Hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước vẫn bố trí cho cán bộ, công chức ngày nghỉ bù thay cho tiền làm thêm giờ. Bài viết dưới đây sẽ phân tích sự bố trí này có đúng quy định Bộ luật lao động 2019 hay không.
Quy định pháp luật lao động về nghỉ bù sau khi làm thêm giờ.
Đến nay, khi Bộ luật lao động 2012 đã hết hiệu lực thi hành, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn căn cứ vào quy định tại Điều 106 của Bộ luật lao động 2012 để bố trí cho người lao động ngày nghỉ bù thay cho tiền làm thêm giờ. Theo Khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động 2012 về làm thêm giờ:
- Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Được sự đồng ý của người lao động;
+ Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
+ Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Như vậy, theo Điều 106 Bộ luật lao động 2012, người lao động sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Đến nay, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, nghĩa vụ bố trí ngày nghỉ bù cho người lao động sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng của người sử dụng lao động không còn được quy định nữa, nên người sử dụng lao động không bắt buộc phải bố trí ngày nghỉ bù cho người lao động trong trường hợp này nữa.
Quy định pháp luật lao động về tiền lương làm thêm giờ.
Bộ luật lao động 2012 và Bộ luật lao động 2019 đều quy định người sử dụng lao động phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động khi bố trí cho người lao động làm thêm giờ. Điều 97 Bộ luật lao động 2012 và Điều 98 Bộ luật lao động 2019 đều bắt buộc người sử dụng lao động trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động như sau:
+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
- Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
- Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày (Bộ luật lao động 2019 bổ sung thêm đoạn “của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết” cuối quy định này).
Như vậy, theo quy định của Bộ luật lao động 2012, người sử dụng lao động khi bố trí cho người lao động làm thêm giờ có hai nghĩa vụ:
(1) Bố trí ngày nghỉ bù cho người lao động sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng;
(2) Trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động 2012.
Theo quy định Bộ luật lao động 2019 đang có hiệu lực thi hành, người sử dụng lao động không cần phải bố trí ngày nghỉ bù cho người lao động sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng nhưng phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 98 Bộ luật này.
Quy định về bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức ngày nghỉ bù thay cho tiền làm thêm giờ:
Hiện nay vẫn có một số cơ quan nhà nước áp dụng chế độ cho nghỉ bù khi làm thêm giờ của Bộ luật lao động 2012, theo Quyết định 566/QĐ-TCT năm 2010 của Tổng cục thuế ban hành về tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần tiếp nhận, giải quyết những thủ tục hành chính thuế, tại Điều 2 có quy định:
“Điều 2. Chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện làm việc:
1. Cán bộ, công chức làm việc vào ngày thứ 7 sẽ được bố trí nghỉ bù vào các ngày khác, đảm bảo làm việc 40 giờ trong tuần theo đúng quy định tại Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ. Nếu đơn vị không bố trí nghỉ bù được thì được hưởng chế độ, chính sách trả lương làm thêm giờ theo chế độ quy định của Nhà nước như sau: (...)”
Theo quy định trên, cán bộ, công chức làm việc vào ngày thứ 7 sẽ được bố trí nghỉ bù vào ngày khác, nếu không bố trí nghỉ bù được thì mới áp dụng chế độ tiền lương làm thêm giờ. Tuy nhiên, văn bản này chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức của cơ quan thuế.
Có thể thấy, chế độ áp dụng ngày nghỉ bù thay cho tiền lương làm thêm giờ trên đang hiểu lầm quy định của Bộ luật lao động 2012 về bố trí ngày nghỉ bù cho người lao động khi sắp xếp người lao động làm thêm giờ. Đúng ra, cơ quan phải vừa chi trả tiền lương làm thêm giờ, vừa bố trí cho người lao động nghỉ bù theo quy định của Bộ luật lao động 2012.
Ngoài ra, căn cứ Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang: Chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Như vậy, khi sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức làm thêm giờ, cơ quan, đơn vị phải thực hiện chế độ trả lương làm thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan, đơn vị được bố trí cho cán bộ, công chức, viên chứ nghỉ bù sau khi làm thêm giờ nhưng không được thay thế tiền lương làm thêm giờ bằng ngày nghỉ bù.