Ngoài thời gian học tập tại trường, nhiều sinh viên đi làm part time để kiếm thêm thu nhập cho mình. Như vậy, khi làm part time có cần phải ký hợp đồng lao động hay không? Làm thế nào để nhân viên bảo vệ quyền lợi của chính mình?
Công việc part time là gì?
Bán thời gian hay còn được gọi là part time có nghĩa là một hoạt động hay công việc nào đó chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn hơn số giờ thông thường.
Tại Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Như vậy, công việc part time tức là công việc công việc nào đó không nằm trong khoảng giờ làm việc hành chính (8 tiếng 1 ngày). Thường là những công việc có ca dưới 6 tiếng 1 ngày và giờ làm của mỗi ca làm có thể giống và khác nhau để phù hợp với đối tượng mà người tuyển dụng muốn thuê.
Chính vì tính chất linh hoạt của những công việc part time mà đối tượng chính của nó sẽ là các bạn sinh viên muốn đi làm thêm để có thu nhập ngoài giờ học hay những bà mẹ bỉm sữa không có nhiều thời gian vì bận trông con.
Sinh viên làm part time có phải ký hợp đồng lao động không?
Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
- Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
- Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Tại Điều 13 Bộ Luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động như sau:
- Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
- Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
- Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Như vậy, khi làm công việc part time thì sinh viên vẫn được trả tiền lương và vẫn phải chịu sự quản lý, giám sát, điều hành của bên thuê lao động. Đồng thời, vì người làm việc không trọn thời gian bình đẳng về quyền và nghĩa vụ với người làm việc trọn thời gian nên trước khi được nhận vào làm việc thì bên thuê làm việc sẽ phải ký hợp đồng lao động với sinh viên. Nếu người sử dụng lao động không giao kết thì sinh viên phải chủ động đề xuất giao kết hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của mình.
Quy định về tiền lương của người đi làm part time
Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
- Đối với Vùng I, tối thiểu 22.500 đồng/giờ và 4.680.000 đồng/tháng.
- Đối với Vùng II, tối thiểu 20.000 đồng/giờ và 4.160.000 đồng/tháng.
- Đối với Vùng III, tối thiểu 17.500 đồng/giờ và 3.640.000 đồng/tháng.
- Đối với vùng IV, tối thiểu 15.600 đồng/giờ và 3.250.000/tháng.
Người đọc tra cứu tại phụ lục của nghị định này để xem địa bàn của mình đang làm việc thuộc Vùng nào.
Sinh viên là một đối tượng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động, vì vậy cần tìm hiểu ký những quy định của pháp luật, phổ cập cho mình kiến thức về pháp luật lao động để đảm bảo quyền lợi của mình khi bước chân vào thị trường lao động.