơ quan (những nơi không có Ban Thường vụ) đối với nhân sự được đề nghị bổ nhiệm. Phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị, xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có). Nhân sự được tín nhiệm, lãnh đạo đơn vị xây dựng hồ sơ bổ nhiệm theo quy định. Căn cứ Nghị quyết của Ban cán sự đảng, phòng Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ, tham mưu trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền. Đơn vị quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phòng theo nhóm hoặc khối đơn vị thì khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, nhân sự đưa ra hội nghị cũng theo nhóm hoặc khối đã quy hoạch. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nhận xét, đánh giá nhân sự nổi trội trong số quy hoạch để lựa chọn (có số dư) giới thiệu ra hội nghị để lấy phiếu tín nhiệm và chịu trách nhiệm về nhận xét, đánh giá nhân sự theo quy định. Lưu ý: Nếu nhân sự được giới thiệu có ý kiến xin rút không thực hiện quy trình bổ nhiệm ở bước nào thì Ban cán sự đảng phải xem xét, quyết định ở bước đó tại hội nghị. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức ra sao? Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 46 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, cụ thể bộ máy tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm có: - Ủy ban kiểm sát; - Văn phòng; - Các phòng và tương đương. Cũng theo quy định này, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác. Tóm lại, quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được thực hiện như trên.
Bộ Xây dựng đề xuất quy định về Hội đồng quản lý trong ĐVSN công lập
Bộ Xây dựng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực xây dựng. Theo thông tin đăng trên Cổng TTĐT Chính phủ, Dự thảo nêu rõ, Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. (1) Cơ cấu, nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Theo dự thảo, cơ cấu của Hội đồng quản lý gồm: - Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); - Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; - Viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; - Đại diện tổ chức, đơn vị liên quan. Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các Thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Chủ tịch Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn, bổ nhiệm từ đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập. Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có), Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm. (2) Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản lý Dự thảo nêu rõ, thành viên Hội đồng quản lý phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và ý thức kỷ luật tốt; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao; có trình độ từ đại học trở lên; không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật hoặc trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật; độ tuổi đảm bảo để đủ tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ (05 năm). Chủ tịch Hội đồng quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản lý; có kinh nghiệm quản lý hoặc chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. (3) Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Theo dự thảo, Chủ tịch Hội đồng quản lý ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trên cơ sở nội dung đã được phê duyệt tại hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý. Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý gồm các nội dung chủ yếu sau: Các quy định chung; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý; số lượng, cơ cấu, nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý; cơ chế hoạt động của Hội đồng quản lý; nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý; bổ nhiệm, bổ sung, thay thế, miễn nhiệm, kỷ luật thành viên Hội đồng quản lý; mối quan hệ công tác; các quy định khác bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng quản lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, Hội đồng quản lý thông qua quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý gửi xin ý kiến cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý trước khi quyết định ban hành. Theo Cổng TTĐT Chính phủ
Những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại
Thừa phát lại và công việc của Thừa phát lại hiện nay không còn là khái niệm xa lạ đối với mọi người. Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện các công việc theo quy định. Vậy những trường hợp nào không được bổ nhiệm Thừa phát lại? 1. Quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại Theo Điều 16 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại được quy định như sau: - Trung thực, khách quan khi thực hiện công việc. - Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại. - Chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình. - Không đồng thời hành nghề tại 02 hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại. - Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. - Mặc trang phục Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, đeo Thẻ Thừa phát lại khi hành nghề. - Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có); chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của Văn phòng Thừa phát lại nơi mình đang hành nghề và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là thành viên. - Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. 2. Những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại Những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại được quy định tại Điều 11 Nghị định 08/2020/NĐ-CP cụ thể như sau: - Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự. - Người đã được bổ nhiệm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá. - Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân. - Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích. - Người quy định tại khoản 3 Điều này bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành. - Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó. - Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó. - Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc. 3. Tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại Theo Điều 12 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Sở Tư pháp nơi Thừa phát lại hành nghề ra quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại trong các trường hợp sau đây + Thừa phát lại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; + Thừa phát lại đang bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính. - Thời gian tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại không quá 12 tháng. - Sở Tư pháp quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại trước thời hạn trong các trường hợp sau đây: + Có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc bản án đã có hiệu lực của Tòa án tuyên Thừa phát lại không có tội; + Thừa phát lại không còn bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính. - Quyết định tạm đình chỉ, quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại được gửi cho Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại nơi Thừa phát lại làm việc, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh), Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và Bộ Tư pháp. Như vậy, Thừa phát lại đã xác lập được vị trí nhất định trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân và cơ quan Nhà nước lựa chọn. Tuy nhiên nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì một người sẽ không được bổ nhiệm làm Thừa phát lại.
Chủ sở hữu được quyền bổ kiệm Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên không?
Trong một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, việc bổ nhiệm kế toán trưởng có phải là một quyết định hoàn toàn thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp không? (1) Chủ sở hữu được quyền bổ kiệm Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên không? Theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên có các quyền sau đây: - Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; - Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; - Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty; - Quyết định dự án đầu tư phát triển; - Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; … Căn cứ theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, người quản lý của công ty bao gồm: - Chủ doanh nghiệp tư nhân; - Thành viên hợp danh; - Chủ tịch Hội đồng thành viên; - Thành viên Hội đồng thành viên; - Chủ tịch công ty; - Chủ tịch Hội đồng quản trị; - Thành viên Hội đồng quản trị; - Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; - Cá nhân giữ chức danh quản lý theo quy định tại Điều lệ công ty. Như vậy, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý của công ty. Tuy nhiên, Kế toán trưởng không phải là một trong những chức danh quản lý doanh nghiệp theo quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020. Do đó, theo quy định, chủ sở hữu công ty không có quyền bổ nhiệm Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, chủ sở hữu vẫn có thể quyết định việc tuyển dụng hoặc bổ nhiệm Kế toán trưởng thông qua các quy trình nội bộ của công ty, miễn là tuân thủ các quy định về nhân sự và quản lý tài chính. Việc này thường được quy định cụ thể trong Điều lệ công ty hoặc các quy định nội bộ khác. (2) Người quản lý công ty TNHH một thành viên có đồng thời làm Kế toán trưởng được không? Khoản 4 Điều 52 Luật Kế toán 2015 có quy định về những người không được làm kế toán gồm có: Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định. Cùng với đó, khoản 3 Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP cũng quy định về những người không được làm kế toán như sau: Người đang làm quản lý, Điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dựa vào các quy định trên, người quản lý trong công ty là người không được làm kế toán, trừ trường hợp trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, người quản lý được phép kiêm nhiệm chức danh Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên, tuy nhiên người này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về Kế toán trưởng theo quy định tại Điều 54 Luật Kế toán 2015.
Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế
Ngày 17/9/2024 Chính phủ ban hành Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi các quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Xem toàn văn: Nghị định 116/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 17/9/2024 Xem thêm: Nghị định 116/2024/NĐ-CP: Sửa đổi quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế Trước đó, khoản 2 Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý như sau: - Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành. - Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành. Đến khoản 27 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã sửa đổi khoản 2 Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức như sau: Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành. Như vậy, hiện nay công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế thay vì không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp như trước đây. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ 17/9/2024 Theo khoản 28 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 42 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý như sau: - Bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. - Phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. Trường hợp cơ quan, tổ chức mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. - Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. - Điều kiện về độ tuổi bổ nhiệm: + Công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 05 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; + Công chức được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền thì tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ; + Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này. - Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao. - Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Như vậy, từ 17/9/2024 thì các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ được thực hiện theo quy định mới nêu trên. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được bổ nhiệm lại sẽ được giải quyết thế nào? Theo điểm c Khoản 32 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP bổ sung khoản 7 Điều 49 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau: Công chức lãnh đạo, quản lý không được bổ nhiệm lại thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc bố trí công tác khác theo nguyên tắc không được bố trí chức vụ tương đương hoặc cao hơn. Như vậy, công chức lãnh đạo, quản lý không được bổ nhiệm lại thì sẽ được bố trí công tác khác có chức vụ thấp hơn.
Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND từ ngày 01/01/2025
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 có thay đổi về các ngạch thẩm phán TAND. Theo đó, cũng có quy định điều kiện mới để bổ nhiệm Thẩm phán TAND. Xem thêm: Từ 01/01/2025 sẽ chỉ còn 2 ngạch Thẩm phán TAND Đề xuất 3 bậc Thẩm phán Toà án nhân dân và cách chuyển từ ngạch sang bậc Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND từ ngày 01/01/2025 Theo Điều 95 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau: - Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 94 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân; nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thuộc các Tòa án quân sự: + Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 05 năm trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật; + Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân. - Trong trường hợp đặc biệt, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 3, 5 và 6 Điều 94 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân; nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thuộc các Tòa án quân sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự khu vực; + Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự trung ương. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2025 thì điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND sẽ được thực hiện theo quy định trên. Quy định mới đã thêm điều kiện chung của cả 2 ngạch thẩm phán rồi mới quy định các điều kiện riêng, so với Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 chỉ quy định các điều kiện riêng theo từng ngạch. Tiêu chuẩn Thẩm phán TAND từ ngày 01/01/2025 Theo Điều 94 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định tiêu chuẩn Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau: - Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và với Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. - Có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên. - Có trình độ cử nhân luật trở lên. -. Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử. - Có thời gian làm công tác pháp luật. - Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Như vậy, từ 01/01/2025 thì tiêu chuẩn Thẩm phán TAND sẽ được thực hiện theo quy định mới. So với tiêu chuẩn hiện hành tại Điều 67 Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 thì đã bổ sung độ tuổi tối thiểu để được bổ nhiệm Thẩm phán là 28 tuổi. Từ 01/01/2025 Thẩm phán TAND được hưởng những chế độ nào? Theo Điều 101 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 Thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách sau đây: - Được hưởng tiền lương, phụ cấp theo quy định tại Điều 142 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024; - Được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ; - Được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; - Được cấp trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán để làm nhiệm vụ; - Được tôn vinh và khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; - Được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, quy định mới đã bổ sung chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi Thẩm phán bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ.
Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng, 2 Bộ trưởng; Bầu 2 nhân sự mới
(Chinhphu.vn) - Chiều 26/8, Quốc hội tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng hoa chúc mừng các đồng chí vừa được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Chiều 26/8, Quốc hội tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và bế mạc Kỳ họp. 15h06: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026. Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Tờ trình của Chủ tịch nước, Biên bản kiểm phiếu ngày 26/8/2024, Nghị quyết quyết nghị: Ông Lê Minh Trí, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 8 năm 2024. 15h08: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 438/438 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,06%). Như vậy, với đại đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Minh Trí. 15h11: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí tuyên thệ Điều hành Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi được Quốc hội bầu sẽ làm Lễ Tuyên thệ trước Quốc hội. Thực hiện nghi thức Tuyên thệ nhậm chức, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”. 15h19: Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Tờ trình của Chủ tịch nước, Biên bản kiểm phiếu ngày 26/8/2024 về kết quả bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026, Nghị quyết quyết nghị: Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 8 thông qua ngày 26/8/2024. 15h22: Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Biên bản kiểm phiếu ngày 26/8/2024, Nghị quyết quyết nghị: phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với: ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 8 năm 2024. 15h24: Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021 -2026. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội quyết nghị: Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với các ông: 1, Ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Yên Bái giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 -2026. 2, Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021 -2026. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. 15h27: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 439/439 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,27%). Như vậy, với đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến. 15h29: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Hòa Bình, ông Hồ Đức Phớc và ông Bùi Thanh Sơn. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 432/432 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 89,81%). Như vậy, với đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Hòa Bình, ông Hồ Đức Phớc và ông Bùi Thanh Sơn. 15h31: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021-2026 Kết quả biểu quyết cho thấy, có 426/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 88,57%). Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với ông Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với ông Nguyễn Hải Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 15h37: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 01 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với đồng chí Nguyễn Hòa Bình và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Miễn nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với đồng chí Lê Minh Trí để bầu giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Trần Lưu Quang vì đã được Bộ Chính trị điều động, phân công, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Bầu đồng chí Nguyễn Huy Tiến giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về bổ sung số lượng Phó Thủ tướng để Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 5 Phó Thủ tướng Chính phủ. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Hồ Đức Phớc giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Tài chính cho đến khi kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Bùi Thanh Sơn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Đỗ Đức Duy, giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đồng chí Nguyễn Hải Ninh, giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nghỉ công tác. Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Thanh Vân. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp. Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan. Trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, quyết nghị công tác nhân sự đạt sự đồng thuận, thống nhất cao. “Chúng ta tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và phòng chống tham nhũng, tiêu cực của năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, Chủ tịch Quốc hội cho biết. Các vị đại biểu Quốc hội làm Lễ Chào cờ. Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 8 để xem xét quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Quốc hội họp bất thường xem xét công tác nhân sự Sáng 26/8 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 8 để xem xét quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Dự lễ khai mạc Kỳ họp có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương. Về phía Quốc hội có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh; cùng các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Các vị đại biểu Quốc hội đã dành một phút tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quốc hội tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trước khi khai mạc Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã làm lễ tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người Đảng viên Cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, người đại biểu Quốc hội cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát to lớn không gì bù đắp được đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Để tỏ lòng tiếc thương, ghi nhận đóng góp to lớn của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các vị đại biểu Quốc hội đã dành một phút tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp. Quốc hội xem xét bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TNMT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Luật tổ chức Quốc hội; Nội quy Kỳ họp Quốc hội và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 8 để xem xét quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Kỳ họp diễn ra trong 01 ngày, thứ hai, ngày 26/8/2024 tại tòa nhà Quốc hội. Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, cho ý kiến về việc miễn nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, miễn nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để nhận nhiệm vụ công tác khác. Phê chuẩn miễn nhiệm 01 Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp để nhận nhiệm vụ công tác khác. Phê chuẩn miễn nhiệm 01 Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghỉ công tác. Bãi nhiệm 01 đại biểu Quốc hội khóa XV. Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc bổ sung 01 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Phê chuẩn bổ nhiệm 03 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, để việc quyết định công tác nhân sự đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc Kỳ họp Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp. Trước đó, Cổng TTĐT Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản về dự kiến Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV. Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 1 ngày, bắt đầu từ 8 giờ thứ hai ngày 26/8/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Trước đó, ngày 16/8/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ. Tại cuộc họp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự và cho ý kiến để Bộ Chính trị giới thiệu nhân sự kiện toàn lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định. * Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Quốc hội khóa XV đã có 7 kỳ họp bất thường, trong đó 5 kỳ được tổ chức để xem xét, quyết định nhân sự cấp cao. Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội bầu lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan quyền lực Nhà nước. Đồng thời phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Dự kiến Chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 Căn cứ quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, khóa XV (từ 27-29/8) để thảo luận, góp ý kiến về 12 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Link bài viết gốc: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quoc-hoi-hop-bat-thuong-xem-xet-cong-tac-nhan-su-119240823161316314.htm
Ai có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Bộ trưởng, Thứ trưởng Việt Nam?
