DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Những tỉnh có nhiều hơn 01 thành phố trực thuộc tại Việt Nam và tiêu chí để đạt đô thị loại I

Avatar

 

Dưới đây là nội dung những tỉnh có nhiều hơn 01 thành phố trực thuộc tại Việt Nam, và quy định tiêu chí để đạt đô thị loại I hiện nay.

Những tỉnh có nhiều hơn 01 thành phố trực thuộc tại Việt Nam và tiêu chí để đạt đô thị loại I

Những tỉnh có nhiều hơn 01 thành phố trực thuộc tại Việt Nam hiện nay

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019), thành phố trực thuộc tỉnh là một đơn vị hành chính cấp huyện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiện nay, nước ta có 58 tỉnh thành và 5 thành phố trực thuộc trung ương. Riêng đối với 58 tỉnh thì mỗi tỉnh đều có ít nhất một thành phố trực thuộc (trước năm 2020, Đắk Nông là tỉnh duy nhất chưa có thành phố trực thuộc nào, thị xã Gia Nghĩa của tỉnh này trở thành phố trực thuộc đầu tiên từ năm 2020).

Ngoài một thành phố trực thuộc là tỉnh lỵ (trung tâm hành chính của một tỉnh), có một số tỉnh thành nước có nhiều hơn 1 thành phố trực thuộc hiện nay, và con số các thành phố này vẫn được cập nhật, thay đổi theo từng thời kỳ.

Năm 2024, các tỉnh có nhiều hơn 01 thành phố trực thuộc cụ thể như sau:

- Tỉnh có 05 thành phố: Bình Dương

Sau khi thị xã Bến Cát chính thức lên thành phố vào năm ngày 01/5/2024 theo Nghị quyết 1012/NQ-UBTVQH15 thì Bình Dương chính thức vươn lên đứng đầu với 05 thành phố trực thuộc là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.

- Tỉnh có 04 thành phố:  Quảng Ninh

Với 04 thành phố trực thuộc là Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và Hạ Long. Tỉnh này từng giữ danh hiệu là tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam với 04 thành phố trong vòng 11 năm (từ năm 2012 đến năm 2023).

- Các tỉnh có 03 thành phố: Thái Nguyên, Đồng Tháp và Kiên Giang

+ Thái nguyên gồm có các thành phố Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên.

+ Đồng Tháp gồm có thành phố Cao Lãnh, Thành phố Sa Đéc và Hồng Ngự.

+ Kiên Giang với thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc.

- Các tỉnh có 02 thành phố: Có tất cả 13 tỉnh có 02 thành phố trực thuộc hiện nay

+Vĩnh Phúc (TP.Phúc Yên, TP.Vĩnh Yên)

+ Hải Dương (TP.Chí Linh, TP.Hải Dương)

+ Bắc Ninh (TP.Bắc Ninh, TP.Từ Sơn)

+ Ninh Bình (TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp)

+ Thanh Hóa (TP.Thanh Hóa, TP.Sầm Sơn)

+ Quảng Nam (TP.Tam kỳ, TP.Hội An)

+ Khánh Hòa (TP.Nha Trang, TP.Cam Ranh)

+ Lâm Đồng (TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc)

+ Đồng Nai (TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh)

+ Bà Rịa – Vũng Tàu (TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu)

+ An Giang (TP.Long Xuyên, TP.Châu Đốc)

+ Hậu Giang (TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy)

+ Tiền Giang (TP.Mỹ Tho, TP.Gò Công)

(Danh sách trên được tham khảo tại Trung tâm thông tin dữ liệu đo đạc bản đồ - Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam)

Quy định về tiêu chí để đạt đô thị loại I hiện nay

Theo Điều 4 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, tiêu chí xác định đô thị loại I bao gồm:

 (1) Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:

- Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước;

- Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 (sửa đổi bởi Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15).

(2) Quy mô dân số:

- Đô thị là thành phố trực thuộc trung ương:

+ Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 1.000.000 người trở lên;

+ Quy mô dân số khu vực nội thành đạt từ 500.000 người trở lên;

- Đô thị là thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương:

+ Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 500.000 người trở lên;

+ Quy mô dân số khu vực nội thành đạt từ 200.000 người trở lên.

(3) Mật độ dân số:

- Toàn đô thị đạt từ 2.000 người/km2 trở lên;

- Khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10.000 người/km2 trở lên.

(4) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:

- Toàn đô thị đạt từ 65% trở lên;

- Khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên.

(5) Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị: đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 (sửa đổi bởi Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15).

­­­­­­­­­­­­­­­­__________

Tính đến năm 2024, Việt Nam có 22 đô thị loại I, bao gồm:

- 03 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

- 19 thành phố trực thuộc tỉnh gồm: Thái Nguyên (Thái Nguyên), Nam Định (Nam Định), Việt Trì (Phú Thọ), Hạ Long (Quảng Ninh), Bắc Ninh (Bắc Ninh), Hải Dương (Hải Dương), Thanh Hóa (Thanh Hoá), Vinh (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hoà), Quy Nhơn (Bình Định), Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Pleiku (Gia Lai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang).

Tiêu chuẩn để lên thành phố trực thuộc tỉnh hiện nay

Cụ thể tại Điều 5 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, thành phố thuộc tỉnh phải đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:

- Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên.

- Diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên.

- Đơn vị hành chính trực thuộc:

+ Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên;

+ Tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.

- Đã được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III.

- Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, cụ thể như sau:

+ Cân đối thu chi ngân sách: Dư

+ Thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước (lần): 1,05 lần

+ Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

+ Tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

+ Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế: 80%

+ Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường: 80%.

Như vậy, bài viết trên đã tổng hợp danh sách các tỉnh có nhiều hơn 01 thành phố trực thuộc ở nước ta hiện nay tính đến năm 2024. Cùng với đó là nội dung quy định tiêu chí để đạt thành phố đô thị loại I theo Điều 4 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 và tiêu chí để lên thành phố trực thuộc tỉnh theo Điều 5 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

 

 

  •  591
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…