DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phân biệt Tội nhận hối lộ (tình dục) và Tội cưỡng dâm

Avatar

 

Vừa qua, vụ một Phó Chánh án có hành vi nhận hối lộ từ một nữ bị cáo với thỏa thuận sẽ giảm nhẹ hình phạt. Đây là vụ án với những thông tin rất sốc và gây bức xúc trong dư luận xã hội khi người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là một cán bộ trong ngành Tư pháp. 

Theo như vụ án trên, cần phân biệt giữa Tội nhận hối lộ (tình dục) và Tội cưỡng dâm để xác định tội danh cho phù hợp. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan về quy định Tội nhận hối lộ (tình dục) và Tội cưỡng dâm đến bạn đọc.

Cụ thể, vừa qua, Cơ quan có thẩm quyền đã bắt quả tang đối tượng là Phó Chánh án đang nhận tiền hối lộ của một nữ bị cáo tại nhà nghỉ. Theo đó, đối tượng này đã yêu cầu nữ bị cáo trong vụ án hình sự "Trộm cắp tài sản" phải quan hệ tình dục và đưa tiền (100 triệu đồng) thì sẽ cho hưởng án treo. 

Quy định Tội nhận hối lộ (tình dục)

Nhận hối lộ là hành vi của người có chức quyền, lợi dụng chức vụ và quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc “phi vật chất” để làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Lợi ích phi vật chất là lợi ích không quy đổi được thành tiền hay tài sản khác, hành vi nhận hối lộ lợi ích phi vật chất bao trùm cả hành vi “nhận hối lộ tình dục”.

Cụ thể, theo quy định của bộ luật hình sự thì hành vi thỏa thuận quan hệ tình dục với người có chức vụ quyền hạn để người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người quan hệ tình dục thì đây là hành vi đưa hối lộ (hay còn gọi là hối lộ tình dục). Người có chức vụ, quyền hạn quan hệ tình dục với người khác để thực hiện theo yêu cầu của người đã quan hệ tình dục với họ thì sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, tại điểm b khoản 1 điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ:

Người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận Lợi ích phi vật chất cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02-07 năm.

Mức phạt cao nhất cho Tội này là tù chung thân hoặc tử hình. 

nhan-hoi-lo-tinh-duc

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, cũng bị xử lý theo Điều 354 BLHS 2015.

Tương tự điểm b khoản 1 Điều 364 thì điểm b khoản 1 Điều 365 (tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ) cũng quy định người nào đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ bằng lợi ích phi vật chất cũng phải chịu tội. Nếu người nhận hối lộ nhận cả tiền và nhận tình dục thì đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, làm tăng tính chất nghiêm trọng của sự việc và mức chế tài sẽ rất nghiêm khắc.

Như vậy, người đưa, môi giới hoặc nhận “hối lộ tình dục” cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc.

Quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh về phòng, chống tội phạm hối lộ, tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Quy định về Tội cưỡng dâm

Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội cưỡng dâm như sau:

Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt từ từ 01-05 năm.

Mức phạt cao nhất cho tội này là 18 năm phạt tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trong đó:

- Người lệ thuộc là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày...) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng 

- Người đang ở trong tình trạng quẫn bách là trường hợp người bị hại đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách nhưng không tự mình khắc phục được mà cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác. (Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP)

Phân biệt Tội nhận hối lộ (tình dục) và Tội cưỡng dâm

Xét trên khía cạnh pháp lý, hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn do bị ép buộc trong trường hợp này có thể bị xử lý hình sự với người ép buộc về tội cưỡng dâm hoặc tội nhận hối lộ (tình dục).

Theo đó, cần là làm rõ yếu tố tâm lý, lệ thuộc của hai bên, làm rõ hành vi quan hệ tình dục này là tự nguyện hay bị ép buộc, việc quan hệ tình dục đã diễn ra hay chưa? Việc xác minh nhằm làm căn cứ xác định hành vi là nhận hối lộ tình dục hay cưỡng dâm?

Trong trường hợp hành vi quan hệ tình dục chưa diễn ra nhưng hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội nhận hối lộ hoặc tội cưỡng dâm thì vẫn xử lý về các tội danh này nhưng được áp dụng tình tiết là phạm tội chưa đạt. 

Theo đó, để chứng minh được hành vi phạm tội hối lộ tình dục hay cưỡng dâm cần chứng minh được có sự thỏa thuận giữa người đưa và người nhận hối lộ tình dục. Đó không nhất thiết hai bên phải quan hệ tình dục với nhau trong nhà nghỉ, khách sạn mà chỉ cần có sự thống nhất, thỏa thuận về mặt ý chí, có ghi âm, ghi hình, có người làm chứng hoặc các bên thừa nhận... đã chứng minh được hành vi phạm tội này.

Như vậy, người đã quan hệ tình dục với người có chức vụ quyền hạn để yêu cầu họ thực hiện công việc là hành vi đưa hối lộ tình dục. Người thực hiện hành vi hối lộ tình dục sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 364 BLHS 2015, trừ trường hợp hành vi quan hệ tình dục đó là do bị ép buộc. 

Trong trường hợp bị ép buộc, người phạm tội đã lợi dụng tình trạng quẫn bách của nạn nhân để ép nạn nhân phải quan hệ tình dục trái ý muốn thì có thể xét theo Tội cưỡng dâm tại Điều 143 BLHS 2015.

  •  1731
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…