Bộ trưởng, Thứ trưởng là những người đứng đầu các Bộ tại Việt nam. Vậy, ai có thẩm quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm Bộ trưởng, Thứ trưởng? Cụ thể qua bài viết sau đây. Bộ trưởng, Thứ trưởng là những chức vụ gì? Theo Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 và Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ như sau: - Là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; - Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; - Tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. - Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo Điều 38 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 và Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định về Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ như sau: - Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về nhiệm vụ được phân công. - Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ. - Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 05; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 06. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Như vậy, Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ và là người đứng đầu, quản lý, tổ chức và theo dõi việc thi hành pháp luật về ngành, lĩnh vực theo phân công. Thứ trưởng là người thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng phân công và thay Bộ trưởng điều hành, giải quyết công việc của Bộ khi Bộ trưởng vắng mặt. Ai có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Bộ trưởng, Thứ trưởng Việt Nam? Theo khoản 3, khoản 6 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có: - Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. - Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, Quốc hội có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Thứ trưởng. Bộ được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc nào? Theo Điều 5 Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ như sau: - Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ. - Tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. - Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ. - Công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của Bộ. Như vậy, Bộ sẽ được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc trên. Theo đó, phải phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ.
Thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác
Thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác là thủ tục hành chính nội bộ được Bộ Nội vụ công bố tại Quyết định 507/QĐ-BNV năm 2023 công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ. Trình tự thực hiện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác (1) Xin chủ trương bổ nhiệm: - Cơ quan, tổ chức có nhu cầu bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý phải trình cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm bằng văn bản về chủ trương, số lượng, nguồn nhân sự và dự kiến phân công công tác đối với nhân sự được dự kiến bổ nhiệm; - Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương bổ nhiệm chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan, tổ chức; - Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày có văn bản đồng ý về chủ trương bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải tiến hành quy trình lựa chọn nhân sự theo quy định. (2) Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác: - Trường hợp nhân sự do cơ quan, tổ chức đề xuất thì tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức thảo luận, thống nhất về chủ trương và tiến hành một số công việc sau: + Gặp nhân sự được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác. + Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm đang công tác về chủ trương điều động; lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức đối với nhân sự; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch. + Thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Nhân sự được đề nghị bổ nhiệm phải đạt tỷ lệ trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. + Ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. - Trường hợp nhân sự do cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến điều động, bổ nhiệm từ nguồn nhân sự ngoài cơ quan, tổ chức thì cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến điều động, bổ nhiệm tiến hành một số công việc sau: + Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức tiếp nhận nhân sự về dự kiến điều động, bổ nhiệm. + Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi nhân sự đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm và lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch. + Gặp nhân sự được dự kiến điều động, bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác. + Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định về nhân sự. + Ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Cách thức thực hiện: Trực tiếp. Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ thực hiện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác Thành phần hồ sơ: Hồ sơ nhân sự bổ nhiệm phải được kê khai trung thực, chính xác, đầy đủ nội dung nêu tại các mục và phải được cấp có thẩm quyền xác nhận hoặc chứng thực theo quy định, bao gồm: - Tờ trình về việc bổ nhiệm do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ký (đối với trường hợp trình cấp trên có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm); hoặc do người đứng đầu cơ quan phụ trách về công tác tổ chức cán bộ ký (đối với trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định); - Bản tổng hợp kết quả kiểm phiếu kèm theo biên bản kiểm phiếu ở các bước trong quy trình bổ nhiệm; - Sơ yếu lý lịch do cá nhân tự khai theo mẫu quy định, được cơ quan trực tiếp quản lý xác nhận, có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 06 tháng; - Bản tự kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất; - Nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, về năng lực công tác, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất; - Nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình. Trường hợp nơi cư trú của bản thân khác với nơi cư trú của gia đình thì phải lấy nhận xét của chi ủy nơi bản thân cư trú và nơi gia đình cư trú; - Kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị; - Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định; - Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm. Trường hợp nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định; - Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng. Số lượng hồ sơ: Không quy định. Thời hạn giải quyết: Không quy định. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định bổ nhiệm. Trên đây là thủ tục hành chính bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức từ nguồn nhân sự nơi khác.
Thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức từ nguồn nhân sự tại chỗ
Thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức là thủ tục hành chính nội bộ được Bộ Nội vụ công bố tại Quyết định 507/QĐ-BNV năm 2023 công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ. Trình tự thủ tục bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức từ nguồn nhân sự tại chỗ (1) Xin chủ trương bổ nhiệm: - Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu bổ nhiệm viên chức quản lý phải trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm bằng văn bản về chủ trương, số lượng, nguồn nhân sự và dự kiến phân công công tác đối với nhân sự được dự kiến bổ nhiệm. - Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định về chủ trương bổ nhiệm chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của đơn vị sự nghiệp công lập. - Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày có văn bản đồng ý về chủ trương bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải tiến hành quy trình lựa chọn nhân sự theo quy định. (2) Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ - Bước 1: Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và nguồn nhân sự trong quy hoạch, tập thể lãnh đạo thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. + Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ. + Kết quả thảo luận và đề xuất được ghi thành biên bản. - Bước 2: Tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. + Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; thường vụ cấp ủy cùng cấp; người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự. + Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên giới thiệu 01 người cho một chức vụ; người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo. + Phiếu giới thiệu nhân sự bổ nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, không công bố tại hội nghị này. - Bước 3: Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của viên chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. + Thành phần: Thực hiện như quy định ở bước 1. + Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên lãnh đạo giới thiệu 01 người cho một chức vụ trong số nhân sự được giới thiệu ở bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; Người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị cán bộ chủ chốt. + Phiếu giới thiệu nhân sự bổ nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, được công bố tại hội nghị này. + Trường hợp nếu kết quả giới thiệu của tập thể lãnh đạo khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo. + Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản và lưu trữ trong hồ sơ bổ nhiệm. - Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín. + Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; Cấp ủy, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các bộ phận chuyên môn và đơn vị thuộc và trực thuộc. Đối với đơn vị có số lượng người làm việc dưới 30 người hoặc đơn vị không có tổ chức cấu thành, thành phần tham dự gồm toàn thể viên chức, người lao động trong biên chế làm việc thường xuyên tại đơn vị. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự. + Trình tự lấy ý kiến: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhân sự; Thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo giới thiệu (ở bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; Nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; Dự kiến phân công công tác; Ghi phiếu lấy ý kiến tín nhiệm (có thể ký tên hoặc không ký tên). Phiếu lấy ý kiến tín nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, không công bố tại hội nghị này. - Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự. + Thành phần: Thực hiện như quy định ở bước 1. + Trình tự thực hiện: Phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có); Lấy ý kiến bằng văn bản của ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy đơn vị (những nơi không có ban thường vụ) về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm; Tập thể lãnh đạo thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. + Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp có 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỷ lệ 50%) thì lựa chọn nhân sự do người đứng đầu giới thiệu để đề nghị bổ nhiệm; Đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. + Phiếu biểu quyết nhân sự bổ nhiệm do Ban tổ chức hội nghị phát hành, có đóng dấu treo của đơn vị. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản. + Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cách thức thực hiện: Trực tiếp. Thành phần bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức từ nguồn nhân sự tại chỗ Hồ sơ nhân sự bổ nhiệm phải được kê khai trung thực, chính xác, đầy đủ nội dung nêu tại các mục và phải được cấp có thẩm quyền xác nhận hoặc chứng thực theo quy định, bao gồm: - Tờ trình về việc bổ nhiệm do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký (đối với trường hợp trình cấp trên có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm) hoặc do người đứng đầu bộ phận phụ trách về công tác tổ chức cán bộ ký (đối với trường hợp người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định); - Bản tổng hợp kết quả kiểm phiếu kèm theo biên bản kiểm phiếu ở các bước trong quy trình bổ nhiệm; - Sơ yếu lý lịch viên chức do cá nhân tự khai theo mẫu quy định, được đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý xác nhận, có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 06 tháng; - Bản tự kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất; - Nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo đơn vị về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, về năng lực công tác, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất; - Nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình. Trường hợp nơi cư trú của bản thân khác với nơi cư trú của gia đình thì phải lấy nhận xét của chi ủy nơi bản thân cư trú và nơi gia đình cư trú; - Kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị; - Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định; - Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm; Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp hoặc cơ sở đào tạo trong nước liên kết với nước ngoài cấp phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chứng nhận; - Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng. Trên đây là thủ tục hành chính bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức từ nguồn nhân sự tại chỗ.
Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự
Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự là thủ tục hành chính nội bộ được Bộ Nội vụ công bố tại Quyết định 507/QĐ-BNV năm 2023 công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ. Trình tự thực hiện bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự - Khi hết thời gian tập sự, người tập sự phải báo cáo kết quả tập sự bằng văn bản theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP. - Người hướng dẫn tập sự nhận xét, đánh giá kết quả tập sự đối với người tập sự bằng văn bản. Cách thức thực hiện bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Trực tiếp. Thành phần, số lượng hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Không quy định. Thời hạn giải quyết bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của người tập sự và nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn tập sự, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự. Trường hợp người tập sự đạt yêu cầu, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức có văn bản đề nghị người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương cho công chức được tuyển dụng. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người đã trúng tuyển, đã hoàn thành chế độ tập sự. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan, đơn vị quản lý công chức (cơ quan, đơn vị nơi người hoàn thành chế độ tập sự). Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hoặc Quyết định xếp lương. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: - Hoàn thành thời gian tập sự theo quy định (Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP): + 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại C; + 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại D; + Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự. + Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự. Trên đây là thủ tục hành chính bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự. Xem thêm bài viết liên quan: Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự.
Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự
Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự là thủ tục hành chính nội bộ được Bộ Nội vụ công bố tại Quyết định 507/QĐ-BNV năm 2023 công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ. Trình tự thực hiện bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự - Người tập sự phải báo cáo kết quả tập sự bằng văn bản theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. - Người hướng dẫn tập sự nhận xét, đánh giá kết quả tập sự đối với người tập sự bằng văn bản. Cách thức thực hiện bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Trực tiếp Thành phần, số lượng hồ sơ thực hiện bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự: Không quy định. Thời hạn giải quyết bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của người tập sự và nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự. Trường hợp người tập sự đạt yêu cầu, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định theo thẩm quyền hoặc có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương cho viên chức được tuyển dụng. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người được trúng tuyển, đã hết thời gian tập sự. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hoặc Quyết định xếp lương. Yêu cầu điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: - Hoàn thành chế độ tập sự theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP cụ thể như sau: + 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng; + 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng; + 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp. - Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự. - Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự. - Trường hợp viên chức được miễn tập sự: Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp viên chức được miễn tập sự: không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm. Trên đây là thủ tục hành chính bổ nhiệm vào ngạch viên chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự. Xem thêm bài viết liên quan: Thủ tục bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự.
Cử nhân Luật có thể trở thành Điều tra viên hình sự được không?
Với tấm bằng cử nhân Luật, nhiều người thắc mắc liệu rằng cử nhân luật có thể trở thành điều tra viên hình được sự được không? Bởi vì đây là một vị trí đòi hỏi kỹ năng phân tích và điều tra chuyên sâu. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tiêu chuẩn để trở thành điều tra viên hình sự Trong xã hội hiện đại, ngành luật luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý và đảm bảo quyền lợi của mọi người. Cử nhân Luật là những người đã hoàn thành chương trình đào tạo đại học về ngành Luật, được trang bị kiến thức về pháp luật và kỹ năng làm việc liên quan đến lĩnh vực này. Điều tra viên là ai? Vậy một cử nhân Luật có đủ điều kiện để đảm nhận vai trò này? (1) Điều tra viên hình sự là ai? Căn cứ Điều 45 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định như sau: Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ Điều tra hình sự trong các vụ án. Điều tra viên gồm có các ngạch sau đây: - Thứ nhất: Điều tra viên sơ cấp. - Thứ hai: Điều tra viên trung cấp. - Thứ ba: Điều tra viên cao cấp. Như vậy, điều tra viên là những người được bổ nhiệm làm nhiệm vụ điều tra các vụ án theo đúng quy định của pháp luật. (2) Cử nhân Luật có thể trở thành Điều tra viên hình sự được không? Theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều tra viên phải đáp ứng các điều kiện về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng chuyên môn cần thiết. Theo Điều 46 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về tiêu chuẩn làm điều tra viên hình sự như sau: - Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. - Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. - Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015. - Đã được đào tạo về nghiệp vụ Điều tra. - Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Như vậy, cử nhân luật có thể trở thành điều tra viên hình sự khi đáp ứng các tiêu chuẩn chung về thời gian công tác, chuyên môn nghiệp vụ và sức khỏe. Bên cạnh đó, cử nhân Luật muốn trở thành điều tra viên hình sự còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng tùy vào ngạch Điều tra viên hình sự được bổ nhiệm. (3) Muốn được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp cần đáp ứng các tiêu chuẩn gì? Theo Điều 47 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp như sau: Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 46 của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, là sĩ quan Công an nhân dân tại ngũ, sĩ quan Quân đội nhân dân tại ngũ, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân và có đủ các Điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp: - Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên. - Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng. - Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp. Như vậy, muốn được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp, người có mong muốn phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn tại Điều 46 và thỏa mãn các điều kiện về thời gian công tác pháp luật từ 04 năm trở lên, có năng lực nghiệp vụ và trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp. Tóm lại, cử nhân luật có thể trở thành Điều tra viên hình sự khi đáp ứng các điều kiện về thời gian công tác pháp luật, đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và có sức khỏe. Bên cạnh đó, muốn trở thành điều tra viên hình sự còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng tùy vào ngạch Điều tra viên hình sự được bổ nhiệm.
Học ngành gì để làm Thừa phát lại? Thừa phát lại thuộc cơ quan nào?
