Không chỉ bản thân mình, mà bạn bè, đồng nghiệp, người thân, người quen…đã từng gặp các trường hợp tin tuyệt đối với các loại giấy tờ này dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười. Thực tế, các loại giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chỉ là một phần, mọi người cần phải hiểu bản chất của việc xác nhận về dấu của cơ quan có thẩm quyền.
Vì vậy, để mình list ra cho các bạn thấy những trường hợp sau đây, đồng thời, có căn cứ pháp lý hẳn hoi về tính chịu trách nhiệm thuộc về ai của từng trường hợp đó, để các bạn nắm rõ mà không phạm sai lầm.
1. Chứng thực sơ yếu lý lịch
Nhiều người hiện nay vẫn hiểu rằng, chứng thực sơ yếu lý lịch là cơ quan chứng thực xác nhận tính đúng, tính hợp pháp của sơ yếu lý lịch, nên phải đến UBND cấp xã nơi cư trú để thực hiện chứng thực.
Nhưng thực tế, chứng thực sơ yếu lý lịch là chứng thực chữ ký, nó có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
Do vậy, việc chứng thực sơ yếu lý lịch được thực hiện tại UBND cấp xã, không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
(Căn cứ Khoản 3 Điều 3, Khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP)
2. Nội dung đăng ký doanh nghiệp
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, đăng ký doanh nghiệp thành công tức là được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh, việc kinh doanh đó là hợp pháp.
Sai rồi nhé, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ có trách nhiệm trong việc xét đến tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (tức về mặt hình thức, đã điền đủ thông tin hay đủ hồ sơ chưa) còn về những sai phạm trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp đó tự chịu trách nhiệm (ví dụ kê khai sai, khai gian thông tin đăng ký doanh nghiệp chẳng hạn)
(Căn cứ Khoản 1 Điều 209 Luật doanh nghiệp 2014)
3. Thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp
Lầm tưởng rằng cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết thủ tục thông báo mẫu con dấu cho doanh nghiệp thì họ đã công nhận hợp pháp mẫu con dấu đó.
Đó là một sai lầm, vì tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 96/2015/NĐ-CP có quy định rằng “Cơ quan đăng ký kinh doanh không chịu trách nhiệm thẩm tra nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục thông báo mẫu con dấu cho doanh nghiệp.”
4. Lập vi bằng trong trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay
Mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay được xem là một trong những giao dịch nguy hiểm và gặp nhiều rủi ro nhất vì không được pháp luật thừa nhận, (nói đúng hơn ở giai đoạn hiện nay là được thừa nhận trong một số trường hợp), và đã không đựơc thừa nhận thì các bên trong giao dịch mua bán này, đặc biệt là người mua khó có thể được pháp luật bảo vệ.
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác (theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP)
Đồng thời, vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Do vậy, trong giao dịch mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay, khi có yêu cầu lập vi bằng thì phía Thừa phát lại chỉ công nhận có việc giao nhận tiền trong giao dịch mua bán, còn thừa nhận tính hợp pháp của giao dịch này họ hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
Còn nữa không nhỉ? Anh/chị/bạn nào nếu biết thì bổ sung giúp em với nhé!