Thừa phát lại là người thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định. Vậy, học ngành gì để làm Thừa phát lại? Học ngành gì để làm Thừa phát lại? Theo Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại như sau: - Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt. - Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật. - Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật. - Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 Nghị định 08/2020/NĐ-CP. - Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại. Như vậy, muốn làm thừa phát lại thì phải có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật. Đồng thời, phải có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên sau khi tốt nghiệp, phải được đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại và đạt kiểm tra kết quả tập sự hành nghề. Đăng ký học đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại như thế nào? Theo Điều 7 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại và công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài như sau: 1) Đăng ký học đào tạo - Người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP được tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. - Hồ sơ đăng ký: 01 bộ bao gồm: + Giấy đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/28/giay-dang-ky-tham-gia-khoa-dao-tao-nghe-thua-phat-lai.doc Mẫu giấy đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại ( Mẫu TP-TPL-01-sđ Thông tư 03/2024/TT-BTP) + Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật để đối chiếu. 2) Đăng ký học bồi dưỡng - Đối tượng sau đây được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại: + Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; + Luật sư, công chứng viên đã hành nghề từ 05 năm trở lên; + Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; + Người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; + Người đã là thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; + Người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự. - Mặc dù được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại nhưng các đối tượng trên phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp. - Hồ sơ đăng ký: 01 bộ bao gồm: + Giấy đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/28/giay-dang-ky-tham-gia-khoa-dao-tao-nghe-thua-phat-lai.doc Mẫu giấy đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại ( Mẫu TP-TPL-01-sđ Thông tư 03/2024/TT-BTP) + Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại để đối chiếu. 3) Lộ trình đào tạo, bồi dưỡng - Đối tượng học đào tạo nộp hồ sơ đăng ký đào tạo, đối tượng học bồi dưỡng nộp hồ sơ đăng ký bồi dưỡng. Nộp trực tiếp hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Học viện Tư pháp. Học viện Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đăng ký và thông báo danh sách người đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo, khóa bồi dưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai giảng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do - Thời gian đào tạo nghề Thừa phát lại là 06 tháng; thời gian bồi dưỡng nghề Thừa phát lại là 03 tháng. - Người hoàn thành khóa đào tạo được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề Thừa phát lại; người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại. Như vậy, nếu thuộc đối tượng được miễn đào tạo thì vẫn phải học bồi dưỡng hành nghề Thừa phát lại. Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, người học sẽ được cấp Chứng chỉ hoặc Giấy chứng nhận và bắt đầu tập sự hành nghề Thừa phát lại. Thừa phát lại thuộc cơ quan nào? Theo Điều 66 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Chính phủ như sau: - Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Thừa phát lại. - Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước về Thừa phát lại, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: + Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về Thừa phát lại; + Hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, thanh tra về Thừa phát lại; + Bồi dưỡng, đào tạo nghề Thừa phát lại; + Ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; + Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Thừa phát lại; + Giải quyết khiếu nại, tố cáo về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật; + Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Như vậy, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước về Thừa phát lại và có quyền bổ nhiệm lại Thừa phát lại.
Năm 2024 bổ nhiệm công chức lãnh đạo từ nhân sự ngoài cơ quan được không?
Sắp tới đây, ngày 01/5/2024, Nghị định 29/2024/NĐ-CP sẽ có hiệu lực. Đây là nghị định mới, quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Vậy, năm 2024 thì có được bổ nhiệm chức danh công chức lãnh đạo từ nguồn bên ngoài cơ quan được không? Công chức lãnh đạo bao gồm những chức danh nào? Theo Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024 quy định về đối tượng áp dụng, theo đó có thể liệt kê công chức lãnh đạo bao gồm những chức danh sau: - Đối với Bộ: + Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thứ trưởng); + Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ (sau đây gọi chung là Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ); + Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Phó Chánh Thanh tra Bộ (sau đây gọi chung là Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ); + Trưởng phòng thuộc Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; Chánh Văn phòng Cục thuộc Bộ, Chánh Thanh tra Cục, Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Bộ (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ); + Phó Trưởng phòng thuộc Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; Phó Chánh Văn phòng Cục thuộc Bộ, Phó Chánh Thanh tra Cục, Phó Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Bộ (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ); + Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ; + Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ. - Đối với Tổng cục và tương đương thuộc Bộ: + Tổng cục trưởng và tương đương; + Phó Tổng cục trưởng và tương đương; + Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Tổng cục (sau đây gọi chung là Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục); + Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng, Phó Chánh Thanh tra Tổng cục (sau đây gọi chung là Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục); + Trưởng phòng thuộc Cục, Văn phòng, Thanh tra Tổng cục; Chánh Văn phòng Cục thuộc Tổng cục, Chi Cục trưởng thuộc Cục thuộc Tổng cục (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục); + Phó Trưởng phòng thuộc Cục, Văn phòng, Thanh tra Tổng cục; Phó Chánh Văn phòng Cục thuộc Tổng cục, Phó Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Tổng cục (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục); + Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục; + Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục. - Đối với Sở và tương đương: + Giám đốc Sở, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Giám đốc Sở và tương đương); + Phó Giám đốc Sở, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Phó Giám đốc Sở và tương đương); + Chi cục trưởng, Trưởng Ban, Trưởng phòng thuộc Sở; Trưởng phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Trưởng phòng thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Văn phòng Sở, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng thuộc Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở); + Phó Chi cục trưởng, Phó Trưởng Ban, Phó Trưởng phòng thuộc Sở; Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chánh Văn phòng Sở, Phó Chánh Thanh tra Sở, Phó Trưởng phòng thuộc Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở); + Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục, Ban thuộc Sở (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở); + Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục, Ban thuộc Sở (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở). - Đối với cấp phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: + Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Trưởng phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Trưởng phòng và tương đương thuộc huyện); + Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Phó Trưởng phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc huyện). - Chức vụ, chức danh quy định trên được xác định theo cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức đó theo quy định của pháp luật. Chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được xác định theo tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó và được tính là tương đương với chức vụ, chức danh phù hợp theo cấp quản lý hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền. - Chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Tổng cục và tương đương thuộc Bộ, Sở và tương đương, cấp phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện áp dụng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 29/2024/NĐ-CP. - Chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Đảng và của pháp luật chuyên ngành; áp dụng quy định tại Nghị định này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Theo đó, năm 2024 chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước sẽ bao gồm những chức danh trên. Đối với từng chức danh sẽ có những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng. Năm 2024 bổ nhiệm công chức lãnh đạo từ nhân sự ngoài cơ quan được không? Theo điểm b Khoản 4 Điều 8 Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định về kinh nghiệm công tác đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, trong đó trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài được quy định như sau: - Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác không có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định; - Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức không có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này; - Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này hoặc bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định; Như vậy, Nghị định 29/2024/NĐ-CP có quy định về các tiêu chuẩn khi bổ nhiệm công chức lãnh đạo từ nguồn bên ngoài cơ quan. Có nghĩa là, vẫn có thể bổ nhiệm công chức lãnh đạo từ nguồn bên ngoài. Theo đó, năm 2024 công chức là nhân sự ngoài cơ quan thì phải đảm bảo được thời gian công tác theo quy định đối với từng chức danh. Xem thêm: Nghị định 29/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp có thẩm quyền gì trong việc bổ nhiệm công chức của các đơn vị thuộc Bộ?
Ngày 01 tháng 8 năm 2023, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành Quy định 117-QĐ/BCSĐ năm 2023 về phân công, phân cấp quản lý tổ chức cán bộ của Bộ Tư pháp do Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp có những thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái,... đối với công chức của các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư Pháp quy định như sau Các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính thuộc Bộ Tư Pháp bao gồm Theo khoản 2 Điều 1 Quy định 117-QĐ/BCSĐ 2023 các đơn vị hành chính thuộc Bộ, bao gồm: Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Văn phòng Ban cán sự đảng. Các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: - Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ nhóm 1); - Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ nhóm 2); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ nhóm 4); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục nhóm 1); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục nhóm 2); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục nhóm 3); - Đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục nhóm 4). Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Bộ Tư pháp. Thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc quản lý sử dụng công chức tại đơn vị thuộc Bộ Theo khoản 2 Điều 12 Quy định 117-QĐ/BCSĐ 2023 Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, giới thiệu ứng cử, cho thôi giữ chức vụ, tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với lãnh đạo cấp Vụ và tương đương của các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, trừ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; lãnh đạo cấp Phòng và tương đương của đơn vị hành chính (trừ Cục) do Bộ trưởng phụ trách; - Quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức là Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương trở xuống giữa các đơn vị hành chính thuộc Bộ; từ cơ quan thi hành án dân sự đến đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; từ đơn vị hành chính thuộc Bộ đến đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cơ quan thi hành án dân sự hoặc các cơ quan, tổ chức ngoài Bộ; viên chức là Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, từ đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đến đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan thi hành án dân sự; viên chức là Lãnh đạo cấp Phòng và tương đương trở xuống giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3 vả nhóm 4; từ đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3, nhóm 4 đến đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 1, nhóm 2 và đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục/Cục; từ đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục đến đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; - Phê duyệt chủ trương bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, cho thôi giữ chức vụ, tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với lãnh đạo đơn vị sự nghiệp thuộc Cục do Bộ trưởng phụ trách; lãnh đạo cấp phòng và tương đương của đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3 và nhóm 4 do Bộ trưởng phụ trách; - Phê duyệt chủ trương điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với: Viên chức từ Lãnh đạo cấp Phòng và tương đương trở xuống từ đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 1, nhóm 2 đến đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhóm 3, nhóm 4 và đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục/Cục; - Quyết định công nhận Hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; công nhận, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội theo quy định; - Quyết định thành lập Hội đồng trường; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, các thành viên Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Luật theo quy định. Trên đây, là một số quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái,... đối với công chức của các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ theo Quy định 117-QĐ/BCSĐ năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/08/2023.
Người nào sẽ dùng sơ yếu lý lịch Mẫu 2C/TCTW-98 và cách điền mới nhất
Hiện nay sơ yếu lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức thường được khai theo Mẫu 2C/TCTW-98. Vậy mẫu này được lấy từ đâu và cách ghi mới nhất 2024 như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những vấn đề trên. Mẫu 2C/TCTW-98 là gì? Mẫu 2C/TCTW-98 là biểu mẫu do Ban Tổ chức Trung ương ban hành. Đây là phiếu thông tin đầu vào, sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng song song cùng mẫu 2C-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định 02/2008/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ Mẫu 2C/TCTW-98 thường dùng khi cán bộ, công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm lãnh đạo… Tải sơ yếu lý lịch Mẫu 2C/TCTW-98 Mẫu 2C/TCTW-98: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/18/2C-TCTW-98.doc Mẫu 2C-BNV/2008: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/18/mau-2c-bnv.doc Hướng dẫn cách điền Mẫu 2C/TCTW-98 mới nhất 2024 Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của luật về cách điền Mẫu 2C/TCTW-98 cũng như Mẫu 2C-BNV/2008, tuy nhiên người đọc có thể điền như sau: 1) Họ và tên khai sinh: viết chữ in hoa đúng với họ và tên trong giấy khai sinh. 2) Tên gọi khác: là tên gọi khác hoặc bí danh khác đã dùng trong hoạt động cách mạng, trong lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật.. (nếu có). 3) Sinh ngày: ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh. Giới tính: giới tính của cán bộ, công chức là Nam hoặc Nữ. 4) Nơi sinh: tên xã (hoặc phường, thị trấn), huyện (hoặc quận, thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương) nơi cán bộ, công chức được sinh ra (ghi đúng như trong giấy khai sinh). Nếu có thay đổi địa danh đơn vị hành chính thì ghi , nay là . 5) Quê quán: nơi sinh của cha đẻ hoặc ông nội của cán bộ, công chức. Trường hợp đặc biệt có thể ghi theo quê quán của mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ cha, mẹ đẻ). Ghi rõ tên xã (hoặc phường, thị trấn), huyện (quận hoặc thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương). 6) Dân tộc: tên dân tộc của cán bộ, công chức theo quy định của Nhà nước như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Ê đê, Kh'me, ... 7) Tôn giáo: Cán bộ, công chức đang theo tôn giáo nào thì ghi tên tôn giáo đó như: Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Cao đài, Hòa hảo,... Nếu không theo tôn giáo nào, thì không được bỏ trống mà khi là "Không". 8) Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: đầy đủ số nhà, đường phố, thành phố hoặc xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú. 9) Nơi ở hiện nay: đầy đủ số nhà, đường phố, thành phố hoặc xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh nơi mình đang ở hiện tại. 10) Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: đã làm nghề gì để kiếm sống trước khi được tuyển dụng. Nếu chưa có nghề, sống phụ thuộc vào gia đình, thì ghi cụ thể là "không nghề nghiệp". 11) Ngày tuyển dụng: ngày, tháng, năm công chức có quyết định tuyển dụng và tên cơ quan ban hành quyết định tuyển dụng (ngày được bổ nhiệm, phê chuẩn đối với cán bộ). 12) Chức danh (chức vụ) hiện tại: chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chức danh công việc chính hiện tại đang được phân công đảm nhiệm về chính quyền (hoặc Đảng, đoàn thể, kể cả chức vụ kiêm nhiệm). 13) Công việc chính được giao: cụ thể tên công việc chính được phân công đảm nhiệm. 14) Ngạch công chức: ghi rõ ngạch công chức Mã ngạch: ghi rõ mã ngạch Ghi rõ bậc lương, hệ số lương và ngày/tháng/năm được hưởng lương. Ghi rõ hệ số phụ cấp chức danh (chức vụ) hoặc phụ cấp khác (nếu có). 15.1) Trình độ giáo dục phổ thông: đã tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông nào. Ví dụ: Lớp 10/10 (đối với những người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm); Lớp 12/12 (đối với những người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm). 15.2) Trình độ chuyên môn cao nhất: trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo, bồi dưỡng tại thời điểm kê khai như: Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp... thuộc chuyên ngành đào tạo nào. Ví dụ: đối với những người có nhiều văn bằng đào tạo như: có bằng kỹ sư, có bằng cử nhân, có bằng thạc sĩ, có bằng tiến sĩ thì chỉ kê khai trình độ chuyên môn cao nhất hiện tại là: Tiến sĩ + chuyên ngành đào tạo. 15.3) Lý luận chính trị: trình độ lý luận chính trị cao nhất đã được đào tạo, bồi dưỡng như: Cử nhân, cao cấp, trung cấp, sơ cấp. 15.4) Quản lý nhà nước: chứng chỉ đào tạo; chứng chỉ bồi dưỡng theo ngạch công chức như: chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên; cán sự. Chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh công chức lãnh đạo như: Cấp Phòng và tương đương, cấp Sở và tương đương, cấp Vụ và tương đương, Thứ trưởng và tương đương; Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh; chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; chứng chỉ bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. 15.5) Trình độ ngoại ngữ: - Đối với cán bộ, công chức có chứng chỉ ngoại ngữ, thì ghi tên ngoại ngữ + trình độ đào tạo theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT. - Trường hợp đã có bằng ngoại ngữ từ trình độ cử nhân trở lên thì ghi tên văn bằng + tên ngoại ngữ. Ví dụ như: Cử nhân Pháp văn, Thạc sĩ Anh văn, ... 15.6) Trình độ tin học: trình độ tin học cao nhất phù hợp với văn bằng, chứng chỉ của viên chức được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cấp theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin với 15 kỹ năng ban hành kèm theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT. 16) Ngày vào Đảng cộng sản Việt Nam: ngày, tháng, năm được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam; ngày, tháng, năm được công nhận Đảng viên chính thức (nếu có). Nếu kết nạp Đảng lần thứ 2 mà tuổi Đảng được tính liên tục thì ngày vào Đảng tính từ lần thứ nhất. Trường hợp tuổi Đảng không được tính liên tục thì ghi ngày vào Đảng lần thứ 2. 17) Ngày tham gia tổ chức chính trị - xã hội: ngày, tháng, năm tham gia tổ chức chính trị, chính trị - xã hội như: Đoàn, Hội, ... đồng thời ghi rõ làm việc gì trong tổ chức đó. 18) Ngày nhập ngũ: ngày, tháng, năm đi bộ đội, công an và ngày xuất ngũ. Ghi rõ quân hàm hoặc chức vụ cao nhất trong quân đội, công an (nếu có). Nếu có thời gian tái ngũ, thì ghi thêm ngày tái ngũ bên cạnh ngày nhập ngũ. 19) Danh hiệu được phong tặng cao nhất: danh hiệu anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú, ... (nếu có) và năm được phong tặng. 20) Sở trường công tác: làm việc gì thì thích hợp nhất, có hiệu quả nhất (công tác Đảng, đoàn thể; quản lý kinh tế, hành chính, doanh nghiệp; sở trường nghiên cứu về,..., giảng dạy về,...; nghệ nhân gì, viết văn, họa sĩ, ca sĩ, diễn viên, vận động viên,...). 21) Khen thưởng: hình thức khen thưởng cao nhất (như Giấy khen, Bằng khen, Vinh dự được nhà nước phong tặng, Huy chương, Huân chương), vào năm nào 22) Kỷ luật: cụ thể hình thức kỷ luật cao nhất (như Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (hạ ngạch công chức), cách chức, buộc thôi việc) về đảng, chính quyền hoặc đoàn thể, năm nào. 23) Tình trạng sức khỏe: tình trạng sức khỏe bản thân hiện tại (tốt, trung bình, kém); có bệnh gì mãn tính, ghi rõ chiều cao cơ thể, ghi rõ cân nặng cơ thể và nhóm máu gì. 24) Là thương binh hạng: là thương binh hạng mấy trên mấy (nếu có). Trường hợp là con gia đình thuộc diện chính sách, thì ghi rõ là con thương binh, con liệt sĩ, con người nhiễm chất độc da cam Dioxin,... 25) Số chứng minh nhân dân: số chứng minh nhân dân/căn cước công dân và ngày cấp. 26) Sổ bảo hiểm xã hội (Sổ BHXH): số sổ bảo hiểm xã hội đã và đang tham gia đóng bảo hiểm cho đến thời điểm khai hồ sơ lý lịch. 27) Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vu, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học: tên trường, chuyên ngành được đào tạo, bồi dưỡng; trong khoảng thời gian nào; hình thức đào tạo là gì, được cấp văn bằng, chứng chỉ ra sao. 28) Tóm tắt quá trình công tác: ghi theo trình tự thời gian “Từ tháng/năm đến tháng/năm”: Chức danh, chức vụ, đơn vị công tác (đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội) kể cả thời gian được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, … 29) Đặc điểm lịch sử bản thân: Khai rõ: bị bắt, bị tù (từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, ở đâu?), đã khai báo cho ai, những vấn đề gì? Bản thân có làm việc trong chế độ cũ (cơ quan, đơn vị nào, địa điểm, chức danh, chức vụ, thời gian làm việc…): - Tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài (làm gì, tổ chức nào, đặt trụ sở ở đâu ..?): - Có thân nhân (Cha, Mẹ, Vợ, Chồng, con, anh chị em ruột) ở nước ngoài (làm gì, địa chỉ …)? 30) Quan hệ gia đình: + Về bản thân: Cha, Mẹ, Vợ (hoặc chồng), các con, anh chị em ruột + Về bên vợ (hoặc chồng): Cha, Mẹ, anh chị em ruột >> Nêu rõ Mối quan hệ, Họ và tên, Năm sinh, Quê quán, nghề nghiệp, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác, học tập, nơi ở (trong, ngoài nước); thành viên các tổ chức chính trị - xã hội …?) 31) Diễn biến quá trình lương của cán bộ, công chức: Ghi theo thời gian Tháng/năm, mã số, bậc lương, hệ số lương. 32) Nhận xét, đánh giá của cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức. Trên đây là thông tin về Sơ yếu lý lịch Mẫu 2C/TCTW-98 và hướng dẫn cách điền mẫu này mới nhất năm 2024. Người đọc có thể thực hiện theo để đảm bảo lý lịch được ghi một cách đầy đủ và chính xác nhất.
Việc bổ nhiệm Cán bộ điều tra hình sự thuộc Công an nhân dân do ai quy định?
Việc bổ nhiệm Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do ai quy định? Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân cần đáp ứng các tiêu chuẩn nào? Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân gồm những cơ quan nào? Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân gồm những cơ quan được nêu tại Điều 5 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, cụ thể gồm các cơ quan sau: - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh). - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện). Việc bổ nhiệm Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do ai quy định? Theo điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có quy định "Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định;" Như vậy, việc bổ nhiệm Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân sẽ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân cần đáp ứng các tiêu chuẩn nào? Tại điểm a khoản 1 khoản 1 Điều 59 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có quy định: "Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 46 của Luật này có thể được bổ nhiệm làm Cán bộ Điều tra để giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động Điều tra hình sự;" Chiếu theo quy định này thì Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân cần đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 46 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, cụ thể gồm các tiêu chuẩn sau: - Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. - Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. - Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này. - Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an trong công tác điều tra được quy định ra sao? Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an trong công tác điều tra được quy định tại Điều 65 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 cụ thể gồm các trách nhiệm sau: - Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Điều tra hình sự để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do Bộ Công an phụ trách. - Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Điều tra hình sự. - Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về Điều tra hình sự. - Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về Điều tra hình sự trái với quy định của Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Luật này và pháp luật khác có liên quan. - Chủ trì, phối hợp ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về Điều tra hình sự. - Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân; trang bị phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ làm công tác Điều tra trong Công an nhân dân; bồi dưỡng, huấn luyện, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra; tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học về công tác Điều tra hình sự. - Quản lý cơ sở dữ liệu về Điều tra hình sự. - Thực hiện chế độ báo cáo về công tác Điều tra hình sự theo quy định của Chính phủ. - Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về Điều tra theo quy định của pháp luật.
Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương
Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. 1. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý Căn cứ Điều 9 Thông tư 46/2023/TT-BCT hướng dẫn Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành: - Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý + Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để đảm nhận công việc; + Có thời gian công tác trong ngành công thương hoặc lĩnh vực liên quan từ 3 năm trở lên; + Có trình độ từ đại học trở lên; + Là công chức hoặc viên chức; + Không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật hoặc trong thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật; + Đủ tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý (đối với trường hợp bổ nhiệm mới) và đáp ứng đủ thời gian còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng quản lý (đối với trường hợp thay thế thành viên Hội đồng quản lý); + Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập. - Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý + Đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý; + Đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn như người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền; + Chủ tịch Hội đồng quản lý không đồng thời là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. 2. Miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý Căn cứ Điều 10 Thông tư 46/2023/TT-BCT hướng dẫn Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành: Miễn nhiệm thành viên của Hội đồng quản lý nếu thuộc một trong các trường hợp sau: + Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; + Không đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ làm việc để điều trị bệnh quá 06 tháng mà khả năng lao động chưa phục hồi; + Bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật; + Có các vi phạm khác đã quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý; + Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật hoặc của Đảng. 3. Kiện toàn Hội đồng quản lý Căn cứ Điều 11 Thông tư 46/2023/TT-BCT hướng dẫn Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành: - Kiện toàn Hội đồng quản lý theo nhiệm kỳ Trước khi hết nhiệm kỳ 03 (ba) tháng, Chủ tịch Hội đồng quản lý triệu tập hợp Hội đồng quản lý, đề xuất cơ quan quản lý cấp trên kiện toàn Hội đồng quản lý nhiệm kỳ kế tiếp. - Kiện toàn thành viên Hội đồng quản lý trong nhiệm kỳ Trường hợp Hội đồng quản lý bị khuyết thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản lý triệu tập hợp Hội đồng quản lý để lựa chọn thành viên thay thế, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Trường hợp Hội đồng quản lý khuyết Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Chủ tịch hoặc Thư ký Hội đồng quản lý báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm nhân sự Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định. Trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng quản lý cùng bị khuyết, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng quản lý. Như vậy, Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý được quy định tại Chương III Thông tư 46/2023/TT-BCT.
Hướng dẫn việc bổ nhiệm và xếp lương đối với giáo viên dự bị đại học
Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học là gì? Các trường hợp nào được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học? Cách xếp lương cụ thể đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học như thế nào? 1. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học Ngày 28/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học. Theo đó, nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học được quy định tại Điều 7 Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT cụ thể như sau: - Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT. - Khi bổ nhiệm từ chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. - Không căn cứ vào trình độ được đào tạo để bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển đối với giáo viên dự bị đại học mới được tuyển dụng. 2. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học Hiện nay, các trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học được quy định tại Điều 8 Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT cụ thể như sau: - Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học theo quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BNV, Thông tư 30/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 07/2018/TT-BNV nay được xếp hạng chức danh nghề nghiệp tương đương theo quy định tại Điều 2 Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT. - Các quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học theo Thông tư số Thông tư 06/2017/TT-BNV, Thông tư 30/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 07/2018/TT-BNV tiếp tục được sử dụng và không cần phải ban hành quyết định thay thế. 3. Cách xếp lương Cách xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT cụ thể như sau: - Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau: + Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số V.07.07.19) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; + Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; + Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I (mã số V.07.07.17) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78. - Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ. Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2024 và thay thế cho Thông tư 30/2017/TT-BGDĐT.
Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh?
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức ra sao? Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh? Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được quy định thế nào? Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được quy định tại tiểu mục 3 Mục III Phụ lục 01 ban hành kèm theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiễm, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân kèm theo Quyết định 400/QĐ-VKSTC năm 2021 quy định như sau: Bước 1: Căn cứ nhu cầu công tác của đơn vị, quy hoạch đã được phê duyệt, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ có trách nhiệm rà soát, tham mưu trình Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh họp, thảo luận và thống nhất (Nghị quyết) về chủ trương, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, nguồn nhân sự để kiện toàn lãnh đạo đơn vị. Bước 2: Trên cơ sở ý kiến của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh về chủ trương, số lượng và dự nguồn nhân sự; Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh mở hội nghị để thảo luận, thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự trong quy hoạch, đáp ứng được cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm bằng phiếu kín. Bước 3: Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, lãnh đạo Đảng ủy cơ quan, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Bước 4: Trên cơ sở kết quả bước 3, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh mở hội nghị để tham gia ý kiến và lấy phiếu tín nhiệm. Bước 5: Trên cơ sở kết quả của bước 1, 2, 3, 4, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo Đảng ủy cơ quan, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ họp nhận xét, đánh giá và giới thiệu nhân sự (Nghị quyết) về việc bổ nhiệm. Dự kiến phân công người được bổ nhiệm. Trước khi thảo luận phải lấy ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Đảng ủy hoặc Đảng ủy cơ quan (những nơi không có Ban Thường vụ) đối với nhân sự được đề nghị bổ nhiệm. Phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị, xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có). Nhân sự được tín nhiệm, lãnh đạo đơn vị xây dựng hồ sơ bổ nhiệm theo quy định. Căn cứ Nghị quyết của Ban cán sự đảng, phòng Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ, tham mưu trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền. Đơn vị quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phòng theo nhóm hoặc khối đơn vị thì khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, nhân sự đưa ra hội nghị cũng theo nhóm hoặc khối đã quy hoạch. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nhận xét, đánh giá nhân sự nổi trội trong số quy hoạch để lựa chọn (có số dư) giới thiệu ra hội nghị để lấy phiếu tín nhiệm và chịu trách nhiệm về nhận xét, đánh giá nhân sự theo quy định. Lưu ý: Nếu nhân sự được giới thiệu có ý kiến xin rút không thực hiện quy trình bổ nhiệm ở bước nào thì Ban cán sự đảng phải xem xét, quyết định ở bước đó tại hội nghị. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức ra sao? Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 46 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, cụ thể bộ máy tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm có: - Ủy ban kiểm sát; - Văn phòng; - Các phòng và tương đương. Cũng theo quy định này, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác. Tóm lại, quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được thực hiện như trên.
Bộ Xây dựng đề xuất quy định về Hội đồng quản lý trong ĐVSN công lập
Bộ Xây dựng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực xây dựng. Theo thông tin đăng trên Cổng TTĐT Chính phủ, Dự thảo nêu rõ, Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. (1) Cơ cấu, nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Theo dự thảo, cơ cấu của Hội đồng quản lý gồm: - Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); - Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; - Viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; - Đại diện tổ chức, đơn vị liên quan. Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các Thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Chủ tịch Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn, bổ nhiệm từ đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập. Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có), Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm. (2) Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản lý Dự thảo nêu rõ, thành viên Hội đồng quản lý phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và ý thức kỷ luật tốt; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao; có trình độ từ đại học trở lên; không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật hoặc trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật; độ tuổi đảm bảo để đủ tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ (05 năm). Chủ tịch Hội đồng quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản lý; có kinh nghiệm quản lý hoặc chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. (3) Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Theo dự thảo, Chủ tịch Hội đồng quản lý ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trên cơ sở nội dung đã được phê duyệt tại hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý. Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý gồm các nội dung chủ yếu sau: Các quy định chung; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý; số lượng, cơ cấu, nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý; cơ chế hoạt động của Hội đồng quản lý; nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý; bổ nhiệm, bổ sung, thay thế, miễn nhiệm, kỷ luật thành viên Hội đồng quản lý; mối quan hệ công tác; các quy định khác bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng quản lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, Hội đồng quản lý thông qua quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý gửi xin ý kiến cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý trước khi quyết định ban hành. Theo Cổng TTĐT Chính phủ
Những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại
Thừa phát lại và công việc của Thừa phát lại hiện nay không còn là khái niệm xa lạ đối với mọi người. Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện các công việc theo quy định. Vậy những trường hợp nào không được bổ nhiệm Thừa phát lại? 1. Quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại Theo Điều 16 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại được quy định như sau: - Trung thực, khách quan khi thực hiện công việc. - Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại. - Chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình. - Không đồng thời hành nghề tại 02 hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại. - Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. - Mặc trang phục Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, đeo Thẻ Thừa phát lại khi hành nghề. - Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có); chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của Văn phòng Thừa phát lại nơi mình đang hành nghề và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là thành viên. - Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. 2. Những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại Những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại được quy định tại Điều 11 Nghị định 08/2020/NĐ-CP cụ thể như sau: - Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự. - Người đã được bổ nhiệm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá. - Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân. - Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích. - Người quy định tại khoản 3 Điều này bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành. - Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó. - Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó. - Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc. 3. Tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại Theo Điều 12 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Sở Tư pháp nơi Thừa phát lại hành nghề ra quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại trong các trường hợp sau đây + Thừa phát lại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; + Thừa phát lại đang bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính. - Thời gian tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại không quá 12 tháng. - Sở Tư pháp quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại trước thời hạn trong các trường hợp sau đây: + Có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc bản án đã có hiệu lực của Tòa án tuyên Thừa phát lại không có tội; + Thừa phát lại không còn bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính. - Quyết định tạm đình chỉ, quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại được gửi cho Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại nơi Thừa phát lại làm việc, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh), Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và Bộ Tư pháp. Như vậy, Thừa phát lại đã xác lập được vị trí nhất định trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân và cơ quan Nhà nước lựa chọn. Tuy nhiên nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì một người sẽ không được bổ nhiệm làm Thừa phát lại.